Mối lo khủng khoảng an ninh lương thực trên thế giới, Việt Nam có ngoại lệ?

Saturday, May 28, 2022 8:52 AM //  ,  , 

Theo RFA 


Một nhà máy chế biến lúa gạo tại Cần Thơ - Reuters 

Truyền thông Nhà nước dẫn thông tin từ Bloomberg cho biết, các quốc gia đang hạn chế xuất khẩu lương thực để đối phó với tình trạng tăng giá do căng thẳng ở Ukraine ngày càng trầm trọng hơn. Chỉ trong vòng vài tháng gần đây, khoảng 30 quốc gia đã hạn chế xuất khẩu lương thực nhằm bảo vệ nguồn cung nội địa khi lo ngại khủng hoảng lương thực toàn cầu có thể xảy ra.



Mới nhất là Malaysia, vừa công bố lệnh cấm xuất khẩu thịt gà. Ấn Độ hồi giữa tháng năm cũng hạn chế xuất khẩu lúa mì và cách đây vài ngày cũng giảm xuất khẩu đường nhằm bảo vệ nguồn cung nội địa. Trong khi đó, Indonesia tuyên bố giới hạn bán dầu cọ. Nhiều quốc gia khác cũng áp hạn ngạch với ngũ cốc.


Trong khi đó, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), trong tháng 4 năm 2022 kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam ước đạt hơn 4,8 tỷ USD, tăng 11,2% so với cùng kỳ 2021. Tính chung bốn tháng, xuất khẩu lĩnh vực này tăng khoảng 15,6%.


Liệu Việt Nam có đảm bảo an ninh lương thực nếu khủng hoảng lương thực xảy ra?


Giáo sư Võ Tòng Xuân, một chuyên gia nông nghiệp, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học An Giang, khi trả lời RFA hôm 27/5 nhận định:


“Mình khác hơn người ta ở chỗ mình sử dụng giống lúa ngắn ngày và mình bố trí ở những nơi có đầy đủ nước ngọt, không có nước mặn lên, để có thể làm ba vụ mỗi năm. Thí dụ như vùng sông Cửu Long mới vào nước mình tức là An Giang, Đồng Tháp rồi qua Long An. Chắc chắn mình có thể an tâm về an ninh lương thực, còn các nước kia phần lớn họ chỉ làm một vụ một năm. Ngay cả Ấn Độ dân số hơn một tỷ, mà hệ thống sản xuất nhiều lắm chỉ hai vụ một năm, chỉ Việt Nam mình là ba vụ mỗi năm hoặc hai năm bảy vụ vì mình đầy đủ nước. Ở vùng lũ thì mình không trồng vào mùa mưa mà để mình khai thác cá, đó cũng là lương thực. Nên tôi yên tâm về vấn đề an ninh lương thực của Việt Nam.”


Tuy nhiên, Giáo sư Võ Tòng Xuân cho rằng, Bộ NN&PTNT phải tính toán để không tạo ra thiếu hụt giả, dẫn đến đầu cơ nâng giá, xáo trộn thị trường, ảnh hưởng đời sống nhân dân. Ông giải thích thêm:


“Thiếu hụt giả tức là mình dư, nhưng mình sợ không có đủ, nên để dành và cấm không cho xuất khẩu. Khi mà mình cấm không cho xuất khẩu thì giá sẽ lên, một số nhà xuất khẩu sẽ lợi dụng dịp đó để nâng giá lương thực. Mình phải tính từng tháng sử dụng bao nhiêu gạo thì để lại, dư mới xuất, cái này bộ nông nghiệp phải tính.”


Trước tình hình này, Tổ chức Thương mại Thế giới - WTO vào cuối tháng này đã đề nghị không cấm và hạn chế xuất khẩu lương thực. Theo WTO, nếu đồng loạt hạn chế xuất khẩu lương thực thì các nước phụ thuộc hoàn toàn vào lương thực nhập khẩu sẽ rất khó khăn.


Tiến sỹ Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, khi trả lời RFA liên quan vấn đề này nói:


“Rõ ràng đến lúc này, cả thế giới đều lo lắng đến an ninh lương thực. Tình hình biến động như thế này, thì tình hình giá cả của lương thực thế giới sẽ tăng lên. Mặc dù tình hình sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam rất khó khăn, đặc biệt là ĐBSCL, nhưng sản lượng lúa vẫn tốt. Có thể là lượng xuất khẩu không cao như mọi năm, nhưng tôi nghĩ nhu cầu xuất khẩu gạo của Việt Nam vẫn cần. Bây giờ trong tình hình khó khăn chung, giá lương thực thế giới lên sẽ kéo giá trong nước lên theo, cho nên quan sát theo dõi, đảm bảo ổn định về giá cả là chuyện cần thiết.”


Còn Giáo sư Võ Tòng Xuân thì cho rằng, thông tin về an ninh lương thực phải được Chính phủ công bố rộng rãi, lật ngửa ván bài để cho cả nước biết, cho người dân an tâm. Ông nói tiếp:


“Tôi đề nghị Bộ Nông nghiệp tính toán việc này, anh em bên khoa học sẽ cùng với Bộ Nông nghiệp làm việc này. Bộ Nông nghiệp phải nắm hết thông tin, bất cứ lúc nào trong năm cũng phải biết lúa đang thế nào? Nhưng hiện nay Bộ Nông nghiệp chưa sẵn sàng việc đó. Có thể bài báo này sẽ nhắc Bộ Nông nghiệp phải kết nối với Sở Nông nghiệp của 63 tỉnh thành, để nắm được tình trạng lương thực của các tỉnh đang ở giai đoạn nào? Từ đó, bất cứ lúc nào cũng biết cả nước tình trạng lương thực ra sao? Như vậy mới kiểm soát được việc đầu cơ của các doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp nhà nước. Hồi năm 2008 khủng hoảng lương thực, chính các doanh nghiệp nhà nước là người đầu cơ.”


Vào năm 2007- 2008, một đợt tăng giá gạo kỷ lục đã xảy ra trên toàn cầu. Các nước xuất khẩu gạo lớn đã hạn chế xuất khẩu, kết hợp với việc các nước nhập khẩu lớn như Philippines gấp rút mua vào, đẩy giá gạo tăng 117%-149% trong quý I/2008. Khi đó Việt Nam cũng đã hạn chế xuất khẩu gạo.


Hay mới nhất vào ngày 24/3/2020, Việt Nạm đã tạm dừng xuất khẩu gạo trong nhiều tháng vì lo ngại đại dịch COVID-19 sẽ dẫn đến thiếu lương thực trong nước.


Trở lại với vấn đề an ninh lương thực của Việt Nam, Thạc sỹ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu độc lập về Đồng bằng sông Cửu Long, khi trao đổi với RFA trước đây cho rằng, nếu muốn bảo đảm an ninh lương thực thì không phải cho tương lai gần mà phải tính đến nhiều thế hệ sau:


“Mình muốn an ninh lương thực không phải năm năm, mười năm... không phải 20 năm 30 năm, mà an ninh lương thực phải là vĩnh viễn, không phải đời này, mà cho nhiều đời sau. Lâu nay mình chạy theo số lượng nhiều quá, vì số lượng dư, xuất khẩu rất nhiều, khi sản xuất ba vụ liên tục như vậy, mà làm trong nhiều năm, tức mình lấy đi tinh túy của đất đai cho xuất khẩu. Phải nói rõ đó không phải an ninh lương thực quốc gia, cái đó là làm kinh tế. Cách đó về lâu về dài sẽ ảnh hưởng đến an ninh lương thực của đời con, đời cháu mình, khi đất đai cạn kiệt, đất đai nó mệt.”


Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, thành viên Ủy ban Chính sách Phát triển của Liên Hiệp Quốc, khi trả lời RFA cho biết, việc nhiễm mặn, nguồn nước giảm sút và biến đổi khí hậu chắc chắn sẽ tác động nhiều mặt đến nông nghiệp, thủy sản, lâm nghiệp của Việt Nam. Do đó theo ông Doanh, riêng về an ninh lương thực thì trong thời gian sắp tới Việt Nam sẽ vẫn có thể duy trì. Nhưng trong tương lai lâu dài, với mức độ gia tăng của biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn thì ông Doanh cho rằng có lẽ Việt Nam sẽ phải tính toán các biện pháp thích hợp để bảo đảm an ninh lương thực. 

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?