Nhật Bản: Bộ trưởng Taro Kono 'ủng hộ khả năng có tàu ngầm nguyên tử'
BBC
Ứng viên hàng đầu cho chức lãnh đạo đảng Tự do Dân chủ, và có khả năng làm thủ tướng Nhật Bản, Taro Kono bày tỏ sự ủng hộ để nước này có tàu ngầm nguyên tử.
Theo các báo Nhật, hôm 26/09/2021, trong tranh luận để trình bày đường lối nhằm giành chức lãnh đạo đảng Tự do Dân chủ Nhật Bản (LDP), Bộ trưởng Kono đã coi việc xây dựng cơ chế phòng thủ "bằng tàu ngầm nguyên tử" là bước đi quan trọng cho quốc gia.
Tờ Japan Times cùng ngày cho biết hai ứng viên của LDP ủng hộ việc có tàu ngầm nguyên tử, nhưng hai người khác phản đối.
Cựu Bộ trưởng Nội vụ Sane Takachi cũng tỏ ra đồng tình với ý tưởng sở hữu tàu ngầm nguyên tử, nhưng cựu Chủ tịch Hội đồng nghiên cứu chính sách của LPD ông Fumio Kishida và đương kim quyền tổng thư ký đảng, Seiko Noda thì tỏ ra dè dặt.
Tuy thế, các báo Anh, Ấn Độ chú ý đến quan điểm của ông Taro Kono, cựu Bộ trưởng Ngoại giao, Quốc phòng và hiện là Bộ trưởng phụ trách cải tổ của chính phủ Nhật.
Viết trên trang The Diplomat, Steven Stashwick, một chuyên gia về an ninh châu Á, cho rằng ông Kono có vẻ như phải tỏ ra cứng rắn vì thách thức đến từ bà Takachi.
Bà Sane Takachi có quan điểm "diều hâu" và từng bày tỏ mong muốn để Hoa Kỳ triển khai tên lửa tầm xa trên đất Nhật, điều các nước trong vùng như Bắc Hàn và Trung Quốc rất e ngại.
Còn ông Kishida nêu quan điểm rằng Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản chỉ hoạt động ở vùng biển quanh đất nước này nên việc sở hữu tàu ngầm hạt nhân - có tầm vươn xa, và khả năng ở dưới mặt nước gần như vô hạn - là không cần thiết.
Hiện Nhật Bản đã có các tàu ngầm diesel-điện hiện đại, theo tờ Nikkei Asia Review.
Chuyển hướng chiến lược?
Ông Kono là ứng viên hàng đầu có cơ hội lên thay ông Yoshige Shuga làm thủ tướng Nhật Bản tới đây.
Theo trang The Diplomat chuyên về chính trị châu Á, ông Kono thừa nhận việc xây dựng hệ thống phòng thủ bằng tàu ngầm nguyên tử là rất phức tạp, và vì thế, dư luận không nên coi lời của ông là "một cam kết" theo đuổi chương trình đó.
Ông cũng đặt câu hỏi là còn phải biết "địa phương nào của Nhật sẵn sàng nhận làm căn cứ tàu ngầm, chi phí vận hành có thực tiễn không...."
Tuy chưa có hàng không mẫu hạm, Nhật Bản đã thiết kế và hạ thủy tàu chở trực thăng JS Izumo có khả năng triển khai xa trong chiến sự trên biển nếu cần.
Các báo tiếng Anh ghi nhận cuộc thảo luận về tàu ngầm nguyên tử ở Nhật Bản, nước lo ngại Trung Quốc trên biển, trên không, xảy ra sau khi Úc đồng ý triển khai chương trình tàu ngầm nguyên tử của họ với sự trợ giúp từ Anh và Mỹ, theo hiệp ước an ninh Aukus.
The Diplomat nói Đô đốc Mike Gilday, Tư lệnh Hải quân Hoa Kỳ, gọi hiệp ước này là "cú ngoạn mục" trước nhu cầu an ninh chung và thách thức từ hải quân Trung Quốc.
Theo các báo Úc thì chính quyền Scott Morrison đã thông báo cho Nhật Bản và Ấn Độ - trong Bộ Tứ về an ninh khu vực - về kế hoạch Aukus trước khi các nước châu Âu được nghe...từ báo chí.
Dù vấn đề được nêu ra chỉ gói gọn trong một diễn đàn tại Nhật Bản, nó đã thể hiện một xu hướng tăng cường vũ trang trong vùng châu Á-Thái Bình Dương những năm qua và trong tương lai.
Xem thêm:
Nhận xét
Đăng nhận xét