Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng bị đề nghị kỷ luật, tiếp theo là gì?

 Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng

NGUỒN HÌNH ẢNH,VGP

Chụp lại hình ảnh,Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng

Cơ quan kỷ luật của Đảng Cộng sản Việt Nam đã đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, thi hành kỷ luật ông Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, cựu Bộ trưởng Tài chính.

Thông báo được Ủy ban Kiểm tra Trung ương công bố vào sáng 15/6, sau kỳ họp thứ 42 diễn ra từ 12-14/6, do Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú chủ trì.

Theo Ủy ban Kiểm tra Trung ương, ông Đinh Tiến Dũng cùng Ban cán sự đảng Bộ Tài chính nhiệm kỳ 2016-2021 đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc.

Thông báo sau kỳ họp 42 cho biết tập thể này “thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, để Bộ Tài chính và một số tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước” có liên quan đến các tập đoàn Vạn Thịnh PhátAn Đông và AIC.

Những vi phạm nêu trên được xác định là đã gây hậu quả nghiêm trọng, làm giảm uy tín của tổ chức đảng và cơ quan quản lý nhà nước, đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho biết trách nhiệm chính đối với những vi phạm, khuyết điểm nêu trên thuộc về Ban cán sự đảng Bộ Tài chính nhiệm kỳ 2016-2021 và các ông: Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, cựu Bí thư Ban cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính; Võ Thành Hưng, Ủy viên Ban cán sự đảng, Thứ trưởng; các cựu ủy viên Ban cán sự đảng, thứ trưởng: Huỳnh Quang Hải, Đỗ Hoàng Anh Tuấn, Vũ Thị Mai và một số tổ chức đảng, đảng viên khác.

Từ đó, Ủy ban Kiểm tra Trung ương quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo Ban Thường vụ Đảng ủy Cơ quan Tổng cục Hải quan nhiệm kỳ 2015-2020; Đảng ủy Cục Kế hoạch-Tài chính nhiệm kỳ 2015-2020; Chi bộ Vụ Tài chính hành chính sự nghiệp, Chi bộ Vụ Ngân sách nhà nước các nhiệm kỳ 2015-2017, 2017-2020, 2020-2022.

Về cá nhân, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kỷ luật cảnh cáo các ông: Huỳnh Quang Hải; Phạm Văn Trường (Bí thư Chi bộ, Vụ trưởng Vụ Ngân sách nhà nước); Nguyễn Trường Giang (Bí thư Chi bộ, Vụ trưởng Vụ Tài chính hành chính sự nghiệp); Nguyễn Dương Thái (cựu Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan); Phạm Văn Việt (cựu Bí thư Chi bộ, Cục trưởng Cục Tài vụ-Quản trị, Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính).

Ủy ban Kiểm tra Trung ương kỷ luật khiển trách Chi bộ Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính các nhiệm kỳ 2017-2020, 2020-2022 và các cá nhân: ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn, bà Vũ Thị Mai, ông Võ Thành Hưng; bà Phan Thị Thu Hiền (Bí thư Chi bộ, Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính); ông Lê Ngọc Khoa (cựu Bí thư Đảng ủy, Cục trưởng Cục Kế hoạch-Tài chính, Bộ Tài chính).

Ông Đinh Tiến Dũng đối mặt với điều gì?

Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng đã đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, thi hành kỷ luật Ban cán sự đảng Bộ Tài chính nhiệm kỳ 2016-2021 và ông Đinh Tiến Dũng, cựu Bộ trưởng Tài chính.

Ông Đinh Tiến Dũng hiện là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội.

Khoản 1 Điều 11 Quy định 22-QĐ/TW năm 2021 quy định thẩm quyền của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp trong thi hành kỷ luật đảng viên vi phạm như sau:

  • Ban Bí thư, Bộ Chính trị quyết định các hình thức kỷ luật đảng viên, kể cả đảng viên là cán bộ thuộc diện Ban Bí thư, Bộ Chính trị quản lý; khiển trách, cảnh cáo ủy viên Ban Chấp hành Trung ương (kể cả ủy viên Ban Bí thư, ủy viên Bộ Chính trị) vi phạm phẩm chất chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, sinh hoạt đảng, thực hiện nhiệm vụ đảng viên. Trường hợp cách chức, khai trừ thì Ban Bí thư, Bộ Chính trị báo cáo Ban Chấp hành Trung ương xem xét, quyết định.
  • Ban Chấp hành Trung ương là cấp quyết định kỷ luật cuối cùng; quyết định các hình thức kỷ luật đảng viên, kể cả ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Bí thư.

Như vậy, việc kỷ luật ông Đinh Tiến Dũng tùy theo mức độ mà sẽ do Ban Bí thư, Bộ Chính trị quyết định hoặc đưa ra Ban Chấp hành Trung ương Đảng quyết định (trường hợp cách chức, khai trừ).

Đảng Cộng sản Việt Nam hiện có bốn mức kỷ luật (từ nhẹ đến nặng): khiển trách, cảnh cáo, cách chức và khai trừ đảng.

Thông thường, với các hình thức khiển trách và cảnh cáo thì người bị kỷ luật vẫn tiếp tục đảm nhiệm chức vụ. Hình thức cách chức trong đảng thường dẫn tới hệ lụy là cách chức trong chính quyền. Hình thức khai trừ đảng thường dẫn tới hoặc báo hiệu những hệ lụy nghiêm trọng hơn, chẳng hạn xử lý hình sự.

Với đề nghị của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, ông Đinh Tiến Dũng có thể sẽ phải nhận một trong bốn hình thức kỷ luật nói trên.

Như vậy, ông có thể là ủy viên Bộ Chính trị thứ 7 trong khóa 13 bị kỷ luật hoặc chịu những hình thức tương tự kỷ luật (chẳng hạn cho thôi chức nhưng không công bố là kỷ luật cách chức). Các trường hợp trước ông là các ủy viên Bộ Chính trị: Phạm Bình Minh, Nguyễn Xuân Phúc, Võ Văn Thưởng, Trần Tuấn Anh, Vương Đình Huệ và Trương Thị Mai.

Các ủy viên Bộ Chính trị mất chức trong khóa 13 (từ trái qua, hàng dưới): Vương Đình Huệ, Võ Văn Thưởng, Trần Tuấn Anh, Trương Thị Mai, Nguyễn Xuân Phúc, Phạm Bình Minh.
Chụp lại hình ảnh,Các ủy viên Bộ Chính trị mất chức trong khóa 13 (từ trái qua, hàng dưới): Vương Đình Huệ, Võ Văn Thưởng, Trần Tuấn Anh, Trương Thị Mai, Nguyễn Xuân Phúc, Phạm Bình Minh.

Ông Đinh Tiến Dũng, 63 tuổi, quê ở huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình.

Ông có trình độ chuyên môn là thạc sĩ quản trị kinh doanh, cao cấp lý luận chính trị.

Ông Dũng từng có 26 năm công tác ở Tổng công ty xây dựng Sông Đà, Bộ Xây dựng.

Trước khi được Bộ Chính trị phân công giữ chức Bí thư Thành ủy Hà Nội thay người tiền nhiệm là ông Vương Đình Huệ vào tháng 4/2021, ông Đinh Tiến Dũng từng giữ chúc Bộ trưởng Tài chính (tháng 5/2013-tháng 4/2021), Tổng kiểm toán Nhà nước (2011-2013) và Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình (2010-2011).

Ông Dũng được bầu vào Bộ Chính trị khóa 13 vào ngày 30/1/2021.

Ông là Ủy viên Trung ương Đảng khóa 11, 12 và 13 và là đại biểu Quốc hội Khóa 14 và 15.

Kỷ luật hàng loạt cựu cán bộ cấp tỉnh

Cũng trong kỳ họp 42, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã quyết định thi hành kỷ luật một số cán bộ các tỉnh Bình Định, Bình Dương, Long An, Bà Rịa-Vũng Tàu:

  • Ông Lê Thanh Cung, cựu Phó Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Ban cán sự đảng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương
  • Ông Trần Văn Cần, cựu Phó Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Ban cán sự đảng, Chủ tịch UBND tỉnh Long An.
  • Ông Nguyễn Văn Trình, cựu Phó Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Ban cán sự đảng, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu
  • Ông Nguyễn Đình Kim, cựu Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định

Các quan chức này được xác định là đã vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của nhà nước trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các gói thầu do Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC) và các doanh nghiệp trong hệ sinh thái AIC thực hiện.

Trong đó, các ông Lê Thanh Cung, Trần Văn Cần, Nguyễn Văn Trình bị kỷ luật cảnh cáo.

Còn ông Nguyễn Đình Kim bị đề nghị kỷ luật. Trước đó, vào đầu tháng 4/2024, ông Nguyễn Đình Kim đã bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Định khởi tố vụ án, khởi tố bị can để điều tra về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác, để trục lợi”. Ông Kim khi đó được tại ngoại và bị cấm đi khỏi nơi cư trú.

Đề nghị kỷ luật Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Văn Yên

Một nhân vật khác cũng nằm trong diện bị đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét kỷ luật sau kỳ họp 42 là ông Nguyễn Văn Yên, Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương, do có nhiều vi phạm về đạo đức, lối sống và trách nhiệm nêu gương.

Theo Ủy ban Kiểm tra Trung ương, ông Nguyễn Văn Yên đã “thiếu tu dưỡng, rèn luyện, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống”.

Ông Nguyễn Văn Yên, 58 tuổi, quê ở Hà Nội. Ông có thời gian dài công tác trong ngành công an.

Báo cáo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho biết:

“Ông Yên cũng đã vi phạm các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; vi phạm quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương.

Theo đánh giá từ cơ quan kiểm tra của Đảng, những vi phạm của ông Yên đã gây hậu quả rất nghiêm trọng, dư luận bức xúc, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị công tác, đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật.”

Căn cứ quy định của Đảng, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, thi hành kỷ luật ông Nguyễn Văn Yên.

Cuối năm 2006, ông là thư ký của phó chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng.

Đến năm 2010, ông được bổ nhiệm làm phó vụ trưởng Vụ Công tác phía Nam, Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng.

Năm 2013, ông trở thành phó vụ trưởng phụ trách Vụ Theo dõi xử lý các vụ án của Ban Nội chính Trung ương.

Từ năm 2015 đến nay, ông là vụ trưởng Vụ Theo dõi xử lý các vụ án, vụ việc của Ban Nội chính Trung ương.

Phó Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Văn Yên

NGUỒN HÌNH ẢNH,VGP

Chụp lại hình ảnh,Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Văn Yên

Hồi tháng 5/2023, một số tờ báo tại Việt Nam đăng hình ông Nguyễn Văn Yên đeo đồng hồ phát biểu trong cuộc họp của Ban Nội chính Trung ương vào ngày 10/5.

Sau khi “dân mạng” chỉ ra chiếc đồng hồ ông đeo là Patek Philippe World Time Mecca có giá hơn 260.000 USD (hơn 6,5 tỷ đồng), các tờ báo này đã sửa lại hình ảnh bằng cách cắt đi phần tay đeo đồng hồ.

Lúc bấy giờ hành động của các báo được coi là nhằm bảo vệ danh tiếng cho cán bộ đảng viên cấp cao và danh tiếng của Đảng Cộng sản Việt Nam. Điều này đã tạo ra nhiều tranh cãi trên mạng. Một điểm cần lưu ý là cán bộ đảng viên như ông Yên thuộc diện phải kê khai tài sản.

Tháng 11/2023, khi Phó trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng bị bắt tạm giam để điều tra hành vi cưỡng đoạt tài sản, ông Nguyễn Văn Yên đã trả lời câu hỏi của báo chí liên quan đến vụ việc.

Ông Yên khi đó khẳng định vụ ông Lưu Bình Nhưỡng chưa thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng tiêu cực chỉ đạo, xem xét.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Tin Việt Nam - Google VN

Tin thế giới - BBC

Đỗ Mỹ Linh khoe cảnh cậu út nhà Bầu Hiển bế con, chủ tịch giàu có trẻ trung trông như anh trai của ái nữ - https://eva.vn/lang-sao