Tư duy Võ Văn Kiệt trước đối tác chiến lược với Hoa Kỳ và hội nghị Thành Đô

 30 tháng 11 2022, 19:39 +07

Trần Hiếu Chân

Gởi cho BBC Tiếng Việt từ TP. HCM

PM Vo Van Kiet

NGUỒN HÌNH ẢNH,GETTY IMAGES

Từ trung tuần tháng 11 đến nay, truyền thông Việt Nam đăng nhiều tin bài kỷ niệm sinh nhật lần thứ 100 của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt.

Thế nhưng theo tôi, để tưởng nhớ đến ông Võ Văn Kiệt, người Việt nam cần ôn lại một vài sự kiện đối ngoại quan trọng thời gian cuối nhiệm kỳ Thủ tướng của ông.

Những ngày này, khi biểu tình nổ ra ở Trung Quốc, ‘bàn tay sắt cùa Thiên An Môn’ là Giang Trạch Dân qua đời, thì Việt Nam đang chậm lại, loay hoay trước thay đổi lớn trên thế giới.

Chậm hơn thế giới đã đành, nay Việt Nam còn chậm hơn ASEAN. Indonesia, Philippines và Malaysia đang đẩy mạnh tương tác với Mỹ trên mọi lĩnh vực, để bảo vệ chủ quyền đất nước. Còn lãnh đạo Campuchia đã thay mặt ASEAN, lấy quyết định sẽ sang thăm Kyiv, sau khi đã điện đàm với Tổng thống Zelensky và mời Ngoại trưởng Ukraine ký Hiệp định bất tương xâm.

Đây là lúc cần tìm hiểu lại xem, giải sử còn sống thì ông Sáu Dân sẽ nói gì về nhu cầu ký Đối tác chiến lược với Hoa Kỳ hiện nay?

Vo Van Kiet and ASEAN leaders

NGUỒN HÌNH ẢNH,GETTY IMAGES

Chụp lại hình ảnh,

Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt cùng các lãnh đạo nối tay chụp ảnh kỷ niệm tại lễ khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN Bangkok tháng 12/1995

Việt Nam những năm qua vẫn chần chừ, vẫn ‘kiên định’ từ chối ký Đối tác Chiến lược với Hoa Kỳ, mặc dù Washington đã cấp tập kiến nghị. Các quan chức cấp cao trong chính quyền Hà Nội đã “tự sướng” bằng các ngôn từ tự an ủi: “Quan hệ Việt – Mỹ thực chất đã là đối tác chiến lược” như một bài trên Tuổi Trẻ gần đây. Thậm chí, họ còn cho rằng quan hệ đã “có điểm vượt tầm quan hệ chiến lược”... để coi nhẹ việc ký trễ.

Trong khi đó, chuyến thăm Philippines của Phó Tổng thống Kamala Harris hôm 21/11/2022 tại tỉnh Palawan, nhìn ra vùng biển Trung Quốc đòi có phần, cho thấy một điều gì đó thật mới mẻ đang bắt đầu giữa Mỹ và ASEAN.

Bà Harris là quan chức Mỹ đầu tiên đến đó, mà theo các nhà quan sát, động thái này có ý nghĩa như một thông điệp gửi tới Trung Quốc và cả vùng châu Á, chứ không chỉ gửi riêng Philippines.

Còn lãnh đạo Hà Nội tính đến nay đã 6 lần “chuyển lời mời” của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Tổng thống Biden, mời ông sang thăm Việt Nam, nhưng Văn phòng Tổng thống vẫn chưa có câu trả lời tích cực, theo VOA.

Kể cả cuộc điện đàm giữa ông Trọng với ông Biden được truyền thông trong nước nhất loạt đưa tin, đến nay, vẫn chưa thấy động tĩnh gì. Những trục trặc gần đây trong quan hệ Việt – Mỹ khiến dư luận nhớ lại các cuộc đàm phán Hiệp định thương mại Việt – Mỹ (BTA) thuở ấy cũng “lên bờ xuống ruộng”, kéo dài hàng mấy năm trời cực kỳ khó khăn.

Lúc đó là thời điểm tư duy Võ Văn Kiệt tỏa sáng, bất chấp cản trở.

 

Kamala Harris Philippines

NGUỒN HÌNH ẢNH,GETTY IMAGES

Chụp lại hình ảnh,

Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris gặp Tổng thống Philippines Ferdinand "Bongbong" Marcos Jr trong chuyến thăm Phillipines tháng 11/2022

Trưởng đoàn đàm phán Hiệp định thương mại Việt – Mỹ, Nguyễn Đình Lương nhớ lại: “Khó nhất là ngay từ khi bắt đầu, ông Võ Văn Kiệt đã không còn ở vị trí quyết định. Trong số lãnh đạo, số người đồng ý không nhiều. Nhiều người trong số họ muốn mình không trắng, không đen, công thì được hưởng, tội không phải mình chịu. Cứ tiếc, ông Kiệt không còn làm Thủ tướng nữa.”

Ông Kiệt lúc bấy giờ cùng với Đỗ Mười và Lê Đức Anh là ba cố vấn cho Bộ Chính trị. Cứ mỗi khi họp Bộ Chính trị, đoàn đàm phán lại phải hỏi Văn phòng, ông Kiệt từ TP. HCM có ra họp không? Có mặt ông Kiệt thì cán cân sẽ khác. Từ đầu quan điểm của ông Kiệt đã rất rõ ràng: phải bình thường hóa với Mỹ, ký Hiệp định Biên giới với Trung Quốc, ký Hiệp định thương mại Việt – Mỹ… Cho dù các ý kiến trong cuộp họp phát biểu theo chiều hướng nào thì ý kiến của ông Kiệt vẫn là phải ký. (Tr. 349 – 350 trong “Bên Thắng Cuộc” (BTC) của Huy Đức).

Ngày 6/9/1999 từ TP. HCM, ông Kiệt viết thư gửi Bộ Chính trị, xin vắng mặt phiên họp ngày 7/9/1999 và cho biết, nếu có điều kiện thì nên ký sớm để phía Mỹ có thể phê chuẩn Hiệp định trước bầu cử. Lê Đức Anh không chống BTA nhưng nói nên ký Hiệp định Biên giới với Trung Quốc trước khi ký BTA với Mỹ. Theo ông Phan Văn Khải, khi Đỗ Mười đặt lại vấn đề BTA, ông Lê Đức Anh đồng ý với ông Mười chưa ký vội.

Nhưng cũng theo ông Phan Văn Khải, so với những nội dung đã lên kế hoạch ký năm 1999, BTA Việt – Mỹ ký năm 2000 không đạt được thêm tiến bộ nào. Nhưng thất bại không ký được trong năm 1999, đã đánh mất của Việt Nam hơn 2 năm cơ hội. Mà cứ mỗi năm chậm trễ, người dân Việt Nam phải chịu thiệt hại hơn 1,55 tỷ USD, chỉ tính riếng xuất khẩu.

Về Hội nghị Thành Đô 1990

Theo một quan chức trong chính quyền Hà Nội không muốn tiết lộ danh tính, khoảng vào năm 2007, ông Võ Văn Kiệt cho mời ông Dương Danh Dy, một chuyên gia thượng thặng về Trung Quốc của Bộ Ngoại giao, đến nhà riêng để nghe ông Dy báo cáo lại toàn bộ câu chuyện về Hội nghị Thành Đô trong hai ngày 3 – 4 tháng 9 năm 1990, tại thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên (Trung Quốc).

Ông Võ Văn Kiệt dành hẳn cả buổi để nghe ông Dy trình bày lại diễn biến phức tạp của Hội nghị. Ông Dy phê phán những kẻ có trách nhiệm trong các thỏa hiệp vô nguyên tắc ở Thành Đô. Kết thúc buổi làm việc, ông Dương Danh Dy đề cập ra ngoài chủ đề buổi báo cáo, nhưng vẫn được Thủ tướng Võ Văn Kiệt quan tâm. Ông Dy nói: “Đến Khruschchev cũng có lần đã phải cay đắng thốt lên: ‘Chỉ có những kẻ ngu mới tin Trung Quốc’ sau khi Liên Xô bị Trung Quốc lừa cho nhiều vố. Ngay cả không ít người Mỹ cũng từng ăn phải quả đắng của Trung Quốc đấy!”

Lúc chia tay, ông Sáu Dân thân mật nói với ông Dương Danh Dy: “Từ nay trở đi, có vấn đề gì về Trung Quốc anh thấy khó báo cáo với Lãnh đạo, thì cứ anh đến đây nói với tôi, tôi hứa sẽ trực tiếp chuyển tới các đồng chí có trách nhiệm” (xem thêm nguồn BBC).

Trong hồi ký “Hồi ức và Suy nghĩ”, cựu Thứ trưởng Ngoại giao Trần Quang Cơ đã tiết lộ: “Sau hai ngày nói chuyện (3 – 4/9/1990), kết quả được ghi lại trong một văn bản gọi là ‘Biên bản tóm tắt’ gồm 8 điểm. Khi nghiên cứu biên bản 8 điểm đó, chúng tôi nhận thấy có tới 7 điểm nói về vấn đề Campuchia, chỉ có 1 điểm nói về cải thiện quan hệ giữa hai nước mà thực chất chỉ là nhắc lại lập trường cũ của Trung Quốc gắn việc giải quyết vấn đề Campuchia với bình thường hoá quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc”.

Nghĩa là, Hội nghị Thành Đô kết thúc song việc bình thường hoá quan hệ hai nước, điều mà lãnh đạo Việt Nam nóng lòng mong đợi, vẫn chưa chốt lại được. Vì thế, giả thuyết về có một bản “mật ước” rõ ràng thiếu cơ sở. Thậm chí ngay cả “Biên bản tóm tắt” 8 điểm nói trên cũng không được các bên thực hiện đầy đủ.

Nguyên nhân chủ yếu là do sự phản đối của Bộ Ngoại giao dưới quyền Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch, với sự đồng tình của một vài ủy viên Bộ Chính trị khác. Trong cuộc họp kiểm điểm về Hội nghị Thành Đô, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã phát biểu: “Mình bị họ lừa nhiều cái quá. Tôi nghĩ Trung Quốc chuyên là cạm bẫy.”

“Những đòi hỏi mới của thời cuộc”

Để thấy đòi hỏi cao của Thủ tướng Võ Văn Kiệt đối với mỗi thông điệp ông muốn đưa ra trước toàn đảng, toàn dân, thì không có gì chính xác hơn bằng cách kể lại câu chuyện về bài báo “Những đòi hỏi mới của thời cuộc”

Thật ra, đấy không phải là bài viết, đấy chỉ là một dự thảo cho bài trả lời phỏng vấn, trên cơ sở trước đó đã có cuộc trao đổi giữa Thủ tướng với một nhà báo của tờ Quốc tế (Bộ Ngoại giao) được cử đứng ra chấp bút. Nhưng khi đưa bản thảo đầu tiên lên, ông Kiệt đã bác ngay.  

Ông nói nguyên văn, theo lời của người thư ký cho ông Kiệt lúc bấy giờ, là: “Bản này viết chưa tới”. Rồi ông lại cho gọi một chuyên viên khác trong nhóm soạn văn bản cho Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Cầm, chấp bút cho ông một bản thứ hai. Lần này thì bản thảo được ông chấp thuận. Nhưng đúng như Tổng biên tập Tuần báo Quốc Tế đã kể lại trong một lần trả lời phỏng vấn báo Pháp Luật. Bài trả lời phỏng vấn dự kiến in trên số Tết Ất Dậu (2005) của tờ Quốc tế tuy đã được xây dựng khá công phu, nhưng rồi cũng lại có số phận trải đủ cung bậc thăng trầm...  

Đó là khi bài đã lên khuôn ở nhà in thì TBT báo Quốc tế nhận được một “cú” điện thoại không cho phép đăng bài đó. Điều lạ lùng là một bài báo quan trọng như thế, đích thân do ông Võ Văn Kiệt đứng tên, theo tập quán bất thành văn, khi chưa lên trang thì chỉ có nhân vật liên quan (ông Kiệt) và Tổng biên tập báo được biết. Vậy tại sao bài báo lại rò rỉ để đến mức bị chỉ đạo phải gỡ bài trong đêm?

Nhưng rồi chẳng có ai trả lời điều thắc mắc nói trên của vị Tổng biên tập báo. Cuối cùng, ông Tổng biên tập phải vào tận nhà in, bóc hết một “tay in” là tám trang, rồi thay vào một bài khác. Có lẽ trong làng báo thế giới ít có trường hợp nào mà một tổng biên tập phải “đứng mũi chịu sào” vì những chuyện “tai bay vạ gió” như thế.

Nói vậy không phải là ai đó coi thường bài báo ông Kiệt đứng tên. Lý do chủ yếu, có thể là “lãnh đạo ở trên” có ai đó không thích cách đặt vấn đề của ông Kiệt, nghe nó quá mạnh khi ông Kiệt khẳng định: Chiến thắng 30/4 là vĩ đại nhưng người Việt Nam cũng “đã phải trả giá cho chiến thắng đó bằng cả nỗi đau và nhiều sự mất mát”.

Vì thế một sự kiện liên quan đến chiến tranh, theo ông Kiệt, khi nhắc lại theo các lối cũ vẫn làm “sẽ có hàng triệu người vui mà cũng có hàng triệu người buồn”. Vết thương chung của dân tộc như vậy cần được giữ lành, “thay vì lại tiếp tục làm cho nó thêm rỉ máu”.

Thủ tướng “xé rào” Võ Văn Kiệt có thể nói gì về mối tương quan giữa bang giao Việt – Mỹ và Việt – Trung hiện nay?

Tôi tin rằng nhiều khả năng ông sẽ nhắc lại bài học cay đắng: Bắc Kinh lúc nào cũng biết cách chia rẽ nội bộ lãnh đạo cấp cao trong ĐCSVN để đẩy lùi những tiến bộ trong quan hệ Việt – Mỹ, đặt VN luôn vào “cửa dưới” vì lợi ích riêng cho Trung Quốc.

Cách đây gần phần tư thế kỷ, Ngoại trưởng Nguyễn Mạnh Cầm từng phải thốt lên: “Tôi tiếc đứt ruột… Khi ấy, các tập đoàn sản xuất hàng xuất khẩu sang Mỹ chỉ chờ có Hiệp định (BTA) là nhảy vào Việt Nam. Mình quyết định không ký, mất biết bao nhiêu cơ hội” (Tr. 350 Bên Thắng cuộc).

Ngày hôm nay, mối tương quan tay ba này tiếp tục bất định và bất cân xứng. Sau các cuộc gặp cao nhất Trung-Việt hậu Đại hội 20 Đảng CSTQ, ngoại giao Việt Nam dường như đang bước vào chặng đường “vó câu khấp khểnh bánh xe gập ghềnh”.

Việc ký Đối tác Chiến lược với Hoa Kỳ sẽ có gặp phải số phận như Hiệp định thương mại Việt – Mỹ?

Bài thể hiện quan điểm riêng của tác giả Trần Hiếu Chân từ TP HCM.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?

Xứ Sở Hận Thù