Nga, Ukraina đổ vũ khí vào chiến trường : Việt Nam bị ảnh hưởng như thế nào ?

Monday, May 30, 2022 8:47 AM //  ,  , 

Thu Hằng 

Theo RFI 


Phái đoàn quân sự Việt Nam tìm hiểu xe tăng T-90MS của Nga trong Diễn đàn Kỹ thuật - Quân sự Quốc tế (Army-2020) tại Alabino, ngoại ô Matxcơva, Nga, ngày 23/08/2020 - AP/Pavel Golovkin

“Gần 1/4 số xe tăng Nga được triển khai tại Ukraina từ ngày 24/02/2022 hiện không còn hoạt động”.“Bộ binh cơ giới có lẽ đã mất khoảng 30% lực lượng” (1). Phía Kiev cho biết đã phá hủy gần 200 máy bay, khoảng 2.500 xe bọc thép của Nga. Matxcơva cũng liên tục thông báo oanh kích nhiều kho vũ khí và các đoàn viện trợ vũ khí của phương Tây cho Ukraina. Việt Nam, cũng như các nước nhập khẩu vũ khí của Nga và Ukraina, sẽ bị ảnh hưởng gián tiếp từ những “tổn thất kinh hoàng” này.



Nga và Ukraina đang dồn lực lượng vào cuộc chiến chưa có dấu hiệu chấm dứt. Chiến trường khốc liệt ở miền đông Ukraina, đặc biệt là gần thành phố Severodonetsk trong những tuần qua, cho thấy phần nào những thiệt hại của quân đội Nga kể từ đầu cuộc tấn công. Nga huy động cả xe tăng đời mới nhất BMP-T Terminator, được coi là cỗ máy hủy diệt, với hy vọng thay đổi cục diện. Tuy nhiên, cả xe tăng đời cũ T-62 cũng được xuất kho trong bối cảnh hoạt động sản xuất vũ khí của Nga dường như đang chựng lại vì thiếu linh kiện công nghệ cao do bị phương Tây cấm vận.


Cả Nga và Ukraina sẽ ưu tiên tái bị cho lực lượng quốc phòng khi chiến tranh kết thúc. Ngoài ra, các lệnh trừng phạt của phương Tây cũng sẽ ảnh hưởng đến ngành sản xuất vũ khí, cũng như hoạt động xuất khẩu của Nga. Vậy Việt Nam, cũng như các nước khách hàng của Nga và Ukraina, sẽ bị tác động như thế nào ? RFI Tiếng Việt phỏng vấn giám đốc nghiên cứu Benoît de Tréglodé, Viện Nghiên cứu Chiến lược của Trường Quân Sự Pháp (IRSEM), ngày 25/05/2022.


*******


RFI : Ngoài những tổn thất nặng nề về thiết bị quân sự trong cuộc chiến ở Ukraina, Nga thừa nhận gặp khó khăn, chậm trễ trong việc sản xuất vũ khí do thiếu linh kiện vì các lệnh trừng phạt của phương Tây. Liệu những nước nhập khẩu vũ khí của Nga, ví dụ Việt Nam, có lo về nguồn cung ứng này không ?


Benoît de Tréglodé : Trước tiên cần nhắc đến việc các nước nhập khẩu vũ lớn của Nga, ví dụ Việt Nam là khách hàng quan trọng thứ 5 hoặc Ấn Độ là một trong những khách hàng lớn nhất của Nga, lại là những nước không thực sự tỏ ra lo ngại về vấn đề này. Những nước này đã thể hiện rõ lập trường trong các cuộc bỏ phiếu tại Liên Hiệp Quốc, hoặc là họ vắng mặt, hoặc là họ chống các biện pháp trừng phạt, chống lại việc lên án cuộc can thiệp quân sự của Nga ở Ukraina. Việt Nam cũng làm tương tự. Vào tháng Tư, Việt Nam phản đối việc loại Nga khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc. Có thể thấy mối quan hệ trực tiếp giữa những khách hàng vũ khí lớn của Nga với những nước phản đối việc lên án cuộc chiến của Nga ở Ukraina.


Về tác động của chiến tranh Ukraina đối với hoạt động xuất khẩu vũ khí Nga, có thể thấy rõ 3 yếu tố. Thứ nhất, các biện pháp trừng phạt của phương Tây và giấy phép nhập khẩu của các nước nhập khẩu vũ khí Nga có thể gây ra tác động về mặt hình ảnh cho chính những nước khách hàng này. Chắc chắn sẽ có tác động nhưng hiện giờ rất khó nói cụ thể.


Thứ hai là tác động về lâu dài, bởi vì Nga phải nhập từ nước ngoài một phần linh kiện điện tử công nghệ cao được sử dụng trong ngành công nghiệp vũ khí, trong đó có Trung Quốc. Nhưng điều phức tạp hơn là nhiều linh kiện lại do các nước phương Tây cung cấp, trong khi chính những nước này đã ban hành các biện pháp trừng phạt Matxcơva.


Tác động thứ ba đối với tương lai ngành xuất khẩu vũ khí Nga, theo tôi, đó chính là hình ảnh. Không ai có thể ngờ rằng lực lượng Nga lại kém hiệu quả trên thực địa khi chống lại sức kháng cự của Ukraina. Điều này cũng có thể cho thấy những hạn chế về danh tiếng của vũ khí Nga. Truyền thông phương Tây liên tục đưa hình ảnh những vỏ xe tăng T-90 và nhiều loại khác bị tan xác hoặc hư hỏng nặng. Thực tế này có thể tác động đến ngành công nghiệp vũ khí Nga trong tương lai.


RFI : Ông có thể nhắc lại những loại vũ khí và thiết bị quân sự được Việt Nam nhập từ Nga ?


Benoît de Tréglodé : Việt Nam là một khách hàng lớn của ngành công nghiệp vũ khí Nga từ cuối thập niên 1990. Ngược dòng lịch sử hai nước, có thể thấy Nga đồng hành với lịch sử đấu tranh của Việt Nam từ khi Liên Xô công nhận nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa vào tháng 01/1950. Sau đó, Liên Xô, rồi Nga, thường xuyên sát cánh với quân đội Việt Nam từ mặt quân sự, chính trị đến hợp tác quốc phòng và dĩ nhiên là cả vũ khí. Cuối thập niên 1990, khi Hà Nội quyết định hiện đại hóa hệ thống quốc phòng và thực hiện nhiều chương trình đầu tư lớn về vũ khí, dĩ nhiên Nga trở thành đối tác ưu tiên của Việt Nam.


Theo thẩm định hiện nay, hơn 80% vũ khí nhập khẩu của Việt Nam là mua của Nga từ cuối những năm 1990 và trong tất cả các lĩnh vực. Những chương trình mang tính biểu tượng nhất và quan trọng nhất là 6 tầu ngầm lớp Kilo trang bị cho Hải Quân Việt Nam. Ngoài ra phải kể đến các hợp đồng 36 máy bay Sukhoi-30 cho không quân và hải quân Việt Nam, 4 chiến hạm lớp Guepard cho hải quân, nhiều tàu hộ tống lớp Tarantul, toàn bộ hệ thống tên lửa phòng thủ bờ biển và phòng không, nhiều xe tăng T-90, đạn dược và súng trường AK. Tóm lại, cả ba lực lượng quân đội Việt Nam chủ yếu được trang bị vũ khí của Nga từ khoảng 20 năm nay.


Ngoài ra, cần phải nêu một chi tiết khá quan trọng khi nói đến sự phân bố thị trường vũ khí đối với Hà Nội. Từ cuối những năm 1990, Việt Nam không tách biệt giữa các nhà công nghiệp vũ khí Nga và Ukraina, quốc gia cũng có truyền thống công nghiệp vũ khí, cho đến khi Matxcơva sáp nhập bán đảo Crimée năm 2014. Sự chia rẽ bắt đầu vào thời điểm đó, các nhà công nghiệp vũ khí Nga và Ukraina ngày càng trở nên đối đầu trong việc xuất khẩu, trong đó có thị trường Việt Nam. Trong giai đoạn đó, Việt Nam nhập khẩu hơn 200 triệu đô la vũ khí của Ukraina và bị thiếu phần nào từ nguồn cung này do tác động của cuộc khủng hoảng Nga-Ukraina. Tóm lại, không chỉ nguồn cung vũ khí của Nga, mà cả vũ khí của Ukraina hiện cũng có thể có vấn đề.


RFI : Việc phương Tây ban hành hàng loạt biện pháp trừng phạt đối với Matxcơva sẽ tác động như thế nào đến hoạt động nhập khẩu vũ khí Nga của Việt Nam ?


Benoît de Tréglodé : Chúng ta đã thấy hiện tượng này ở cấp vùng, một số khách hàng truyền thống của Nga như Thái Lan đã dần hướng sang các nhà sản xuất khác. Một trong những nước được lợi nhất trong quá trình phân bổ lại việc bán vũ khí ở Đông Nam Á có lẽ là các nhà sản xuất vũ khí Trung Quốc.


Tôi xin nhắc lại là năm 2020-2021, Trung Quốc là nước xuất khẩu vũ khí lớn thứ tư trên thế giới, sau Mỹ, Nga, Pháp và Trung Quốc là nước bán nhiều vũ khí nhất trên thế giới. Năm 2020, Trung Quốc bán 53 triệu đô la vũ khí cho Đông Nam Á. Con số phần nào khiêm tốn này đã tăng vọt lên trong năm sau, lên thành 285 triệu đô la. Có thể là một một số khách hàng truyền thống của Matxcơva đã e ngại về các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với vũ khí Nga.


Tuy nhiên, điều này chỉ ảnh hưởng một phần đến Việt Nam. Như nêu ở trên, Việt Nam có truyền thống lâu dài với quân đội Nga, vượt qua cả phạm vi vũ khí đơn thuần. Ngày 01/12/2021, bộ trưởng Quốc Phòng Việt Nam Phan Văn Giang và đồng nhiệm Nga Serguei Shoigu đã ký ở Matxcơva một thỏa thuận mới để tăng cường hợp tác quân sự, tăng cường quan hệ đối tác về công nghệ và bán vũ khí giữa hai nước. Do đó, có thể thấy đây chưa phải là giai đoạn Việt Nam sắp “đổi súng”. Hợp tác vũ khí và quân sự Nga-Việt vẫn ở mức rất cao. Điều này được thể hiện trong khuôn khổ Quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước. Đây là mức quan hệ cấp cao nhất của Việt Nam và Hà Nội chỉ ký với ba nước, Trung Quốc, Ấn Độ và Nga.


Có một chi tiết nhỏ cần lưu ý, đó là vào thời điểm thỏa thuận hợp tác quốc phòng song phương được ký tháng 12/2021, phía Việt Nam đã giảm bớt đặt hàng với các nhà sản xuất Nga. Hợp đồng lớn gần đây nhất được ký năm 2019, Việt Nam mua 12 chiến đấu cơ huấn luyện Yakovlev của Nga. Sau đó, không có thêm hợp đồng lớn được ký giữa hai nước. Tuy nhiên, hai bên đang thảo luận về việc mua chiến đấu cơ cho không quân. Vấn đề này rõ ràng là một thách thức chiến lược lớn cho Việt Nam hiện nay.


RFI : Trước tất cả những bất cập được nêu ở trên, Việt Nam có thể tìm giải pháp thay thế nguồn cung cấp thiết bị quân sự Nga như thế nào ?


Benoît de Tréglodé : Trước tiên, như tôi đã nêu ở trên, ngoài nguồn thay thế vũ khí Nga, Hà Nội cũng phải tìm nguồn thay thế cho vũ khí Ukraina mà Việt Nam cũng là một khách hàng lớn từ khoảng 20 năm nay. Từ vài năm nay, nhìn chung là từ khủng hoảng bán đảo Crimée năm 2014, Việt Nam phải tính đến việc đa dạng hóa nguồn cung cấp vũ khí. Trong bộ Quốc Phòng Việt Nam, trong bộ máy Nhà nước và bộ máy an ninh đã có những cuộc thảo luận về việc cần phải có những nhà cung cấp vũ khí nước ngoài khác vì hai lý do. Thứ nhất dĩ nhiên liên quan đến thiệt hại của Ukraina, tiếp theo là những lý do địa-chính trị liên quan đến việc Nga và Trung Quốc xích lại gần nhau.


Hà Nội đang trao đổi rất nhiều với các nước Israel, Belarus, Hà Lan, đề cập một chút với một số nước Liên Hiệp Châu Âu khác, trong đó có Pháp, và với Hoa Kỳ. Nhưng việc hướng sang các nhà cung cấp mới này cũng đặt ra nhiều vấn đề địa-chính trị đáng kể.


Ngoài ra, việc Matxcơva và Bắc Kinh thắt chặt hợp tác an ninh cũng đặt ra hai vấn đề đối với Hà Nội. Điểm thứ nhất, chưa bao giờ Việt Nam nhận được sự ủng hộ rõ ràng của Nga về vấn đề Biển Đông. Các nhà hoạch định chiến lược Việt Nam biết rằng trong trường hợp xảy ra xung đột ở Biển Đông với Trung Quốc, Nga sẽ không giúp Việt Nam. Họ cũng sợ bị phụ thuộc về mặt công nghệ vào trang thiết bị giống với thiết bị cũng được quân đội Trung Quốc sử dụng. Điểm thứ hai, Hà Nội bức xúc việc Matxcơva thiếu ủng hộ vào năm 2016 khi Tòa án Trọng tài Thường Trực La Haye ra phán quyết vô hiệu hóa các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông.


Đây là hai điểm khiến các nhà lãnh đạo Việt Nam không muốn “đặt hết trứng vào một giỏ” đối với Nga, nhất là đối với các loại vũ khí công nghệ cao liên quan trực tiếp đến chiến tranh mạng, thiết bị dành cho an ninh mạng hoặc liên quan đến những chương trình vô cùng tinh vi về mặt công nghệ, như thiết bị bay không người lái vũ trang mà Việt Nam muốn có và phần nào nhờ vào tập đoàn Viettel.


Hà Nội đang xét lại định hướng quan hệ chiến lược nhưng không có chuyện xem xét lại hoàn toàn mối quan hệ quốc phòng mạnh mẽ về mặt lịch sử và được ủng hộ về mặt chính trị. Tổng thống Vladimir Putin rất nổi tiếng ở Việt Nam. Các nhà lãnh đạo Việt Nam, trong đó một phần lớn đã sống ở Liên Xô hoặc ở Nga, có mối quan hệ hữu nghị và vững chắc với Nga. Cuối cùng, về mặt ý thức hệ, chính quyền Việt Nam vẫn ủng hộ người Nga, vì thế Việt Nam chưa sẵn sàng đổi hướng.


RFI Tiếng Việt xin trân thành cảm ơn giám đốc nghiên cứu Benoît de Tréglodé, Viện Nghiên cứu Chiến lược của Trường Quân sự Pháp (IRSEM).


*******


(1) Theo thống kê của trang Oryx, chuyên theo dõi thiệt hại của quân đội Nga ở Ukraina, được trang Public Sénat trích ngày 23/05/2022.

 

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?