'Cứu hộ Thổ Nhĩ Kỳ giúp Quân đội có bài học ứng phó thảm họa' - VNExpress

 Thời sự

Thứ bảy, 25/2/2023, 09:47 (GMT+7)

Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ, Phó cục trưởng Cứu hộ cứu nạn, trưởng đoàn Quân đội Việt Nam vừa trở về sau 10 ngày cứu hộ ở Thổ Nhĩ Kỳ, trả lời phỏng vấn VnExpress.

- Lần đầu tiên quân đội Việt Nam tổ chức đoàn cứu hộ quốc tế, việc lựa chọn lực lượng, phương tiện được cân nhắc thế nào, thưa ông?

- Bộ Quốc phòng đánh giá rất kỹ tình hình thực tế ở Thổ Nhĩ Kỳ để tuyển chọn nhân lực tham gia. Khi đó, thảm họa động đất đã xảy ra quá 72 giờ vàng cứu hộ nên chúng tôi xác định công tác tìm kiếm người còn sống sẽ khó khăn. Thành phần đoàn đi ngoài nhiệm vụ cứu người bị mắc kẹt còn phải tìm kiếm, đưa thi thể khỏi hiện trường, cứu chữa người bị thương.

Do đó, ba lực lượng được huy động gồm chó nghiệp vụ của Bộ đội Biên phòng, công binh cứu sập của Bộ Tư lệnh Công binh và quân y của Tổng cục Hậu cần. Chó nghiệp vụ đánh hơi tìm kiếm vị trí có nạn nhân hoặc dấu hiệu sự sống. Tiếp đến, trinh sát công binh dùng dụng cụ chuyên dụng camera thân nhiệt, hệ thống radar xuyên tường xác định vị trí chính xác của nạn nhân và bàn giao cho lực lượng cứu hộ nước bạn dùng phương tiện lớn đào bới các lớp bêtông.

Quân y vòng ngoài đảm bảo sức khỏe cho bộ đội, hậu cần, sẵn sàng thiết lập bệnh viện dã chiến thu dung, điều trị thành viên đoàn cứu hộ các nước bị thương khi làm nhiệm vụ hoặc khám bệnh, cấp thuốc cho người dân gặp vấn đề sức khỏe.

Với khoảng cách Việt Nam - Thổ Nhĩ Kỳ gần 8.000 km, phải di chuyển bằng máy bay, đội cứu hộ Việt Nam không thể vận chuyển các thiết bị hạng nặng như máy xúc, máy ủi lớn; mà phải chọn mang theo máy móc gọn nhẹ, hiệu quả cao, như bộ dò tìm nạn nhân; máy cắt, khoan bêtông.

Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ, Phó cục trưởng Cứu hộ cứu nạn (Bộ Quốc phòng), trưởng đoàn cứu hộ cứu nạn của quân đội Việt Nam sang Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Hoàng Phương

Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ, Phó cục trưởng Cứu hộ cứu nạn (Bộ Quốc phòng), trưởng đoàn cứu hộ cứu nạn của quân đội Việt Nam sang Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Hoàng Phương

- Hơn 10 ngày cứu hộ thảm họa động đất lịch sử ở một đất nước xa xôi, tình huống nào khiến ông phải "cân não"?

- Ngày 13/2, khi vừa đến tỉnh Hatay, Thổ Nhĩ Kỳ, lãnh đạo đoàn đã làm việc ngay với cơ quan điều phối nước bạn cũng như Liên Hợp Quốc để nhận nhiệm vụ. Đoàn được giao dò tìm, đánh dấu nạn nhân bị vùi lấp, bàn giao cho lực lượng cứu hộ hiện trường; dùng thiết bị chuyên dụng để giải cứu, đưa nạn nhân ra khỏi đống đổ nát.

Xung quanh chúng tôi lúc đó là khung cảnh hoang tàn với hàng nghìn ngôi nhà đổ sập, hàng trăm tấn bêtông đè ép lên nhau, chênh vênh, có thể sập xuống bất cứ lúc nào. Trong khi đó, dư chấn động đất vẫn liên tục xuất hiện với 6,2-6,4 độ richter. Ám ảnh nhất là gương mặt thất thần, mệt mỏi, khổ đau của những người còn sống sót, mòn mỏi tìm người thân.

Dù xác định cứu hộ hiệu quả, đảm bảo an toàn, có những tình huống hiện trường phát sinh buộc người chỉ huy phải quyết định rất nhanh. Ở ngày thứ ba cứu hộ, khi chúng tôi đến hiện trường một khu nhà cao tầng đã đổ sập một phần. Rất nhiều gia đình đứng trông ngóng, lực lượng điều phối nước bạn sẵn sàng máy xúc, phương tiện cứu hộ hạng nặng.

Nếu bộ đội Việt Nam không chui vào các "hầm bêtông" ấy thì không thể quan sát tình hình, tìm kiếm chính xác vị trí nạn nhân. Nhưng nếu đi vào, ngôi nhà sập dở có thể bất ngờ sụp xuống. Giữa an toàn của đồng đội và những ánh mắt hi vọng, chờ đợi của người dân địa phương, tôi thực sự phải đấu tranh nội tâm, phải cực kỳ "cân não".

Cuối cùng, tôi quyết định để lực lượng vào, sau khi cho những chiếc máy xúc đỡ tường chống sập. Đội chó nghiệp vụ đi trước, một bộ phận quan sát cảnh giới, công binh sẵn sàng máy móc tìm kiếm thật nhanh. Dưới khu nhà đó, đội cứu hộ Việt Nam đã phát hiện bốn vị trí, trong đó hai nơi có dấu hiệu sự sống, hai nơi có nạn nhân. Đoàn Việt Nam sau khi đánh dấu vị trí, bàn giao cho các lực lượng còn lại đào bới đưa nạn nhân ra.

Bộ đội và chó nghiệp vụ của quân đội Việt Nam Âchui vào các hầm bêtông ấy thì không thể quan sát tình hình, tìm kiếm chính xác vị trí nạn nhân.

Bộ đội và chó nghiệp vụ của quân đội Việt Nam chui vào các "hầm bêtông" để quan sát tình hình, tìm kiếm chính xác vị trí nạn nhân. Ảnh: Báo Quân đội nhân dân

- Ngoài tình huống cân não nói trên, những khó khăn mà bộ đội Việt Nam phải đối mặt khi thực hiện nhiệm vụ ở Thổ Nhĩ Kỳ là gì?

- Trong hai ngày đầu đến nước bạn, hàng hóa, đồ đạc chưa đến kịp. Chúng tôi ăn lương khô và mỳ gói mang theo trong ba lô cá nhân. Đội làm việc từ 8h đến hơn 19h mỗi ngày. Đêm đến thì "màn trời chiếu bêtông", hoặc xúm quanh đống lửa sưởi ấm khi nhiệt độ xuống âm 6-10 độ C.

Những thiếu thốn vật chất ấy không phải là khó khăn với bộ đội Việt Nam, và cũng không là gì trong bối cảnh Thổ Nhĩ Kỳ hoang tàn, đổ nát, điện bị cắt, người dân phải ở lều lán. Dù vậy, chúng tôi rất xúc động khi người dân dù thiếu thốn, đã đến san sẻ bánh mì, nước uống hiếm hoi của mình, tiếp sức cho đoàn lao vào công việc.

Trong gần hai tuần cứu trợ nhân đạo ở Thổ Nhĩ Kỳ, với tinh thần tìm kiếm người gặp nạn như tìm người thân của mình, đội cứu hộ của Quân đội Việt Nam đã tổ chức tìm kiếm tại 31 điểm, phát hiện 15 điểm có nạn nhân bị vùi lấp, bàn giao cho lực lượng giải cứu, đưa 28 thi thể nạn nhân ra khỏi đống đổ nát.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tổ chức một đội chó nghiệp vụ tìm kiếm cứu nạn, tổ công binh dò tìm bằng âm thanh, hình ảnh và radar xuyên tường phối hợp với các đoàn Bahrain và Mexico tìm được 3 vị trí, đưa 10 thi thể nạn nhân ra ngoài.

Công binh Việt Nam dùng máy cắt mở đường cho các lực lượng vào bên trong những khu nhà sập để tìm kiếm người gặp nạn. Ảnh: Báo Quân đội nhân dân

Công binh Việt Nam dùng máy cắt mở đường cho các lực lượng vào bên trong những khu nhà sập để tìm kiếm người gặp nạn. Ảnh: Báo Quân đội nhân dân

- Kinh nghiệm cứu hộ quốc tế lần này giúp gì cho việc ứng phó với những tình huống bất trắc trong tương lai tại Việt Nam?

- Việt Nam nằm trên đới đứt gãy phức tạp, trong khi những nguy cơ về sự cố hóa chất, phóng xạ, tấn công sinh học... luôn tiềm ẩn, buộc chúng ta phải có kế hoạch, kịch bản ứng phó cấp quốc gia. Đợt cứu hộ quốc tế lần này đã thể hiện trách nhiệm, tinh thần tương thân tương ái của Việt Nam và đúng mục tiêu "giúp bạn cũng là giúp mình".

Sau gần hai tuần cứu trợ, bộ đội Việt Nam có trải nghiệm thực tiễn, bổ sung lý luận giúp lực lượng cứu hộ điều chỉnh giáo án huấn luyện sát thực tế, nâng cao khả năng cơ động khi diễn tập, không bị động trước các tình huống bất trắc sau này.

Chúng tôi cũng có thêm kinh nghiệm trong tổ chức, chỉ huy điều hành lực lượng cứu hộ, xuyên suốt từ trên xuống dưới; cách sử dụng phương tiện và sự phối hợp hiệp đồng với các lực lượng tại chỗ.

Với những bài học đó, đội cứu hộ sẽ tham mưu, sớm hoàn thiện các quy định phù hợp thực tiễn khi tình huống thảm họa xảy ra, trong đó có hành lang pháp lý đầy đủ để tiếp nhận, điều phối khi lực lượng nước ngoài tham gia hỗ trợ.

Bộ đội Công binh tìm kiếm người bị mắc kẹt do động đất
 
 

Bộ đội Công binh tìm kiếm người bị mắc kẹt sau động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ. Video: Truyền hình Quốc phòng Việt Nam

Hoàng Phương - Sơn Hà

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?