Bổ sung một loạt hành vi được coi là bạo lực gia đình
31/05/2022 17:25 (GMT+07:00)
Chiều nay (31/5), Quốc hội thảo luận dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi).
ĐB Phan Thị Mỹ Dung (Long An) phân tích, có những hành vi bạo lực biểu hiện cụ thể, nhận thấy rõ, tuy nhiên có những hành vi mà "chúng ta không nghĩ nó là hành vi nhưng lại gây ra khủng hoảng về tâm lý, tinh thần", đó cũng là bạo lực gia đình.
"Khi về nhà, chồng im lặng suốt không nói gì, hoặc là không chê vợ nhưng suốt ngày cứ khen hàng xóm chu đáo, xinh đẹp, giàu có hoặc là giận cá chém thớt tức là không hành động gì với người bị bạo hành cả nhưng cứ đánh chó, đánh mèo,...lâu dài cũng làm cho thành viên bị tác động sẽ bị khủng hoảng về tâm lý", ĐB Phan Thị Mỹ Dung nhìn nhận.
Những biểu hiện này diễn ra nhưng rất khó nhận biết, cho nên ĐB kỳ vọng lần này Luật Phòng chống bạo lực gia đình (sửa đổi) sẽ được áp dụng hiệu quả hơn.
Chồng tối ngày đi nhậu giải buồn, để vợ ở nhà có phải bạo lực gia đình?
ĐB Trình Lam Sinh (An Giang) cho hay, mô hình trong xã hội Việt Nam cũng như mối quan hệ từng gia đình hiện có thay đổi rất lớn, đã xuất hiện nhiều hành vi bạo lực rất đa dạng, hình thức tinh vi, phức tạp với mức độ ngày càng nghiêm trọng hơn, càng lúc khó xử lý.
Theo ông, nhiều trường hợp cách thức xử lý đôi khi chưa nhận được sự đồng tình của xã hội, có sự việc rất nghiêm trọng nhưng thời gian xử lý lâu, mức phạt chưa thỏa đáng.
Đề cập đến tờ trình của Chính phủ có đề cập số liệu điều tra quốc gia về bạo lực với phụ nữ, cứ 3 phụ nữ thì có 1 người bị chồng bạo lực thể xác hoặc bạo lực tình dục, trong đó có 90% không dám hoặc không muốn nhờ can thiệp giúp đỡ, ĐB Sinh cho rằng đây là số liệu rất đáng báo động, đáng lo ngại, cần có bước xử lý nghiêm khắc hơn.
“Kết quả điều tra này cho thấy bạo lực gia đình ở Việt Nam đang tăng lên so với 2009, làm thiệt hại 1,8% GDP của đất nước, rõ ràng rất nguy hiểm”, ông Sinh nhấn mạnh.
ĐB nhận định, hiện nay hành vi bạo lực rất đa dạng, có thể bạo lực của cha mẹ với con cái, con cái với cha mẹ già, chồng với vợ, không loại trừ trường hợp bạo lực của vợ với chồng. Ông kể, bản thân ông vừa xem một clip người phụ nữ “đập chồng không còn ra gì hết, ông chồng chỉ biết ôm đầu bỏ chạy”.
Theo ông, tựu chung lại có hành vi bạo lực bằng thể xác và bạo lực bằng tinh thần. Bạo lực thể xác có dấu vết, có thể chứng minh được, nhưng bạo lực tinh thần gây ra khủng hoảng cho những người bị bạo hành rất lớn. Đây là vấn nạn và hiện có xu hướng trầm trọng.
ĐB Sinh nhắc đến những vụ việc gần đây, cha mẹ mâu thuẫn thì bế con theo tự tử; cha ghẻ, mẹ ghẻ có những hành vi đánh đập con trẻ dẫn đến tử vong.
Ông cũng đề nghị xem xét bổ sung thêm các hành vi bạo lực gia đình, vì còn nhiều dạng khó nói được như hành vi bạo lực tinh thần.
“Hai vợ chồng vì lý do nào đó không có con, người chồng không ly hôn hay rời bỏ mà vẫn yêu thương vợ, nhưng tối ngày đi nhậu với bạn để giải buồn, để vợ ở nhà, đó có phải hành vi bạo lực tinh thần không?”, ĐB Sinh nêu câu chuyện và cho hay đây cũng là vấn đề phải nghiên cứu, bổ sung thêm để tránh trường hợp người có hành vi bạo lực gia đình có thể thoát khỏi sự quản lý.
Đồng thời, ông kiến nghị bổ sung quy định người có hành vi bạo lực gia đình là người phải ra khỏi nhà khi xảy ra bạo lực gia đình, chứ không có lý gì mà người bị bạo lực lại ra khỏi nhà.
Băn khoăn về hành vi "cưỡng ép vợ hoặc chồng mang thai"
ĐB Văn Thị Bạch Tuyết (TP.HCM) băn khoăn dự thảo luật nêu một trong các hành vi bạo lực được quy định có việc cưỡng ép vợ hoặc chồng mang thai, lựa chọn giới tính thai nhi.
Bà Tuyết bày tỏ sự khó hiểu về hành vi “cưỡng ép vợ hoặc chồng mang thai, phá thai”. Điều này có thể xảy ra trường hợp người chồng không muốn có con nhưng người vợ ép buộc phải có con. Mặc dù vậy, bà Tuyết cho rằng nếu quy định như vậy thì phải viết lại trong điều luật cho rõ ràng.
Cũng về các hành vi bạo lực gia đình, ĐB Nàng Xô Vi (Kon Tum) đề nghị bổ sung hành vi cưỡng ép hoặc ngăn cản việc sử dụng biện pháp tránh thai theo ý muốn, cưỡng ép sinh đẻ sớm, sinh đẻ nhiều, cưỡng ép mang thai hộ trái pháp luật.
Bộ trưởng VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng cho rằng, bạo lực về thể xác, bạo lực về kinh tế thì nhận diện được ngay, nhưng bạo lực về tinh thần không hề đơn giản để nhận ra được. Việc biểu hiện ra ngoài như nào để lượng hóa cho hết, cho đầy đủ là không giản đơn.
Theo Bộ trưởng, chúng ta nói nhiều về bạo lực tình dục, nhưng đây là vấn đề tế nhị, ít được đề cập đến nên khó nói được hết những gì cần phải nói.
“Khó như vậy thì dựa vào gì là chính?”, Bộ trưởng nêu câu hỏi và cho biết, cơ quan soạn thảo đã bắt đầu từ Hiến pháp 2013, đó là quyền con người.
Với cách tiếp cận như vậy, cơ quan soạn thảo lựa chọn 18 hành vi được quy vào bạo lực gia đình. Ông mong các ĐB từ góc độ thực tiễn, tiếp cận có thể đóng góp thêm, nhất là góc độ bạo lực tinh thần.
Bộ trưởng VHTT&DL kể thêm, khi ông báo cáo trước UB Xã hội để thẩm tra sơ bộ và thẩm tra chính thức dự án luật, chính các thành viên cũng kể: “Bây giờ sức ép của các bà vợ cứ bảo phải đi làm cho có thật nhiều tiền, rồi phải lên chức nọ chức kia, đấy có phải hình thức bạo lực không?”. Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng đấy là câu chuyện rất thực.
Hồng Nhì - Trần Thường
Nhận xét
Đăng nhận xét