Nhóm Hiến Pháp: Trần Thanh Phương 'tiếp tục chịu khó khăn sau án tù'

 

khăn sau án tù'

Hải Di Nguyễn

BBC News Tiếng Việt

Nhà ở Huế

NGUỒN HÌNH ẢNH,TRẦN THANH PHƯƠNG

Chụp lại hình ảnh,

Ông Trần Thanh Phương hiện đang sống ở nhà cha mẹ vợ ở Huế

Ngày 31/7/2020, tám thành viên của nhóm Hiến Pháp ra hầu tòa về tội “Phá rối an ninh”.

Trong số họ, ông Trần Thanh Phương (sinh năm 1975) đã ra tù ngày 7/3/2022, nhưng tiếp tục chịu nhiều khó khăn.

Theo ông, quyết định ban đầu của tòa là ông được đưa về Sài Gòn cho hai năm quản chế, nhưng sau khi ra tù lại bị gửi về Thừa Thiên-Huế, bị “triệt tiêu về kinh tế” và nhiều trở ngại khác.

BBC News Tiếng Việt trao đổi với ông Trần Thanh Phương ngày 9/11 về cuộc sống hiện nay.

Nhóm Hiến Pháp là ai? Vì sao họ biểu tình?

Ông Trần Thanh Phương cho biết: “Tiêu chí của nhóm Hiến Pháp là phổ biến Hiến pháp và pháp luật đến tất cả mọi người dân, và nhấn mạnh vào Điều 25 của Hiến pháp: Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội và biểu tình.”

Ngày 10/6/2018, ông tham gia biểu tình phản đối Luật An ninh mạng, vì “có những điều bóp nghẹt Hiến pháp”, và chống Luật Đặc khu khi nghe dự luật cho Trung Quốc thuê 99 năm ba đặc khu kinh tế Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc.

Ông nói “Đất đai là sở hữu của toàn dân, nhà nước quản lý. Nhà nước này muốn cho ai thuê đất, phải trưng cầu ý dân.”

Ông bị bắt ngày 1/9/2018, và bị xử ngày 31/7/2020 về tội “Phá rối an ninh”.

Thời gian ở tù

Ông Trần Thanh Phương bị án tù ba năm sáu tháng. Theo ông, trong thời gian điều tra lúc đầu, kéo dài một năm, ông không được gặp vợ và luật sư, cũng không được thư từ hay gọi điện về cho gia đình.

Sau thời gian ở tù: bị ép xa gia đình

Quyết định ban đầu của Tòa án TP.HCM, theo văn bản BBC News Tiếng Việt được xem, là sau khi mãn hạn tù, ông Trần Thanh Phương bị phạt quản chế “tại nơi cư trú phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân, Thành phố Hồ Chí Minh trong thời hạn 02 (hai) năm”.

Tuy nhiên khi ra tù, ông lại nhận được “Giấy chứng nhận chấp hành xong án phạt tù” có dòng chữ “Quản chế tại nơi cư trú Thôn Đông Lái, Xã Phong Thu, H. Phong Điền, Thừa Thiên-Huế”.

Giấy chứng nhận khi ông Trần Thanh Phương ra tù (BBC đã che một số thông tin cá nhân)

NGUỒN HÌNH ẢNH,TRẦN THANH PHƯƠNG

Chụp lại hình ảnh,

Giấy chứng nhận khi ông Trần Thanh Phương ra tù (BBC đã che một số thông tin cá nhân)

Photocopy của thông báo thay đổi nơi quản chế

NGUỒN HÌNH ẢNH,TRẦN THANH PHƯƠNG

Chụp lại hình ảnh,

Ông Trần Thanh Phương nói chỉ nhận được bản photocopy của thông báo thay đổi nơi quản chế (BBC đã che một số thông tin cá nhân)

Khi hỏi, ông được đưa bản photocopy của quyết định ngày 23/9/2020 thay đổi nơi quản chế từ TP.HCM thành Thừa Thiên-Huế.

Ông nói: “Trong pháp lý, giấy tờ photo không hợp pháp. Nếu tòa có chỉnh sửa, lẽ ra tôi phải có một bản, tại sao tôi không có bản nào cả?

“Tôi nói, tại sao quản chế lại sai văn bản thế này? Thì họ nói tòa đã chỉnh sửa.”

Khi ông tới hỏi ở Tòa án TP.HCM, “họ nói tòa án không sửa bản án của anh, anh lên trại giam mà hỏi. Tôi lên trại giam hỏi, trại giam nói ở đây không có thẩm quyền sửa bản án của anh, anh về tòa mà hỏi. Họ đá trái bóng trách nhiệm cho nhau.”

Cuộc sống hiện nay

Theo ông Trần Thanh Phương, nơi ông đang ở hiện nay là nhà mẹ vợ. Cha mẹ vợ “hồi trước là cán bộ, bây giờ nghỉ hưu”.

Ông Trần Thanh Phương và vợ, bà Lê Thị Khanh, cùng là người Huế nhưng khác huyện – sau khi kết hôn, ông nhập hộ khẩu với nhà mẹ vợ ở xã Phong Thu nhưng chưa bao giờ sống ở đó.

Ông đã vào Sài Gòn từ năm 1993 – nhà cửa xe cộ ở Sài Gòn, công việc ở Sài Gòn, vợ con cũng ở Sài Gòn.

Trước đây ông là trụ cột trong gia đình, nhưng trong tám tháng vừa qua không thể đi làm, một phần vì chưa bao giờ sống ở xã Phong Thu và không quen ai; một phần vì “người ta không nhận” khi “nghe tới hai chữ phản động”; và một phần vì không được phép ra khỏi xã để xin việc hay làm việc.

“Đi ra khỏi xã có sự đồng ý của địa phương, đi ra khỏi huyện có sự đồng ý của chủ tịch huyện, đi ra khỏi tỉnh có sự đồng ý của tỉnh.”

Nơi ở hiện nay ở Thừa Thiên-Huế

NGUỒN HÌNH ẢNH,TRẦN THANH PHƯƠNG

Chụp lại hình ảnh,

Nơi ở hiện nay ở Thừa Thiên-Huế

Để xin phép ra khỏi khu vực đang sống, ông Trần Thanh Phương cần đưa ra “lý do chính đáng” và bằng chứng.

Khi con gái đầu vào bệnh viện, ông xin phép và phải đợi 20 ngày, sau đó được đi 10 ngày, nhưng chỉ thời gian từ Huế vào Sài Gòn đã mất hai ngày mỗi vòng.

“Người ta cột tay cột chân mình rồi. Mình ra khỏi địa phương để xin việc làm, đi phụ hồ hay gì đó, người ta cũng không cho”, ông nói.

“Khi hết bản án tù… khi về xã hội, người ta đưa mình về Huế quản chế, họ cắt đứt đường làm ăn của mình, họ chia cắt tình cảm, chia cắt gia đình. Hai đứa con thì đang tuổi ăn tuổi học, thứ nhất là cần bố ở bên chăm sóc, thứ hai là kinh tế.”

Hai con hiện nay 17 tuổi và 10 tuổi.

Gần đây khi có điều kiện vào Sài Gòn, ông Trần Thanh Phương đã tìm được chút việc – được gửi đồ may gia công từ Sài Gòn về Huế, làm xong gửi trả lại Sài Gòn.

“Hồi trước ở Sài Gòn, làm may hai mươi mấy năm rồi, tay nghề vững, họ biết mình nên mới gửi về.”

Nhưng ông cũng nói không còn làm được nhiều vì “từ ngày đi tù về, mắt cũng kém rồi”.

Ông Trần Thanh Phương đang phải may gia công phụ giúp vợ con ở Sài Gòn

NGUỒN HÌNH ẢNH,TRẦN THANH PHƯƠNG

Chụp lại hình ảnh,

Ông Trần Thanh Phương đang phải may gia công phụ giúp vợ con ở Sài Gòn

“Mong những người thực thi pháp luật làm đúng văn bản của tòa”

Căn nhà ở Sài Gòn

NGUỒN HÌNH ẢNH,LÊ THỊ KHANH

Chụp lại hình ảnh,

Căn nhà ở Sài Gòn – ông đã ở Sài Gòn từ năm 1993 (BBC đã che đi một số thông tin cá nhân)

“Trong văn bản của tòa không nói là đưa về nơi hộ khẩu thường trú, mà nói là đưa về nơi cư trú… là phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân, Thành phố Hồ Chí Minh.”

Theo ông, họ “làm sai văn bản. Văn bản của tòa là cao nhất.”

Hiện nay ông chỉ mong được “đưa về Sài Gòn quản chế, để tiện công ăn việc làm và lo cho gia đình”.

Ông nói đã “gửi đơn đi rất nhiều, gửi đơn lên tòa, gửi đơn lên Viện kiểm sát, gửi lên Cục C10 của Hà Nội, nhưng chẳng có cơ quan nào trả lời cả.”

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?