Nửa đời người sống lưu vong, lang bạt từ Việt Nam cho tới Campuchia, Thái Lan
Song Chi
Theo blog RFA
Đứa con gái đầu, sinh năm 1980, lúc đó mới có 4 tuổi, bây giờ đã 42 tuổi. Đứa con trai út cũng đã 22 tuổi. 37 năm, gần nửa cuộc đời, cả gia đình gồm có anh, vợ và 5 người con đã sống một cuộc đời lưu vong, ngoài lề xã hội, luật pháp, dù ở Việt Nam, Campuchia hay Thái Lan…
xxxxx
Thạch Soong, sinh năm 1960, tại ấp Kor Kô, xã Tân Hưng, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng. Cha mẹ làm nghề nông. Gia đình có 3 anh em, Thạch Soong lớn nhất, dưới là 2 em trai. Nhưng chỉ có một mình Thạch Soong là dính vào “hoạt động chính trị”, phải bỏ xứ ra đi, còn hai người em vẫn sống bình thường ở Việt Nam.
Ấp Kor Kô có khoảng hơn 200 hộ gia đình, trong đó 90% dân số là người Khmer Krom hay còn gọi là người Khmer Nam Bộ, người Khmer Việt Nam, người Việt gốc Miên (sử dụng trước năm 1975).
Không có trường dạy tiếng Khmer, thanh thiếu niên muốn học tiếng Khmer phải vào tu trong chùa mới học được. Thạch Soong cũng vào chùa tu 3 năm, từ năm 1977–1980, tại chùa Tân Hưng, tỉnh Sóc Trăng, nhờ đó anh đọc, nói, viết được tiếng Khmer. Còn tiếng Việt, Thạch Soong học tới lớp 11 bậc trung học phổ thông thì nghỉ, hai người em còn nghỉ sớm hơn, người lớp 8, người lớp 9. Tu xong, Thạch Soong cũng tiếp tục nghề nông như gia đình.
Năm 1981 anh lập gia đình.
Thạch Soong bắt đầu tham gia hoạt động trong phong trào Khmer Krom năm 1983, tại huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng. Xuất phát chỉ vì anh thấy người Khmer Krom bị nhà nước cộng sản đàn áp tôn giáo nặng nề. Mọi sinh hoạt tại các ngôi chùa bị kiểm soát chặt chẽ, công an nổi, công an chìm theo dõi chùa liên tục, muốn làm gì cũng phải xin phép chính quyền, sư sãi trong các chùa hầu hết là đảng viên đảng cộng sản. Nhà nước Việt Nam và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khống chế sư sãi trong chùa, thành lập Hội sư sãi yêu nước của người Khmer trên toàn bộ khu vực Nam Bộ.
Từ năm 1979 nhà nước không cho thanh niên từ 18 tuổi trở lên vào chùa tu, muốn đi tu thì phải dưới 18 tuổi, và phải xin phép nhà nước, lấy lý do từ 18 là tuổi phải đăng ký thi hành nghĩa vụ quân sự.
Phong trào Khmer Krom hình thành trước hết là để đấu tranh đòi tự do tôn giáo. Lúc đó mọi người còn phải hoạt động rất là bí mật, kín đáo. Thạch Soong là người đứng đầu ở huyện Long Phú, nhưng giai đoạn này anh chưa làm được gì nhiều, vì sự kiểm soát, đàn áp chặt chẽ của nhà nước cộng sản Việt Nam. Phong trào cũng chưa biểu tình hay có những hoạt động công khai nào. Thời đó chưa có internet. Anh chỉ đi nói chuyện vận động anh em bà con, giải thích để cho họ hiểu thế nào là tự do tôn giáo, chính phủ đang đàn áp ra sao. Dần dần anh không chỉ nói về tự do tôn giáo mà còn nói về nhân quyền. Người dân phải có quyền phát biểu, lên tiếng, dám nói khi bị nhà nước đàn áp. Cả chuyện được quyền học chữ, văn hóa, được duy trì những phong tục tập quán, lễ hội đậm đà bản sắc cùa người Khmer.
Những cuộc họp mặt, hội họp thường xuyên của Thạch Soong và bà con anh em khiến chính quyền địa phương bắt đầu để ý. Theo quy định của nhà nước là không được tụ tập quá 5 người, nên những hoạt động như vậy liền bị cáo buộc là chống nhà nước. Thạch Soong bắt đầu bị theo dõi.
Từ năm 1985 trở đi nhà nước cộng sản Việt Nam đàn áp, bắt bớ dữ dội, kể cả sư sãi trong chùa, từ đó tới giờ phong trào tạm ngưng, không dám hoạt động nữa.
Cảm thấy không an toàn, năm 1985, Thạch Soong bỏ nhà trốn tới Bạc Liêu một thời gian dài. Mấy tháng sau, khi Thạch Soong trở về thăm cha mẹ bệnh thì bị bắt, cũng trong năm 1985. Anh bị nhốt 1 tháng ở huyện Long Phú, toàn bộ giấy tờ tùy thân như Chứng minh nhân dân (CMND), hộ khẩu của cả nhà bị tich thu. Sau khi được thả ra thì anh thường xuyên bị công an theo dõi, xách nhiễu không làm được gì. Thạch Soong quyết định cùng gia đình-vợ và 3 con nhỏ, bỏ làng xóm ra đi.
xxxxx
Bắt đầu giai đoạn đi ở ẩn, lang thang chỗ này chỗ khác. Lúc đầu anh và vợ con sống tạm trong nhà người bác của vợ, ngày thì đi làm thuê làm mướn, đào đất vét sình ai thuê gì làm nấy. Sau đó lại tới Cà Mau, làm việc tại các vuông tôm. Gia đình anh và nhiều người dân đi làm thuê khác đốn cây dựng lều trong rừng tràm, rừng đước Năm Căn làm chỗ tá túc qua ngày. Ở trong rừng điện nước tất nhiên không có, chỉ thắp đèn dầu, nấu củi. Hàng ngày hai vợ chồng đi làm thuê, mấy đứa nhỏ ở trong lều nấu nướng, tự chăm sóc nhau.
Dân tứ xử đổ tới Cà Mau làm mướn nhiều quá, sợ bị lộ tông tích, sau 3 năm gia đình Thạch Soong lại qua huyện Tri Tôn, Châu Đốc, nơi có nhiều người Khmer Krom sinh sống. Lúc này thì cả nhà không dựng lều sống trong rừng nữa nhưng cũng sống ở vùng sâu vùng xa. Gia đình anh trụ ở đây được 10 năm.
Khi bỏ nhà ra đi, vợ chồng anh chỉ mới có một đứa con gái nhỏ là con riêng của vợ. Đến Bạc Liêu sinh thêm 1 đứa, đến Cà Mau thêm 1 đứa, đến Châu Đốc thêm 3 đứa nữa, tất cả là 6 đứa con. Không đứa nào được đi học, được biết tới trường lớp là gì.
Như rât nhiều người phụ nữ nghèo khác, chị Kim Suon, vợ anh Thạch Soong, chẳng bao giờ biết đến nhà hộ sinh, bệnh viện. Một phần vì sống ở đâu trạm xá cũng xa xôi, phương tiện đi lại không thuận tiện, một phần vì Thạch Soong cứ bị ám ảnh, sợ chính quyền địa phương phát hiện ra lại rắc rối. Mỗi lần chị Kim Suon đau bụng đẻ chỉ gọi bà mụ vườn tới, bà mụ chẳng có bất cứ một dụng cụ, phương tiện gì ngoài kinh nghiệm, sinh con xong cũng chỉ xắt mớ lá thuốc Nam uống để lại sức, vậy mà lần nào cũng mẹ tròn con vuông. Không chỉ chuyện sinh nở, bao nhiêu năm sống lang thang đây đó, cả nhà cũng chỉ bị cảm cúm lặt vặt, có gì cần thì tìm thầy thuốc nam người Khmer Krom. Nhưng cũng không bị bệnh gì nặng. Vợ chồng anh thường nói: trời sinh voi sinh cỏ. Nhưng cũng có thể một phần do lao động luôn tay luôn chân nên người ít bệnh tật.
Sau 16 năm kể từ khi bỏ làng xóm ra đi, Thạch Soong cảm thấy không thể sống ở Việt Nam vì không thể trở về địa phương, cứ tạm trú chỗ này chỗ kia không có giấy tờ tùy thân, con cái không đi học được. Nhân có người này người khác nói ở Campuchia cũng có công ăn việc làm, có tự do đôi chút nên Thạch Soong quyết định đi Campuchia. Anh tìm người quen đưa cả gia đình sang biên giới Campuchia.
xxxxx
Gia đình Thạch Soong đến Campuchia vào năm 2001. Ban đầu vào xã Prek Eng, quận Kean Svay, tỉnh Kandal, sống chung với người Campuchia, không dám sống chung với người Việt sợ có người nhận ra báo với nhà nước Việt Nam, cũng không dám sống chung với người Khmer Krom ở Campuchia vì không quen không biết họ là ai.
Ở Campuchia, cũng lại cuộc đời làm ruộng làm rẫy, nhổ cỏ hốt đất, ai mướn gì làm đó. Được cái Thạch Soong là người Khmer Krom, nên ngôn ngữ văn hóa không có gì khác, anh sống ở Campuchia thì cũng như sống ở Việt Nam vậy thôi. Ở đâu anh và gia đình cũng là những người không giấy tờ, không được nhà nước công nhận, không được hưởng bất cứ quyền lợi gì, và cũng không an toàn như nhau. Thậm chí đời sống còn có phần đỡ hơn vì ở trong vùng làm vườn làm rẫy chứ không phải ở rừng. Gia đình anh thuê cái nhà cũ, ở chung với những người thợ Campuchia khác.
Chính phủ Campuchia dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Hun Sen và đảng cầm quyền, vốn dĩ được dựng nên từ đảng cộng sản Việt Nam và có quan hệ chặt chẽ với đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam, nên tất nhiên không bao giờ muốn có chuyện làm phật lòng Việt Nam. Những ai lên tiếng chỉ trích nhà nước cộng sản Việt Nam mà trốn qua Campuchia, nếu bị cảnh sát Campuchia bắt, thì họ sẽ bỏ tù hoặc trục xuất về Việt Nam, còn nếu bị công an chìm Việt Nam ở Campuchia phát hiện, công an Việt Nam sẽ “bắt cóc” đưa về nước ngay.
Cho dù bây giờ, mối quan hệ giữa Việt Nam và Campuchia đã bớt “mặn mà gắn bó”, có nhiều khía cạnh “bằng mặt mà không bằng lòng”, nhất là khi ông Thủ tướng Hun Sen và chinh phủ Campuchia ngả hẳn về phía Trung Quốc, nhưng chính phủ Campuchia vẫn không cho phép người Việt Nam chống nhà nước Việt Nam tại Campuchia.
Còn đối với người Khmer Krom, chính quyền Campuchia không thừa nhận là cùng một dân tộc với họ, mà cũng coi như người Việt.
Nghĩ về thân phận của mình–người Khmer Krom, lại là một người bất đồng chính kiến như Thạch Soong, anh không cảm thấy mình thực sự thuộc về nước nào, Việt Nam hay Campuchia. Xét về một khía cạnh nào đó, anh là người vô quốc tịch, vô Tổ quốc.
xxxxx
Đến Campuchia một thời gian, dù biết luật pháp Campuchia không cho phép, nhưng Thạch Soong vẫn quyết định cùng một số người lập trại tỵ nạn của người Khmer Krom, để lên tiếng cho quốc tế biết về tình trạng của người Khmer Krom lưu vong ở Campuchia.
Lần thứ nhất họ lập trại ở tỉnh Battambang gần biên giới Thái Lan. Trại ở trong rừng, cũng lại đốn cây dựng lều. Có khoảng 140 người.
Được hơn một tuần thì quân đội Campuchia ập tới, giải tán trại, bắt 4 người trong đó có Thạch Soong, nhốt 3 ngày. Khi khám xét từ những người bị bắt cho tới tất cả những người trong trại, chỉ thấy tay không với cái búa dùng để chặt cây, đóng đinh, mấy cái lều, không có vũ khí gì hết, nên sau khi điều tra, họ thả ra.
Một tuần sau Thạch Soong lại lập trại ở tỉnh Banteay Meanchey. Lần này trại chỉ có khoảng 40 người, trong đó có một số người của lần lập trại trước. Được hơn nửa tháng cũng lại bị bao vây bắt, bị bỏ tù 64 ngày.
Dù trong cả hai lần khám xét những người bị bắt không có vũ khí gì, nhưng chính quyền và báo chí Campuchia thì cáo buộc là những người này “vũ trang chống lại chính quyền Campuchia”. Thạch Soong nói: “Thật sự thì chúng tôi không chống chính quyền Campuchia, chúng tôi không có lý do gì để làm như vậy khi đang sống bất hợp pháp trên xứ họ, tôi chỉ muống lập tại tỵ nạn, muốn người Khmer Krom có tiếng nói để các tổ chức nhân quyền quốc tế hiểu và quan tâm thôi. Nhưng khi chúng tôi bị bắt thì đâu có được quyền gặp báo chí, nên báo chí viết theo giọng điệu của công an, cảnh sát Campuchia”. Chẳng có gì lạ, cũng giống như ở Việt Nam, trong mọi vụ án có liên quan đến chính trị, nhân quyền, báo chí chỉ viết theo thông tin từ công an cung cấp.
Sau khi được thả ra lần thứ hai thì Thạch Soong bị quản thúc, cả cảnh sát Campuchia, cả công an Việt Nam tại khu vực đó đều theo dõi, không làm gì được. Lại một lần nữa Thạch Soong quyết định ra đi, lần này là sang Thái Lan. Lại mướn người đưa sang Thái Lan.
xxxxx
Thạch Soong và gia đình đến Thái Lan năm 2004.
Ngay khi vừa đặt chân đến Thái Lan, 2–3 ngày sau, anh đã tìm đến văn phòng Cao Ủy tị nạn Liên Hiệp Quốc tại Bangkok, Thái Lan nộp đơn xin quy chế tỵ nạn nhưng đơn bị bác. Lý do thiếu tư liệu để chứng minh mình đủ điều kiện tỵ nạn. Lần thứ hai nộp đơn, lại bị bác, viên chức ở Cao Ủy tỵ nạn Liên Hiệp Quốc nói Thạch Soong là người Khmer Krom thì có thể sống ở Campuchia được.
Kể từ đó Thạch Soong quyết định ở lại Thái Lan. Để mưu sinh, anh và gia đình lại tiếp tục những công việc lao động phổ thông nặng nhọc. Công việc anh thường làm nhất là dọn dẹp làm vệ sinh ở các khu chợ, các quầy rau, sau khi người ta bán hàng xong. Hoặc nhận ớt đem về nhà lặt.
Qua được Thái Lan 2 đứa con trai nhỏ nhất của Thạch Soong được đi học tiếng Anh ở Trung tâm tỵ nạn Bangkok (Bangkok Refugee Center, viết tắt BRC) gần 1 năm. Sau đó lại học ở các lớp do nhà thờ hay các tổ chức thiện nguyện lập ra. Chỉ có hai đứa nhỏ nhất là được học, còn cả nhà đã lớn, và phải đi làm kiếm sống.
Thạch Soong lại thành lập Hội Khmer Krom tỵ nạn tại Thái Lan ở khu vực chợ Simummuang, tỉnh Pathum Thani, Thái Lan.
Hiện tại Hội Khmer Krom tỵ nạn tại Thái Lan có khoảng 200 người. Hội không hoạt động gì ngoài những việc như giúp đỡ người mới qua, có lớp dạy tiếng Anh, tiếng Thái, tiếng Khme Krom do một số người trong các nhà thờ tình nguyện đứng ra dạy, tổ chức họp mặt, tổ chức một số lễ lạc như lễ cúng đưa ông bà, hay Tết Năm Mới của người Khmer, từ ngày 13–14.4 Dương lịch. Thạch Soong cũng hay liên lạc với những người Khmer Krom khác ở đây, anh cũng đưa những tài liệu nhân quyền, đàn áp tôn giáo cho anh em hiểu thêm. Chính quyền Thái có theo dõi, thấy không có liên quan đến các hoạt động chính trị, chỉ làm lễ theo Phật giáo nên họ cũng không làm khó làm dễ.
Cũng có khi cảnh sát Thái đi lùng khám xét nhà để tìm những người nhập cư không giấy tờ. Gia đình Thạch Soong cũng bị khám xét mấy lần nhưng may mắn, toàn thoát được. Trong khi đó có những người Khmer Krom không may, bị bắt, bị trục xuất về Campuchia.
Từ ngày ra đi mãi mấy năm gần đây Thạch Soong mới thường xuyên liên lạc lại với gia đình. Cha anh đã qua đời năm 2018, người mẹ già đã ngoài 80 tuổi đau ốm luôn, công an bây giờ cũng không còn tới lui nhà nữa. Khi cha anh còn sống thỉnh thoảng công an lại kêu cha anh lên điều tra, bảo ông kêu Thạch Soong về đầu thú, nhưng ông trả lời đâu biết anh ở đâu mà kêu.
xxxxx
Từ năm 2013, Thạch Soong đi khám, bác sĩ cho biết anh bị bị bệnh tim, phải uống thuốc hàng ngày, cũng không nên làm việc nặng. Nên anh phải nghỉ lao động từ năm 2015.
Thạch Soong lại kiên trì nộp đơn xin quy chế tỵ nạn lần thứ ba.
Năm 2014 sau 6 tháng bất ổn về chính tri, lực Lực lượng Vũ trang Hoàng gia Thái Lan, dưới sự lãnh đạo của Đại tướng Prayut Chan-o-cha, Tổng tư lệnh của Quân đội Hoàng gia Thái Lan (RTA), phát động cuộc đảo chính, thành lập một chính quyền quân sự (junta) gọi là Hội đồng Hòa bình và Trật tự Quốc gia Thái Lan (NCPO) để kiểm soát đất nước.
Chính phủ quân đội lên bắt bớ dữ dội những người nhập cư bất hợp pháp. Người Khmer Krom, Lào, Myanmar…đều bị lùng bắt để trục xuất. Có người chạy trốn nên bị bắn chết, cũng có người bị lùa lên xe chở đi, xe quá đông, bị ngộp thở chết. Sợ bị bắt, bị trục xuất về Campuchia, Thạch Soong đến văn phòng trung tâm tỵ nạn Bangkok BRC gần như “nằm vạ”.
Năm 2014 Cao Ủy tỵ nạn Liên Hiệp Quốc mở lại hồ sơ gia đình Thạch Soong. 3, 4 tháng sau tức năm 2015 Cao Ủy tỵ nạn Liên Hiệp Quốc công nhận quy chế tỵ nạn cho gia đình anh.
Năm 2019 văn phòng Liên Hiệp Quốc tại Bangkok gọi gia đình anh Thạch Soong lên phỏng vấn làm hồ sơ tái định cư. Thạch Soong mừng như bắt được vàng nhưng vẫn chưa hết gian nan. 2 tháng sau họ thông báo chuyển hồ sơ qua Đại sứ quán Hoa Kỳ. 1 năm sau, khoảng tháng 8.2020, Trung tâm hỗ trợ tái định cư (Resettlement Support Center, viết tắt RSC) gọi lên phỏng vấn. Một năm sau nữa mới được phỏng vấn chính thức ở Đai sứ quán Hoa Kỳ. Coi như 3 năm. Thêm 9 tháng sau mới có kết quả. Đúng là trần ai. Nhiều người chỉ 5, 6 tháng là hoàn tất, còn gia đình anh phải mất 3 năm.
Văn phòng Tổ chức Di cư Quốc tế (The International Organization for Migration, viết tắt IOM) thông báo là ngày 30.11.2022 gia đình Thạch Soong sẽ được lên máy bay đến Hoa Kỳ.
xxxxx
Nhìn lại 37 năm sống trong tình trạng tỵ nạn, con gái đầu bây giờ đã 42 tuổi, con trai út 22 tuổi. 37 năm sống trong tình trạng tỵ nạn.
Thạch Soong và vợ vẫn còn một nỗi buồn, đó là cậu con trai thứ ba năm nay khoảng 38 tuổi, bỏ nhả đi từ 10 năm nay không sao liên lạc được. Đứa con trai bất mãn vì cha mẹ cứ sống trong tình trạng “ngoài lề xã hội” mà tương lai thì mù mịt, nên bỏ đi với một cô bạn gái người Thái, bây giờ đến lúc ra đi được thì không sao tìm được con. Vây là cả nhà – hai vợ chồng, 5 đứa con, cùng với một đứa cháu gái 5 tuổi là con của cô con gái thứ tư (từng sống với một người Khmer được gần một năm thì chia tay), cuối cùng cũng đã kết thúc cuộc đời lang bạt, không căn cước, không là công dân của nước nào.
Nhưng Thạch Soong không hổi tiếc đã bị mất một nửa cuộc đời. Một cách giản dị, anh chỉ nghĩ, lỡ rồi, không hối hận, những gì anh đã làm cũng chỉ là vì muốn cho người Khmer Krom có tự do, xã hội có tự do mà thôi. Chị Kim Suon, người vợ gắn bó chia ngọt sẻ bùi bao nhiêu năm của anh còn suy nghĩ đơn giản hơn, chồng đi đâu thì mình đi đó, chồng con ở đâu thì mình ở đó, vậy thôi. Còn bây giờ, đến Mỹ, cuộc sống như thế nào, sẽ làm gì, anh chị cũng chưa tính được, cứ đến đâu hay đến đó, nhưng chắc chắn là không thể nào khổ hơn những năm tháng đã qua, lo gì.
Nhận xét
Đăng nhận xét