Cà phê đã làm thay đổi vĩnh viễn nước Anh ra sao
- Yasmin El-Beih
- BBC Travel, biên tập từ chương trình Cà Phê đã phát trên Đài BBC4
Những ai đi lướt qua ngoài phố có thể bỏ lỡ không nhìn thấy tấm bảng Pasqua Rosee, nằm trong một ngõ hẻm gần khu Cornhill lịch sử của quận City of London ở London.
Nhưng nếu bạn đi bộ qua những con đường lát sỏi của Chợ Leadenhall đến Cornhill và dạo bước vào con hẻm phía sau quán rượu The Crosse Keys, nơi vốn từng là ngân hàng, bạn sẽ nhận ngay ra một tấm biển nhỏ đóng khung thông báo sự hiện diện của một loại thức uống đã làm thay đổi nước Anh mãi mãi.
Ly cà phê của bạn ra sao nếu Colombia có dịch bệnh?
"Đây là nơi mở quán cà phê đầu tiên của London, mang biển hiệu cái đầu của Pasqua Rosee, hồi năm 1652," là nội dung được vinh dự ghi trên tấm biển.
Tấm bảng gốm kỷ niệm nằm ngay bên ngoài các bức tường của Xưởng rượu Jamaica có từ thời Victoria nằm ngay trung tâm ngõ hẻm St Michael quanh co.
Pasqua Rosee là người hầu gốc Armenia của thương gia người Anh Daniel Edwards, người làm việc cho Công ty Levant, công ty từng độc quyền thương mại giữa Anh với Đế chế Ottoman.
Năm 1652, Rosee mở một quầy hàng cà phê ở sân nhà thờ St Michael để phục vụ những vị khách của Edwards.
Rồi Edwards cảm thấy không thoải mái với cảnh tiếp đón khách khứa trong nhà mình, cho nên nhà kho của Rosee, nằm ở vị trí thuận tiện gần trung tâm thương mại Royal Exchange, đã trở thành tụ điểm nơi các thương gia của London gặp gỡ mỗi ngày.
Chỉ trong vòng một đến hai năm, doanh thu từ việc bán thức uống tăng cường hưng phấn này đủ để Rosee nâng cấp quầy hàng nhỏ thành một quán cà phê trong ngõ.
Chuyến hành trình dài đến London của cà phê đã bắt đầu trước đó hàng trăm năm, từ những ngọn đồi ở đông bắc châu Phi.
Theo cuốn sách của Jeanette M Fregulia, 'A Rich and Tantalizing Brew: A History of How Coffee Connected the World' (Thức uống tuyệt hảo và đầy hấp dẫn: Cà phê đã kết nối thế giới như thế nào), vào thế kỷ thứ 9, chàng chăn dê người Ethiopia tên là Kaldi nhận thấy bầy dê thường nô đùa đặc biệt vui vẻ sau khi chúng gặm một loại quả mọng của loài cây mọc thành bụi, vì vậy chàng quyết định tự mình thử xem sao.
Khi Kaldi nếm thử loại quả này, truyền thuyết kể rằng "chàng đã làm thơ văn và ca nhạc tuôn trào lai láng".
Theo Judith Hawley, giáo sư chuyên về văn học thế kỷ 18 từ trường Royal Holloway thuộc Đại học London, lại có các dị bản của câu chuyện kể rằng một vị thầy tế hay thầy tu gì đó tình cờ gặp Kaldi sau khi chàng ăn quả mọng này và nhận thấy tác dụng kích thích tinh thần của nó.
Sau khi tự mình ăn thử, vị tu sĩ đó đã có thể thức trắng đêm để cầu nguyện. Chẳng bao lâu, cà phê bắt đầu trở thành một thức uống phổ biến giúp các tín đồ tôn giáo tỉnh táo và chăm lo việc thờ phượng suốt đêm cho đến tận đầu giờ sáng.
"Điều này đặc biệt quan trọng đối với đạo Sufi (dòng Hồi giáo Mật tông, hay còn gọi là Hồi giáo huyền bí), cà phê là thứ giúp các vị tu sĩ thực hiện được những động tác xoay tròn đầy huyền bí," Hawley giải thích.
Đến thế kỷ 16, cà phê đã vươn tới Constantinople và trở thành một thứ thực phẩm thiết yếu trong văn hóa hiếu khách của Đế chế Ottoman, nơi các quán cà phê đầu tiên ra đời như không gian để cánh đàn ông gặp gỡ và thư giãn vào các buổi chiều.
Là một trong những thức uống không cồn trong các hoạt động giao tế xã hội đầu tiên ở Đế chế Ottoman, cà phê được phục vụ ở bất cứ nơi nào có đàn ông gặp gỡ thương thảo chuyện buôn bán, và tập quán thưởng thức cà phê này dần dần lan rộng tới phương Tây.
Nhiều thập kỷ sau, khi cà phê lần đầu tiên xuất hiện tại Đông Âu, Ý và sau đó ở Anh, thức uống này còn được sử dụng như một loại thuốc cho hàng loạt bệnh tật, từ gút đến sỏi thận, theo Jonathan Morris, giáo sư lịch sử hiện đại tại Đại học Hertfordshire.
Theo Morris, cà phê ban đầu được uống ở Anh vào thế kỷ 17 có vẻ giống như cà phê Thổ Nhĩ Kỳ thời nay, dù cho họ phải dùng cà phê không còn được tươi mới do phải vận chuyến khá xa từ các trung tâm chế biến của nhà máy ở Mocha (Yemen ngày nay).
Mặc dù có vị đắng, nhưng nó được hầu hết những người uống ở Anh thời kỳ đầu ca ngợi tác dụng làm tăng độ hưng phấn.
Có một nhận xét, được ghi lại trong cuốn sách của Morris, Coffee: A Global History ('Cà phê: Lịch sử Toàn cầu'), đã mô tả cà phê là "một loại đồ uống kiểu Thổ Nhĩ Kỳ… nóng và vị đắng khó uống nhưng tốt cho sức khỏe sau khi thưởng thức".
Quán cà phê của Rosee nhanh chóng phát đạt, một phần là do nó nằm ở trung tâm tài chính và thương mại bắt đầu trên đà phát triển của thành phố.
Cuốn sách của Morris ghi chép rằng những người chủ các quán rượu lân cận phàn nàn là Rosee đã cướp khách của họ, khi các thương gia đổ về tụ tập để nhâm nhi thức uống mang lại hưng phấn dưới mái hiên của quầy hàng nhỏ và sau đó là ngồi cả ngày bên trong cửa hàng ốp gỗ của Rosse.
Văn hóa uống cà phê của London nhanh chóng lan rộng ra ngoài khu vực ngõ hẻm St Michael, khi các quán cà phê thay thế các quán rượu trở thành không gian cho các doanh nhân giao lưu.
Đến năm 1663, chưa đầy một thập kỷ sau khi quầy hàng đầu tiên của Pasqua Rosee khai trương, đã có đến 83 quán cà phê ở London. Những quán này ban đầu này hầu như chỉ có khách hàng là nam giới.
"Tôi nghĩ điều này xuất phát từ mong muốn của cánh đàn ông thích trò chuyện về kinh doanh - cho dù họ làm việc trong lĩnh vực luật pháp hay buôn bán, hay trong mảng tân khoa học," Hawley nói. "Các quán cà phê cung cấp một số thứ mà các quán rượu không có được."
Trong một không gian bình đẳng hòa đồng độc đáo, cánh đàn ông tụ tập quanh chiếc bàn dài tại hầu hết các quán cà phê để bàn chuyện làm ăn, nhưng cũng để thảo luận về tin tức, chính trị và những ý tưởng.
Sự bùng nổ của các quán cà phê trên khắp London diễn ra vào đúng thời kỳ đầu của phong trào Khai sáng, và các quán cà phê đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển đó.
"Sự kết hợp giữa đọc tin tức báo chí, thảo luận và chia sẻ ý tưởng cực kỳ quan trọng đối với sự lan truyền mạnh mẽ của quán cà phê trong thời kỳ kiến thức gia tăng nhanh chóng," Hawley giải thích.
Đây cũng là nơi khai sinh ra các dòng văn học ở Anh, theo đó Hawley cho rằng "quán cà phê được đưa lên mặt báo" dưới dạng các bài tiểu luận.
Các tạp chí định kỳ Tatler và The Spectator lần lượt được thành lập vào năm 1709 và 1711, thông qua việc thu thập các câu chuyện từ quán cà phê - càng khiến những địa điểm này trở thành nơi đầu tiên để tìm hiểu tin tức nóng hổi nhất.
Tuy nhiên, một số người cho rằng sự chia sẻ cởi mở về tin tức và các ý tưởng chính trị là mối đe dọa đối với vương quyền.
Năm 1675, các quan cận thần của Vua Charles II đã tìm cách đàn áp, đóng cửa các quán cà phê với lý do những nơi này "gây tác động xấu và nguy hiểm".
Nhà vua lo sợ rằng cà phê có thể kích động nổi loạn hoặc dùng bạo lực chống đối ngai vàng, cho nên đã ra lệnh "đóng cửa hoàn toàn các quán cà phê", mặc dù sau đó nhà vua đã rút lại lệnh cấm hai ngày trước khi nó có hiệu lực, Brian Cowan viết trong cuốn sách The Social Life of Coffee: The Emergence of the British Coffeehouse (Đời sống xã hội của cà phê: Sự trỗi dậy của quán cà phê ở Anh).
Bên ngoài London, các quán cà phê mọc lên khắp nơi ở các thành phố cảng như Bristol, York và Norwich, nơi phát triển mạnh mẽ văn hóa đọc, viết trong các quán cà phê.
Theo Cowan, các quán cà phê đã trở thành một phần thiết yếu của sự hiểu biết toàn cảnh về "thời kỳ phục hưng đô thị" ở Anh vào lúc những tranh luận công khai đang ảnh hưởng theo hướng làm xoay trục sự phát triển của văn hóa dân chủ và sự văn minh.
Những khách hàng quen của quán cà phê luôn ý thức giữ gìn phong thái lịch sự, vì người ta tin rằng cách cư xử nhã nhặn tạo điều kiện cho khả năng lập luận khoa học. "Cuộc cách mạng tư sản" này, Cowan giải thích, trùng hợp với "cuộc cách mạng thương mại" và sự phát triển của buôn bán ở hải ngoại.
Tuy nhiên, ngoài mối đe dọa đến chế độ chính trị, cà phê cũng được cho là gây ảnh hưởng xấu tới độ nam tính của đàn ông Anh. Một số người cho rằng quán cà phê khiến đàn ông trở nên yếu đuối hơn.
"Đàn ông mà buôn chuyện như phụ nữ vậy, và sau đó, khi họ về nhà… thì chẳng được tích sự gì... quán cà phê đã khiến cánh đàn ông trở thành đám vô dụng," Hawley giải thích về nhận thức phổ biến vào thời điểm đó.
Theo Cowan, một số người chỉ trích thậm chí còn cho rằng các quán cà phê khiến cho các ông hành xử như thể phụ nữ - một cách suy nghĩ còn tồn tại dai dẳng suốt tận nhiều thập niên sau đó.
Khi cà phê tiếp tục lan tỏa khắp châu Âu vào thế kỷ 17, các nước thực dân đã thành lập đồn điền cà phê ở các nước thuộc địa để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng ở chính quốc.
Theo Morris, Pháp trở thành một trong những nhà sản xuất lớn nhất, trồng cà phê trên khắp vùng Saint-Domingue (Haiti ngày nay).
Đến thời thập niên 1760, những người nô lệ ở Saint-Domingue sản xuất ra hơn một nửa sản lượng cà phê toàn cầu.
Khi các ý tưởng Khai sáng lan truyền đến Saint-Domingue, những người nô lệ bắt đầu lên tiếng về quyền của họ, dẫn đến cuộc cách mạng Haiti và năm 1804 đã khai sinh nền độc lập của đất nước non trẻ mà người da đen chiếm đa số.
Việc giải phóng những người từng là nô lệ ở Haiti là một bước ngoặt đối với cà phê trên toàn thế giới.
Theo Morris, với 1.000 đồn điền bị phá hủy, ngành công nghiệp cà phê của Haiti sụp đổ.
Việc uống cà phê sau đó đã giảm trông thấy ở Anh, đặc biệt là khi việc uống trà trở nên phổ biến hơn.
Trong thời gian đầu thế kỷ 19, Anh mở rộng sản xuất cà phê ở Ceylon (Sri Lanka) và Ấn Độ, nhưng một đợt bùng phát dịch bệnh đốm lá do nấm Hemileia vastatrix đã phá hủy các đồn điền cà phê ở cả hai thuộc địa này trong suốt một thập niên.
Do đó, các đồn điền chuyển sang trồng chè, củng cố vị thế của trà trong việc trở thành thức uống được lựa chọn vững chắc ở Anh.
Do sở thích về thức uống thay đổi ở Anh trong nửa sau của thế kỷ 18 và đầu thế kỷ 19, các quán cà phê cũng trở nên kén khách hơn.
Một số nơi, chẳng hạn như những khu xung quanh St James ở London, các quán cà phê tiến hóa thành những địa điểm dành riêng cho giới tinh hoa, chỉ các hội viên tham gia cờ bạc mới được vào.
"Mọi người phê phán rằng cà phê làm lãng phí thời gian vô bổ, khi người ta cứ ngồi nhâm nhi trong lúc lẽ ra phải làm việc. Mọi người cũng trách cứ rằng đó là thức uống xa xỉ quái đản, khiến cả nước phí phạm tiền bạc vào thứ sản phẩm không có tí giá trị dinh dưỡng gì. Việc liên hệ nỗi sợ hãi tâm sinh lý trước những tác động mà cà phê gây ra đối với mức độ nam tính của đàn ông Anh đã trở thành cái cớ cho sự thù địch đối với các quán cà phê," Markman Ellis, giáo sư nghiên cứu về thế kỷ 18 tại Đại học Queen Mary ở London, cho biết.
Sự sụt giảm ghê gớm trong lượng cà phê được tiêu thụ ở Anh vào thế kỷ 19 xảy ra cùng lúc với việc cà phê cất cánh ở Bắc Mỹ, với việc Brazil trở thành nhà sản xuất cà phê chủ chốt, dựa trên sức lao động của nô lệ người gốc Phi.
Theo Hawley, ở Anh, "cà phê chưa bao giờ hồi phục hoàn toàn" để trở lại vị trí hàng đầu mà nó đã có được từ thuở ban đầu xuất hiện, khi nó lần đầu tiên được đưa tới ở Quần đảo Anh hồi thế kỷ 17.
Cho đến thập niên 1820, trong khi Anh và cả các nước trong Vương quốc Anh phần lớn trở thành các nơi uống trà phổ biến thì sự tái xuất hiện của văn hóa cà phê và quán cà phê ở Anh lại là hiện tượng không thể phủ nhận trong những thập kỷ gần đây.
Ngày nay, có vẻ như mọi thị trấn của Anh đều có chuỗi thương hiệu cà phê quốc tế và các quán cà phê espresso phù hợp cho việc chụp hình đăng lên Instagram mọc lên nhan nhản, và bạn có thể nói đây là "làn sóng cà phê thứ ba".
Sự phổ biến của các quán cà phê Anh theo phong cách Ý đã khiến các loại cà phê espresso, cappuccino và latte trở thành thức uống quen thuộc của Anh. Trong thập kỷ vừa qua, nhiều quán rượu thậm chí đã bắt đầu phục vụ cà phê vào ban ngày để cạnh tranh trong thị trường khá mới mẻ này.
"Chúng ta có thể xác định thời điểm quán cà phê đương đại bùng nổ trở lại là vào giữa những năm 1990, đó là thời điểm mà nó thực sự phát triển," Morris giải thích về sự tái sinh của văn hóa quán cà phê tại Vương quốc Anh, khi các chuỗi như Costa Coffee và Caffè Nero hình thành ở đây. "
"Các quán cà phê mở ra nhiều bao nhiêu thì quán rượu lại đóng cửa nhiều bấy nhiêu; số lượng quán rượu giảm dần theo năm tháng, trong khi số quán cà phê tăng lên. Trên thực tế, quán cà phê đã kế thừa không gian xã hội từ quán rượu truyền thống."
Hơn 350 năm sau khi Pasqua Rosee mở quầy hàng khiêm tốn ở London, có vẻ như các quán cà phê một lần nữa đang lấy lại vai trò ban đầu, là không gian để người Anh gặp gỡ giao lưu, truyền bá tin tức và chia sẻ những ý tưởng mới.
Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Travel.
Nhận xét
Đăng nhận xét