Hy vọng về Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ - Thái Bình Dương

 Sunday, May 29, 2022 8:54 AM //  ,  ,  , 

Lê Trọng Đàn 

Theo blog RFA 


Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida (trái), Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi dự lễ khởi động IPEF tại Tokyo, Nhật Bản hôm 23/5/2022 - Reuters 

Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương


Tổng thống Joe Biden phải đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan về thương mại ở châu Á khi không thể chỉ đơn thuần là trở lại Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà người tiền nhiệm đã rút lui từ năm 2017. Nhiều thỏa thuận thương mại liên quan, cho dù nội dung có là gì, đã từng bị các cử tri Mỹ nhìn nhận bằng với một con mắt độc hại và đổ lỗi là nguyên nhân gây nên tình trạng mất việc làm ở trong nước. 


Vì lẽ đó, Biden đã tìm ra một sự thay thế. Trong chuyến thăm Nhật Bản ngày 23/5, Tổng thống Biden đã thông báo việc các quốc gia sẽ tham gia Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mới, với tên viết tắt là IPEF, và dự kiến ban đầu sẽ có 13 quốc gia – Mỹ,  Australia, Brunei, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, New Zealand, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam – tham gia đàm phán việc khởi động.


Cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan cho biết IPEF tập trung vào việc hội nhập sâu hơn nữa các nền kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, thiết lập các tiêu chuẩn và quy tắc, đặc biệt là trong các lĩnh vực mới như nền kinh tế kỹ thuật số và cũng cố gắng đảm bảo các chuỗi cung ứng an toàn và linh hoạt”. (1)


Ý tưởng về sự cần thiết của các tiêu chuẩn mới cho thương mại thế giới không chỉ để giải quyết sự bất bình của các cử tri Mỹ. Đây là một sự thừa nhận rằng đại dịch COVID-19 đã làm gián đoạn toàn bộ phạm vi chuỗi cung ứng, khiến các nhà máy đóng cửa, trì hoãn các chuyến tàu chở hàng, gây tắc nghẽn các cảng biển và đẩy lạm phát cao hơn trên toàn cầu. Những lỗ hổng đó càng trở nên rõ ràng hơn vào cuối tháng 2 khi Tổng thống Nga Vladimir Putin tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, khiến giá lương thực và năng lượng ở nhiều khu vực trên thế giới tăng cao một cách đáng lo ngại. 


Đầu tư trực tiếp nước ngoài của Mỹ vào khu vực này đã đạt tổng cộng hơn 969 tỷ USD năm 2020 và đã tăng gần gấp đôi trong thập kỷ qua. Mỹ cũng là nhà xuất khẩu dịch vụ hàng đầu trong khu vực, giúp thúc đẩy tăng trưởng khu vực. Quan hệ thương mại với Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương hỗ trợ hơn ba triệu việc làm của người Mỹ và là nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài gần 900 tỷ USD vào Mỹ. Với 60% dân số thế giới, Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương được dự đoán là khu vực đóng góp lớn nhất cho tăng trưởng toàn cầu trong 30 năm tới.


Nội dung của IPEF là gì?


Tuy nhiên, IPEF sẽ làm những gì và đem đến những gì vẫn là điều cần chờ xem. Thông báo của Mỹ ngày 24/5 thực chất là báo hiệu sự bắt đầu của các cuộc đàm phán giữa các bên tham gia để quyết định khuôn khổ này cuối cùng sẽ bao gồm những gì, vì vậy tất cả những miêu tả ở thời điểm này chủ yếu chỉ mang tính tham vọng. Nói theo cách nào đó, đây là cách để Mỹ thể hiện các cam kết và khẳng định Mỹ vẫn một thế lực hàng đầu ở châu Á.


Các cuộc đàm phán với các nước đối tác sẽ xoay quanh bốn trụ cột, hay nói cách khác là các chủ đề, với phần việc do Đại diện Thương mại Mỹ và Bộ Thương mại nước này phụ trách.


Đại diện Thương mại Mỹ sẽ xử lý các cuộc đàm phán về trụ cột thương mại công bằng”. Điều này có thể sẽ bao gồm các nỗ lực bảo vệ người lao động Mỹ trước nguy cơ mất việc làm tương tự như giai đoạn Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) hồi năm 2001, dẫn đến việc sa thải nghiêm trọng trong ngành sản xuất. Điều này đã hủy hoại nước Mỹ từ bên trong, khiến các cử tri tức giận và thúc đẩy sự trỗi dậy chính trị của Donald Trump, nhân vật sau này với tư cách là Tổng thống, đã rút Mỹ khỏi TPP gần như ngay sau khi tuyên thệ nhậm chức vào năm 2017.


Bộ Thương mại sẽ giám sát các cuộc đàm phán về ba trụ cột khác là khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng; cơ sở hạ tầng và biến đổi khí hậu; thuế và chống tham nhũng. 


Một vấn đề đáng lưu ý là theo một quan chức chính quyền, các thành viên có thể lựa chọn trụ cột mà họ muốn tham gia, không bắt buộc phải tuân thủ cả bốn nội dung. Nói cách khác, các quốc gia sáng lập sẽ phải đàm phán về những tiêu chuẩn mà họ muốn tuân thủ, bằng cách nào triển khai và liệu cơ quan lập pháp trong nước có cần thông qua hay nguyên tắc cân nhắc các thành viên mới trong tương lai. Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha phát biểu qua kênh trực tuyến: Khuôn khổ này sẽ thúc đẩy việc tiếp cận các nguồn tài chính và công nghệ… Tất cả vẫn đang trong quá trình triển khai, với các cuộc tham vấn chi tiết được lên kế hoạch trong tương lai gần”. (2)


Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo nói với báo giới rằng IPEF đưa ra cho các nước châu Á “lựa chọn thay thế cách tiếp cận của Trung Quốc trong những vấn đề trọng yếu này”. (3)


Thái độ của các nước châu Á trước IDEF


Nhật Bản đã hoan nghênh IPEF (4). Việc Tổng thống Biden khởi động IPEF trong chuyến thăm Nhật Bản phản ánh hy vọng của nhà lãnh đạo Mỹ rằng Nhật Bản sẽ tham gia vào khuôn khổ này. Mặc dù Nhật Bản vẫn cho rằng tốt nhất là Mỹ nên quay lại CPTPP, nhưng việc Mỹ quay trở lại đấu trường thương mại khu vực là một bước phát triển đáng hoan nghênh.


Hàn Quốc cùng với một số quốc gia Đông Nam Á như Singapore và Philippines cũng đã bày tỏ sự quan tâm đến IPEF. Trong một tuyên bố gần đây, Bộ Thương mại và Công nghiệp Philippines viết: "Các mục tiêu của IPEF - chẳng hạn như nâng cao khả năng phục hồi, tính bao trùm và khả năng cạnh tranh, cũng như công nghệ, đổi mới, nền kinh tế kỹ thuật số, chuyển đổi năng lượng, các mục tiêu khí hậu và tăng trưởng công bằng - phù hợp với các ưu tiên thương mại của Philippines”. (5)


Thái Lan cũng sẽ tham gia IPEF khi nội các Thái Lan hôm 17/5 đã thông qua một tuyên bố thông báo cho Mỹ về sự tham gia của nước này trong các cuộc đàm phán về IPEF.


Trong khi đó, Ấn Độ và Indonesia vẫn tỏ ra dè dặt về khả năng tham gia IPEF. Phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-ASEAN gần đây, Tổng thống Indonesia Joko Widodo khẳng định rằng hợp tác trong khuôn khổ IPEF "phải mang tính bao trùm”. (6)


Một số quốc gia khác dường như cũng đang đặt câu hỏi về các lợi ích của khuôn khổ này. Ông Jayant Menon, chuyên gia của Viện ISEAS-Yusof Ishak, nhận định: "IPEF đề nghị các thành viên tuân thủ các quy tắc thương mại ràng buộc và áp dụng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về lao động, môi trường và các tiêu chuẩn khác mà không được nhận lại bất cứ điều gì, chẳng hạn như cải thiện khả năng tiếp cận thị trường vào Mỹ. Đây sẽ là một bất lợi lớn đối với các nước đang phát triển trong ASEAN”. (7)


Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam mới đây cho hay: ”Việt Nam cho rằng IPEF cần dựa trên các nguyên tắc mở, bao trùm, minh bạch, phù hợp với luật pháp quốc tế, vai trò trung tâm của ASEAN và bổ sung cho cho các liên kết kinh tế đã có. Với chủ trương xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ, chủ động tích cực hội nhập quốc tế, kinh tế quốc tế sâu rộng, thực chất và hiệu quả, Việt Nam tham gia một số sáng kiến liên kết kinh tế quốc tế, qua đó phát huy tối đa các nguồn lực trong và ngoài nước, phục vụ cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước". (8)


Về khả năng tham gia IPEF, người phát ngôn Bộ ngoại giao Việt nam một lần nữa nhấn mạnh, đây mới là quá trình khởi động cho tiến trình thảo luận và việc tham gia của mỗi nước, trong đó có Việt Nam phụ thuộc vào kết quả của quá trình thảo luận.


Kết luận


Nhà Trắng cho biết IPEF sẽ là một nền tảng mở. Tuy nhiên, IPEF đã vấp phải sự chỉ trích từ chính phủ Trung Quốc do cho rằng bất kỳ thỏa thuận nào cũng có thể hình thành một nhóm “độc quyền” dẫn đến bất ổn lớn hơn trong khu vực. Trên thực tế, quá trình xây dựng IPEF có tính đến những nhạy cảm đối với Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.


Các cuộc đàm phán dự kiến sẽ kéo dài từ 12-18 tháng, đây là mốc thời gian tích cực cho một thỏa thuận thương mại toàn cầu. Việc xây dựng sự đồng thuận trong nội bộ Mỹ cũng sẽ là chìa khóa cho thành công của quá trình đàm phán.


Các chuyên gia kinh tế và thương mại tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) tại Washington đánh giá vẫn chưa rõ làm thế nào chính quyền Biden lên kế hoạch để đạt được các mục tiêu của IPEF hoặc những động lực mà khuôn khổ này có thể cung cấp để khuyến khích hợp tác. Trong một nhận định ngắn gọn, CSIS cho rằng việc hạ thấp các tiêu chuẩn tham gia khi khởi động đàm phán bằng cách không yêu cầu các cam kết ban đầu đã giúp IPEF thành công trong thu hút một số lượng lớn các đối tác tham gia so với các thỏa thuận thông thường, tuy nhiên… liệu sự nhiệt tình ban đầu với khuôn khổ này có tiếp diễn khi các cuộc đàm phán thực sự bắt đầu vẫn còn là một câu hỏi bỏ ngỏ.” (9)


________________


Tham khảo:


1. https://www.whitehouse.gov/briefing-room/press-briefings/2022/05/23/on-the-record-press-call-on-the-launch-of-the-indo-pacific-economic-framework/


2. https://www.theislanderonline.com.au/story/7750524/us-indo-pacific-economy-plan-includes-aust/?cs=11679


3. https://www.whitehouse.gov/briefing-room/press-briefings/2022/05/23/on-the-record-press-call-on-the-launch-of-the-indo-pacific-economic-framework/


4. https://www.japantimes.co.jp/news/2022/05/26/national/japan-singapore-malaysia-ipef/


5. https://www.pna.gov.ph/articles/1172497


6. https://www.nusantarapol.com/2022/05/indonesian-president-joko-widodo-calls-for-end-.html


7. https://www.news18.com/news/world/biden-to-unveil-ipef-in-a-bid-to-counter-chinas-economic-clout-in-indo-pacific-5216395.html


8. https://vietnamnet.vn/viet-nam-se-xem-xet-tham-gia-khuon-kho-kinh-te-an-do-duong-thai-binh-duong-2023649.html


9. https://www.csis.org/analysis/unpacking-indo-pacific-economic-framework-launch


* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?