Chiến tranh Nga-Ukraine có thể kích khởi khủng hoảng lương thực toàn cầu và suy thoái

Theo một báo cáo mới (pdf) từ công ty tư vấn tài chính nông nghiệp Rabobank, thế giới nên sẵn sàng cho một cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu có thể xảy ra trong những tháng tới trong bối cảnh có những tác động tiêu cực từ cuộc xung đột Nga-Ukraine.

Trong 20 năm qua, Nga, Belarus và Ukraine đã trở thành những nhà cung cấp chính trên các thị trường ngũ cốc và nông sản toàn cầu, sản xuất từ ​​20% đến 30% một loạt các sản phẩm chính, bao gồm lúa mì, bắp, lúa mạch, hạt cải, dầu hướng dương, hạt đậu, phân bón gốc nitơ và kali.

Rabobank lưu ý rằng do không thể ước tính được lượng ngũ cốc và các sản phẩm nông nghiệp khác mà Ukraine sẽ có thể sản xuất trong vụ mùa sắp tới — ngay cả với các ước tính mô hình thận trọng — có khả năng sẽ xảy ra sự thiếu hụt ngũ cốc và thức ăn chăn nuôi, điều này có thể gây ra một sự đe dọa nghiêm trọng đến an ninh lương thực toàn cầu.

“Thế giới vẫn chưa hoàn toàn thiếu nghiêm trọng nguồn cung cấp của Ukraine,” báo cáo cho biết. “Tuy nhiên, điều này sắp thay đổi từ tháng Bảy trở đi.”

“Trong nhiều năm nguồn cung ngũ cốc toàn cầu giảm từ 40 đến 50 [triệu] tấn dưới mức xu hướng tiêu thụ trong một mùa, xu hướng lịch sử là chỉ số giá lương thực toàn cầu tăng lên các mức giá rất cao. Cuộc khủng hoảng Ukraine gần đây nhất đã đẩy Chỉ số Giá Lương thực của FAO lên một mức cao kỷ lục, do dự kiến ​​nguồn cung trên thị trường thế giới sẽ bị thất thoát nặng nề.”

Công ty tư vấn tài chính này cho biết họ kỳ vọng “giá ngũ cốc và hạt có dầu tăng trên toàn cầu sẽ tiếp tục diễn ra trong suốt cả năm — và trong nhiều năm tới.”

Thiếu lương thực có thể gây ra bất ổn chính trị

Hôm 13/05, các nhà chức trách Ấn Độ cho biết họ sẽ cấm xuất cảng lúa mì, có hiệu lực ngay lập tức, để củng cố an ninh lương thực của nước này.

Hãng thông tấn Aljazeera đưa tin cho hay tin tức này đã vấp phải sự chỉ trích từ các nước phụ thuộc vào nhập cảng, với việc Bộ trưởng Nông nghiệp Đức Cem Ozdemir cho rằng hành động này có thể khiến cuộc khủng hoảng hiện tại thêm phần bế tắc, đặc biệt nếu các nước khác cũng thực hiện lệnh cấm xuất cảng.

“Nếu nước nào cũng bắt đầu áp đặt các hạn chế xuất cảng hoặc đóng cửa thị trường, thì điều đó sẽ khiến cuộc khủng hoảng thêm phần trầm trọng,” ông nói. “Chúng tôi kêu gọi Ấn Độ thực hiện trách nhiệm của mình với tư cách là một thành viên G20.”

Ông Matt Dalgleish từ công ty phân tích thị trường Thomas Elder Markets ở Úc, cho rằng cuộc xung đột Ukraine-Nga chắc chắn đã đẩy một số quốc gia phụ thuộc vào nhập cảng rơi vào tình trạng tuyệt vọng.

“Những quốc gia trước ngưỡng cửa của chúng tôi, chẳng hạn như Indonesia, có dân số khổng lồ và đang chật vật trong vấn đề tự cung tự cấp [cho riêng] họ, họ có thể gặp các vấn đề,” ông Dalgleish nói với The Epoch Times. “Ở khu vực Trung Đông và Bắc Phi – như Algeria, Libya và Ai Cập – họ đều là những quốc gia dễ bị rủi ro lương thực và mất an ninh lương thực”.

Ông Dalgleish cho biết do mức thu nhập thấp hơn ở các nước đó; nên đa phần người dân đã dành một tỷ lệ thu nhập cao hơn cho các vấn đề liên quan đến lương thực, và khi nguồn cung ngũ cốc giảm, thì giá có thể tăng do các nước cạnh tranh về nguồn cung.

Ông nói: “Khi mọi người trở nên mất an ninh lương thực, đó là một cách rất nhanh để gây bất tuân dân sự và bất ổn trong một quốc gia.”

Ông Dalgleish lưu ý rằng các quốc gia như Úc – không phụ thuộc vào nguồn cung cấp thực phẩm nhập cảng – thay vào đó sẽ cảm thấy áp lực lạm phát khi giá cả các mặt hàng căn bản như nhiên liệu và phân bón tăng lên, do các lệnh trừng phạt đối với Nga. Điều này có thể có tác động tăng dòng chảy và khiến giá các loại ngũ cốc chủ yếu như bột mì, sữa, rau và thịt tăng lên.

Nỗi sợ suy thoái toàn cầu

Theo Rabobank, giá phân bón đạt mức cao nhất mọi thời đại trong tháng 04/2022, sau khi nguồn cung từ Belarus và Nga bị hạn chế. Các nhà sản xuất Úc có thể gặp khó khăn trong việc tìm đủ sản phẩm để hỗ trợ tăng trưởng cây trồng và sản xuất thịt.

Hơn nữa, quyết định ngừng mua nguồn cung cấp nhiên liệu từ Nga (pdf) của các nước Liên minh Âu Châu và quyết định ngừng xuất cảng nhiên liệu cho các nước hỗ trợ Ukraine của Nga, sẽ khiến các biến động trên thị trường năng lượng thêm phần bế tắc và đẩy giá vận chuyển lên – một yếu tố khác góp phần làm tăng giá.

“Với việc Âu Châu có khả năng giảm nhập cảng năng lượng của Nga hơn nữa bằng một lệnh cấm nhập cảng dầu từ Nga vào cuối năm 2022, và với việc Nga chuẩn bị luật để ngăn chặn xuất cảng hàng hóa sang các quốc gia áp đặt các lệnh trừng phạt hoặc cung cấp vũ khí cho Ukraine, chúng tôi cho rằng giá năng lượng sẽ tiếp tục biến động và cao,” Rabobank cho biết. “Trong khi giá dầu trên 100 USD/thùng đã khá đắt, thì mức tăng giá hơn 50% nữa có thể xảy ra do hậu quả của các lệnh trừng phạt đó.”

Ví dụ, giá nhiên liệu ở Úc liên tục tăng, với giá xăng trung bình hiện ở mức khoảng 2.06 USD/lít tính đến ngày 23/05, tăng 45.6 cent so với mức thấp gần đây sau khi chính phủ Liên Minh cũ quyết định cắt giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nhiên liệu.

Ông Dalgleish nói rằng những áp lực này đối với lĩnh vực nông nghiệp và vận tải sẽ gây thêm thiệt hại từ lạm phát đối với các nước như Úc và Hoa Kỳ, và công ty phân tích này cảnh báo rằng thế giới có thể tiến tới một thời kỳ suy thoái tương tự như những năm 1970.

“Nếu quý vị đang xem xét các nền kinh tế phát triển thực sự quan trọng đối với tăng trưởng thế giới, họ sẽ thấy tác động của các yếu tố lạm phát này, và đối với họ, nó đang bắt đầu làm giảm GDP và tăng trưởng kinh tế của họ,” ông nói. “Tôi nghĩ rằng có nguy cơ suy thoái và lạm phát có khả năng xảy ra trên toàn cầu.”

Cô Victoria Kelly-Clark là một phóng viên người Úc tập trung vào chính trị quốc gia và môi trường địa chính trị ở khu vực Á Châu – Thái Bình Dương, Trung Đông và Trung Á.

Vân Du biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times 

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?