Quanh chuyện Việt Nam tăng cường mua vắc xin COVID-19 của Trung Quốc

Diễm Thi, RFA

2021-09-30

Quanh chuyện Việt Nam tăng cường mua vắc xin COVID-19 của Trung QuốcMột phụ nữ đang được tiêm vắc xin Sinopharm ngừa Covid-19 tại Hà Nội vào ngày 10 tháng 9 năm 2021.
 AFP

Dân không có lựa chọn dù hiệu quả kém

Tính đến ngày 1 tháng 9 năm 2021, Việt Nam đã nhập về tổng cộng 5.700.000 liều vắc-xin Trung Quốc, trong đó gồm 500 ngàn liều đầu tiên là do Trung Quốc tặng có điều kiện; 200 ngàn liều do Bộ quốc phòng Trung Quốc tặng Bộ quốc phòng Việt Nam và năm triệu liều còn lại là do công ty Vạn Thịnh Phát đặt mua (số liệu theo truyền thông Nhà nước Việt Nam).

Vắc-xin Trung Quốc từ lâu bị người dân Việt Nam phản đối do hiệu quả không cao kèm tâm lý ‘bài Hoa’, không tin vào bất cứ sản phẩm nào từ Trung Quốc. Tuy vậy, người dân cũng không còn lựa chọn nào khác khi chính quyền ban hành quy định không chích vắc-xin thì không được tham gia sinh hoạt ngoài xã hội bằng các loại ‘thẻ xanh, thẻ vàng’. Tất cả đều liên quan số liều vắc-xin đã được chích, trong khi số lượng các loại vắc-xin như Pfizer, Moderna, AstraZeneca mà Việt Nam hiện có không thể đủ cho toàn dân.

Thành phố Hồ Chí Minh dự kiến áp dụng ‘thẻ xanh, thẻ vàng COVID-19’ để kiểm soát mức độ tham gia xã hội của người dân, doanh nghiệp khi mở cửa, phục hồi kinh tế. Thẻ xanh sẽ cấp cho người đã khỏi bệnh hoặc người tiêm đủ hai mũi vắc-xin dưới 65 tuổi, không bệnh nền; người đã khỏi bệnh hoặc người đã tiêm đủ hai mũi vắc-xin trên 65 tuổi, có bệnh nền, suy giảm miễn dịch. Thẻ vàng được cấp cho người tiêm một mũi vắc-xin.

Chính quyền địa phương ở một số nơi ra những văn bản buộc người dân phải chích ngừa, nếu không sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu làm lây lan dịch ra cộng đồng. Một trong những văn bản nghe vô lý nhưng có thật đó được phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai - Hà Nội ban hành hôm 18 tháng 9. Nội dung ghi rõ: “Đối với những trường hợp trong độ tuổi nhưng từ chối tiêm chủng, yêu cầu người dân ký cam kết với UBND phường về việc không tiêm chủng, nêu rõ lý do và cam kết chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật nếu là nguyên nhân làm lây lan dịch bệnh trong cộng đồng.”

Tôi không đồng ý chích vắc-xin do Trung Quốc sản xuất, vì tôi không tin vắc-xin đó, cả về khoa học và chính trị, cũng như truyền thống sản xuất hàng độc hại cho Việt Nam của chúng. - Bác sĩ Võ Xuân Sơn

Cuối năm 2020, trong lúc cả thế giới chạy đua với vắc-xin ngừa COVID-19 thì Trung Quốc dường như đạt bước tiến lớn khi hai loại vắc-xin của Trung Quốc được sản xuất bởi công ty Sinovac là CoronaVac và công ty Sinopharm là Vero Cell được phân phối ra nước ngoài. Nhưng sau đó thực tế cho thấy hiệu quả của hai loại này không cao.

Theo thông tin từ báo Công an Nhân dân hôm 11 tháng 4 năm 2021, ông Gao Fu, Giám đốc Trung tâm Phòng chống dịch bệnh (CDC) Trung Quốc xác nhận vắc-xin ngừa COVID-19 do nước này chế tạo có tỷ lệ bảo vệ không cao và các chuyên gia đang cân nhắc kết hợp các mẫu vắc-xin khác nhau để tăng hiệu quả.

Cũng trong tháng 4, báo Tuổi trẻ có bài viết “Chile bị COVID-19 'nhấn chìm' vì ỷ lại vào vắc-xin Trung Quốc”. Theo đó, dù nằm trong top đầu thế giới về tỉ lệ tiêm chủng nhưng Chile vẫn bị COVID-19 nhấn chìm, do hoàn toàn ỷ lại vào vắc-xin CoronaVac của Trung Quốc.

Đầu tháng 6, bản tin của Reuters cho hay, một nghiên cứu của Peru cho thấy vắc-xin của Sinopharm chỉ có hiệu quả 50,4%. Còn các nước tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) và quốc gia Bahrain đã tuyên bố sử dụng vắc-xin Pfizer để làm liều chích bổ sung cho những người đã chích vắc-xin Sinopharm của Trung Quốc. 

000_9MJ9AZ.jpg
Y tá chuẩn một liều vaccine Sinopharm tại một trung tâm y tế ở Hà Nội hôm 10/9/2021. AFP

Tiến sĩ Khoa học Nguyễn Hồng Vũ ở Hoa Kỳ nhận định về vắc-xin Trung Quốc với RFA qua ứng dụng Facebook Messenger tối 29 tháng 9 rằng, việc sử dụng vắc-xin Trung Quốc nên là sự lựa chọn cuối cùng, vì cho đến nay, giới khoa học rất khó tiếp cận với số liệu gốc của vắc-xin Sinopharm. Mặc dù WHO đã chấp thuận danh sách hai loại vắc-xin của Trung Quốc là Sinopharm và Sinovac, nhưng các tổ chức của châu Âu như EMA và Mỹ như FDA thì vẫn chưa chấp nhận sử dụng các vắc-xin này ở nước họ.

Bác sĩ Võ Xuân Sơn, Giám đốc phòng khám EXSON ở Thành phố Hồ Chí Minh thì khẳng định:

“Tôi không đồng ý chích vắc-xin do Trung Quốc sản xuất, vì tôi không tin vắc-xin đó, cả về khoa học và chính trị, cũng như truyền thống sản xuất hàng độc hại cho Việt Nam của chúng.”

Vì sao Việt Nam vẫn mua?

Hôm 29 tháng 9 năm 2021, Phó thủ tướng Lê Minh Khái ký quyết định bổ sung kinh phí cho Bộ Y tế để mua và tiếp nhận 20 triệu liều vắc-xin ngừa COVID-19 Vero Cell của Tập đoàn Sinopharm, Trung Quốc. Dư luận cho rằng, chính quyền buộc phải mua vắc-xin từ Trung Quốc vì mối quan hệ “môi hở -răng lạnh” xưa nay dù biết rõ người dân phản đối loại vắc-xin này. 

TS-BS Đinh Đinh Đức Long nêu quan điểm của ông về việc này:

“Về mặt pháp lý thì vắc-xin Trung Quốc đã được Tổ chức Y tế Thế giới công nhận rồi. Nó cũng tương tự như các vắc-xin khác nhưng lại không được Mỹ công nhận. Như vậy, về hành lang pháp lý thì nó tương đối chặt chẽ. Chỉ tương đối thôi. Còn về hiệu quả thì chưa thể nói được, vì một sản phẩm y tế, thuốc men…có tác dụng ngắn hạn và dài hạn. Đó là cái thứ nhất.  

Cái thứ hai, quan hệ Việt Nam và Trung Quốc lâu nay như tuyên bố của hai đảng là quan hệ anh em, 16 chữ vàng, 4 tốt cho nên việc mua vắc-xin Trung Quốc còn có ý nghĩa về cân bằng chính trị. Bởi trong thời gian qua Việt Nam nhận tàu chiến của Nhật, của Mỹ thì cũng phải có cái gì từ Trung Quốc chứ. Một chính sách có thể tốt với người này mà không tốt với người khác là chuyện bình thường.” 

Một người trong giới quan sát tình hình kinh tế, chính trị trong và ngoài nước, Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp nhận định:

vắc-xin Trung Quốc thì hiệu quả nó thấp, chỉ hơn 60% trong khi Pfizer, Morderna hiệu quả trên 90%. Thế nhưng Việt Nam không thể mua được nhiều các loại vắc-xin của Mỹ, Anh…Đây là lý do Việt Nam phải mua vắc-xin Trung Quốc vì bây giờ họ cuống lên rồi. Giữa cái chết và cái sống thì thà sử dụng vắc-xin hiệu lực thấp nhưng sống còn hơn không có. Đành phải mua mà tiêm. -Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp

“Vắc-xin Trung Quốc thì hiệu quả nó thấp, chỉ hơn 60% trong khi Pfizer, Morderna hiệu quả trên 90%. Thế nhưng Việt Nam không thể mua được nhiều các loại vắc-xin của Mỹ, Anh…

Trước đây Việt Nam tính tổng số vắc-xin cần là 140 triệu liều, bây giờ họ tính lại là gần 200 triệu liều. Đến nay số vắc-xin về đến Việt Nam mới chỉ khoảng 40 triệu. Như vậy cần thêm khoảng 160 triệu liều nữa. Bây giờ không mua ở đâu được cả nên đành phải mua của Trung Quốc. Tính ra tổng số vắc-xin có liên quan đến Trung Quốc ở Việt Nam hiện giờ là gần 10 triệu liều. Ký mua khoảng 40 triệu liều nữa. Nhưng nếu so với số vắc-xin Việt Nam cần thì vẫn còn thiếu khoảng 100 triệu liều nữa.

Đây là lý do Việt Nam phải mua vắc-xin Trung Quốc vì bây giờ họ cuống lên rồi. Giữa cái chết và cái sống thì thà sử dụng vắc-xin hiệu lực thấp nhưng sống còn hơn không có. Đành phải mua mà tiêm.”

Ông Hà Hoàng Hợp nói thêm rằng, nếu nhìn từ bên ngoài thì nghĩ Việt Nam vì ngoại giao chính trị mà phải mua vắc-xin Trung Quốc về tiêm cho dân. Nhưng thực chất bên trong không phải như thế. Việt Nam không thể mua ở đâu khác vì các nước phương Tây sản xuất không kịp cho họ mà Việt Nam thì đến sau. Nước xếp hàng rất xa làm sao có thuốc mà mua vào lúc này.

 

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?