Miền Trung VN: Dịch chưa qua, bão sắp đến!

RFA

2021-09-30 

Miền Trung VN: Dịch chưa qua, bão sắp đến!Ảnh minh họa.
 RFA



















Chống dịch & bão

Bà Lê Thị Xuân Lan - nguyên Phó trưởng phòng dự báo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ - hôm 27/9 cho truyền thông Nhà nước hay trang dự báo Meteostar.com vừa phát cảnh báo đầu tháng 10 sẽ có một vùng áp thấp vượt qua Philippine vào Biển Đông và mạnh lên thành bão, hướng di chuyển về miền Trung Việt Nam.

Liên tục trong ba ngày qua từ 27/9 đến nay các khu vực miền Bắc và Trung, Tây Nguyên Việt Nam có mưa lớn, gây sạt lở và ngập úng nghiêm trọng, báo hiệu mùa mưa bão đang bắt đầu ập đến.

Nhiều người dân ở thành phố Đà Nẵng (không muốn nêu tên) cho biết, họ đã chuẩn bị tinh thần chống bão vì năm nào cũng sẽ có, tuy nhiên năm nay đang giữa cao điểm dập dịch COVID-19 mà lại hứng thêm bão, họ chưa biết ra sao:

“Năm nào tới mùa mưa bão là phải chèn chắn, năm nay đặc biệt có dịch rồi mưa bão thấy cuộc sống khó khăn nhưng riết rồi mình khắc phục chứ nhà nước cũng quan tâm hết sức rồi.”

“Cuộc sống đương nhiên khó khăn vì dịch bệnh kéo dài năm mấy, hai năm tái đi tái lại hoài, cũng coi như cố gắng sống qua ngày. Giờ bão đến, thiên tai đến mình không biết được thì phải cố gắng.

Chuyện mưa bão đến coi như mình không muốn nó cũng đến, mình cũng lo chằn chống trước chứ sao không lo. Ví dụ nhà mình chắc chắn trước thì đỡ hơn, còn nhà mình tạm bợ thì phải cố gắng.”

Theo dự báo, khoảng ngày 5/10 bão sẽ di chuyển tây tây bắc hướng về miền Trung Việt Nam.

Bà Xuân Lan cũng nói thêm do dự báo xa nên chưa thể khẳng định vị trí bão sẽ đổ bộ, nhưng có thể dự báo vào miền Trung.

Nhiều người dân tại thành phố đáng sống nhất Việt Nam nói với phóng viên RFA rằng thông qua các trang mạng xã hội họ cũng nắm được miền Trung sắp có bão nên hiện giờ, nhiều gia đình đã bắt đầu chuẩn bị chằng chống, đối phó đợt bão sắp tới:

“Mình bỏ cát lên tole, bỏ đồ lên mái nhà, chuẩn bị hết rồi, giờ dân vô thông tin, lên mạng, họ cũng chuẩn bị.”

“Giờ thiên tai đến thì phải chịu, mình phải cố gắng khả năng của mình đến đâu thì hay đến đó chứ chẳng biết được.

Khi bão đến mình cũng chằng chống, trước mắt là bỏ cát, căng dây, cọc dây vậy thôi, còn khi nó vô thì bay ra sao không biết đường.

Mình tự lo chứ cũng chưa có ai đến nhắc nhở hay hỗ trợ gì, chưa thấy.”

Lo sợ …

Tuy chính quyền Đà Nẵng chưa thông báo cho các hộ dân về tin bão sắp đến nhưng người dân ở đây cho biết, phía chính quyền đã có những động thái chuẩn bị đón bão:

“Mấy bữa nay em thấy hình như bên công ty môi trường đô thị họ đi tỉa cây, tỉa cành, nói chung bắt đầu vô mùa mưa bão rồi đó.”

9302.jpg

Tuy vậy, vẫn theo lời người phụ nữ không muốn nêu tên vừa nói, do chịu ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh COVID-19 trong thời gian dài vừa qua, nên giờ cô muốn buông xuôi, không chuẩn bị gì hết:

“Dịch cứ ở nhà hoài, không được đi làm mà giờ còn mưa bão thì cũng lo lắng vậy, nhưng cuộc sống thì vẫn phải tiếp diễn.

Như chỗ nhà em bao nhiêu mùa mưa bão ví dụ nếu có chuyện gì thì nhà nước phải di tản, còn không mình tự lo. Ví dụ nếu dự báo thời tiết báo khả năng bão mạnh thì dân tự chằng chống giúp nhau, còn nếu dự báo thời tiết mà nhẹ thì thôi, cũng bình thường.”

Còn theo một người dân khác, bão lũ năm nào cũng kéo về nhưng riêng năm nay, người dân đã hoàn toàn kiệt sức khi phải chống chọi với dịch COVID-19 trong thời gian quá dài nên giữa việc lo bão đến đối với họ không lớn bằng việc lo thiếu ăn do đại dịch gây ra:

“Giờ nhờ sự may rủi của trời thôi chứ khi dịch triền miên bà con sống nhờ mạnh thường quân, sống nhờ sự hỗ trợ đây đó nên đã thất thần biết bao nhiêu thời gian dịch, giờ tới bão nói chuẩn bị cũng không biết lấy gì chuẩn bị. Nói chung không còn nguồn lực để chuẩn bị.

Năm nay là ngàn năm có một, chưa năm nào thê lương như năm này, không phải thê lương một thời điểm gì, thê lương triền miên, hai năm liền, kéo tới bây giờ vẫn chưa dứt.

Nói thiệt giờ là lo sợ chứ không thể lo lắng được vì bây giờ không có một tiềm lực, nguồn lực hay sức lực nào lo lắng nữa, chỉ biết lo sợ thôi. Giờ dịch mà dập tới dập lui chỉ có dân chết chứ con vi-rút không chết. Bây giờ dân chỉ biết lo lắng cơn bão chứ chẳng biết làm gì hơn.”

Cũng theo chia sẻ của người dân miền Trung, dịch COVID-19 kéo dài gần hai năm qua khiến họ kiệt sức. Một bức tranh ảm đảm đang hiện ra trước mắt họ khi công việc bị mất, tiền bạc, lương thực cạn dần vì ở nhà hàng tháng trời. Khốn khó, thiếu thốn, đói kém là những cụm từ họ diễn tả về cuộc sống hiện tại.

“Tôi cũng lo dữ lắm. Lo cái ăn thôi, trông cho dịch bệnh qua mau để mình làm mới có chi tiêu trong cuộc sống hằng ngày.

Như đợt dịch vừa rồi cũng có hỗ trợ 500 ngàn, trong 20 ngày dừng mọi hoạt động của thành phố bên thôn cho được rau, bắp cải.”

Ông Hồ Kỳ Minh, Phó chủ tịch TP Đà Nẵng vào ngày 24/9 cho hay thành phố dự kiến sẽ nới lỏng giãn cách xã hội, thay vì áp dụng Chỉ thị 16 sẽ hạ xuống Chỉ thị 19 vào đầu tháng 10, cụ thể từ ngày 1-15/10.

Vào trung tuần tháng 9, sau khi miền Trung kết thúc đợt mưa lớn diện rộng do ảnh hưởng của bão số 5, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết cao điểm mùa mưa bão năm nay ở miền Trung là vào tháng 10, 11 và có thể kéo dài đến tháng 12.

Dù không hứng chịu liên tiếp 4-5 cơn bão trong một tháng như năm 2020, miền Trung vẫn có khả năng chịu ảnh hưởng của 2-3 cơn nối nhau vào Biển Đông trong thời gian tới.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?