Binh sĩ Ukraine đầu hàng ở Azovstal có thể đối mặt hình phạt cao nhất - Zing new
Sau nửa tháng kể từ khi các binh sĩ Ukraine tại nhà máy thép Azovstal, thành phố Mariupol ra hàng, số phận của họ vẫn còn là một dấu hỏi lớn.
Hôm 16/5, Ukraine tuyên bố lực lượng cố thủ tại Azovstal “kết thúc nhiệm vụ chiến đấu”. Các binh sĩ Ukraine lần lượt ra hàng trước quân đội Nga, và phe ly khai thân Nga, lực lượng đã tấn công thành phố kể từ những ngày đầu của “chiến dịch quân sự đặc biệt” mà Nga phát động tại Ukraine hôm 24/2.
Số binh sĩ Ukraine ra hàng tại Azovstal lên tới gần 2.000 người, Bộ Quốc phòng Nga thông báo hôm 20/5, theo TASS.
Sau nửa tháng, số phận của các binh sĩ này vẫn chưa rõ ràng. Giới chức Moscow khẳng định đối xử với tù binh “theo các tiêu chuẩn quốc tế”, trong khi lãnh đạo phe ly khai Ukraine khẳng định họ có thể đối mặt án tử hình.
Số phận không rõ ràng
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 17/5 tuyên bố các binh sĩ Ukraine đầu hàng sẽ được đối xử “theo các tiêu chuẩn quốc tế”, điều được đảm bảo bởi đích thân Tổng thống Nga Vladimir Putin, Reuters đưa tin.
Bà Maria Zakharova, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga, cho biết Moscow sẽ chăm sóc y tế cho các binh sĩ Ukraine bị thương. Bộ Quốc phòng Nga hôm 18/5 cũng công bố các đoạn video cho thấy binh lính đầu hàng được chăm sóc y tế trong bệnh viện.
Dù vậy, số phận của các binh sĩ này vẫn chưa rõ ràng, khi phe cứng rắn trong nội bộ Nga muốn họ bị trừng phạt. Ngay sau khi binh lính Ukraine đầu hàng, Chủ tịch Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga Vyacheslav Volodin tuyên bố các tù binh Ukraine “không thể được trao đổi”.
Một số nghị sĩ “diều hâu” tại Nga thậm chí bày tỏ mong muốn kết án tử hình các binh sĩ thuộc Tiểu đoàn Azov. “Cả thế giới cần thấy các phần tử dân tộc chủ nghĩa Ukraine xứng đáng bị xử tử”, nghị sĩ Leonid Slutsky, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Duma Quốc gia Nga, thành viên đoàn đàm phán với Ukraine, đe dọa.
Giới chức của nhà nước tự xưng “Cộng hòa Nhân dân Donetsk” cũng đưa ra tuyên bố tương tự. “Tòa án sẽ đưa ra quyết định về họ”, ông Yuri Sirovatko, người đứng đầu bộ phận tư pháp của chính quyền Donetsk, tuyên bố hôm 31/5. “Đối với những tội ác như vậy, chúng tôi sẽ có hình thức trừng phạt cao nhất là tử hình”.
Trong khi đó, Moscow cũng để ngỏ khả năng trao đổi tù binh với Ukraine. Nghị sĩ Nga Leonid Slutsky hôm 21/5 tuyên bố Moscow sẽ “xem xét khả năng” trao đổi những người này với ông Viktor Medvedchuk, nhà lãnh đạo phe thân Nga đang bị Ukraine bắt giữ, AFP dẫn nguồn tin từ hãng thông tấn Nga RIA Novosti.
Trong một đoạn video được giới chức Ukraine đăng tải hồi giữa tháng 4, ông Medvedchuk từng đề xuất trao đổi bản thân với các binh sĩ tại Mariupol. Dù vậy, ông Peskov ngày 23/5 gọi đây là điều “khó có thể xảy ra”.
“Ông Medvedchuk là công dân Ukraine, ông ấy không liên quan đến Nga và cũng không phải quân nhân. Trong khi đó, những người đầu hàng tại Azovstal là quân nhân và là thành viên của ‘lực lượng dân tộc chủ nghĩa’”, ông Peskov nói, theo TASS. “Thảo luận về việc trao đổi khó có thể diễn ra”.
Ông Peskov cũng cho biết trao đổi tù binh là công việc của Bộ Quốc phòng Nga, và đây sẽ là cơ quan đưa ra bình luận về vấn đề này.
“Về tổng thể, việc trao đổi đã diễn ra thường xuyên”, ông Peskov tuyên bố. “Điều này quan trọng với chúng tôi - lý do cho điều này khá hiển nhiên. Quân đội là lực lượng phụ trách vấn đề này, và họ sẽ bình luận nếu cần thiết”.
Mòn mỏi mong chờ
Trong khi đó, người nhà của các binh sĩ Ukraine đầu hàng tại nhà máy Azovstal cho biết họ vẫn chưa nhận được thông tin về số phận của người thân từ khi họ bị đưa đến vùng lãnh thổ do Nga kiểm soát.
“Họ ở đâu, điều gì đang xảy ra với họ, họ đang ở trong tình trạng nào, chúng tôi đều không biết”, bà Sandra Krotevich, em gái của Phó chỉ huy thứ nhất Tiểu đoàn Azov Bohdan Krotevich, chia sẻ trong một cuộc họp báo, theo Reuters. “Chúng tôi hy vọng Nga sẽ đối xử với họ theo Công ước Geneva và theo luật pháp quốc tế”.
“Chúng tôi được yêu cầu giữ yên lặng để không làm mọi việc tồi tệ hơn”, bà Tetyana Horko, em gái của ông Serhiy Horko, một chỉ huy lính thủy đánh bộ, nói. “Nhưng không ai được nghĩ rằng câu chuyện về các anh hùng Azovstal đã khép lại. Họ cần được giúp đỡ, họ cần được đưa về nhà”.
Bà Natalia Zarytska, vợ của một binh sĩ thuộc Tiểu đoàn Azov, cho biết đã được Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế (ICRC) liên hệ.
“Tôi được thông báo rằng anh ấy được ghi nhận đã rời khỏi nhà máy Azovstal. Dù vậy, không câu hỏi nào của tôi - anh ấy còn sống không, ở trong tình trạng nào, bị đưa đến đâu - được trả lời”, bà Zarytska nói.
Về phần mình, giới chức Ukraine hy vọng có thể giải cứu các binh sĩ từ nhà máy Azovstal qua một cuộc trao đổi tù binh. Ông cũng kêu gọi các đồng minh gây áp lực lên Moscow về vấn đề này.
“Chúng tôi không cần các binh sĩ Nga. Chúng tôi chỉ cần các binh sĩ của mình”, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố hôm 23/5. “Chúng tôi sẵn sàng cho cuộc trao đổi, kể cả diễn ra ngay ngày mai”.
Nhà lãnh đạo Ukraine cho biết nước này đã liên hệ với Liên Hợp Quốc, Thụy Sĩ, Israel và “nhiều quốc gia”, nhưng quá trình này rất phức tạp.
“Việc trao đổi người là vấn đề nhân đạo và là một quyết định đậm chất chính trị, phụ thuộc vào sự ủng hộ của nhiều nước”, ông Zelensky nói. “Điều quan trọng là gây áp lực về chính trị ở mọi cấp độ, qua giới kinh doanh quyền lực, qua việc đóng cửa hoạt động kinh doanh, qua cấm vận dầu…”.
Tàu chở 2.500 tấn hàng rời Mariupol, hướng về phía Nga
Lãnh đạo phe ly khai ngày 31/5 cho biết con tàu đầu tiên đã rời cảng Mariupol, Ukraine kể từ khi Nga giành quyền kiểm soát thành phố và đang vận chuyển kim loại hướng đến Nga.
Nga kiểm soát một phần Sievierodonetsk
Quan chức Ukraine quản lý tỉnh Lugansk ngày 31/5 cho biết lực lượng Nga đã kiểm soát một phần thành phố Sievierodonetsk ở miền Đông. Phía Moscow cũng đưa ra tuyên bố tương tự.
Nhận xét
Đăng nhận xét