Mở các "nút thắt" lớn để vực dậy đà tăng trưởng cả năm 2021 - Lao Động
- Nhận đường liên kết
- X
- Ứng dụng khác
"Cú sốc" tăng trưởng âm trong quý III/2021 đã tác động rất lớn đến tăng trưởng cả năm 2021, cần có giải pháp kịp thời để ổn định sản xuất, kinh doanh.
Dự báo sản xuất, kinh doanh tốt hơn trong quý IV
Theo Tổng cục Thống kê, kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý III/2021 cho thấy, 13,2% số doanh nghiệp đánh giá tốt hơn so với quý II/2021; 25,4% số doanh nghiệp cho rằng, tình hình sản xuất kinh doanh ổn định và 61,4% số doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn.
Khảo sát về triển vọng sản xuất kinh doanh quý IV/2021, cũng cho kết quả: 43,4% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên so với quý III/2021; 26,3% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn và 30,3% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định.
Trong đó, khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có đánh giá lạc quan nhất: 79,4% số doanh nghiệp dự báo tình hình sản xuất kinh doanh quý IV/2021 tốt hơn và giữ ổn định so với quý III/2021; tỉ lệ này ở khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước và doanh nghiệp Nhà nước lần lượt là 71,8% và 68,8%... Nhận định về xu hướng quý IV/2021 so với quý III/2021, có 43,5% số doanh nghiệp dự báo khối lượng sản xuất tăng; 23,9% số doanh nghiệp dự báo giảm và 32,6% số doanh nghiệp dự báo ổn định.
Những "điểm nghẽn" cần khơi thông để vực dậy sản xuất, kinh doanh
Theo các chuyên gia kinh tế, Việt Nam đã chuyển sang giai đoạn bình thường mới, tư duy "zero COVID" đã không còn phù hợp. Do đó, mọi giải pháp cũng phải thay đổi để thích ứng, đạt hiệu quả, nhằm triển khai song song 2 nhiệm vụ: Vừa chống dịch thành công, vừa sản xuất, kinh doanh hiệu quả để lấy lại đà tăng trưởng ở quý cuối và cả năm 2021.
Theo đó, Chính phủ chỉ đạo bộ, ngành, các cơ quan liên quan khẩn trương ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện miễn, giảm các loại thuế, phí, tiền điện, nước và các biện pháp đã nêu trong Nghị quyết 105/NQ-CP.
Đặc biệt, cần tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tăng ít nhất 30% số lượng các thủ tục hành chính liên quan tới doanh nghiệp được thực hiện theo phương thức điện tử, không tiếp xúc; rút ngắn 1/3 các thời hạn quy định cho các thủ tục này...
Theo đó, để doanh nghiệp có thể hoạt động sớm trở lại một cách an toàn, hiệu quả, Bộ trưởng Bộ KHĐT Nguyễn Chí Dũng đề nghị Bộ Y tế khẩn trương ban hành Hướng dẫn lộ trình trở lại trạng thái “bình thường mới” và triển khai các hoạt động kinh tế, xã hội đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tổ chức sản xuất kinh doanh sớm nhất trong điều kiện đảm bảo an toàn phòng chống dịch, trong đó, cần có hướng dẫn cụ thể điều kiện tổ chức sản xuất an toàn trong tình hình mới để các địa phương và doanh nghiệp áp dụng trong thực tế.
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước tiếp tục có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp mạnh hơn như: Nới hạn mức tín dụng; miễn giảm, vay ưu đãi lãi suất thấp, nâng hạn mức tài sản thế chấp để tăng giá trị vốn vay lưu động từ 70% lên mức cao hơn.
"Đặc biệt, cần tăng cơ hội tiếp cận vốn cho khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ, các hộ kinh doanh... dưới hình thức các Quỹ bảo lãnh tín dụng, Quỹ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa... để có thể sản xuất trong bối cảnh khắc nghiệt hiện nay" - Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công nhấn mạnh.
Còn theo chuyên gia kinh tế - PGS.TS Nguyễn Trí Hiếu, để vực dậy sản xuất, tạo đà cho tăng trưởng, cần hỗ trợ mạnh tay cho người lao động mất việc. Chính phủ nên có những chương trình hỗ trợ quy mô lớn cho người thất nghiệp, bởi "gói hỗ trợ mới đây 1,5 triệu đồng cho người lao động ở TPHCM chỉ là “muối bỏ biển”.
"Người lao động mất việc cần có hỗ trợ mỗi tháng tối thiểu 1 triệu và kéo dài từ 3-6 tháng” – PGS.TS Nguyễn Trí Hiếu khẳng định.
- Nhận đường liên kết
- X
- Ứng dụng khác
Nhận xét
Đăng nhận xét