Tôi Khoái Đi Chợ

Tác giảHuỳnh Quốc BìnhNgày đăng: 2023-02-26


Đi chợ là thú vui của tôi từ nhỏ đến giờ, nó vui giống như tôi được đi xem xi-nê hay xem cải lương thời tôi còn niên thiếu.
***
Sau khi ra đến hải ngoại, người ta thấy hình ảnh những đàn ông Việt Nam đi chợ mua thức ăn là chuyện bình thường, nó giống như thành ngữ, “chuyện thường ngày ở huyện” mà thôi. Hồi còn ở bên quê nhà, các “đấng mày râu” mà xách giỏ đi chợ hiếm lắm. Ai ở vào lứa tuổi học sinh hay thiếu niên mà xách giỏ đi chợ, sẽ được mọi người hiểu là tụi nó đi chợ cho mẹ hay cho chị. Riêng những thanh niên chững chạc, hay đàn ông có địa vị trong xã hội mà xách giỏ ra chợ mua thức ăn, chắc chắn thế nào thiên hạ cũng sẽ nhìn họ bằng cặp mắt “thương hại” bởi vì người ta cho rằng đây là những ông đang nuôi vợ đẻ, hoặc bị vợ đì mà thôi. Chính vì thế, đối với một số người Việt Nam, đàn ông mà đi chợ trông nó “nhược” làm sao ấy.
Bản thân tôi thì khác, thật sự tôi rất thích đi chợ mua thức ăn dù không được vợ nhờ hay “bị vợ đì”. Lúc tôi chưa về hưu, hằng ngày đi làm về, nếu không bị vợ réo về nhà gấp ăn tối với nàng và các con, tôi thường tạt ngang một chợ Việt hay Mỹ nào đó cũng được, để mua vài món thức ăn mang về bỏ trong tủ lạnh dù không được vợ sai hay vợ biểu. Được đi chợ ngắm món này, nhìn món kia, đối với tôi là một thú vui giống như người ta đi vào vườn hoa ngắm các cây kiểng. Tôi nói thật, không đùa.
Đi chợ mua thức ăn cho gia đình hay cho vợ con, chắc chắn không phải là nhược hay nhục theo cách suy nghĩ của một số đàn ông Việt Nam hay Á đông nói chung. Trái lại, theo tôi, đàn ông mà biết xách giỏ đi chợ là một hình ảnh đẹp của người chồng biết thương yêu vợ con nên muốn giúp đỡ vợ con.
Nhớ hồi nhỏ lúc tôi ở tuổi mới vào Trung Học, Dì Năm, em của Má tôi nhờ tôi cầm tiền ra chợ trao cho Dì Út đang mua bán ngoài chợ. Dì Năm cũng trao thêm cho tôi số tiền nhỏ để tôi mua vài món rau cải mang về cho dì ấy nấu nồi canh chua cho Ông Bà Ngoại và cả nhà ăn tối. Tôi nhớ thời đó, khoảng năm 1968, mấy bà nội trợ nấu nồi canh chua thật đầy đủ cá tôm cho khoảng năm bảy người ăn, không quá mười đồng. Thế mà nồi canh chua lần đó mấy bà dì của tôi phải tốn hơn mấy trăm đồng. Tức là tôi đã làm bay hết số tiền mà tôi có “sứ mạng” chuyển giao từ bà dì này qua tay bà dì kia. Lần đó tôi đã bị mấy người lớn sống bằng nghề cờ gian, bạc lận cám dỗ. Tôi đã thua sạch số tiền đó trong sòng tài-xỉu ở một đầu hẻm nhỏ gần chợ. Nhờ “nồi canh chua đắc giá” lần đó mà tôi nhớ đời, tôi nhớ đến bây giờ. Đó cũng là lần tôi dặn lòng mình là không bao giờ đặt chân đến hay bén mảng đến các chỗ cờ bạc, đỏ đen cho dù chỉ để mua vui vài mươi đồng hay vài mươi phút không đáng kể.
Thời niên thiếu tôi rất mong được người lớn sai đi chợ hay cầm cái tô cái chén đến tiệm tạp hóa gần nhà mua thêm những gia vị nấu ăn. Thường thường mấy dì hay nhờ tôi mua thêm tương, đường hay hành tỏi, nước mắm, nước tương, nhưng tôi khoái nhất là được nhờ đi mua đường. Loại đường nào tôi cũng được “hưởng” trước. Nếu là đường cát, thế nào tôi cũng tấp vô trong hẻm, quay mặt vô tường, mở gói đường ra le lưởi liếm một miếng. Nếu là đường mía, tôi không ngần ngại sử dụng ngón tay không mấy sạch của mình quẹt một miếng bỏ vào miệng và nuốt vội vào bụng để cho chất ngọt mang đến cảm giác đả thèm cho một thằng nhỏ thường thiếu thốn kẹo bánh như tôi. Phải nói rằng những lần “ăn chận” chất ngọt như thế nó sướng ơi là sướng, và ngon ơi là ngon đối với thằng nhóc thiếu chất ngọt như đã nói.
Lúc lớn khôn hơn một chút, tôi thường đem chuyện “ăn chận đường” kể cho mấy thằng bạn con nhà nghèo cùng xóm nghe và cả đám cười té ngữa bởi chúng nó từng làm điều đó trước tôi. Có thằng còn nói như là một thành tích rằng: “Tao đố cha thằng con nhà giàu nào có được cái thú giống như tụi mình”. Có thằng thì lành hơn chúng tôi, tức là nó không “ăn chận” mà chỉ mong được người lớn ra lệnh cầm chén đi mua đường mía mang về nhà và phần thưởng của nó là phần đường còn dính trong chén được mẹ hay chị nó đổ nước cơm sôi vào cho nó thưởng thức.
Viết đến đây tôi bổng nhớ đến những anh bạn của tôi thời niên thiếu. Tôi thật sự ngậm ngùi vì hình dung lại trong số bạn của tôi khi trưởng thành, nhiều anh đã hy sinh trong thời chiến chống VC xâm lược. Riêng tôi, bây giờ lưu lạc xứ người, tuổi đã cao, đời sống khá đầy đủ tiện nghi, trong nhà có đủ mọi loại thức ăn, kể cả mấy hủ đường đủ loại, nhưng tôi không bao giờ dám đụng đến chúng nó cho dù tôi chưa bị tiểu đường hay có lượng đường cao trong máu.
Trở lại chuyện đi chợ để khỏi lạc đề. Nếu chỉ nói trên phương diện đời sống bình thường của một con người bình thường, không nói chuyện thiêng liêng gì ở đây; xin thú thật, ngoài chuyện mê đọc sách báo và viết bài, tôi mê nhất là đi vào các chợ để mua vài món thức ăn như thịt cá hay rau cải mang về cho vợ. Đây là thú vui của tôi từ nhỏ đến giờ, nó vui giống như tôi được đi xem xi-nê hay xem cải lương thời tôi còn niên thiếu.



Sau khi ra hải ngoại, lúc chưa lập gia đình, lúc còn đi học và đi làm, công việc đi chợ không chỉ vì sở thích của tôi, mà thực tế, nếu tôi không tự đi chợ thì ai đi cho tôi? Tôi còn ý thức câu nói của người xưa “trai khôn tìm vợ chợ Đông” nên chợ là chỗ mà tôi nghĩ rằng con trai chưa vợ thỉnh thoảng cũng nên đến đó cho biết.
Tôi không gặp Nhà Tôi trong chợ như câu thành ngữ vừa nêu. Nhà Tôi là con gái lớn nhất trong một gia đình đông con. Ngày nay tôi và các con tôi được hưởng tất cả tài nấu nướng hay sự đảm đang mà nàng có lúc nàng còn là con gái lớn trong một gia đình đông con. Thực chất, Ba Má của Nhà Tôi có chủ trương hễ là con gái, ngoài chuyện học hành cũng phải biết chuyện nội trợ nữa.
Ông nào bị hay được vợ giao cho việc đi chợ cũng đều có kinh nghiệm giống nhau. Tức là hay bị mấy bà “rầy” một cách oan uổng. Khi tôi đi đâu, trước khi về nhà tôi có thói quen hay ghé vào chợ cho dù tôi chẳng có nhu cầu mua món gì cả. Vào chợ hễ thấy thức ăn nào mà tôi cho là ngon, tôi liền mua về cho gia đình thưởng thức. Nếu mọi người không thích, nhất là Nội Tướng của tôi mà không thích, tôi bị nàng cằn nhằn, “Ba cái thứ này, ba cái đồ yêu này ngon lành gì mà anh mua cho cố”. Nếu gặp loại ngon, tôi cũng bị “la” rằng, “Sao mà hà tiện quá vậy anh Hai, đồ ngon như thế này mà sao anh mua có ít xịu vậy?”. Nói chung, mua cách nào hay đường nào tôi cũng lãnh đủ hay “từ chết đến bị thương” với vợ con.
Tôi có chút bí quyết về vụ đi chợ, xin phép được chia sẻ với “phe ta”. Quý ông phải nhớ điều này: Vào chợ muốn chọn lựa đúng thức ăn ngon mang về nhà mà không bị vợ la, là khi vào chợ đừng vội mua. Găp lúc chợ đông người càng tốt. Hãy để ý mấy bà, mấy cô, nhất là mấy bác lớn tuổi lựa thức ăn. Hễ món nào họ cầm lên bỏ xuống lần thứ nhất, đừng chú ý. Nếu quý bà chọn món thứ nhì và quý bà cầm lên lật qua lật lại ngắm nghía vài giây, định bỏ vào giỏ nhưng lại thôi và chọn món khác hay cái khác. Xin phe ta hãy lấy món đó cho vào giỏ mình ngay là chắc ăn như bắp. Không ngon, không tươi, và không tốt, không lấy tiền. Tại sao tôi dám nói chắc nịch như thế? Lý do, quý bà đã chọn món nào lần thứ nhì, phần nhiều là tốt rồi, nhưng tại vì quý bà vẫn chưa hài lòng nên muốn tìm thêm cái khác. Vì tìm hoài nên có khi quý bà vớ nhằm cái tệ hơn mà thôi.
Trước khi kết luận bài viết này tôi xin phép kể một chuyện có thật liên quan đến việc “đẩy xe” thức ăn cho vợ đi chợ.
Tôi nhớ lâu lắm rồi, chắc khoảng năm 2005 gì đó, có lần vợ chồng chúng tôi đến chợ Việt Nam vào ngày cuối tuần để mua thức ăn cho cả nhà. Xin khai thiệt: Mỗi khi vào chợ tôi thường đẩy xe thức ăn “lót tót” theo sau gót chân vợ bởi vì tôi nghĩ rằng nàng có công nấu nướng, còn mình chỉ “giỏi ăn” nên có dịp là phải tìm cách giúp vợ hay nịnh vợ một chút cho vui cửa vui nhà. Lúc tôi đẩy xe thức ăn lòng vòng trong chợ, tôi gặp một “cao niên” Việt Nam. Ông là một cựu sĩ quan cao cấp trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Ông qua Mỹ theo diện H.O. Vị này tôi từng hân hạnh quen biết trong sinh hoạt cộng đồng. Nghe đâu thời còn ở trong quân đội, ông là người từng chỉ huy cả tiểu đoàn và “hét ra lửa” nhưng trông ông rất hiền hậu. Lần gặp gỡ này ông cũng đẩy xe thức ăn cho vợ đi chợ giống như tôi. Sau mấy câu chào hỏi, ông lên tiếng trước rằng:
Qua Mỹ này đàn ông mình nhược quá anh Bình ơi.
Nhược cái gì thưa anh? Tôi hỏi.
Thì bọn đàn ông mình hay bị vợ sai vặt hoặc phải đẩy xe cho vợ đi chợ như anh thấy nè, chứ ở Việt Nam làm gì có chuyện này. Ông nói theo kiểu nửa đùa, nửa thật, và than thở.
Em nghĩ khác anh. Anh em mình mà được quý bà sai vặt, còn được đẩy xe thức ăn cho vợ đi chợ tức là anh em mình còn ngon đó chứ. Ông anh cứ tưởng tượng, nếu quý bà chẳng bao giờ nhờ anh em mình làm gì cả, hoặc khi quý bà đi chợ cũng không thèm nhờ anh em mình lái xe, hoặc đẩy xe thức ăn cho quý bà rảnh tay chọn lựa món này món kia, có phải anh em mình như thành phần bị phế thải, hoặc bị “vứt đi” hay sao?
Nghe tôi nói xong, ông ấy cười vang và nói: “Gặp anh Bình, nghe anh nói khích lệ như thế khiến tôi lên tinh thần quá chừng. Thật là ấm lòng chiến sĩ”.
Kết Luận
Tôi viết bài này sau khi tôi đọc được bài “Đi Chợ Cho Vợ!” của tác giả K. Nguyên chứ tôi không có ý gửi gấm một điều gì thầm kín trong bài viết của mình. Quý độc giả có thể đọc bài viết ấy tại đây: 
https://aihuubienhoa.com/p122a1755/10/di-cho-cho-vo-k-nguyen
Hy vọng là bài viết này của tôi và của tác giả K. Nguyên sẽ phần nào an ủi những anh nào hay ông nào cảm thấy “xấu hổ” khi phải đi chợ cho vợ. Chồng mà được vợ nhờ là còn có phước đó. Đàn ông nào mà vợ không muốn nhờ hay không dám nhờ, thành phần đàn ông đó ngoài xã hội chắc chắn mọi người phải đành phải “bó tay” với họ mà thôi.
Hồi tôi còn nhỏ, lúc học tiểu học tôi hay bị ngoại la và mấy dì rầy. Sau khi lớn hơn tức là lúc học trung học tôi được về ở chung với gia đình, tôi tiếp tục bị má và chị mắng yêu rằng: Lớn lên mầy chỉ có nước làm mọi cho vợ chứ ai nhờ cậy được gì. Bây giờ khôn hơn, già hơn, và kinh nghiệm đời hơn, quả thật, tôi đang “làm mọi” cho vợ con mà vẫn “bị rầy” như ăn cơm bữa, chứ sá gì cái chuyện “đi chợ cho vợ” như tác giả K. Nguyên đã than.
Huỳnh Quốc Bình

---------- 

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?