LHCA họp phiên bất thường, Hungary đặt điều kiện để từ bỏ dầu khí Nga
RFI
Đăng ngày:
Trong hai ngày, 30/05 và 01/6, Hội đồng châu Âu họp phiên bất thường. Viện trợ khẩn cấp cho Ukraina, kế hoạch tái thiết đất nước, tăng cường năng lực quốc phòng cho Liên Hiệp Châu Âu và nhất là vấn đề thông qua loạt trừng phạt thứ sáu, cấm vận dầu khí Nga là những nội dung chính chương trình nghị sự.
Cuộc họp thượng đỉnh bất thường này đặc biệt thảo luận đề xuất của Ủy Ban Châu Âu cấp một tín dụng 9 tỷ euro cho Ukraina. Về điểm này, điện Elysée nêu rõ đây là một khoản cho vay chứ không phải là một khoản tài trợ không hoàn lại, và qua đó, gởi đi tín hiệu đến thị trường tài chính về việc một nước, bất chấp chiến tranh, vẫn tiếp tục thanh toán các khoản nợ của mình.
Cuộc họp thượng đỉnh lần này còn tìm cách thúc đẩy nhiều chủ đề nhậy cảm khác : Sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng hóa thạch của Nga, an ninh lương thực lâm nguy do xuất khẩu bị ngưng trệ hay việc khôi phục kho dự trữ vũ khí, một chủ đề rất được phía Pháp – nước giữ vai trò chủ tịch luân phiên đến hết tháng 6/2022, hoan nghênh.
Tuy nhiên, hồ sơ gây nhiều tranh cãi nhất và cho đến giờ vẫn chưa đạt được đồng thuận là việc thông qua loạt trừng phạt thứ sáu nhắm vào Nga. AFP cho biết, trong suốt một tuần qua, các cuộc đàm phán vẫn tiếp diễn nhằm tìm kiếm một đồng thuận và cứu vãn tình đoàn kết của khối Liên Âu.
Thủ tướng Hungary Viktor Orban cho đến hiện tại từ chối thông qua việc cấm vận dầu khí của Nga. Để có thể từ bỏ dần dần nguồn dầu khí của Nga (chiếm đến 65% nguồn cung), chính quyền Budapest đòi hỏi một khoản hỗ trợ 800 triệu euro và thời hạn từ bỏ nguồn năng lượng này là 4 năm thay vì là hai như đề xuất ban đầu của Liên Hiệp Châu Âu.
Thủ tướng Orban giải thích số tiền này là cần thiết để cho phép cải tạo hệ thống tinh lọc dầu thích ứng với những nguồn dầu thô khác và cho phép mở rộng hệ thống ống dẫn Adria đến từ Croatia.
Trong số các đồng thuận được đề xuất ở Hội Đồng Châu Âu, việc tạm thời loại bỏ cấm vận dầu hỏa của Nga thông qua đường ống dẫn Droujba và chỉ trừng phạt nguồn cung ứng bằng đường biển được cho là khả dĩ. Hãng tin Pháp cho biết đường ống dẫn Droujba cung cấp đến 2/3 nguồn năng lượng cho ba nước Hungary, Slovakia và Cộng Hòa Séc.
Nhận xét
Đăng nhận xét