VN: Chính sách chống dịch có gây khó cho người làm từ thiện?

 

  • Bùi Thư
  • BBC News Tiếng Việt
Quán cơm Nụ cười

NGUỒN HÌNH ẢNH,QUÁN CƠM NỤ CƯỜI

Chụp lại hình ảnh,

MC Giáng Ngọc cũng là tình nguyện viên tại Quán cơm Nụ cười

Với những ồn ào về việc sao kê khi các nghệ sĩ Việt Nam làm từ thiện, liệu chính phủ có nên ban hành chính sách về việc làm thiện nguyện? Và người làm từ thiện mong muốn gì ở chính phủ để hoạt động này tốt hơn?

Trong chương trình Đa chiều Nhiều ý của BBC News Tiếng Việt, nhà báo Nguyễn Tập cùng doanh nhân Hoàng Luyến đã chia sẻ một vài bất cập trong chính sách khiến công việc thiện nguyện gặp khó khăn.

Các quy định 'đá với nhau'

Nhà báo Nguyễn Tập hiện là hỗ trợ viên của Quán cơm Nụ cười 1, 2, 6. Theo anh, đây là địa điểm ăn trưa quen thuộc với bà con lao động, những người nghèo vì mỗi bữa chỉ có giá 2.000 đồng nhưng đủ món mặn, món xào, món canh và cơm "ăn bao no".

Theo anh Tập, từ khi Sài Gòn bắt đầu những hạn chế nghiêm ngặt để chống dịch, các quán cơm phải tăng suất ăn từ 500 một bữa lên gần gấp đôi nhưng vẫn không đủ. Nhưng ngày 9/7, TP HCM thực hiện chỉ thị 16, tức không tụ tập quá hai người nơi công cộng và gười dân phải ở nhà, chỉ ra ngoài khi thật sự cần thiết.

Người dân đến Quán cơm Nụ cười luôn đảm bảo giữ khoảng cách theo quy định của nhà nước

NGUỒN HÌNH ẢNH,QUÁN CƠM NỤ CƯỜI

Chụp lại hình ảnh,

Người dân đến Quán cơm Nụ cười luôn đảm bảo giữ khoảng cách theo quy định của nhà nước

Thời điểm này, Quán cơm Nụ cười buộc phải đóng cửa dù quán luôn cử người ra để giữ khoảng cách đúng hai mét nhưng mà vẫn không được chấp nhận.

"Dù chính quyền không cấm những hoạt động bếp cơm từ thiện , rất cởi mở. Nhưng bên cạnh đó lại có quy định là không tụ tập quá hai người. Vậy thì hai điều này đá với nhau. Thời điểm này mọi người còn tới được quán mang về. Dù chúng tôi đã đưa người ra giữ khoảng cách đúng hai mét mỗi người nhưng cũng bị yêu cầu dẹp là vì tụ tập quá hai người, chứ không phải vì vi phạm giãn cách. Vậy thì điều này không có thực tế."

Từ đó, hỗ trợ viên Quán cơm Nụ cười nhận định:

"Tôi nghĩ đó là một trong những bất cập khiến mình không vận động được hết nguồn lực trong dân. Chuyện ngăn song cấm chợ, rồi 'Ai ở đâu ở yên đó' là lúc cần hơn những hoạt động thiện nguyện, những bếp cơm. Lực lượng bộ đội chỉ có thể đáp ứng 3-4% nhu cầu của người dân. Vậy còn tới 90 mấy phần trăm nhu cầu của người dân thì thế nào? Ai giải quyết được chuyện đó đây?

Quán cơm Nụ cười

NGUỒN HÌNH ẢNH,QUÁN CƠM NỤ CƯỜI

Còn doanh nhân Hoàng Luyến - người nhà sáng lập cũng như điều hành của Della Group thì gặp khó khăn về giấy đi đường. Chị Luyến mở bếp ăn từ thiện cho các y bác sĩ tuyến đầu và chương trình cung cấp bình oxy cho bệnh nhân Covid. Theo chị, dù có giấy đi đường nhưng vẫn bị chặn và có khi bị hỏi về tính thật giả của giấy này, dù chị có mã QR rõ ràng.

Còn nhà báo Nguyễn Tập cũng nhìn nhận, từ 23/8 khi có lệnh "Ai ở đâu ở yên đó", Quán cơm Nụ cười đã xin đủ mọi cách để xin được giấy đi đường nhưng đến ngày 8/9 mới được cấp.

"Chúng tôi đã cố gắng co cụm số lượng đăng ký ít nhất có thể để có thể nấu nướng, vận chuyển nhưng mà chỉ được cấp 30% số lượng giấy đi đường thì làm sao mở đây. Thậm chỉ bây giờ người cầm giấy đi đường chở một người nữa để cùng phụ cũng không được, gây phiền không đáng. Đi đường đã vậy rồi mà mỗi lần đi lại bi dồn ứ, lại tang nguy cơ lây lan." nhà báo chia sẻ.

Chính phủ nên chung tay

Từ những bất cập đó, chị Hoàng Luyến mong muốn chính quyền chỉ cần hỗ trợ cho những đội thiện nguyện như đội đưa rau, đội phản ứng nhanh hoặc những bếp ăn như chị anh Tập hơn và "không nên làm khó chuyện giấy đi đường".

"Giấy đi đường của mình được cấp bởi Thành đoàn thì 24/24 không cần phải hỏi giấy đi đường nữa. Và đó là luật."

"Nhưng có rất nhiều nơi, chốt trạm vẫn cứ hỏi giấy đi đường. Bên bếp ăn mình dễ dàng hơn một chút vì mình nấu cho bệnh viện nên bệnh viện lại cấp cho mình thêm giấy đi đường. Nhưng không phải bếp nào cũng nấu cho bệnh viện vì có nơi nấu cho F0 hoặc cho những hộ bị giãn cách."

"Mà nơi bị giãn cách thì không có một cá nhân nào có thể cấp giấy đi đường được. Đó là cái rất hạn chế để cho những bếp ăn từ thiện có thể tiếp tục. Ngoài ra còn việc đưa nguồn nguyên liệu tới cho bếp nữa. Nếu mà chính quyền hỗ trợ được phần đó thì đừng có kiểm tra quá gắt gao những bếp ăn từ thiện dù họ đã có giấy tờ rồi," chị Hoàng Luyến góp ý.

Hoàng Luyến

NGUỒN HÌNH ẢNH,HOÀNG LUYẾN

Chụp lại hình ảnh,

Một khẩu phần ăn của Della Kitchen cung cấp cho các y bác sỹ của ba bệnh viện lớn ở Sài Gòn

Còn nhà báo Nguyễn Tập đề xuất:

Anh nói thêm: "Nếu chỉ đứng dưới góc độ của mình mà nhận định thì cũng chủ quan. Vì thành phố hay trung ương thì họ có cái nhìn bao quát hơn khi mà đưa ra những quy định. Nhưng tôi nghĩ rằng tại sao mình lại không thể kết hợp được giữa những hoạt động dân sự với lại chính quyền. Những chuyện đó rất đơn giản."

"Nếu mình có được cơ chế, quy định linh động hơn thì càng đỡ hơn được nhiều đúng không. Hãy để cho người dân cùng giúp đỡ nhau, hãy tạo một sự thông thoáng và thậm chí chung tay với người dân chẳng hạn. Thí dụ như cùng tháng 7, bên Mặt trận tổ quốc hãy cử một người thôi cũng được, cùng phụ giữ khoảng cách với quán cơm, dù chúng tôi luôn cử người làm việc đó."

Minh bạch tiền từ thiện thế nào?

Khi câu chuyện về sao kê từ thiện đối với nghệ sĩ rộ lên, nhiều người đặt câu hỏi về chuyện minh bạch trong từ thiện.

Về vấn đề này, nhà báo Nguyễn Tập chia sẻ: "Từ ngày đầu thành lập, khi được hỏi về tài chính để vận hành quán cơm thì ba tôi có nói đại ý là: 'lòng tốt trong mỗi con người như mạch nước ngầm vậy, chỉ cần khơi đúng chỗ thì mạch nước đó sẽ không bao giờ cạn'. Mà thế nào là khơi đúng chỗ? Thì đó là minh bạch. Mọi hoạt động từ thiện thì nên càng minh bạch càng tốt. Khi đã minh bạch thì mọi người tự nhiên sẽ đóng góp và nguồn đó sẽ không bao giờ cạn."

Hỗ trợ viên Nguyễn Tập chuẩn bị các suất ăn cho người dân ở Quán cơm Nụ cười

NGUỒN HÌNH ẢNH,NGUYỄN TẬP

Chụp lại hình ảnh,

Hỗ trợ viên Nguyễn Tập chuẩn bị các suất ăn cho người dân ở Quán cơm Nụ cười

Theo anh, minh bạch cần phải được định lượng bằng một cách rất cụ thể, đó là kiểm toán.

"Từ lâu Quỹ từ thiện Bông Sen đã mời Ernst & Young, một trong bốn công ty kiểm toán lớn và uy tín nhất thế giới để kiểm toán mọi hoạt động của quỹ. Đó là l‎ý do vì sao rất nhiều nhà hảo tâm đóng góp ủng hộ cho chủ Quán cơm Nụ cười nói riêng cũng như các hoạt động từ thiện nói chung của Quỹ Bông Sen. Còn tôi chỉ là người kết nối đi, vận động nhà hảo tâm để đóng góp cho quán cơm." anh lý giải.

Còn chị Hoàng Luyến bộc bạch chị đã làm từ thiện gần 20 năm nhưng từ trước giờ chỉ làm bằng nguồn tài chính của riêng mình, không kêu gọi đóng góp.

"Mình có một quy tắc là nếu như các bạn muốn làm từ thiện cùng mình thì vui lòng góp sức, mình không nhận tiền mặt và cũng không quyên góp. Mình nghĩ rằng mỗi người có một cách làm từ thiện. Mình thì muốn làm bằng sức của bản thân, có bao nhiêu thì mình làm bấy nhiêu, chia sẻ tất cả trong khả năng của mình."

"Bắt đầu đợt dịch này thì mình mới tạo một nhóm và hoàn toàn là người của công ty chứ không có người ngoài. Họ là người đã theo mình lâu năm, mình trả lương mà họ cũng không lấy và nói rằng đây là thiện nguyện và họ muốn cống hiến cho đất nước, cho quê hương, rất cảm động. Ngoài ra những lúc mình cần tới nguồn lương thực thực phẩm vì nó không những đắt mà cực kỳ khó mua thì mình có rất nhiều người bạn tốt, họ đã chuyển rau củ quả trực tiếp tới nhà hàng của mình luôn." chị Luyến giải thích.

Hoàng Luyến

NGUỒN HÌNH ẢNH,HOÀNG LUYẾN

Chụp lại hình ảnh,

Chị Hoàng Luyến cùng đồng đội chở bình oxy cho những F0 gọi đến đường dây nóng

Nhà báo Nguyễn Tập cho rằng mọi hoạt động thiện nguyện đều nên được khuyến khích, nhưng những ồn ào vừa qua quay trở lại là câu chuyện minh bạch.

Anh nói: "Để một hoạt động từ thiện có thể tồn tại và vững mạnh thì phải minh bạch. Thí dụ ở nước ngoài có những luật về những tổ chức hoạt động từ thiện cụ thể, quy định hoạt động từ thiện là sao, luật là sao, thậm chí lương trả cho những người hoạt động từ thiện đó là thế nào. Khi đã có luật thì nếu làm sai sẽ xử lý rất là dễ dàng."

"Còn hiện giờ, chúng ta chỉ làm bằng niềm tin. Mà niềm tin với một số ít tiền nho nhỏ thì nó khác, nhưng đối với tiền bắt đầu lớn hơn và tiền của người khác nữa thì lại khác. Cho nên, điều duy nhất tôi nghĩ là nên có luật về việc làm từ thiện. Điều nữa. tôi nghĩ chính quyền cũng nên nhìn nhận hoạt động từ thiện là của người dân, hoạt động dân sự và đó là những hoạt động nên khuyến khích, tạo điều kiện để cho nhữnghoạt động này được phát triển lành mạnh." nhà báo góp ý.

Mời các bạn xem toàn bộ cuộc trò chuyện của doanh nhân Hoàng Luyến và nhà báo Nguyễn Tập trong chương trình Đa chiều Nhiều ý tại kênh YouTube hoặc trang Facebook của BBC News Tiếng Việt.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?