10 tài năng khoa học trẻ nhận giải Quả cầu vàng 2022 - VNExpress
HÀ NỘI10 gương mặt xuất sắc và 20 nữ sinh viên tiêu biểu được chọn để trao giải Quả cầu vàng với thành tích nổi bật trong lĩnh vực khoa học công nghệ.
Tối 27/11, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Bộ Khoa học và Công nghệ trao giải thưởng Khoa học công nghệ thanh niên Quả cầu vàng và phần thưởng Nữ sinh khoa học công nghệ năm 2022. Đây là giải thưởng hàng năm nhằm phát hiện, tôn vinh các tài năng trẻ không quá 35 tuổi có thành tích xuất sắc về khoa học công nghệ.
Hội đồng giải thưởng đã chọn 10 gương mặt tiêu biểu trong 37 ứng viên để vinh danh từ 5 lĩnh vực: Công nghệ thông tin, chuyển đổi số và tự động hóa (3 giải), công nghệ y - dược (2 giải), công nghệ sinh học (1 giải), công nghệ môi trường (2 giải) và công nghệ vật liệu mới (2 giải).
Theo ban tổ chức, Giải thưởng năm nay xuất hiện nhiều gương mặt nhà khoa học trẻ đang sinh sống học tập và làm việc tại các cơ sở đào tạo uy tín trên thế giới. Trong đó, nhiều cá nhân là chủ nhiệm đề tài khoa học công nghệ cấp quốc gia, quốc tế, có đề tài được ứng dụng thực tế đem lại hiệu quả cao. Nhiều công trình khoa học, công bố chất lượng cao thuộc mục Q1, có bằng độc quyền sáng chế, giải pháp hữu ích, đạt huy chương trong nước và quốc tế.
Mỗi cá nhân đạt Giải thưởng được nhận Huy hiệu "Tuổi trẻ sáng tạo" của Trung ương Đoàn, Cúp Quả cầu vàng, Giấy chứng nhận đạt Giải thưởng kèm theo phần thưởng tiền mặt 20 triệu đồng.
Ban tổ chức cũng lựa chọn 20 cá nhân xuất sắc nhận Giải thưởng Nữ sinh Khoa học công nghệ Việt Nam. Từ năm 2022, Trung ương Đoàn đã mở rộng 15 ngành đào tạo xét giải thuộc các lĩnh vực khoa học công nghệ chiến lược ưu tiên quốc gia, phát triển ứng dụng công nghệ số, trí tuệ nhân tạo (AI) nhằm chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia. Các nữ sinh đồng thời được tặng bằng khen của Trung ương Đoàn, biểu trưng và tiền thưởng 5 triệu đồng. Đến năm 2022 đã có 719 nữ sinh được trao giải thưởng.
Giải thưởng do Trung ương Đoàn chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ xét trao tặng thường niên từ năm 2003. Sau 19 năm tổ chức, đến nay có 194 cá nhân xuất sắc trong và ngoài nước được nhận giải thưởng.
Phát biểu tại lễ trao giải, Bí thư Trung ương Đoàn Nguyễn Minh Triết cho biết Giải thưởng Khoa học công nghệ Quả Cầu Vàng và Giải thưởng Nữ sinh Khoa học công nghệ Việt Nam trở thành sân chơi khoa học công nghệ được chờ đợi hàng năm của các bạn trẻ yêu khoa học công nghệ. Anh cho biết, tiêu chí đánh giá được lượng hóa cụ thể, vừa hướng theo chuẩn quốc tế về công bố khoa học, vừa bám sát thực tiễn khoa học công nghệ của Việt Nam. Đồng thời là đánh giá toàn diện người làm khoa học về thành tích lẫn đóng góp trong công tác đào tạo bồi dưỡng nhân lực và tinh thần cống hiến cho cộng đồng.
Anh mong muốn các cá nhân được vinh danh sẽ tiếp tục nỗ lực không ngừng viết tiếp những câu chuyện đẹp, hoài bão lớn, khát vọng chinh phục khoa học, công nghệ; về trách nhiệm với tổ quốc, với nhân dân. "Mong các bạn đồng cảm, chia sẻ với những thiếu thốn, khó khăn của đất nước nói chung và môi trường nghiên cứu khoa học trong nước nói riêng để nỗ lực vươn lên", Bí thư Trung ương Đoàn nói.
10 gương mặt nhận giải Quả cầu vàng 2022 TS Lương Văn Thiện (30 tuổi), giảng viên Khoa Công nghệ thông tin, Trưởng nhóm nghiên cứu AIoT Lab, trường ĐH Phenikaa, lĩnh vực công nghệ thông tin, chuyển đổi số và tự động hóa, có 19 bài báo công bố quốc tế, 10 báo cáo hội thảo quốc tế và một sản phẩm khoa học công nghệ đã ứng dụng thực tế. TS Lê Thanh Long (34 tuổi), giảng viên Khoa Cơ khí, trường ĐH Bách khoa, ĐHQG TP HCM, lĩnh vực công nghệ thông tin, chuyển đổi số và tự động hóa, có 11 bài báo công bố quốc tế, 10 bài báo công bố hội thảo quốc tế, 4 chương trình dự án, đề tài chủ trì và đồng chủ trì, 1 sách chuyên khảo, đoạt giải nhất cuộc thi Nhà nghiên cứu khoa học Việt Nam xuất sắc tại Đài Loan năm 2016. TS Lê Phạm Tuyên (32 tuổi), Trưởng nhóm nghiên cứu giải thuật, phòng nghiên cứu và phát triển, công ty AgileSoDA, Hàn Quốc, lĩnh vực công nghệ thông tin, chuyển đổi số và tự động hóa, có 10 bằng độc quyền sáng chế được bảo hộ tại Hàn Quốc, 7 bài báo công bố quốc tế, 20 bài báo công bố hội thảo khoa học quốc tế. TS Trần Ngọc Đăng (34 tuổi), Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ dự án và Đổi mới sáng tạo, trường ĐH Y Dược TP HCM, lĩnh vực công nghệ y-dược, có 60 bài báo công bố quốc tế, tham gia 5 dự án đề tài nghiên cứu khoa học. TS Phan Lê Minh Tú (33 tuổi), Phó Trưởng bộ môn Y học chức năng - Xét nghiệm y học, Khoa Y - Dược, Đại học Đà Nẵng, lĩnh vực công nghệ y-dược, có 27 bài báo công bố quốc tế, 1 báo cáo khoa học xuất sắc tại hội thảo quốc tế. TS Chu Đức Hà (34 tuổi), giảng viên Khoa Công nghệ nông nghiệp, trường ĐH Công nghệ, ĐHQG Hà Nội, lĩnh vực công nghệ sinh học, có 3 bằng độc quyền sáng chế, 1 bằng độc quyền giải pháp hữu ích quốc gia, 20 bài báo công bố quốc tế, 14 bài báo công bố trên hội thảo quốc tế. TS Trương Lâm Sơn Hải (35 tuổi), giảng viên Khoa Hóa học, trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG TP HCM, lĩnh vực công nghệ môi trường, có 2 bằng độc quyền sáng chế quốc gia, 7 bài báo công bố quốc tế, chủ trì 1 đề tài cấp cơ sở. TS Nguyễn Duy Đạt (34 tuổi), giảng viên Khoa Công nghệ Hóa học và Thực phẩm, ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, lĩnh vực công nghệ môi trường, có 22 bài báo công bố trên tạp chí quốc tế, 5 bài báo công bố hội thảo quốc tế, chủ trì 1 đề tài cấp cơ sở. TS Lê Thị Phương (34 tuổi), Viện Khoa học vật liệu ứng dụng, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VAST), lĩnh vực Công nghệ vật liệu mới, có 1 bằng sáng chế quốc tế, 2 bằng độc quyền sáng chế quốc gia, 27 bài báo công bố quốc tế và 5 bài báo công bố hội thảo quốc tế. TS Trần Thị Như Hoa (33 tuổi), Khoa Khoa học và Công nghệ vật liệu, trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG TP HCM, lĩnh vực công nghệ vật liệu mới, có 21 bài báo công bố quốc tế, 44 bài báo công bố hội thảo quốc tế, 1 sách chuyên khảo, chương sách, 2 giải thưởng, huy chương. |
Như Quỳnh
Nhận xét
Đăng nhận xét