Ngành Y gặp khó hay chất lượng quốc gia đang xuống cấp?

 RFA

2023.02.27

Ngành Y gặp khó hay chất lượng quốc gia đang xuống cấp?Ảnh minh họa.
 AFP

Tháng 9 năm ngoái, Bệnh viện Bạch Mai cho hay, một số loại thuốc chuyên khoa dùng cho một số bệnh đặc biệt như suy tuyến thượng thận, thuốc giải độc kim loại nặng... không có sẵn, dẫn đến tình trạng khó khăn trong công tác cấp cứu, điều trị của bệnh viện.

Tháng 2 năm nay, Bệnh viện Việt Đức ở Hà Nội cho biết, do thiếu hụt vật tư y tế, hóa chất nên kể từ đầu tháng 3, bệnh viện hạn chế tối đa các ca mổ hẹn trước để ưu tiên cho các trường hợp cấp cứu. Lên tiếng trên truyền thông Nhà nước, lãnh đạo Bệnh viện Việt Đức cho biết, dù bệnh viện đã cố gắng thực hiện các thủ tục đấu thầu, mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, hóa chất xét nghiệm... đúng quy định pháp luật, nhưng một số hóa chất đã sắp hết vì vướng mắc trong việc đấu thầu.

Đây không phải lỗi do khách quan. Mà nói về ngành y thì người chịu trách nhiệm cuối cùng là tư lệnh ngành, tức Bộ trưởng Bộ y tế. Tư lệnh ngành y tế hiện nay không phải là người học ngành y. - Bác sĩ Đinh Đức Long

Còn ở Thành phố Hồ Chí Minh, Bệnh viện Chợ Rẫy cũng loan tin đang rất khó khăn trong việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, hóa chất để chữa trị cho bệnh nhân. Cả bệnh viện có sáu chiếc máy chụp CT scanner, nhưng năm chiếc đã hư chưa sửa được. Hiện chỉ còn một máy hoạt động. Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy khẳng định, giá gói thầu đang là vấn đề khó khăn nhất của bệnh viện. Nếu tiếp tục chờ đợi ba báo giá của các nhà cung cấp khác nhau theo quy định, chắc chắn bệnh viện sẽ phải tạm ngưng hoạt động vì không đủ hóa chất.

Lỗi có hệ thống?

Nhìn nhận về vấn đề trên, Bác sĩ Đinh Đức Long, nói với RFA quan điểm của ông trong sáng 27 tháng 2 năm 2023:

“Mình khẳng định rõ ràng đây là lỗi của cơ chế quản lý, lỗi của con người cụ thể. Tại sao trước đây có thuốc, có vật tư y tế, bây giờ không có?

Đây không phải lỗi do khách quan. Mà nói về ngành y thì người chịu trách nhiệm cuối cùng là tư lệnh ngành, tức Bộ trưởng Bộ y tế. Tư lệnh ngành y tế hiện nay không phải là người học ngành y.

Còn cụ thể phải sửa như thế nào thì mình không phải người quản lý nên mình không biết cụ thể nó vướng chỗ nào. Nhưng để xảy ra như vậy thì bộ trưởng bộ y tế phải là người chịu trách nhiệm.

Trong lịch sử chế độ cộng sản Việt Nam từ xưa đến nay, tất cả bộ trưởng y tế đều từ ngành y ra. Đây là lần đầu tiên có một Bộ trưởng y tế không biết gì về ngành y, mà trong 100 ngày giữ chức, tức là hơn ba tháng, là đủ để biết bộ trưởng có thể tạo ra đột phá hay không, có làm được việc hay không. Chế độ độc tài có quyền lực tuyệt đối. Có quyền lực tuyệt đối mà không làm được việc thì lỗi tại mình. Không thể đổ lỗi cho ai được hết.”

Bộ trưởng y tế Việt Nam hiện nay là bà Đào Hồng Lan, người chưa từng học ngành y. Trả lời câu hỏi của phóng viên trong nước về việc không phải là người trong ngành y, bà Đào Hồng Lan cho rằng: “Bản thân không xuất phát từ ngành y, mọi việc đều rất mới, nhưng trách nhiệm trước đảng, trước nhân dân nên mọi công việc sắp tới cũng rất mới.”

Trước tình trạng nhiều bệnh viện thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính hôm 25 tháng 2 năm 2023 đã ký công điện số 72 về việc tiếp tục các giải pháp bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh.

Đây không phải lần đầu ông Phạm Minh Chính lên tiếng về tình trạng này. Vào tháng 7 năm 2022, Thủ tướng đã kêu gọi một giải pháp phù hợp xử lý tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế nhưng đến nay, tình hình xem ra vẫn chưa được cải thiện.

Ách tắc do cơ chế? 

2007-04-23T120000Z_339357495_GM1DVCJWBZAA_RTRMADP_3_VIETNAM-HOSPITAL-PRIVATISATION.JPG

Một số chuyên gia y tế nhận định rằng, sở dĩ mọi chuyện bị “trì trệ” như vậy là do ông Chính chỉ nói mà không đưa giải pháp cụ thể nào cả.

Các chuyên gia cũng cho rằng điều cần làm ngay là Bộ Y tế phải cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính rườm rà trong thủ tục mua sắm thuốc, trang thiết bị, sinh phẩm phục vụ khám chữa bệnh; đẩy nhanh tiến độ cấp phép lưu hành đối với thuốc, trang thiết bị y tế; tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp kinh doanh thuốc, trang thiết bị y tế thực hiện theo pháp luật, tránh tình trạng đùn đẩy, né tránh, kéo dài không dám chịu trách nhiệm.

Bác sĩ Nguyễn Viện ở Thành phố Hồ Chí Minh nêu quan điểm của ông:

“Bây giờ hầu như các điểm khám bảo hiểm thì đều thiếu thuốc. Một số đồng nghiệp của tôi cho rằng, đây là do vấn đề đấu thầu thuốc gần đây có những cái quy định khắt khe hơn. Thuốc phải trong danh mục. Còn với y tế tư nhân thì người ta có thể mua tất cả các loại thuốc trên thị trường.

Bảo hiểm của nhà nước hay bệnh viện công thì gặp khó khăn sau hàng loạt vụ bê bối Việt Á, người ta sợ trách nhiệm dẫn đến thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế. Tóm lại, theo tôi nghĩ, việc thiếu thuốc, thiếu vật tư là do cơ chế đấu thầu mà ra.”

Việt Á được coi là một đại án với hàng loạt cán bộ từ trung ương đến địa phương bị khởi tố, bị bắt giam, trong đó có Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, Chủ tịch Hà Nội Chu Ngọc Anh và ông Phạm Công Tạc, cựu Thứ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ. Đại án này gây chấn động ngành y tế và bị cho là tác nhân gây tâm lý sợ đấu thầu thuốc và thiết bị y tế. Chính điều đó dẫn tới hậu quả là bệnh nhân thiếu thuốc và vật tư y tế trầm trọng.

Bảo hiểm của nhà nước hay bệnh viện công thì gặp khó khăn sau hàng loạt vụ bê bối Việt Á, người ta sợ trách nhiệm dẫn đến thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế. Tóm lại, theo tôi nghĩ, việc thiếu thuốc, thiếu vật tư là do cơ chế đấu thầu mà ra. - Bác sĩ Nguyễn Viện

Tháng 9 năm ngoái, báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam có bài viết về vụ án Việt Á và cán bộ sợ sai, sợ trách nhiệm. Bài báo nêu ra một thực tế là vụ án này đã tác động mạnh đến tâm lý cán bộ, đảng viên và nhất là người đứng đầu thiếu bản lĩnh sợ sai, sợ trách nhiệm không dám làm gì. Có cán bộ thốt lên rằng “Làm nhiều sai nhiều, làm ít sai ít, không làm không sai, vì thế vài tháng nay em chẳng làm gì cả”. Thực tế này đáng báo động. Vậy thực hư câu chuyện là gì? Đúng sai, phải trái ở đâu?  Có ý kiến cho rằng, “Y tế và Giáo dục phản ánh chất lượng quốc gia”. Ngành y đang bị quá nhiều scandal và ngành giáo dục cũng không ngoại lệ khi hàng loạt sai phạm trong thi cử bị phanh phui.

Trở lại với ngành y tế trong thời điểm “khó khăn” hiện nay, có thể thấy tình trạng thiếu trang thiết bị, thiếu vật tư không phải chỉ mới bắt đầu mà đã có nhiều tháng trước.

Tháng 11 năm 2021, Chính phủ ban hành Nghị Định số 98/2021/NĐ-CP về quản lý trang thiết bị y tế. Truyền thông Nhà nước dẫn lời Bác sĩ Nguyễn Tri Thức - Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy rằng: “Thực tế từ ngày 1-1-2022, khi Nghị định 98/2021 có hiệu lực thi hành đến nay thì việc thu thập đầy đủ các báo giá cũng như tham khảo giá kê khai, công khai trên cổng thông tin gặp rất nhiều khó khăn, hầu hết các trang thiết bị y tế kỹ thuật cao...Bệnh viện thường xuyên trong trạng thái thiếu trang thiết bị y tế, thiết bị hư hỏng không sửa chữa được phải chuyển bệnh nhân đến cơ sở khác để thực hiện gây rất nhiều khó khăn, phiền toái cho người bệnh”.

Một số người cho rằng, ngành y tế đã trở lại “thời kỳ bao cấp” khi bệnh viện không có thuốc, không có máy chụp CT dù là bệnh viện lớn nhất, nhì thành phố lớn nhất nước như Bệnh viện Chợ Rẫy.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?