ĐIỂM BÁO -

 RFI

Tái tạo khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương

Wagner nổi dậy : Putin xuống giá, Prigojine khó toàn mạng

Le Monde ngày hôm nay 27/06/2023 cho rằng vị thế của Vladimir Putin đã bị giảm mạnh trên trường quốc tế, do yếu ớt và thiếu quyết đoán trong vụ Wagner nổi loạn. Đối với Evgueni Prigojine, Le Figaro nhận định sau vụ nổi loạn thất bại, đã đến lúc tính sổ. Trong thế giới tàn bạo của Putin, không có chuyện để cho những kẻ đã thách thức được tồn tại. Nhà nghiên cứu Pavel Slunkin nhấn mạnh an ninh Nga hiện diện khắp Belarus, có thể trừ khử Prigojine nếu Putin muốn.

Các tay súng Wagner được triển khai gần Bộ chỉ huy Quân khu Miền Nam ở thành phố Rostov trên sông Don của Nga, ngày 24/06/2023.
Các tay súng Wagner được triển khai gần Bộ chỉ huy Quân khu Miền Nam ở thành phố Rostov trên sông Don của Nga, ngày 24/06/2023. REUTERS - STRINGER
Thụy My

Nếu hôm qua, sự kiện Wagner nổi loạn chiếm trang nhất tất cả các báo, hôm nay vẫn là đề tài được báo chí Pháp tiếp tục bàn luận. Le Mondechạy tựa « Putin yếu đi vì cuộc nổi dậy của nhóm Wagner », Le Figaro nhấn mạnh « Số phận Prigojine vẫn còn treo lơ lửng ».

Matxcơva tránh được thảm họa, nhưng Putin lãnh hậu quả

Le Monde mô tả việc quay trở lại với tình trạng bình thường ở Nga : trên trang web bán hàng Wildberries, những sản phẩm mang dấu hiệu « Wagner » lại xuất hiện. Trên những con đường ở phía nam Matxcơva, người ta lấp những hố được xe ben đào để chận bước tiến của đội quân đánh thuê, hôm 24/06 đã chiếm được thành phố hơn 1 triệu dân và chỉ còn cách thủ đô Matxcơva có 200 cây số.

Các blogger quân sự Nga đánh giá quân đội có từ 13 đến 20 người thiệt mạng, hầu như tất cả đều là phi hành đoàn của 6 trực thăng và một máy bay bị bắn rơi. Mười chín tòa nhà ở Voronej bị hư hại, và nhà máy lọc dầu của thành phố đến Chủ nhật vẫn còn bốc cháy. Ở Rostov trên sông Don, trung tâm của cuộc khủng hoảng, từ tối thứ Bảy các chiến binh Wagner và thiết giáp bắt đầu rời đi, dưới những tràng pháo tay của cư dân. Họ vừa mừng vì tránh được biển máu, vừa ủng hộ những phát biểu chống lại giới tinh hoa của Evgueni Prigojine. Kremlin sẽ phải chú ý đến cảm tình của một bộ phận dân chúng đối với phe nổi loạn.

Cuộc khủng hoảng kết thúc một cách đột ngột và đáng ngạc nhiên như lúc bắt đầu. Nhưng có thể dễ dàng quên đi chăng ? Trước hết, người ta chỉ biết đại khái về thỏa thuận. Evgueni Prigojine thoát nạn, ít nhất là trong lúc này, cuộc phiêu lưu nhằm lập lại « trật tự và công lý » tạm chấm dứt. Quân đội Nga bị lăng nhục : bất lực trong việc bảo vệ thủ đô, chỉ biết cho đặt những bao cát chận lối vào. Một số đơn vị quân đội còn từ chối chiến đấu với lính đánh thuê Wagner, vì sợ hoặc do cảm tình. Nhưng hậu quả khủng khiếp nhất là cho Vladimir Putin.

Vladimir Putin bị hạ giá dưới mắt thế giới

Trong bài xã luận mang tựa đề « Sự mất giá trên trường quốc tế của Vladimir Putin », Le Monde nhận xét bề ngoài thì tất cả lại vào trật tự, Evgueni Prigojine tạm lánh sang Belarus. Nhưng 24 tiếng đồng hồ khủng hoảng mà nước Nga của Putin chưa từng trải qua là thảm họa cho ông chủ điện Kremlin.

Sự yếu ớt và thiếu quyết đoán của Vladimir Putin không thể không gây chú ý bên ngoài biên giới nước Nga. Những chế độ châu Phi đã ký hợp đồng « bán linh hồn cho quỷ » với đội quân lính đánh thuê để bám lấy quyền lực, sẽ phải đặt câu hỏi về hiệu quả và tính bền vững. Nhất là hình ảnh « quyền lực cứng » của Putin đã được nhiều chế độ độc tài bắt chước. Thất bại của mục đích ban đầu khi kéo quân sang xâm lăng là xóa số ban lãnh đạo Ukraina, đã bộc lộ tình trạng thực sự của quân đội Nga. Trên mạng xã hội, đã lan truyền một số câu chuyện chế giễu. Chẳng hạn đăng ảnh Putin đang nói chuyện điện thoại với câu : « Tôi không cần đạn dược, mà cần di tản », ý tưởng ngược lại với câu của Zelensky « Tôi không cần một chuyến taxi mà cần đạn dược » khi người Mỹ đề nghị sơ tán.

Sự nổi loạn của Evgueni Prigojine sau nhiều tháng đả kích những người lãnh đạo quân đội, cho thấy sai lầm to lớn khi để cho phát triển một đội quân tư nhân vốn vô trách nhiệm trước bất cứ ai trừ ông chủ. Thế nên không có gì đáng ngạc nhiên về phản ứng lạnh nhạt của các nước - trên lý thuyết là bạn bè của Matxcơva như Kazakhstan. Kremlin nhấn mạnh đến sự ủng hộ của Trung Quốc nhưng thực ra Bắc Kinh chỉ nói chung chung. Le Figaro nhận thấy không hề có dấu vết một cuộc điện đàm nào giữa Tập Cận Bình với « người bạn cũ » Vladimir Putin như ông Recep Tayyip Erdogan hay tổng thống Belarus.

Le Monde cho rằng sự « mất giá » trên trường quốc tế của Vladimir Putin là lâu dài. Tại Trung Á, nơi Matxcơva lâu nay vẫn thống trị, vụ nổi dậy đẩy nhanh thế trận mới có lợi cho Bắc Kinh, nhưng tác động sẽ còn vượt ra ngoài những vùng ảnh hưởng cũ của Nga.

Prigojine khó toàn mạng sau vụ nổi dậy

Còn đối với Evgueni Prigojine, « người bạn cũ » 20 năm qua ? Le Figaro nhận định « Sau vụ nổi loạn thất bại, đã đến lúc tính sổ ». Trong bài xã luận « Đêm của những lưỡi dao dài », từ ngữ chỉ cuộc thanh trừng Hummingbird của Đức quốc xã năm 1934, tờ báo cho rằng một khi hoàn hồn trở lại sau cuộc nổi dậy của Evgueni Prigojine, ông chủ điện Kremlin sẽ ra tay hành động. Trong thế giới tàn bạo của Putin, không có chuyện để cho những kẻ đã thách thức được tiếp tục làm giàu như không có chuyện gì xảy ra. Giờ đây là cuộc đấu đá giữa các phe nhóm, mỗi người ở Matxcơva đều có thể là nạn nhân sắp tới.

Libération lưu ý, Prigojine vẫn nói không có ý định lật đổ chế độ Putin, phân trần rằng quân của ông ta tập hợp để giải giáp thì bị quân đội tấn công bằng rốc-kết và trực thăng làm 30 lính Wagner thiệt mạng – tuy hiện chưa thấy dấu vết nào của vụ tấn công này. Dù tương lai bất định, Prigojine vẫn không kìm được sự khoe khoang. Ông khẳng định : « Trong vòng 24 giờ, chúng tôi đã tiến được một đoạn đường tương đương với quân đội Nga hôm 24/02/2022 để tới được Kiev. Nếu đó là những binh sĩ có cùng trình độ huấn luyện, máu lạnh và chuẩn bị kỹ như Wagner, chiến dịch quân sự đặc biệt có thể chỉ diễn ra trong vòng một ngày ».

Le Monde nhận thấy « Belarus khó thể là nơi trú ẩn của Evgueni Prigojine ». Quốc gia này đã trở thành hậu cứ của Putin từ ngày 24/02/2022 để tấn công vào Ukraina, và hiện nay hầu như hoàn toàn bị Nga sáp nhập. Vai trò cụ thể của Alexandre Lukachenko trong việc hòa giải cũng chưa rõ. Chuyên gia Artyom Shraibman của Carnegie Russia Eurasia Center cho rằng thỏa thuận có thể do một trung gian Nga thực hiện, và Lukachenko sau đó được đề nghị đứng tên chính thức. Dù sao đi nữa, tổng thống Belarus cũng đã giúp sức đắc lực cho Putin. « Ông ta sẽ được đền bù, hoặc dưới dạng viện trợ tài chánh bổ sung, hoặc nới lỏng đôi chút áp lực về tiến trình sáp nhập Belarus vào Nga ».

Evgueni Prigojine sẽ ở lại hay ra đi sau đó ? Nhiều nhà phân tích cho rằng ông ta tạm thời lưu lại Belarus rồi sẽ sang châu Phi, nơi Wagner hoạt động. Shraibman thấy rằng Prigojine chẳng có việc gì để làm ở nước này, và lại không hề an toàn cho ông chủ Wagner. Nhà nghiên cứu Pavel Slunkin nhấn mạnh : « Cơ quan an ninh Nga vốn hiện diện cùng khắp nước này có thể trừ khử Prigojine nếu Putin quyết định ». Về phía đối lập Belarus lưu vong tố cáo : « Con rối Lukachenko của Putin mưu toan biến Belarus thành nơi trú ẩn của tội phạm với vũ khí nguyên tử ».

Ai có lợi nhờ vụ  nổi loạn?

Trên Les Echos, nhà địa chính trị Cyrille Bret, giảng viên Science Po phân tích : Ai có lợi nhờ cú nổi loạn của Prigojine, ở bên trong và bên ngoài nước Nga ? Sau cú va chạm mạnh của thiên thạch Prigojine, cần đợi cho bụi thời gian lắng xuống đôi chút để tìm hiểu động cơ cá nhân của ông ta. Prigojine không đạt được yêu sách cách chức các lãnh đạo quân đội, và cũng không tránh được cảnh lưu vong. Ngược lại, đã có thể hình dung ra những người thủ lợi qua vụ này.

Trước hết là tổng thống Belarus, Alexandre Loukachenko. Đóng vai trung gian hòa giải, ông ta giúp thủ lãnh Wagner một nơi trú ẩn, và giảm bớt vai trò chư hầu đối với tổng thống Nga. Từ sau vụ bầu cử gian lận năm 2020, Loukachenko lệ thuộc Putin về mọi mặt : an ninh cá nhân, hàng hóa cho Belarus, sự sống còn của chế độ. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cũng được lợi. Ủng hộ Putin, Erdogan không quên chính mình cũng là nạn nhân vụ đảo chánh hụt năm 2016. Vừa tái đắc cử, được phần nào ưu ái của Hoa Kỳ, Erdogan đang trên thế mạnh.

Về nội bộ Nga, phe Prigojine thất bại trong việc cản bước hai nhà lãnh đạo mà ông ta luôn chỉ trích : bộ trưởng quốc phòng Serguei Choigou và tổng tham mưu trưởng quân đội Valeri Guerassimov. Choigou từ lâu vẫn được coi là người kế nhiệm tiềm năng của Vladimir Putin, còn Guerassimov được cho làm chỉ huy chiến dịch Ukraina. Cả hai kẻ thù của Prigojine nay đắc thắng, có thể nắm được lính đánh thuê Wagner. Tổng thống Chechnya Kadyrov và cựu tổng thống Dmitri Medvedev cũng có vị thế hơn. Hệ thống của Putin dựa trên nguyên tắc « chia để trị », và nay ba phe trên gia tăng ảnh hưởng.

Còn Putin ? Tác giả nhắc lại trong lịch sử Nga, Pierre I, Catherine II, Lênin và Stalin đều phải đối mặt với nổi dậy vũ trang. Nếu tổng thống Nga cũng lao vào con đường thanh trừng như những người tiền nhiệm, về lâu về dài có thể ông ta nằm trong số người có lợi từ « cuộc khủng hoảng Prigojine ».

Địa vị bộ trưởng quốc phòng của Shoigu lung lay ?

Ngược lại, La Croix coi Serguei Shoigu là « nhân vật trung thành đang bị yếu đi ». Đứng vững qua mọi thay đổi trong chính phủ suốt 29 năm qua, Choigu đã bị mất uy tín từ khi xâm lăng Ukraina. Sau hai ngày im lặng, bộ trưởng Quốc Phòng lại xuất hiện như không có chuyện gì xảy ra. Nhà chính trị học Tatiana Stanovaya của Centre Carnegie cho rằng Evgueni Prigojine không có đủ uy thế để làm cho Shoigu mất ghế. « Nếu Serguei Shoigu bị cách chức có thể vì những lý do khác ». Ông ta và Vladimir Putin quen biết từ thập niên 90, là người thường xuyên tổ chức những cuộc đi câu và săn bắn ở Cộng hòa Tuva, quê hương Shoigu.

Sự trung thành của Shoigu được tưởng thưởng bằng chức vụ bộ trưởng Quốc Phòng với ngân sách 60 tỉ euro một năm, dù không xuất thân từ quân đội. Vụ sáp nhập Crimée và cứu vãn chế độ Bachar Al-­Assad ở Syria khiến Shoiu được tin tưởng giao cho kế hoạch xâm lăng Ukraina. Nhưng quân Nga đi từ thất bại này đến thất bại khác ở Ukraina, và Putin không hề lên tiếng bênh vực Shoigu trước những lời lăng mạ của Evgueni Prigojine từ nhiều tháng qua. Nhà phân tích Michael Kofman cho biết « Shoigu và Guerassimov rất bị ghét trong quân đội Nga ».

« Frankenstein » Putin đã tạo ra « quái vật » Prigojine

Đối với Le Figaro « Vladimir Putin đã tự mình tạo ra hậu họa ». Bác sĩ Frankenstein liệu có sợ bị lật đổ bởi con quái vật Prigojine mà ông ta đã chế ra trong phòng thí nghiệm Kremlin cách đây hơn một chục năm ? Bài diễn văn của Putin hôm 24/06 có cùng giọng điệu trang trọng như hôm 24/02/2022 khi tung ra « chiến dịch quân sự đặc biệt » để « giải phóng » những « người anh em » Ukraina khỏi chính phủ « phát-xít » đang đàn áp họ. Nhiều quan sát viên coi là sự cay độc, nhưng tác giả bài viết cho rằng Putin tin những điều đó, vì nói dối mãi thành quen.

Vào mùa thu 2021, khi Bill Burns, lãnh đạo CIA đã đích thân đến Matxcơva để thuyết phục Kremlin đừng xâm lược Ukraina, nước Nga của Putin đang trên đỉnh cao. Nga bán khí đốt cho châu Âu, và được EU đầu tư. Putin nói chuyện ngang tầm với nước Mỹ của Joe Biden, và Washington chấp nhận cho mở đường ống Nord Stream 2 nối trực tiếp với Đức. Nga là cường quốc được tôn trọng nhất ở Trung Đông, còn tại châu Á, Nga có nhiều quan hệ tốt đẹp không chỉ với Trung Quốc và Ấn Độ mà cả Nhật Bản, Hàn Quốc.

Ở trong nước, người Nga sống khấm khá, tuy không được tự do về chính trị nhưng có thể ra nước ngoài thoải mái. Khách du lịch tràn ngập nước Nga, quyền lực của Putin chỉ bị một thiểu số chống đối, chính quyền hứa hẹn phát triển Xibêri. Nhưng bỗng chốc tất cả bị phá hủy qua cuộc xâm lăng Ukraina láng giềng, với ảo tưởng nguy hiểm mà chính Prigojine đã chỉ ra. Bài viết cho rằng cần tiếp tục bảo vệ Ukraina trước sự điên cuồng của Kremlin, nhưng không thể vui mừng trước sự bất hạnh của Nga. Bởi vì lợi ích về lâu về dài là nước Nga không rơi vào cảnh hỗn loạn hay bị cột chặt vào quỹ đạo Trung Quốc.

Nhà nước Nga vẫn cần đến « chú vịt con xấu xí » Wagner

Sau vụ nổi dậy, phải chăng là hồi kết của Wagner ? Theo La Croix, Matxcơva không thể bỏ qua dịch vụ của các công ty quân sự tư nhân. Hôm qua 26/06, ngoại trưởng Serguei Lavrov tuyên bố công ty này vẫn tiếp tục hoạt động ở Mali và Trung Phi. Maxime Audinet, Viện Nghiên cứu Chiến lược thuộc Học viện Quân sự giải thích, những năm gần đây, Wagner đã trở thành nhân tố chính trong sự hiện diện của Nga ở châu Phi. Nhóm này nắm được thành phần cốt lõi của chính quyền, truyền thông và giới kinh doanh. Đó là kết quả của nhiều năm nỗ lực, không thể thay thế trong vài tuần lễ.

Dùng lính đánh thuê giúp tránh lặp lại chiến dịch « động viên từng phần » hồi tháng 9/2022 gây mất lòng dân, bất ổn xã hội. Khi cho phép Evgueni Prigojine tuyển mộ hàng ngàn lính từ tù nhân, Vladimir Putin tìm được giải pháp cho vấn đề thiếu quân trầm trọng, dư luận cũng không xúc động trước cái chết của vài ngàn tù nhân.

Tiến sĩ Thomas Da Silva, đại học Paris-Nanterre nhận thấy có nạn « dân quân hóa » loạn xạ từ khi khởi đầu cuộc xâm lăng Ukraina. Giới tinh hoa, tài phiệt được kêu gọi đóng góp cho cuộc chiến. Tài trợ một tổ chức quân sự là một cách để lọt vào mắt xanh của Kremlin. Nhưng không một đội quân tư nhân nào có thể so sánh với Wagner, nhóm đông nhất là Redut chỉ có vài ngàn lính. Ông Silva nói : « Wagner là chú vịt con xấu xí. Những nhóm khác rõ ràng trung thành hơn và dưới sự kiểm soát của bộ Quốc Phòng ». Cho đến lúc này, các công ty quân sự tư nhân vẫn là bất hợp pháp tại Nga.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?

Xứ Sở Hận Thù