TP.HCM kỳ vọng là cực kinh tế biển lớn nhất nước qua chuỗi đô thị Cần Giờ
VƯƠNG TRẦN
Thành phố Hồ Chí Minh hoàn toàn có thể trở thành một cực kinh tế biển lớn nhất Việt Nam - điểm đến quan trọng mang tầm vóc quốc tế trong mạng lưới chuỗi đô thị biển khu vực Đông Nam Á thông qua phát triển chuỗi đô thị - kinh tế biển xanh gắn với khu vực biển Cần Giờ.
Cánh cửa tiềm năng để TP.HCM tham gia sâu vào quá trình hội nhập, cạnh tranh
Sáng nay (30.11), Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị đô thị toàn quốc phổ biến Nghị quyết số 148/NQ-CP ngày 11.11.2022 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24.1.2022 của Bộ Chính trị về "Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045".
Trong bài tham luận với chủ đề "Định hướng phát triển đô thị Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) vươn tầm khu vực và thế giới" của UBND TP.HCM nêu rõ, thành phố (TP) chỉ chiếm 0,6% diện tích cả nước, dân số khoảng 10 triệu người nhưng có đóng góp rất lớn cho sự phát triển kinh tế chung của cả nước.
Đô thị TP.HCM là một đô thị đặc biệt, tốc độ đô thị hóa diễn ra rất nhanh. Điều này giúp mang lại cho TP.HCM sự tăng trưởng vượt bậc về kinh tế, nắm giữ vị trí “đầu tàu”, tạo động lực cho sự phát triển của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, là trung tâm giao thương quốc tế, là đô thị hạt nhân của vùng và quốc gia, là trọng điểm kết nối, liên kết và hỗ trợ các đô thị trong vùng cùng phát triển, giữ vị thế chiến lược quan trọng.
Tham luận nêu rõ, kinh tế TP.HCM còn gắn kết với tiềm năng lớn trong liên kết phát triển kinh tế biển. Năm 2020, TP chiếm hơn 37% tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của các địa phương ven biển, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chiếm hơn 25% tổng FDI các tỉnh, thành ven biển và gần 11% cả nước.
"TP.HCM hoàn toàn có thể trở thành một cực kinh tế biển lớn nhất Việt Nam - điểm đến quan trọng mang tầm vóc quốc tế trong mạng lưới chuỗi đô thị biển khu vực Đông Nam Á thông qua phát triển chuỗi đô thị - kinh tế biển xanh gắn với khu vực biển Cần Giờ" - tham luận nêu rõ.
Với xu hướng và điều kiện nêu trên thì chiến lược đầu tư phát triển vùng đô thị hợp lý sẽ là cánh cửa tiềm năng để TP, cũng như vùng Đông Nam Bộ tham gia sâu vào quá trình hội nhập, cạnh tranh trong khu vực và quốc tế.
Quy hoạch, phát triển đô thị cần ứng phó với biến đổi khí hậu
Một vấn đề được Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) chỉ ra liên quan tới vấn đề đô thị hoá đó là biến đổi khí hậu và các vấn đề đặt ra đối với công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị của các địa phương.
Bộ TNMT chỉ rõ, biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày càng khốc liệt với sự gia tăng cả về tần suất và cường độ của các hiện tượng thời tiết cực đoan.
Theo kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng do Bộ TNMT cập nhật và công bố mới đây, nhiệt độ trung bình tại hầu hết các vùng trên cả nước đều tăng cao. Các hiện tượng thời tiết cực đoan, đặc biệt là các cơn bão từ mạnh đến rất mạnh có xu hướng gia tăng. Rủi ro sẽ ngày càng gia tăng đối với các vùng châu thổ và đô thị lớn, đặc biệt là các đô thị ven biển.
Nếu nước biển dâng 100cm, đồng bằng Sông Cửu Long có thể ngập tới trên 47,29% diện tích, trong đó có 17,15% diện tích TP.HCM bị ngập.
Vì vậy, theo Bộ TNMT, trong bối cảnh và dự báo như vậy, có thể nói công tác quy hoạch, phát triển đô thị tại Việt Nam cần có những thay đổi căn bản để vừa đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, vừa thích ứng với các tác động tiêu cực của thời tiết ngày càng trở nên cực đoan hơn do biến đổi khí hậu, vừa thực hiện trách nhiệm giảm phát thải khí nhà kính, thực hiện nghĩa vụ của một Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu và Thoả thuận Paris.
Phát triển đô thị: Đột phá nhờ quy hoạch
Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh cho rằng, để có thể triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết 06 của Bộ Chính trị và Chương trình hành động của Chính phủ, Ban Kinh tế Trung ương đề nghị cần chú trọng đến một số nội dung trọng tâm gắn với những nhiệm vụ, yêu cầu.
Đó là, cần xác định rõ khâu quyết định và tạo nên sự đột phá, thúc đẩy đô thị hóa và phát triển đô thị hiệu quả, bền vững trước hết là công tác quy hoạch đô thị; cần nâng cao chất lượng và tổ chức quản lý có hiệu quả công tác quy hoạch trong quá trình phát triển đô thị.
Về phương thức thực hiện, cần đẩy nhanh các ứng dụng khoa học - công nghệ, nhất là các ứng dụng công nghệ số, nền tảng số, thúc đẩy chuyển đổi số trong quy hoạch và quản lý phát triển đô thị. Bên cạnh đó, cần đảm bảo bố trí nguồn lực tương xứng với công tác quy hoạch.
Về kết cấu hạ tầng đô thị, Nghị quyết 06 xác định mục tiêu tổng quát là "kết cấu hạ tầng của đô thị, nhất là hạ tầng kỹ thuật khung và hạ tầng xã hội thiết yếu được xây dựng và phát triển đồng bộ, hiện đại".
Nhận xét
Đăng nhận xét