Tin Việt Nam ngày 29/5

Hà Nội xác định nguyên nhân gây lỗ thủng thứ 2 trên cầu Long Biên

Chiều 28/5, thông tin về nguyên nhân gây lỗ thủng lớn trên cầu Long Biên, đại diện cảnh sát giao thông Hà Nội cho biết, khoảng 10h cùng ngày, một xe ba gác chở nặng đi qua vị trí thanh thép đỡ mặt đường bị yếu, mục, nên gãy, gây ra lỗ thủng lớn với đường kính khoảng 60×80 cm.

Do các thanh thép bị mục bên trong, không quan sát được bằng mắt thường nên dù đơn vị kiểm tra dù có kiểm tra định kỳ cũng chưa phát hiện ra.

Cầu Long Biên
Cầu Long Biên hơn 120 năm tuổi giờ xuống cấp nghiêm trọng. (Ảnh: sovhtt.hanoi.gov.vn)

Trước đó, sáng 28/5, một số người dân khi đi qua cầu Long Biên phát hiện một lỗ thủng lớn ngay trên mặt cầu, hướng từ ngã ba Hàng Đậu – Trần Nhật Duật (quận Hoàn Kiếm) sang Ngọc Lâm (quận Long Biên). Hố sụt này có hình chữ nhật, xung quanh miệng hố còn xuất hiện các vết nứt chằng chịt.

Nhiều người dân tỏ ra lo lắng về chất lượng của cầu Long Biên, và lo ngại nguy hiểm khi di chuyển qua đây.

Trưa cùng ngày, Công ty đường sắt Hải Hà – đơn vị quản lý cầu Long Biên cho hay, lỗ thủng đã được vá, các phương tiện có thể lưu thông qua cầu như bình thường.

Như vậy, trong chưa đầy 1 tháng, mặt cầu Long Biên đã bị thủng lớn 2 lần, trong đó, lần đầu là vào ngày 4/5, ở khu vực dành cho người đi bộ. Lỗ thủng này có độ rộng ước chừng một người lớn chui lọt. Sau khi phát hiện, đơn vị quản lý cầu đã bịt lỗ thủng để bảo đảm an toàn cho người đi bộ.

Đại diện đơn vị quản lý cầu Long Biên cho hay, cây cầu này đã khoảng 130 năm tuổi nên kết cấu đã rất yếu. Hiện, trên cầu có tình trạng mặt đường bộ xuống cấp, bong tróc, lồi lõm, ổ gà nhiều.


EVN lại cảnh báo thiếu điện ở miền Bắc

Mới đây, một lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, ở miền Bắc, vào thời điểm nắng nóng kéo dài trong năm 2022, nhu cầu tiêu thụ điện có thể tăng từ 20-30% so với các tháng bình thường.

Đáng chú ý, theo EVN, một số thời điểm, cung cầu điện ở miền Bắc có thể xảy ra mất cân đối.

Tuy nhiên, tại miền Trung và miền Nam, EVN bảo đảm cung ứng khi có cơ cấu nguồn điện “dư dả”.


Bộ Công thương yêu cầu Lọc hóa dầu Nghi Sơn cam kết về sản lượng cung ứng

Trong văn bản Bộ Công thương vừa gửi tới Công ty lọc hóa dầu Nghi Sơn (NSRP) về việc hoạt động của Liên hiệp lọc hóa dầu Nghi Sơn, đơn vị đề nghị NSRP cùng các bên nhanh chóng đồng thuận giải pháp xử lý các khó khăn, vướng mắc để bảo đảm hoạt động của Liên hiệp ổn định, hiệu quả.

Cũng trong văn bản trên, Bộ Công thương yêu cầu, trong tháng 5, NSRP phải có cam kết về sản lượng cung ứng của 2 quý cuối năm để đơn vị quản lý có phương án điều hành.

Theo Bộ Công thương, Liên hiệp lọc hóa dầu Nghi Sơn là nhà sản xuất xăng dầu nội địa lớn nhất toàn quốc với khoảng 35%. Tuy nhiên, việc mâu thuẫn nội bộ đã khiến công suất nhà máy giảm mạnh. Từ đầu năm 2022 đến nay, có lúc chỉ còn 55%, khiến nguồn cung nội địa bị khan hiếm.

Trước đó, vào giữa tuần, bên hành lang Quốc hội, khi được hỏi về việc cung ứng sản phẩm của NSRP, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên không trả lời về vấn đề của NSRP mà lại nói: “không bao giờ thiếu xăng dầu” và “lúc nào cũng có công cụ để hạ nhiệt giá xăng dầu”.


Cao tốc Bến Lức-Long Thành mất trộm thiết bị, thiệt hại hơn chục tỉ đồng

Vào chiều 28/5, ban điều hành gói thầu J2 thuộc dự án cao tốc Bến Lức – Long Thành cho biết, hơn 80% đường cáp điện chiếu sáng trên cầu Sông Chà (đoạn qua xã Bình Khánh, huyện Cần Giờ, Sài Gòn) bị mất.

Công trình cũng bị mất 57 tấm lưới chống chói lắp trên dải phân cách trong tổng 76 tấm; 10 cột chống chói trong tổng 28 cột trên mặt cầu bị tháo dỡ… Ngoài ra, hàng loạt trụ đèn chiếu sáng bị cạy phá, cắt dây cáp… ước tính thiệt hại do mất trộm là hơn 11 tỉ đồng. Hiện vụ việc đã được báo với giới chức địa phương.

Trước đó, vào tháng 8/2017, gói thầu J2 đã hoàn thành, tuy nhiên đến nay chưa được nghiệm thu bàn giao. Theo ban điều hành, việc mất trộm các thiết bị gây phát sinh chi phí, nhà thầu đã thuê bảo vệ trực tại vị trí lên xuống, ra vào, tuy nhiên các vụ mất trộm vẫn xảy ra.

Dự án Cao tốc Bến Lức – Long Thành dài 57 km với tổng mức đầu tư 31,320 tỉ đồng đi qua Long An, Sài Gòn và Đồng Nai. Dự án được khởi công xây dựng từ năm 2014 với 4 làn xe chạy và 2 làn dừng khẩn cấp, vận tốc 120km/h. Hiện dự án đã hoàn thành khoảng 80% khối lượng công việc.

Thời gian qua tại Sài Gòn, một số công trình cũng bị mất trộm thiết bị. Như gần đây nhất là cầu Thủ Thiêm 2 bị mất hơn 40 tấm chắn rác sau khi đi vào khai thác; đường Tố Hữu ở khu đô thị Thủ Thiêm (Tp Thủ Đức) cũng bị mất trộm gần chục nắp cống.

Tin tức Việt Nam sẽ được BTV Epoch Times Tiếng Việt tổng hợp và cập nhật từng ngày, xin mời Quý độc giả cùng đón đọc. 

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?