Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nguy kịch và những bê bối trong chính trường Việt Nam

Tác giả Nông Văn TiềmNguồnBáo Tiếng DânNgày đăng: 2022-11-28
Cuối năm 2022, chính trường Việt Nam đang hết sức gay cấn bởi hàng loạt sự kiện diễn ra. Đáng chú ý nhất là trường hợp của Phó thủ tướng Lê Văn Thành. Ông Thành được cho là vắng mặt trên truyền thông của đảng suốt nửa tháng nay, gây nhiều đồn đoán trong dư luận. Liệu ông Lê Văn Thành lâm trọng bệnh, hay đã đào tẩu sang nước ngoài để tránh những thanh trừng khốc liệt trong hàng ngũ cộng sản cấp cao?
Hãy xem lịch công tác trong tháng 11-2022 của ông Thành: Sáng 4-11-2022, tại kỳ họp thứ 4 quốc hội khoá 15, trước khi kết thúc phiên chất vấn Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành có 15 phút tham gia làm rõ thêm một số nội dung liên quan tới việc lập, phê duyệt quy hoạch trong hệ thống quy hoạch quốc gia, chất lượng quy hoạch và quản lý phát triển đô thị.


Chân dung ông Lê Văn Thành. Nguồn: Báo Chính phủ
Ngày 5-11-2022, nhận lời mời của Chính phủ Trung Quốc, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã dự và phát biểu trực tuyến tại diễn đàn cấp cao RCEP, Thượng Hải, Trung Quốc.
Ngày 10/11/2022, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì họp Hội đồng thẩm định Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050.
Lần xuất hiện gần nhất là ngày 12-11-2022, ông Thành đến dự ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại khu dân cư Ấp 8, xã Phước Tân Hưng, huyện Châu Thành, tỉnh Long An.
Tuy nhiên, theo thông tin nội bộ cho biết, khi trở về Hà Nội, ông Lê Văn Thành liên tục bị ngất xỉu và nôn mửa, được đưa vào cấp cứu tại quân y viện 108, suốt một tuần nhưng không có dấu hiệu thuyên giảm.
Gia đình xin phép Trung ương đưa ông Thành sang Nhật Bản điều trị.
Ngày 20-11-2022, máy bay đưa ông Thành rời Nội Bài, đi Tokyo.
Ngày 21-11-2022, thủ tướng Phạm Minh Chính ký quyết định số phân công cho hai Phó thủ tướng Lê Minh Khái và Vũ Đức Đam tạm thời đảm trách điều hành phần việc của ông Lê Văn Thành tại Chính phủ.
Địa chỉ đầu tiên bệnh nhân Lê Văn Thành đến là National Center for Global Health and Medicine (NCGM), địa chỉ 1-21-1 Toyama, Shinjuku, Tokyo 162-8655, Japan. Tại đây, ông được chẩn đoán ung thư bạch cầu cấp và nhanh chóng được chuyển sang Bệnh viện Ung thư Quốc tế Osaka (OCCI), tại địa chỉ: 3-1-10 Otemae, Chuo-ku, Osaka-shi, Osaka, Japan.
Tuy nhiên bệnh tình ông Lê Văn Thành diễn biến nhanh, phức tạp và quá nặng, nên các giáo sư y khoa hàng đầu tại đây đã phải bó tay. Dự kiến vài hôm nữa, ông Thành sẽ được đưa trở về Việt Nam.


Ảnh: Hai bệnh viện nơi ông Thành đến điều trị. Nguồn: NIRS/ internet
Phó thủ tướng Lê Văn Thành bị “bệnh lạ” hay bị đầu độc phóng xạ như các lãnh đạo cao cấp trước đây, câu hỏi đang còn bỏ ngỏ… Và có lẽ người dân sẽ chẳng bao giờ biết được sự thật, bởi bệnh án của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành (cũng như của các lãnh đạo khác) sẽ không bao giờ được công khai.
Câu hỏi được đặt ra là, trách nhiệm của Ban Bảo vệ Sức khoẻ Trung ương ở đâu, bởi theo Điểm 2 Mục II Quy định 121-QĐ/TW năm 2018, của BCH Trung ương, quy định về các chế độ thăm khám, theo dõi sức khoẻ cán bộ lãnh đạo cấp cao, trong đó có Phó Thủ tướng, được “Bác sĩ theo dõi sức khoẻ thăm khám sức khỏe ít nhất 1 lần/tuần hoặc hằng ngày tùy theo diễn biến sức khoẻ của cán bộ”, nhưng họ đã không phát hiện sức khỏe của Phó Thủ tướng có vấn đề, cho tới khi … nguy kịch?!
Ngày 23-11-2022, trong khi cán bộ đảng viên đang bàn tán về số phận bệnh nhân Lê Văn Thành, thì chính phủ đã làm “động tác giả” để đánh lừa dư luận xã hội. Đó là, ngài thủ tướng Phạm Minh Chính ký Quyết định số 1453/QĐ-TTg phân công ông Lê Văn Thành làm Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia Chương trình hành động “Không còn nạn đói” ở Việt Nam, giai đoạn 2016 – 2025!


Hai quyết định khó hiểu được ký bởi Thủ tướng Phạm Minh Chính
Ông Lê Văn Thành sinh năm 1962, quê xã Tân Liên, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng. Ông vào đảng năm 1997, từng giữ chức Chủ tịch UBND, Bí thư Thành uỷ Hải Phòng, Uỷ viên Trung ương khoá 12 và 13.
Cũng cần nói thêm, những bê bối mà ông Nguyễn Văn Thành đã có trong quá khứ thời kỳ ông làm Giám đốc Công ty Xi măng Hải Phòng, kiêm Trưởng Ban quản lý dự án Khu đô thị xi măng Hải Phòng, hiện vẫn còn lưu trữ trong hồ sơ của Bộ Công an, cũng như nhiều sai phạm khác trong thời kỳ ông làm lãnh đạo Hải Phòng, hiện đang được điều tra.
Trong diễn biến mới nhất, hôm 12-11-2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hải Dương đã thi hành Lệnh bắt bị can để tạm giam đối với ông Lê Thành Long – Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty Xi măng Vicem Hoàng Thạch, thành viên HĐQT tại Công ty Bao bì Hoàng Thạch. Cùng ngày, Cơ quan điều tra cũng bắt giam Nguyễn Văn Chảng, Chủ tịch HĐQT Bao bì Bỉm Sơn và Thành viên HĐQT Công ty CP Vicem Bao bì Bút Sơn (BBS). Hai nhân vật bị bắt có mối quan hệ với ông Lê Văn Thành.
***
Trong một diễn biến khác, sáng 21-11-2022, ông Nguyễn Văn Hùng, Uỷ viên Trung ương, Phó Chủ nhiệm uỷ ban Kiểm tra Trung ương đảng khoá 13, được triệu tập ra Hà Nội để họp bất thường. Đến trưa cùng ngày, ông Hùng được cho là đã nhảy qua cửa sổ hội trường UBKT Trung ương (lầu 4 Toà nhà số 7, đường Nguyễn Cảnh Chân, quận Ba Đình, Hà Nội) và đã tử vong tại chỗ.
Ông Nguyễn Văn Hùng sinh năm 1964, quê ở huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Ông là cựu học sinh trường PTTH Pleiku, niên khoá 1978-1981, tốt nghiệp Đại học Tài chính – Kế toán TPHCM, sau đó ông Hùng có bằng tiến sĩ kinh tế, cử nhân lý luận chính trị.
Trước khi được giữ chức Phó Chủ nhiệm UBKT Trung ương hồi năm 2020, ông Nguyễn Văn Hùng từng nắm giữ các chức vụ như: Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum; Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch HĐND tỉnh Kon Tum.
Thông tin rò rỉ cho hay, ông Nguyễn Văn Hùng có nhiều sai phạm trong thời kỳ làm công tác lãnh đạo ở Kon Tum, liên quan đến các dự án của FLC, bán đất cho các doanh nghiệp, cùng một số vấn đề khác. Để làm đẹp bộ mặt của đảng, tuy không bị ra tay tàn độc, giết người diệt khẩu như cách mà đảng CSVN từng làm, nhưng khả năng Phó chủ nhiệm UBKT Trung ương Nguyễn Văn Hùng bị các “đồng chí” của mình bức tử là rất cao.


Cáo phó tại tư gia ông Nguyễn Văn Hùng. Photo Courtesy
***
Còn ông Phạm Bình Minh, đương kim Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng thường trực, cũng đang ngồi trên đống lửa.
Trong vụ án “Đưa hối lộ, nhận hối lộ” xảy ra tại Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an cho biết, mỗi chuyến bay giải cứu, trừ chi phí thì lợi nhuận lên tới vài tỷ đồng. Trong khi đó, có gần 2000 chuyến bay, vị chi số tiền cướp của dân xấp xỉ con số 5000 tỷ đồng. Tiền được hối lộ cho gần hai chục quan chức, cán bộ của Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế, Bộ GTVT, Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an, Văn phòng Chính phủ, Ban đối ngoại Trung ương đảng…
Thuộc hạ vây cánh của Phạm Bình Minh đang bị bẻ gãy. Hàng loạt nhân sự của Bộ Ngoại giao đã bị bắt, trong đó có cả thứ trưởng Tô Anh Dũng, từng là thư ký riêng của Phạm Bình Minh. Rồi Nguyễn Quang Linh, hàm thứ trưởng, đang giữ chức trợ lý Phó thủ tướng; Nguyễn Hồng Hà cựu Tổng lãnh sự Việt Nam tại Osaka Nhật Bản, cùng các Cục trưởng, Vụ trưởng, chuyên viên… của Bộ Ngoại giao, cũng đều bị bắt.
Một số đại sứ cũng đang bị thẩm tra, sắp bị bắt nay mai như: Vũ Hồng Nam (đại sứ tại Nhật Bản), Ngô Đức Mạnh (đại sứ tại Nga), Nguyễn Sanh Châu (đại sứ tại Ấn Độ), Trần Việt Thái (đại sứ tại Malaysia). Nhờ chủ trương “đánh chuột không vỡ bình”, giữ bộ mặt đẹp đẽ cho đảng của tổng Trọng, nhiều khả năng Phạm Bình Minh không bị mất chức, chấp nhận từ bỏ tham vọng đua vào tứ trụ khoá 14.
Một Phó thủ tướng khác là ông Vũ Đức Đam cũng đang rơi vào vòng xoáy. Vũ Đức Đam phụ trách văn xã, trông coi chung về Khoa học công nghệ, Giáo dục, Y tế, Viện Hàn lâm khoa học quốc gia. Khổ nỗi, những nơi này đều tan nát, tư lệnh ngành thì, kẻ bị bắt giam, người lãnh án kỷ luật, cách chức…
Vũ Đức Đam làm Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19, lại để Việt Á móc ngoặc với các quan chức trung ương lẫn địa phương, nâng khống giá kit xét nghiệm COVID-19 lên khoảng 45% và chi “hoa hồng” cho các quan chức khoảng 800 tỉ đồng. Số lãi mà Việt Á thu được nhờ bán test kit gần 4.000 tỷ đồng. Cách đây ít hôm, Nguyễn Văn Trịnh, hàm thứ trưởng, trợ lý của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã bị Cơ quan điều tra Bộ Công an câu lưu để điều tra nghi án “nhận hối lộ” số tiền lên đến mấy trăm ngàn Mỹ kim từ Việt Á.
***
Những thanh trừng phe phái liên tục đã phần nào phơi bày lỗi hệ thống của thể chế chính trị. Một nhà nước ở đó, kẻ có chức quyền dễ làm tiền và rút ruột công quỹ.
Tất cả đều liên quan đến cơ chế lỏng lẻo của nhà nước XHCN như: Soạn luật phục vụ “nhóm lợi ích” lũng đoạn chính sách, đấu thầu, đấu giá, quản lý, sử dụng đất đai, tài sản công, hợp tác công tư, xã hội hóa, ngân hàng, tài chính, tự chủ tài chính, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, quy hoạch xây dựng…
Khoá 13, nhiệm kỳ 2021-2026 của đảng Cộng sản Việt Nam mới đi được một phần ba đoạn đường nhưng đã bộc lộ nhiều bê bối chưa từng có. Nạn tham nhũng, hối lộ, xem ra đã lan đến thượng tầng chính trị, bệ rạc ngay trong hàng ngũ “tinh hoa” trong BCH Trung ương đảng. Liệu đảng Cộng sản Việt Nam sẽ kéo dài thêm được bao nhiêu khóa nữa?

---------- 

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?