KKF lên án Công an Sóc Trăng đánh đập nhà hoạt động người Khmer

RFA
2023.06.28

KKF lên án Công an Sóc Trăng đánh đập nhà hoạt động người KhmerÔng Tô Hoàng Chương (phải) và hai quan chức nhân quyền quốc tế
 Fb TO Hoang Chuong

Một nhà hoạt động về quyền người bản địa Khmer Krom ở đồng bằng Sông Cửu Long tố cáo Công an tỉnh Sóc Trăng đánh đập ông trong quá trình tra khảo về các hoạt động ôn hoà của ông. Liên minh Người Khmers Kampuchea Krom (KKF) ra thông cáo báo chí lên án vụ bạo lực này và yêu cầu Chính phủ Việt Nam điều tra.

Trả thù cá nhân?

Ông Tô Hoàng Chương, 36 tuổi, người tố bị công an Sóc Trăng đánh, cũng là một nhà hoạt động nhân quyền người Khmer Krom, sống ở ấp Lạc Sơn, xã Thành Hoa Sơn, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh, 28/6 cho Đài Á Châu Tự Do (RFA) biết câu chuyện của mình:

Vào ngày 23/6 tôi từ Trà Vinh đi Sóc Trăng thăm người bạn tên là Lâm Vông, huyện Mỹ Xuyên, xã Mỹ Tâm để hỏi thăm sức khoẻ của ông ấy. Khoảng 13 giờ tôi về, từ nhà ông Lâm Vông khoảng 1 cây số thì công an tỉnh Sóc Trăng, công an giao thông, công an huyện công an tỉnh chặn đường bắt xe chúng tôi.

Xe có bảy người thì bắt cả bảy người luôn, nhưng chỉ đánh đập một mình tôi còn sáu người kia chỉ bị tra hỏi, người nửa tiếng, người một tiếng rồi được thả ra.”

Ông Chương, cho biết ngay sau khi ông bị tách riêng ra nhóm bảy người, Công an Sóc Trăng đưa ông vào phòng hình sự và một nhóm khoảng ba đến bốn người mặc thường phục tấn công ông.

Ông kể những người này dùng tay đấm vào đầu vào mặt ông trong suốt thời gian làm việc từ hơn 13 giờ đến khoảng 17 giờ. Khi ông chất vấn tại sao lại đánh ông thì một trong số họ xưng là chỉ huy có lời lẽ đe doạ tính mạng của ông. Ông thuật lại lời của viên công an:

Tao không cần biết gì hết. Tại vì tao hận mày lâu lắm rồi. Mày là mấy người phản động, tuyên truyền tuyên ngôn của Liên Hiệp quốc của người dân tộc bản địa cho người Khmer Krom hiểu biết. Mày là phản động đối với người Việt Nam.”

Ông cho rằng mình bị đánh đập và tra khảo vì hoạt động của mình trong nhiều năm qua:

Tôi có đi phát sách Tuyên ngôn của Liên Hiệp quốc về quyền của các dân tộc bản địa, Tuyên ngôn của Liên Hiệp quốc về quyền con người (Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền- PV).

Tôi không phải là thành viên gì hết, chỉ là dân bản địa và làm theo của Liên Hiệp quốc và luật của dân bản địa.”

Ông Chương cho biết được trả tự do vào lúc 18 giờ 30 cùng ngày. Trước khi được thả, phía công an lập biên bản rồi bắt ông ký. Họ nói nếu ông không ký sẽ không được trở về nhà. Tuy nhiên, ông cho biết, không nhớ nội dung cụ thể của biên bản này.

Hôm sau, ông có đi khám sức khỏe vì thấy đau đầu và đau âm ỉ trong người.

Nhiều nhà hoạt động Khmer khác cũng bị đánh đập

Đây là lần đầu tiên ông Chương bị đánh bởi công an Việt Nam. Trước đó, từ năm 2016, ông chỉ bị công an Trà Vinh mời lên đồn công an một số lần để tra hỏi về các hoạt động ôn hoà đòi quyền lợi cho người Khmer.

Trước đó một tuần (vào ngày 19/6), Công an Sóc Trăng đã bắt giữ và đánh đập ông Lâm Vông ở khóm 9 phường 3 thành phố Sóc Trăng chỉ vì ông này phát sách Tuyên ngôn của Liên Hiệp quốc về quyền của các dân tộc bản địa, Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền, và mặc áo có chữ Khmer Krom và bản đồ 21 tỉnh của Việt Nam có người Khmer sinh sống.

Ông Lâm Vông cho RFA biết ông bị công an mặc thường phục bắt khi ông đi công chuyện ở xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên. Họ đưa ông vào phòng an ninh của Công an tỉnh Sóc Trăng, khoá hai tay ông sau lưng rồi khoảng ba đến bốn người đeo khẩu trang đánh vào đầu, trán và ngực ông. Họ giữ ông đến tận chiều tối hôm sau (20/6) mới cho ông về nhà.

Trong thời gian giam giữ ông, công an Sóc Trăng cũng đến nhà ông lục soát, lấy đi một số sách nhân quyền và áo phông, ông Lâm Vông cho biết.

Sau khi bị đánh, ông Vông có đi bác sĩ để kiểm tra, hiện sự việc đã qua một tuần nhưng ông cho biết, máu còn tụ ở mắt do ông bị công an đánh trực diện vào mắt.

Riêng trường hợp của ông Chương, ông cho biết trong nửa năm qua, ông bị tra khảo và giam giữ ở đồn công an địa phương hai lần vì phát sách nhân quyền cho người Khmer. Lần một (18/2) ông được cho về trong ngày, còn lần hai vào ngày 18/4, ông bị giam hai ngày hai đêm.

Phóng viên gọi điện cho Công an Sóc Trăng để kiểm chứng thông tin mà ông Tô Hoàng Chương và Lâm Vông cung cấp. Người trực điện thoại yêu cầu phóng viên đến trụ sở cơ quan này để được cung cấp thông tin.

KKF lên án vụ đánh đập của Công an Việt Nam

Ở Việt Nam, người Khmer là dân tộc bản địa có lịch sử định canh định cư rất lâu dài, phân bố chủ yếu ở đồng bằng Sông Cửu Long. Họ được gọi Khmer Krom để phân biệt với người Khmer Campuchia.

Ông Tô Hoàng Chương cho biết người Khmer Krom sống hoà thuận với các sắc dân khác trong vùng nhưng họ bị phân biệt đối xử bởi chính quyền địa phương. Chính quyền không tổ chức lớp học tiếng Khmer cho con em của người Khmer Krom và trẻ em chỉ có thể đến học tiếng của dân tộc mình trong chùa của người Khmer.

Còn ông Lâm Vông cho biết, vợ ông là người Khmer đến từ Campuchia, đã sống ở Việt Nam trong 23 năm qua nhưng không được chính quyền địa phương cấp bất cứ giấy tờ gì.

Vào ngày 25/6, Liên minh Người Khmers Kampuchea Krom (KKF) có trụ sở ở Hoa Kỳ ra thông cáo báo chí lên án Công an tỉnh Sóc Trăng về “hành vi đối xử tàn bạo và vô nhân đạo” đối với ông Tô Hoàng Chương.

Thông cáo nói: “Vụ việc này minh họa rõ ràng việc nhà cầm quyền Việt Nam sử dụng tra tấn và đe dọa trắng trợn đối với các cá nhân vận động cho quyền của người Khmer-Krom bản địa ở đồng bằng sông Cửu Long.

Những hành động như vậy rõ ràng vi phạm các nghĩa vụ của Việt Nam theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Chống Tra tấn, một hiệp ước mà quốc gia này đã phê chuẩn.”

KKF khẩn thiết kêu gọi Liên Hiệp Quốc và cộng đồng quốc tế can thiệp và gây áp lực buộc Chính phủ Việt Nam phải điều tra vụ tra tấn và ngược đãi ông Chương, và đưa những kẻ vi phạm ra chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Nhà chức trách Việt Nam phải cung cấp chăm sóc y tế cho ông Chương, bồi thường cho những tổn thương về thể chất và tâm lý gây ra cho ông bởi vụ tra tấn, thông cáo KKF viết.

KKF đồng thời trong thông cáo, thúc giục cộng đồng quốc tế kịch liệt tố cáo việc sử dụng tra tấn và nhiệt thành ủng hộ công lý, trách nhiệm giải trình và bảo vệ nhân quyền ở Việt Nam.

Phóng viên có gửi email cho Bộ Ngoại giao Việt Nam để đề nghị bình luận về thông cáo báo chí của KKF, nhưng chưa nhận được phản hồi 

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Thời sự Trong nước - https://www.moitruongvadothi.vn