Tiến sĩ "dỏm": Lỗi do ai?

 RFA

2022.11.28


Tiến sĩ "dỏm": Lỗi do ai?Giảng viên các trường cao đẳng, học viện xếp hàng nhận chứng chỉ giáo sư trong buổi lễ được tổ chức tại Văn Miếu, Hà Nội ngày 4 tháng 2 năm 2015. Ảnh minh họa.
 AFP

Nhiều đề tài luận án tiến sĩ bị cho là chỉ tương đương với báo cáo, tham luận làm suy giảm nền học thuật Việt Nam. Nguyên nhân từ nghiên cứu sinh hay từ giáo sư chấm luận văn…, là điều dư luận quan tâm.

Luận án sao chép

Mới đây, Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp - cho rằng, nhiều đề tài luận án tiến sĩ không xứng tầm tiến sĩ; không liên quan đến ngành giáo dục, sư phạm và không có ý nghĩa về mặt khoa học. Ngoài ra, những đề tài kiểu như thế, đã đánh mất niềm tin, trách nhiệm với khoa học và xã hội.

Nêu quan điểm của mình về vấn đề trên, Giáo sư Đặng Hùng Võ nói với RFA:

“Tôi là một người chuyên làm khoa học, tôi thấy Hội đồng chấm tiến sĩ rồi các buổi nghiệm thu các đề tài khoa học không có những phản biện gay gắt để mổ xẻ chất lượng. Ngay bản thân một cái luận án tiến sĩ nhiều khi tôi phản biện, tôi đặt vấn đề là tác giả chỉ cho tôi xem cái gì là cái mới, nhỏ thôi cũng được, nhưng mãi không chỉ ra được. Ví dụ như thế.”

Không có cái gì ‘mới’ trong các luận án tiến sĩ cũng là điều được nhà giáo Đinh Kim Phúc nêu lên với RFA:

“Một yếu tố quan trọng của một đề tài tiến sĩ đó là yếu tố ‘mới’. Anh (người bảo vệ luận án tiến sĩ-PV) đã chỉ ra được một quy luật mới nào của nghiên cứu khoa học chưa? Anh đã chỉ ra được cái hướng mới nào, có phát hiện được những vấn đề mới nào trong khoa học chuyên ngành của mình hay không?

Ngay cả khi anh làm đề tài phê phán những cái sai của những đề tài trước đó, thì đó cũng là cái mới. Tôi thấy hầu như những luận án tiến sĩ trong thời gian gần đây không có một yếu tố nào gọi là ‘mới’ mà chỉ lặp đi, lặp lại ý tưởng của những đề tài khác rồi thay thế bằng những số liệu và ngữ cảnh khác nhau mà thôi”.

Nhà giáo Đinh Kim Phúc còn thẳng thắn nhận định hiện nay, hiện tượng mua bằng chạy chức để lấy học vị đã kéo lùi việc nghiên cứu khoa học của Việt Nam, nhất là ngành đào tạo sau đại học đó là tiến sĩ.

Đọc vô đề tài thì tôi ngỡ ngàng vì họ xài những ký tự lạ. Xui cho ông nghiên cứu sinh này là ông ta chép từ một cuốn sách ở Pháp, mà cuốn sách đó tôi đang có trong tay. Tất cả những phần quan trọng của luận án tiến sĩ này đều chép từ trong sách nó ra hết. -Giảng viên Phạm Minh Hoàng

Còn với giảng viên Phạm Minh Hoàng, người từng đọc qua một luận án tiến sĩ khiến ông ngạc nhiên, đó là luận án có tựa “Làm thế nào để sử dụng phần mềm Power Point”. Ông nói, nó (luận án-PV) không có một hàm lượng chất xám nào trong đó hết. Ai cũng có thể sử dụng Power Point với nhiều tài liệu sẵn có. Vị giảng viên này kể thêm:

“Chính tai nghe mắt thấy thì tôi thấy có rất nhiều điểm tiêu cực. Tôi nhớ có một lần, một vị giáo sư chấm một luận án về cơ học có nhờ tôi xem qua bài luận văn để cho nhận xét. Tôi đọc cái tựa thì tôi thấy liên quan đến kiến thức của tôi. Đọc vô đề tài thì tôi ngỡ ngàng vì họ xài những ký tự lạ. Xui cho ông nghiên cứu sinh này là ông ta chép từ một cuốn sách ở Pháp, mà cuốn sách đó tôi đang có trong tay. Tất cả những phần quan trọng của luận án tiến sĩ này đều chép từ trong sách nó ra hết. Đề tài dài chừng 100 trang thì chỉ có 20 trang là hàm lượng chất xám của anh ta.

Tôi báo lại với vị giáo sư kia thì họ nói để họ xử. Sau đó anh nghiên cứu sinh này vẫn tốt nghiệp tiến sĩ. Tôi rất là ngạc nhiên nhưng tôi hiểu ra rằng, vị giáo sư này bắt buộc phải cho anh ta đậu, nếu không thì mai mốt học trò của vị giáo sư này sẽ bị những giáo sư của nghiên cứu sinh kia đánh rớt”.

Ở đâu cũng có Tiến sĩ!

7205e270-3858-4a4d-a55a-ec6ef31e3d7b.jpeg
Những giáo sư, phó giáo sư xếp hàng nhận danh hiệu tại một buổi lễ tại Quốc tử giám, Hà Nội hôm 24/12/2012. Ảnh minh họa. AFP

Trước đó, hồi tháng 5, Thanh tra Chính phủ đã có văn bản do Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm ký, chỉ rõ những vi phạm, khuyết điểm trong quá trình đạo tạo thạc sĩ, tiến sĩ tại Viện Hàn lâm Khoa học xã hội. Có trường hợp giảng viên không đủ điều kiện tham gia Hội đồng chấm luận văn thạc sĩ; có trường hợp nghiên cứu sinh đề xuất đề tài nghiên cứu không nằm trong danh mục nghiên cứu; sổ cấp phát văn bằng còn tẩy xoá, sửa chữa, thiếu thông tin về nghiên cứu sinh…

Một số luận án tiến sĩ những năm qua và cả gần đây đều gây bàn tán trong dư luận bởi đề tài nghiên cứu không có tầm và càng không có nhiều đóng góp thiết thực cho xã hội. Chẳng hạn như luận án tiến sĩ “Nghiên cứu giải pháp phát triển môn cầu lông cho công chức viên chức thành phố Sơn La” năm 2021; luận án tiến sĩ “Đặc điểm giao tiếp với dân của chủ tịch ủy ban nhân dân xã” hay “Hành vi nịnh trong tiếng Việt”, “Hành vi ngôn ngữ thề của người Việt” của các nghiên cứu sinh tại Học viện Khoa học Xã hội năm 2016…Hoặc như mới đây, luận án tiến sĩ về đề tài áo ngực cho phụ nữ gây bão mạng, khi nhiều người trẻ cho rằng “luận án cho trung học phổ thông thì chính xác hơn là cho tiến sĩ”.

Những đề tài luận án tiến sĩ kiểu như vậy bị cho là lãng phí thời gian, công sức, mà chẳng đem lại giá trị gì cho khoa học và đời sống mà lại làm giảm uy tín của nghiên cứu sinh, người hướng dẫn và cơ sở đào tạo.

Một số chuyên gia trong ngành giáo dục nhìn nhận về vấn đề này, cho rằng, trách nhiệm trước hết cần phải đặt ra là do người hướng dẫn, sau đó đến hội đồng xét duyệt đã cho qua những luận án không đạt yêu cầu.

Trong đó, giảng viên Đinh Kim Phúc nói:

“Muốn đấu tranh với hiện tượng này, muốn phê phán hiện tượng này thì trước mắt chúng ta phải tập trung vào nơi đào tạo; tập trung vào hội đồng chấm luận văn; tập trung nơi các thầy hướng dẫn hơn là học viên.

Nếu các thầy hướng dẫn nghiêm túc, các thầy phản biện nghiêm túc, cơ sở đào tạo nghiêm túc thì một đề tài ‘dỏm’ khó mà lọt qua mắt được hội đồng, chứ đừng nói tới chuyện đứng lên bục để bảo vệ luận án. Đây là chuyện muôn thuở trong bảo vệ luận án tiến sĩ ở Việt Nam hiện nay. Nếu tình trạng đào tạo tiến sĩ như hiện nay không được giải quyết thì đến một lúc nào đó, chúng ta ra đường là đụng đầu tiến sĩ. Nghĩa là tiến sĩ ở khắp nơi.”

Đầu tháng 6 vừa qua, tại buổi làm việc hướng tới công tác xây dựng Chiến lược Quốc gia nhằm phát triển đội ngũ trí thức giai đoạn 2021-2030, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc yêu cầu "Làm Tiến sĩ thay vì học Tiến sĩ như hiện nay". Yêu cầu của Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc bị cho là khó hiểu, bởi không học thì lấy đâu ra mà làm tiến sĩ.

Muốn đấu tranh với hiện tượng này, muốn phê phán hiện tượng này thì trước mắt chúng ta phải tập trung vào nơi đào tạo; tập trung vào hội đồng chấm luận văn; tập trung nơi các thầy hướng dẫn hơn là học viên. - Giảng viên Đinh Kim Phúc

Đào tạo tiến sĩ là đào tạo nhân lực có trình độ cao, nếu cơ sở đào tạo chỉ chạy theo số lượng mà không chú trọng chất lượng; hội đồng xét duyệt và người hướng dẫn không nghiêm minh thì chất lượng tiến sĩ ngày một đi xuống, đúng như lời nhận xét của giảng viên Đinh Kim Phúc nêu ra ở trên.

Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam là cơ quan khoa học thuộc Chính phủ, có chức năng nghiên cứu cơ bản về khoa học xã hội; đào tạo sau đại học về khoa học xã hội; tham gia phát triển tiềm lực khoa học xã hội của cả nước. Thời gian qua, một vài lãnh đạo Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam bị kỷ luật do những vi phạm trong công tác liên quan tới sai phạm trong đào tạo sau đại học. Trong đó có Chủ tịch Bùi Nhật Quang và hai Phó Chủ tịch Nguyễn Đức Minh và Đặng Xuân Thanh.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?

Xứ Sở Hận Thù