Ðiểm Báo Pháp – 28/11/22

 RFI

Mỹ đưa thêm 31 công ty Trung Quốc vào danh sách chưa bảo đảm tin cậy

Làn sóng biểu tình ở Trung Quốc : Tập Cận Bình và đảng Cộng Sản bị công khai thách đố

Đông đảo người biểu tình chống phong tỏa ở Bắc Kinh đương đầu với công an ngày Chủ nhật 27/11/2022.
Đông đảo người biểu tình chống phong tỏa ở Bắc Kinh đương đầu với công an ngày Chủ nhật 27/11/2022. AP - Andy Wong

Bất bình xã hội và các cuộc biểu tình chống phong tỏa nổ ra trên khắp Trung Quốc vào cuối tuần qua là một trong những chủ đề được các báo Pháp hôm nay 28/11/2022 quan tâm. « Tập Cận Bình, từ chức ! », « Đả đảo đảng Cộng Sản ! » - những tiếng hô mạnh mẽ chưa từng thấy từ sau vụ thảm sát Thiên An Môn 1989, khiến có người còn không dám tin vào tai mình.

Làn sóng biểu tình chống zero Covid ở Trung Quốc và chiến tranh Ukraina là hai chủ đề chia nhau trang nhất các nhật báo Pháp hôm nay. Nhật báo kinh tế Les Echos chạy tựa « Covid : Phẫn nộ dâng cao ở Trung Quốc », tương tự với Libération « Trung Quốc, một sự phẫn nộ dễ lây lan ». Le Monde cho biết « Tại Donbass, quân Nga ngã rạp dưới sự quan sát của drone Ukraina », còn Le Figaro nhận thấy « Cuộc chiến tranh ở Ukraina gây căng thẳng tại Nga ».

« Tại Trung Quốc, zero Covid giết nhiều người hơn cả con virus »

La Croix nhận định « Những cuộc biểu tình tại Trung Quốc là sự bùng nổ của cơn giận đã lên đến cực điểm ». Nhiều cuộc xuống đường đã nổ ra hôm Chủ nhật 27/11 tại nhiều thành phố ở Hoa lục để phản đối các vụ phong tỏa tùy tiện và thô bạo mà Bắc Kinh áp đặt từ ba năm qua. Tại Bắc Kinh, Thượng Hải, Vũ Hán, Thành Đô, những đám đông hàng mấy trăm người hè nhau xô đổ những hàng rào phong tỏa. Chiếc nồi áp suất đã sôi sục từ nhiều tháng, tạo ra phong trào lịch sử : biểu tình nổ ra trên toàn quốc.

Cuộc biểu tình đầu tiên diễn ra từ sáng sớm Chủ nhật ở Thượng Hải, trên đường Wulumuqi (tên tiếng Hoa của Urumqi), nơi 10 người đã bị chết cháy hôm thứ Năm do cứu hỏa không đến được vì các biện pháp phong tỏa. Một giáo sư trường đại học Hàng Châu (tỉnh Chiết Giang) nhận xét, bi kịch này là cú hích, vì người dân từng thấy nhiều video trong đó những người tuyệt vọng đã nhảy lầu ở Trùng Khánh tuần trước. Thông tín viên Les Echos tại Thượng Hải có mặt tại khu vực đường Wulumuqi, khi công an vừa giải tán những người biểu tình cuối cùng, sau đêm xuống đường hiếm hoi ở thủ đô kinh tế Trung Quốc.

Bài viết dẫn lời Lanxue, 35 tuổi, vẫn còn xúc động khi phải rời đi lúc trời bắt đầu rạng sáng : « Tôi sẽ nhớ về đêm nay suốt cả đời. Tuy sợ nhưng tôi phải có mặt ». Một người biểu tình khác nói : « Tại Trung Quốc, zero Covid còn giết người nhiều hơn con virus ». Hàng mấy trăm thanh niên chạy đến tham gia khi nghe tin biểu tình trên mạng xã hội. Wenchu, 28 tuổi chân vẫn còn mang đôi dép đi trong nhà, nói : « Ngay khi thấy các video trên WeChat, tôi nhảy lên taxi để đến đây ». Chính quyền nhanh chóng xóa các hình ảnh biểu tình và chữ « đường Urumqi » lập tức bị kiểm duyệt trên mạng Vi Bác.

Lần đầu sau Thiên An Môn, tổng bí thư và đảng Cộng Sản bị « đả đảo »

Cũng theo Les Echos, phấn khởi trước sự hiện diện của hàng trăm, thậm chí hàng ngàn người trong một cuộc biểu tình mà chính họ chỉ vài giờ trước không thể tưởng tượng được, đám đông đã hô khẩu hiệu phản đối chính sách zero Covid khắc nghiệt từ ba năm qua. « Chúng tôi không muốn bị phong tỏa. Dẹp bỏ các xét nghiệm PCR và mã QR, chúng tôi muốn tự do ! », « Dỡ bỏ phong tỏa ở Urumqi, ở Tân Cương, trên toàn quốc ! ». 

Câu đầu của quốc ca Trung Quốc được xướng lên : « Hãy đứng lên, chúng tôi không muốn làm nô lệ ! ». Những người gan dạ nhất còn hô « Tập Cận Bình, từ chức ! », « Đả đảo đảng Cộng sản ! » - điều hiếm thấy kể từ khi ông Tập lên ngôi, và có thể nói kể từ cuộc thảm sát Thiên An Môn 1989. Trong số những người biểu tình có người còn không dám tin vào tai mình. Vào khoảng 4 giờ sáng, lực lượng an ninh được hàng trăm công an tăng viện đến giải tán. 

Tại Thành Đô, hàng mấy chục xe công an đã tràn ngập khu trung tâm. Công an và quân đội có thể trấn giữ ở đây nhiều ngày. Ở Vũ Hán, một người phương Tây hiếm hoi nói rằng người dân dự kiến xuống đường, một sự đối đầu chưa từng thấy vì Vũ Hán đang bị phong tỏa, nhưng công an đã được triển khai khắp các giao lộ chính. Les Echos nhận thấy hàng trăm thanh niên giơ cao những tờ giấy trắng, một số hô vang « Thà chết còn hơn không có tự do ».

Libération và Le Figaro cũng ghi nhận, những tờ giấy trắng màu tang được hàng trăm sinh viên trường đại học Thanh Hoa, được cho là giới tinh hoa của chế độ, giơ cao. Buổi tưởng niệm các nạn nhân hỏa hoạn tập hợp 100 đến 200 sinh viên cũng diễn ra ở đại học Bắc Kinh nằm gần đại học Thanh Hoa.

« Trung Quốc có ở cùng hành tinh với Qatar ? »

Xã luận của Libération cũng dùng hình ảnh tương tự như La Croix, với tựa đề « Nồi áp suất dịch tễ tạo ra phản kháng chính trị ». Các chế độ dân tộc chủ nghĩa và độc tài có lẽ đang chạm đến giới hạn. Trong khi người dân Iran tiếp tục biểu tình chống chế độ của các giáo sĩ Hồi giáo, tại nhiều nơi ở Trung Quốc cuối tuần qua, nhiều người trẻ ngao ngán đến tận cổ chính sách zero Covid vô nghĩa, đã xuống đường đòi tự do dân chủ.

Chế độ Tập Cận Bình ngỡ rằng đã đề phòng bị tất cả qua việc cô lập cư dân các thành phố, và kể cả nông thôn, và chặn mọi lối vào các mạng xã hội. Họ không hình dung ra được tác động của thanh niên Hoa lục khi xem World Cup được trực tiếp truyền hình từ Qatar, cho thấy đám đông vui tươi không ai đeo khẩu trang. La Croix nhắc lại một câu hỏi được chia sẻ rộng rãi trên mạng : « Trung Quốc có ở trên cùng một hành tinh với Qatar ? ». Kênh CCTV5 bèn nhanh tay xóa tất cả những hình ảnh trên khán đài, chỉ truyền hình các cầu thủ trên sân cỏ.

Tập Cận Bình tệ hơn Đặng Tiểu Bình, và đàn áp bằng công nghệ

Những cuộc biểu tình đầu tiên loại này kể từ Mùa xuân Bắc Kinh 1989 liệu có thể biến thành cuộc cách mạng ? Một cựu sinh viên nay là chủ một công ty thời trang không ngần ngại nhắc đến Thiên An Mônvới La Croix, cho rằng sẽ còn có những cuộc nổi dậy khác. Cách đây 33 năm, cuộc nổi dậy sinh viên bị dìm trong biển máu, nhưng hồi đó chưa có internet.

Tuy nhiên vị giáo sư Hàng Châu thận trọng : « Tập Cận Bình tệ hại hơn cả Đặng Tiểu Bình, và Trung Quốc ngày nay bị chính quyền kiểm soát toàn bộ nhờ công nghệ. Có thể một số thành phố sẽ bị thiết quân luật, lực lượng chống nổi dậy sẵn sàng can thiệp để nhanh chóng đàn áp ». Và dời « chiếc nồi áp suất » ra xa ngọn lửa.

Theo Libération, để bóp nghẹt biểu tình, chế độ cũng chẳng cần đến công an, mà đơn giản là dùng một ứng dụng y tế. Nếu là màu xanh, có thể di chuyển, màu vàng phải ở nhà, màu đỏ thì bị đưa đi cách ly. Tuần trước, khi người dân Chiết Giang bắt đầu nổi dậy, chính quyền đã « hóa phép » cho ứng dụng của họ thành màu đỏ, và yên tĩnh đã trở lại. La Croix cho rằng dù phong trào phản kháng hãy còn là thiểu số, nhưng đây là thách thức chưa từng thấy cho hoàng đế đỏ, vốn đã thẳng tay đàn áp mọi tiếng nói khác biệt ngay từ khi lên ngôi.

Nga : Lính người thiểu số thiệt mạng nhiều nhất

Về cuộc chiến tranh do ông Putin khởi động, Le Figaro nhận thấy những vùng đất nơi người thiểu số sinh sống có tỉ lệ lính tử trận tại Ukraina nhiều nhất nước Nga.Tờ báo nêu ra hai bức ảnh đã nói lên nhiều điều về hậu quả cuộc chiến đối với các nước cộng hòa thuộc Liên bang Nga. Bức đầu tiên ngày 28/07, trong đó 105 thanh niên vùng Yakutia (Sakha) ở Xibêri được thống đốc Aisen Nicolaiv đích thân đến phi trường tiễn họ ra mặt trận. Bức thứ hai chụp ba tháng sau ở cùng địa điểm, chỉ còn 13 người sống sót trở về sau các trận đánh ở Ukraina. Về mặt chính thức, chỉ có 8 người tử trận trong số họ, nhưng số thiệt mạng thực tế rất lớn.

Số liệu tổng hợp giữa BBC và trang web độc lập Mediazone vào ngày 21/10 chứng tỏ số tử vong của thanh niên người Buryatia (22 đến 37 tuổi) cao nhất nước (28,4 thiệt mạng/10.000 thanh niên), tiếp đến là Tyva, Pskov, Bắc Ossetia, Altai, Daghestan, Chechnya, Ingushetiya. Ngược lại ở khu vực Matxcơva thấp nhất (1,7), và ở ngay thủ đô thậm chí chỉ có 0,3. Tại những vùng đất nghèo khổ, tỉ lệ thất nghiệp cao, đi lính là cách để nuôi sống gia đình.

Tháng 3/2022, người thiểu số Buryatia vốn ít được biết đến bỗng nổi tiếng một cách đáng buồn sau vụ thảm sát Bucha. Alexandra Garmajapova, nhà báo gốc Buryatia đang sống ở nước ngoài quyết định công bố nhiều video cho thấy những đồng bào mình sống ở Ukraina hay các nước phản đối cuộc xâm lăng, và lập ra Free Buratya Foundation, tố cáo đất đai của dân tộc mình bị Sa hoàng rồi Liên Xô chiếm đoạt, ngôn ngữ và văn hóa bị hạn chế. Họ kêu gọi « phi thực dân hóa » nước Nga, và nay ba dân tộc gốc Mông Cổ và người Tatar cũng có phong trào tương tự.

Kherson, thành phố của những người hùng không tên

Cũng liên quan đến Ukraina, Le Monde có bài phóng sự từ một làng gần Bakhmut, thành phố hoang tàn bị quân Nga dồn sức tấn công liên tục từ bốn tháng qua nhưng vẫn chưa chiếm được. Tại đây, một đơn vị đặc biệt mang tên Otchi (Đôi mắt) chuyên sử dụng drone để định vị và ghi hình quân địch, hầu hết là người tình nguyện dân sự từ khắp nước Ukraina. Những hình ảnh quân Nga chạy tán loạn, không có kỹ năng chiến đấu cho thấy chứng tỏ những khó khăn của Matxcơva, đặc biệt các tân binh trẻ không được huấn luyện quân sự.

Phóng sự của Le Figaro cho biết « Tại Kherson, kháng chiến anh dũng trước sự trả thù của Nga ». Sau khi rút sang bên kia sông Dniepr, mỗi ngày quân Nga đều pháo kích sang. Nhiều cư dân từ chối di tản khỏi thành phố vừa được giải phóng, dù chỉ trong hai tuần qua đã có 33 người dân Kherson bị bom Nga giết hại lúc họ đang ở nhà, ra sông xách nước hoặc đang đi trên đường. Đặc phái viên La Croix ghi nhận « Ở gần Kherson, vị đắng của chiến thắng ». Tại những ngôi làng gần tiền tuyến, người dân cố gắng sửa chữa lại nhà cửa để trở lại cuộc sống bình thường, nhưng nông dân chưa thể ra đồng vì mìn của quân Nga gài lại.

Đặt trọn vào canh bạc Ukraina, Putin sẽ mất tất cả

Trong bài xã luận « Ukraina, ván cá cược thất bại của Putin », Le Figaro nhận định hàng loạt thất bại chiến lược của Vladimir Putin khiến người ta phải chóng mặt. Tất nhiên trước hết là sức kháng cự mãnh liệt của người Ukraina, nay đang đe dọa sẽ buộc Nga phải lãnh những cái tát nhục nhã, tái chiếm các lãnh thổ đã bị cướp đoạt kể từ 2014. Tiếp đó là phương Tây nhu nhược lại tỏ ra quyết tâm và đoàn kết một cách đáng kinh ngạc, để ủng hộ đất nước bị tấn công và trừng phạt kẻ xâm lăng. Và NATO tưởng chừng « chết não », lại tìm thấy sức sống tươi trẻ, củng cố sườn phía đông, mở cửa cho các ứng cử viên mới mà Putin đã làm cho các nước này không còn có thể giữ thái độ trung lập.

Cũng không nên quên hàng trăm ngàn người Nga đã bỏ phiếu bằng đôi chân, chạy trốn lệnh động viên và đàn áp chính trị, khiến Nga bị chảy máu chất xám, lãng phí tài năng. Những đồng minh chiến lược như Trung Quốc hay những nước phương nam bắt đầu mất kiên nhẫn trước một cuộc chiến gây bất ổn và suy thoái. Và nay những nước từ Kavkaz đến Trung Á cố gắng thoát khỏi ảnh hưởng độc hại của người láng giềng lớn xác nhưng bệnh hoạn.

Dù đã cố tìm kiếm, nhưng Le Figaro không thể thấy Putin đạt được gì trong cuộc phiêu lưu Ukraina. Ngay cả nếu ông ta xoay chuyển được thế trận, thậm chí khuất phục được một Ukraina đã thành bình địa - một viễn cảnh xa vời hơn bao giờ hết - đất nước của ông cũng sẽ tả tơi. Tay chơi bài tẩy ở điện Kremlin đã làm một cú lớn, nghĩ rằng sẽ làm người khác run tay. Vì đặt cược tất cả vào ván bài, Putin sẽ mất tất cả. Trong những cuộc dàn cảnh mới đây, những người lính bên cạnh Putin không phải là những người bị ông đẩy ra mặt trận với trang bị thảm hại, những bà mẹ mà Putin tiếp không phải là những người đòi ông phải trả lời về số phận con cái họ. Dưới chiếc mặt nạ sắt, Vladimir Putin liệu có thấy được những rạn nứt đang đe dọa đất nước và sự trị vì của ông ?

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?

Xứ Sở Hận Thù