Lý do Mỹ xảy ra nhiều vụ xả súng - VNExpress

  

  • Thế giới
  • Phân tích
  • Thứ tư, 25/5/2022, 14:03 (GMT+7)

    Số lượng súng khổng lồ ở Mỹ, nơi người dân có thể sở hữu dễ dàng, được coi là nguyên nhân chính khiến nước này ghi nhận loạt vụ xả súng.

    Vụ xả súng đẫm máu ở trường tiểu học Robb tại thành phố Uvalde, bang Texas ngày 24/5 khiến ít nhất 21 người thiệt mạng đã khiến cả nước Mỹ chấn động. Đây là vụ xả súng thứ hai ở Mỹ chỉ trong 10 ngày qua, khiến nhiều người giận dữ đặt câu hỏi tại sao vấn nạn bạo lực súng đạn ở nước này lại nghiêm trọng đến vậy.

    Một số người cho rằng các vụ xả súng xảy ra nhiều như vậy là do tình trạng bạo lực trong xã hội Mỹ, hoặc nạn phân biệt chủng tộc sâu sắc, hay vấn đề sức khỏe tâm thần của người dân không được quan tâm đúng mức. Tuy nhiên, một nghiên cứu năm 2015 của giáo sư Adam Lankford thuộc Đại học Alabama cho thấy đây là vấn đề chung trong các vụ xả súng ở các nước trên thế giới. Điều khác biệt của Mỹ là số lượng súng khổng lồ mà người dân nước này sở hữu.

    Số súng và vụ xả súng tại Mỹ cùng các nước khác trong giai đoạn 1966-2012. Đồ họa: NY Times.

    Số súng và vụ xả súng tại Mỹ cùng các nước khác trong giai đoạn 1966-2012. Đồ họa: NY Times.

    Giáo sư Lankford, người đã nghiên cứu về các vụ xả súng hàng loạt trên thế giới suốt nhiều năm, cho biết Mỹ chiếm khoảng 4,4% dân số toàn cầu, nhưng sở hữu 42% số súng trên thế giới. Từ năm 1966 đến 2012, khoảng 31% kẻ xả súng trên thế giới là người Mỹ.

    Trong số những nước hơn 10 triệu dân, chỉ Yemen là có tỷ lệ số vụ xả súng trên số dân cao hơn Mỹ. Yemen cũng là nước có tỷ lệ người sở hữu súng trên số dân cao thứ hai thế giới, chỉ sau Mỹ.

    Lankford cho hay sau khi xem xét dữ liệu trong 40 năm từ 171 quốc gia, ông nhận thấy mối liên hệ trực tiếp giữa số lượng súng ở một quốc gia với các vụ xả súng.

    "Yếu tố lớn nhất để lý giải cho điều này là súng ở Mỹ rất dễ dàng tiếp cận, ngay cả với những người có nguy cơ cao", Lankford nói, thêm rằng khả năng người Mỹ bị giết trong một vụ xả súng ở nơi làm việc hoặc trường học còn cao hơn nguy cơ trúng đạn gần các căn cứ quân sự ở nước ngoài.

    Gian hàng triển lãm súng tại Chicago, Illinois, Mỹ, hồi tháng 10/2015. Ảnh: Reuters.

    Gian hàng triển lãm súng tại Chicago, Illinois, Mỹ, hồi tháng 10/2015. Ảnh: Reuters.

    Theo phân tích của tiến sĩ Lankford, trong hơn một nửa số vụ xả súng tại Mỹ, nghi phạm đều sở hữu nhiều hơn một khẩu súng và nhiều người trong số này chưa từng có súng trước khi thực hiện tội ác.

    "Súng không phải sở thích hay một thứ gì đó thuộc về văn hóa, giáo dục của những người này. Thực sự là khi ai đó quan tâm tới việc giết người, họ chỉ nghĩ mình cần một khẩu súng như công cụ giúp bản thân đạt được mục đích", Lankford nói.

    Tuy nhiên, ông cũng chỉ ra rằng những kẻ xả súng ở Mỹ cũng sát hại trung bình ít nạn nhân hơn so với các nước khác. Ông cho rằng điều này là do mức độ ứng phó nhanh của lực lượng hành pháp trong các vụ xả súng.

    Để đối phó với tình trạng bạo lực súng đạn ngày càng phổ biến, một số bang Mỹ ra luật cho phép các thành viên gia đình hoặc lực lượng hành pháp tước súng khỏi một người được cho là có thể gây nguy hiểm cho mọi người hay chính bản thân. Ở Alabama, những người bị kết tội bạo hành gia đình hoặc bạo lực không thể sở hữu súng. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng luật hạn chế sở hữu súng cần quyết liệt hơn, áp dụng với nhiều trường hợp hơn.

    "Nếu ai đó bày tỏ quan tâm tới hành vi xả súng, người này không thể mua súng. Tôi cho rằng mọi người nên ủng hộ những điều luật tước cơ hội sở hữu súng của những người nguy hiểm", Lankford nói.

    Ông cho rằng Mỹ nên hành động nhiều hơn nữa để cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần cho người dân.

    Xả súng ở trường tiểu học Mỹ, 15 người chết
     
     

    Hiện trường vụ xả súng ở Texas ngày 24/5. Video: AFP.

    Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) hồi đầu tuần công bố số liệu cho thấy nước này năm 2021 ghi nhận 61 vụ xả súng, cao nhất trong hơn 20 năm, khiến 103 người chết và 140 người bị thương.

    Sau vụ xả súng tại trường tiểu học Robb, Tổng thống Mỹ Joe Biden lập tức có bài phát biểu kêu gọi các nhà lập pháp thông qua luật kiểm soát súng đạn. Ông chủ Nhà Trắng nói thêm ông vừa công du châu Á và khu vực này không xảy ra các vụ xả súng hàng loạt với tần suất như nước Mỹ. Biden từng gọi bạo lực súng đạn ở Mỹ là "dịch bệnh", "nỗi hổ thẹn" với cộng đồng quốc tế.

    Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Chris Murphy cho biết ông cảm thấy sợ hãi và phẫn nộ về vụ xả súng ở trường tiểu học Robb. Murphy cũng phát biểu trước quốc hội, chỉ trích các đồng nghiệp không chịu hành động suốt nhiều năm qua, bất chấp hàng loạt thương vong từ bạo lực súng đạn.

    Cựu cảnh sát trưởng Philadelphia Charles Ramsey cũng bày tỏ sự thất vọng và phẫn nộ tương tự về vụ xả súng khiến 21 người thiệt mạng. "Quá đủ rồi, tất cả phải chấm dứt. Chúng ta phải cứu lấy con em mình, vì đây là những điều đang diễn ra hàng ngày ở các thành phố của chúng ta", Ramsey nói.

    Cựu tổng thống Barack Obama cũng tuyên bố phải nhanh chóng hành động để xử lý bạo lực súng đạn ở Mỹ. Ông nói thêm nước Mỹ đã tê liệt không phải vì nỗi sợ, mà vì những người vận động hành lang ủng hộ súng đạn và vì đảng Cộng hòa không sẵn sàng hành động để ngăn chặn các vụ xả súng tái diễn.

    Theo công ty nghiên cứu IBISWorld, thị trường sản xuất và kinh doanh súng đạn ở Mỹ trị giá khoảng 34 tỷ USD, cung cấp công việc cho hơn 150.000 người.

    Hiệp hội Súng trường Quốc gia (NRA) được coi là tổ chức có khả năng vận động hành lang mạnh mẽ, từng ngăn quốc hội Mỹ thông qua các dự luật về kiểm soát súng đạn. Theo dữ liệu của tổ chức phi chính phủ Open Secrets, NRA chi khoảng 3 triệu USD một năm để gây ảnh hưởng đến các chính sách về súng đạn.

    Cựu phóng viên Think Progress Igor Volsky nhiều lần chỉ ra rằng NRA liên tục đóng góp cho đảng Cộng hòa cùng các nghị sĩ đảng này. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng các đóng góp của NRA không hoàn toàn là lý do khiến đảng Cộng hòa phản đối siết kiểm soát súng đạn, với dẫn chứng là vào năm 2014, tỷ phú Michael Bloomberg đã quyết định cố gắng chấm dứt ảnh hưởng của NRA bằng cách cung cấp thêm tiền cho các nghị sĩ Cộng hòa để hỗ trợ lệnh siết kiểm soát súng. Tuy nhiên, vẫn không có gì thay đổi.

    Giới chuyên gia nhận định quyền sở hữu súng đã gắn liền với bản sắc của đảng Cộng hòa. Những cử tri đảng Cộng hòa cuồng nhiệt nhất coi súng là một phần trung tâm của con người họ.

    Ted Cruz, thượng nghị sĩ bang Texas thuộc đảng Cộng hòa, nói rằng phe đối lập luôn cố gắng sử dụng các vụ tấn công bằng súng để tìm cách tước quyền sở hữu súng của người dân đã được quy định trong Tu chính án thứ hai. "Khi một tội ác kiểu này xuất hiện, nó gần như bị chính trị hóa ngay lập tức", ông nói và cho rằng "tấn công quyền sử dụng súng theo hiến pháp không có hiệu quả trong việc ngăn chặn loại tội phạm này".

    Ước tính doanh số bán súng hàng tháng ở Mỹ. Đồ họa: NY Times.

    Ước tính doanh số bán súng hàng tháng ở Mỹ. Đồ họa: NY Times.

    Ngọc Ánh (Theo WBRC/Guardian)

    Nhận xét

    Bài đăng phổ biến từ blog này

    Xứ Sở Hận Thù

    Tin Việt Nam - Google VN

    Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?