Chuyên gia Biển Đông: VN sẽ cân bằng trong quan hệ với AUKUS, TQ
An Tôn
Theo VOA
Ba cường quốc Hoa Kỳ, Vương quốc Anh và Australia hôm 15/9 tuyên bố lập liên minh gọi tắt là AUKUS. Để tìm hiểu về tác động của liên minh này đến Đông Nam Á, tranh chấp ở Biển Đông, và Việt Nam, VOA có cuộc phỏng vấn với thạc sĩ Hoàng Việt, nhà nghiên cứu về Biển Đông và giảng viên luật quốc tế hiện làm việc ở thành phố Hồ Chí Minh. Dưới đây là nội dung toàn bộ cuộc phỏng vấn.
AUKUS chứng minh Mỹ không bỏ đồng minh
VOA: Việc ba nước tuyên bố về liên minh được xem là bất ngờ với thế giới. Vì sao họ có việc làm tương đối đột ngột như vậy?
Thạc sĩ Hoàng Việt: Việc ngày 15/9 ba quốc gia đưa ra thỏa thuận AUKUS mang tính chấn động thế giới. Các quốc gia khác, kể cả nhiều quốc gia thân cận với những nước AUKUS đó như Pháp, châu Âu, hay Indonesia láng giềng với Australia đều không biết được thông tin, cho nên nó tạo sự chấn động trên thế giới.
Thời điểm tuyên bố AUKUS có nhiều hàm ý. Hàm ý thứ nhất, sau khoảng 1 tháng Mỹ chính thức rút quân khỏi Afghanistan, nhiều quốc gia lo ngại rằng Mỹ sẽ bỏ rơi các đồng minh, các đối tác của mình, đặc biệt là khu vực châu Á. Việc ba quốc gia công bố AUKUS chứng minh ngược lại vấn đề. Tức là Mỹ không bỏ rơi đồng minh của mình.
Ngoài ra, đây cũng là thời điểm đặc biệt vì nước Anh sau khi rút ra khỏi Liên minh châu Âu (EU) đang có những sáng kiến muốn phát triển vai trò của mình hơn. Trong dư luận của Anh, nhiều người chỉ trích rằng Mỹ đã bỏ rơi vai trò của Anh, không coi trọng Anh nữa.
Còn Australia, gần đây Australia hứng chịu rất nhiều đòn trừng phạt từ Trung Quốc và nhiều hành động thù địch khác, nên Australia cảm thấy rất căng thẳng. Nhiều người cũng cho rằng Mỹ không quan tâm đúng mức tới Australia.
Cho nên, việc ba quốc gia thành lập liên minh AUKUS rõ ràng khẳng định lại rằng Mỹ và các đồng minh của mình vẫn có quan hệ hết sức bền chặt, và khẳng định một lần nữa Mỹ đang đặt trọng tâm vào khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Mục tiêu kiềm chế Trung Quốc?
VOA: Mặc dù liên minh này không tuyên bố mục tiêu nhắm vào Trung Quốc, song theo ông, nhóm này sẽ nhắm đến và có hành động như thế nào đối với Trung Quốc?
Thạc sĩ Hoàng Việt: Trong các phát biểu của ba lãnh đạo những quốc gia trong AUKUS vào ngày thành lập đều không nhắc gì đến Trung Quốc. Ngay cả phát biểu mới nhất của Tổng thống Mỹ Biden trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc cũng không nhắc đến Trung Quốc. Nhưng trong các phát biểu của các lãnh đạo AUKUS và của ông Biden, chúng ta đều thấy có bóng dáng của Trung Quốc trong đó.
Nói cho cùng, Mỹ đang đặt trọng tâm vào Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Mỹ không giấu diếm việc Mỹ phải ngăn chặn các hành động mà đặc biệt là việc thay đổi trật tự quốc tế dựa trên luật lệ. Trật tự này được Mỹ và các nước phương Tây thiết lập sau Chiến tranh Thế giới II.
Hiện nay, một quốc gia nổi lên ở châu Á là Trung Quốc muốn vẽ lại trật tự, muốn sửa luật quốc tế, mà cụ thể nhất là các hành động của Trung Quốc liên quan đến Biển Đông. Trung Quốc đưa ra những giải thích về luật biển theo cách của Trung Quốc. Thậm chí gần đây Trung Quốc còn đưa ra một loạt các luật của Trung Quốc mà theo các chuyên gia chúng có các điều khoản vi phạm luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước về Luật biển.
Cho nên, nói cho cùng, liên minh AUKUS này ra đời với mục tiêu quan trọng nhất là kiềm chế lại những đe dọa từ phía Trung Quốc.
Người Việt nhìn chung ủng hộ AUKUS
VOA: Để đi vào các bước cụ thể, ba nước AUKUS sẽ làm những điều gì và chúng liên quan thế nào đến các nước trong khu vực, đặc biệt là Việt Nam?
Thạc sĩ Hoàng Việt: Được biết trong thỏa thuận AUKUS có những nội dung như trao đổi thông tin không gian mạng, những vấn đề công nghệ lượng tử, và đặc biệt là dư luận quan tâm đến việc phía Mỹ sẽ chuyển giao cho Australia một loạt các tàu ngầm hạt nhân.
Đương nhiên, Mỹ và Australia nêu rõ rằng đây là các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân chứ không phải là gắn vũ khí hạt nhân. Cả ba nước Mỹ, Anh và Australia đều là thành viên Hiệp ước Không Phổ biến Vũ khí Hạt nhân.
Trong tuyên bố, ba quốc gia nói sẽ giao cho Australia 8 tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân. Australia cho biết các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân này sẽ có thời gian hoạt động lâu hơn, khoảng 2 tháng ở dưới biển, chưa kể là xa hơn, đến khu vực Biển Đông.
Một số người cho rằng đây là cách mà các nước AUKUS đang lách luật. Mỹ không chỉ bán tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân mà còn chuyển giao công nghệ hạt nhân này cho Australia nữa.
Người ta cho rằng nếu Australia làm chủ công nghệ hạt nhân dành cho tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân thì việc làm giàu uranium để làm vũ khí hạt nhân cũng không khó. Điều đó sẽ dẫn đến việc Australia cảm thấy tự tin hơn trong việc bảo vệ đất nước mình trước sự đe dọa từ Trung Quốc với các hạm đội tàu có sức mạnh như vậy.
Những kế hoạch này cũng dẫn đến những hệ lụy. Có những quốc gia tán thành AUKUS một cách công khai. Ở Đông Nam Á có Singapore thể hiện ủng hộ, Philippines ủng hộ nồng nhiệt.
Ngoài ra, một số quốc gia lại lo lắng, có thể kể đến Indonesia và Malaysia. Trước đây, ASEAN có tuyên bố ZOPFAN từ năm 1971 quy định rằng khu vực này là khu vực hòa bình, ổn định và trung lập, và cũng khẳng định khu vực không có vũ khí hạt nhân.
Nếu Australia được tăng cường vũ khí hạt nhân, Indonesia và Malaysia đều lo ngại rằng thứ nhất, có thể xảy ra những tai nạn hạt nhân ở khu vực. Chúng ta đã thấy các tàu ngầm hạt nhân có những sự cố, chẳng hạn như sự cố trên tàu Kursk của Nga.
Thứ hai, Indonesia và Malaysia cũng lo ngại rằng với việc trang bị cho Australia những tàu ngầm hạt nhân, Trung Quốc sẽ trả đũa và cũng tăng lượng tàu của Trung Quốc lên.
Theo báo cáo của Mỹ, hiện Trung Quốc đang sở hữu 6 tàu ngầm hạt nhân và 50 tàu ngầm chạy bằng diesel.
Nếu Trung Quốc cũng tăng hạm đội tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân của mình lên, sẽ dẫn đến cuộc chạy đua vũ trang ở khu vực này, đấy là những lo ngại của Indonesia và Malaysia.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam mới đây đã có tuyên bố một cách trung lập nhưng có thể ngầm hiểu rằng Việt Nam cũng ủng hộ sáng kiến AUKUS mặc dù không công khai nói ra. Việt Nam ở trong một vị thế khác.
Nói cho cùng, nhiều người Việt Nam, các chuyên gia Việt Nam, các trí thức Việt Nam cũng ủng hộ AUKUS mặc dù biết rằng nó khiến cho trật tự thế giới dịch chuyển và sẽ dẫn tới nhiều vấn đề khác. Nhưng nói chung với tâm lý của người Việt không thích Trung Quốc, và đặc biệt là những hành động của Trung Quốc trên Biển Đông ức hiếp các quốc gia nhỏ khác trong đó có Việt Nam, thì những người Việt Nam cảm thấy rằng [AUKUS] đó là điều quá cần thiết.
VN cân bằng quan hệ với AUKUS, TQ
VOA: Ông tiên liệu thế nào về khả năng ba nước AUKUS lôi kéo, mời Việt Nam hợp tác vì Việt Nam là một bên tranh chấp lớn trong vấn đề Biển Đông?
Thạc sĩ Hoàng Việt: Báo chí đưa tin là trong ngày thành lập AUKUS, có quan chức ngoại giao Mỹ nói rằng AUKUS sẽ thúc đẩy quan hệ với các đối tác tiềm năng, trong đó có nhắc tới Singapore và Việt Nam.
Có thể nói Việt Nam nằm trong ảnh hưởng, hay nói là lôi kéo cũng được, từ hai cường quốc là Mỹ và Trung Quốc.
Chúng ta thấy trong quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ, liên tiếp có các chuyến viếng thăm của các lãnh đạo cấp cao. Gần đây nhất là chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin hồi tháng 7 rồi sau đó vào tháng 8 là chuyến thăm của Phó Tổng thống Kamala Harris. Nối tiếp đó là chuyến thăm của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tới Việt Nam.
Chắc chắn rằng cả hai cường quốc đều muốn và có động tác lôi kéo Việt Nam ủng hộ mình. Đương nhiên, Mỹ khẳng định Mỹ không muốn bất cứ quốc gia nào trong đó có Việt Nam phải chọn bên. Tuy nhiên, Việt Nam ở trong cái thế phải cân bằng các quan hệ đối với cả hai cường quốc đó. Vì vậy đó có thể cũng vừa là cơ hội vừa là thách thức của Việt Nam trong thời gian sắp tới.
VOA: Nếu AUKUS mời hợp tác, Việt Nam sẽ phải cư xử như thế nào để có lợi nhất song cũng không gặp những phiền toái từ phía Trung Quốc gây ra?
Thạc sĩ Hoàng Việt: Trong thời gian qua, Việt Nam bước nào thành công trong cân bằng quan hệ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ.
AUKUS được thành lập nhưng việc chia sẻ những nội dung hoạt động sẽ là một thời gian rất dài, kể cả việc giao 8 tàu ngầm hạt nhân cho Australia. Cho nên AUKUS sẽ còn chuyển dịch, đây mới chỉ bước khởi đầu của AUKUS mà thôi. Thời gian này, Việt Nam sẽ cố duy trì chính sách cân bằng như trước đây.
Sau khi Mỹ rút khỏi Afghanistan, ông Biden cho rằng học thuyết của Mỹ bây giờ không phải dùng quân sự để can thiệp nữa, mà là dùng thương mại, các quan hệ đối tác, đồng minh chiến lược để cùng phát triển, chứ không phải lúc nào cũng sử dụng tới quân sự.
Và điều đó tôi nghĩ rằng Việt Nam sẽ hoan nghênh những việc thúc đẩy các quan hệ về thương mại, về quan hệ đối tác với các bên, như trong thời gian qua Việt Nam đã làm.
Việt Nam cũng đã thúc đẩy quan hệ với Australia là quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Mới đây nhất, hạm đội của Australia đã đến thăm Việt Nam.
Đối với Anh, Việt Nam cũng có quan hệ rất là phát triển.
Còn với Mỹ, quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ càng ngày càng phát triển trên nhiều lĩnh vực khác nhau, đặc biệt là trong quan hệ quốc phòng.
Nếu tiếp tục các hoạt động như vậy, với ba quốc gia AUKUS này, Việt Nam cũng sẽ duy trì và tiếp tục phát triển quan hệ theo hướng như cũ mà có thể phát triển lên mức cao hơn.
Còn đương nhiên, Việt Nam sẽ tránh những chuyện liên quan đến quân sự. Bởi vì đây là chuyện không chỉ riêng gì Việt Nam mà tất cả các quốc gia Đông Nam Á khác cũng đều lo ngại khi mà như [Thủ tướng Singapore] ông Lý Hiển Long đã nói “Nếu ASEAN đứng về phía Trung Quốc, Mỹ sẽ hủy diệt ASEAN, và ngược lại, ASEAN mà đứng về phía Mỹ, Trung Quốc cũng sẽ hủy diệt ASEAN”.
Chính vì vậy, Việt Nam cũng sẽ tìm cách cân bằng. Tôi tin rằng học thuyết do Tổng thống Mỹ Biden đưa ra cũng có điểm chung với Việt Nam trong việc tìm cách phát triển mối quan hệ kinh tế, thương mại và quan hệ đối tác trong nhiều lĩnh vực khác chứ không nhất thiết cứ phải là quân sự.
VOA: Xin cảm ơn ông!
Nhận xét
Đăng nhận xét