EU rơi vào mông lung hậu Merkel - VNExpress
Thứ sáu, 1/10/2021, 05:00 (GMT+7)
Việc Đức chưa có lãnh đạo mới khiến EU chưa thể xác định chính sách sắp tới của nước này, trong khi Berlin đóng vai trò định hình liên minh.
Theo kết quả kiểm phiếu sơ bộ hôm 27/9, đảng Dân chủ Xã hội (SPD) đã giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử tại Đức với 25,7% số phiếu, cao hơn đảng Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) của Thủ tướng Angela Merkel với 24,1% số phiếu.
Do không giành được tỷ lệ đa số, SPD sẽ phải lập liên minh với đảng khác để thành lập chính phủ mới và chọn người lãnh đạo nước Đức. Trong trường hợp SPD không lập được liên minh cầm quyền, cơ hội sẽ được trao cho CDU, khi họ chỉ kém SPD chưa tới 2% số phiếu.
Lãnh đạo SPD Olaf Scholz, người đang chiếm ưu thế trong "cuộc đua song mã" đến ghế thủ tướng Đức với lãnh đạo CDU Armin Laschet, cho biết ông lạc quan rằng một chính phủ mới có thể được thành lập trước Giáng sinh.
Trong khoảng thời gian thiếu tiếng nói của Đức, mặt tích cực đối với Liên minh châu Âu (EU) là họ không phải đưa ra nhiều quyết định lớn trong những tuần tới, cũng đang không đối mặt cuộc khủng hoảng nào lớn đến mức như Brexit, đòi hỏi phải có hành động ngay lập tức.
Tuy nhiên, giới quan sát nhận định giai đoạn bình lặng này có khả năng chấm dứt đột ngột. Giới chức EU vốn đang xem xét những đề xuất sửa đổi quy định của khối về thâm hụt và nợ, quá trình từng bị đình trệ do ảnh hưởng của Covid-19. Cuộc thảo luận được cho là sẽ dẫn đến những quyết định quan trọng, giữa lúc EU nỗ lực vượt qua khủng hoảng kinh tế sau đại dịch.
Công việc này được đánh giá khá cấp bách, bởi khi các chính phủ trình kế hoạch ngân sách lên EU vào mùa xuân năm sau, họ cần biết những quy định năm 2023 sẽ như thế nào. Nếu không có sự chắc chắn, các chính phủ có thể cắt giảm kế hoạch chi tiêu.
Chưa rõ liên minh cầm quyền tiếp theo tại Đức sẽ có lập trường ra sao về vấn đề này. Scholz từng phản đối nới lỏng quy định, nhưng các quan chức trong đảng SPD thân cận với ông ám chỉ rằng họ vẫn có khả năng sẽ linh hoạt.
Scholz cũng tỏ ra không ngại tăng chi tiêu ngân sách công trong thời kỳ đại dịch. Ông đóng vai trò chủ chốt thành lập quỹ phục hồi Covid-19 trị giá 750 tỷ euro (880 tỷ USD) của EU. Với vai trò bộ trưởng tài chính Đức, Scholz còn triển khai một trong những nỗ lực kích cầu quốc gia lớn nhất châu Âu.
Đảng SPD của Scholz muốn tăng cường đầu tư công vào các dự án xanh và số hóa, tương tự phương hướng của đảng Xanh, bên có khả năng sẽ nằm trong liên minh cầm quyền mới. Tuy nhiên, đảng Dân chủ Tự do (FDP), một đối tác thành lập liên minh tiềm năng khác, lại khá bảo thủ về vấn đề tài chính giống như đảng CDU.
Dù vậy, Jacob Kirkegaard, chuyên gia cấp cao tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson của Mỹ, chỉ ra rằng cả hai đảng giành nhiều phiếu nhất đều có những kế hoạch chi tiêu lớn, nên liên minh cầm quyền mới của Đức có lẽ sẽ không phủ quyết những cải cách.
"Tôi cho rằng cuộc bầu cử tại Đức sẽ mang đến những thay đổi quan trọng đối với chính sách kinh tế trong nước, từ đó ảnh hưởng đến các vấn đề kinh tế của châu Âu. Nếu không, các cử tri của SPD và đảng Xanh đều sẽ cảm thấy thất vọng", Kirkegaard phân tích, bất chấp một số ý kiến cho rằng khả năng này chưa chắc chắn.
Một vấn đề khác mà Đức cần tham gia thảo luận là việc Pháp thúc đẩy EU theo đuổi chính sách quốc phòng tự chủ hơn. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sẽ đảm nhiệm chức chủ tịch luân phiên của EU vào tháng 1/2022, tạo nền tảng để ông định hình các kế hoạch của khối trước khi đối mặt với cuộc bầu cử vào tháng 4. Sau căng thẳng dữ dội với Mỹ về AUKUS, thỏa thuận tàu ngầm giữa Mỹ, Anh và Australia, giới chức Pháp tỏ ra quyết tâm nâng cao năng lực quốc phòng và an ninh của EU.
Đức vẫn phân vân giữa việc ủng hộ hợp tác quốc phòng sâu rộng hơn trong nội bộ EU và tránh gây suy yếu quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Dương, cũng như Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Trong khi đảng Xanh thúc đẩy chính sách cương quyết hơn với Trung Quốc và Nga, SPD từng nhiều lần phản đối tăng chi tiêu quân sự của Đức, một trở ngại đối với tham vọng của EU.
Dưới sự kêu gọi của Pháp, EU đang lập danh sách các nhu cầu chính về năng lực quốc phòng của khối trong những năm tới. Brussels đã đề cập đến kế hoạch thành lập lực lượng phản ứng nhanh gồm 5.000 người và Pháp dự kiến tổ chức hội nghị thượng đỉnh quốc phòng châu Âu vào đầu năm sau.
Một số nước, đặc biệt ở đông Âu, dường như lo ngại kế hoạch tự chủ chiến lược của Macron có thể làm suy yếu NATO, nên đang tìm kiếm sự hỗ trợ của Đức.
Piotr Buras, người đứng đầu văn phòng tại Ba Lan của Hội đồng châu Âu về Quan hệ Đối ngoại, cho biết một liên minh do SPD dẫn đầu có thể khiến Pháp thất vọng. Theo Buras, những quan điểm của SPD về chi tiêu, cùng sự nghi ngờ đối với máy bay không người lái vũ trang và chính sách chia sẻ hạt nhân của NATO, cho thấy thái độ thận trọng trước việc gia tăng sức mạnh. "Tôi nghĩ Đức sẽ trở thành đối tác ít tin cậy hơn so với thời bà Merkel", Buras đánh giá.
Ngoài sự mông lung về quan điểm chính sách của chính phủ tiếp theo tại Đức, một số người lo lắng liệu Scholz, hoặc bất kỳ ai kế nhiệm bà Merkel, có thể hiện được kỹ năng đàm phán hay tạo ra tầm ảnh hưởng như Thủ tướng Đức hay không. Những yếu tố này được cho là rất quan trọng để duy trì đoàn kết trong EU.
Một số người khác lại hy vọng sự ra đi của bà Merkel sẽ giúp tái cân bằng quyền lực trong EU, tạo điều kiện để những người ủng hộ tăng cường hợp tác kinh tế, an ninh và bớt thận trọng hơn như Tổng thống Pháp Macron hay Thủ tướng Italy Mario Draghi xây dựng chương trình nghị sự. Scholz cũng từng nhiều lần bày tỏ ủng hộ một EU gắn kết và tự chủ hơn.
Tuy nhiên, nhiều quan chức tin rằng bất chấp khó khăn trong việc đạt được đồng thuận về các vấn đề, khả năng thay đổi quyền lực từ Berlin sang Paris vẫn là điều xa vời.
"Tôi không nghĩ sự ra đi của bà Merkel đồng nghĩa với Pháp hoặc Italy sẽ dẫn dắt châu Âu, mà là châu Âu sẽ không có lãnh đạo cho tới khi chính phủ mới của Đức vào cuộc", Shahin Vallee, cựu cố vấn kinh tế cho chủ tịch Hội đồng châu Âu, nhận xét.
Nhận xét
Đăng nhận xét