TQ và EU 'sắp đạt' thỏa thuận đầu tư quan trọng
BBC
Liên Hiệp Châu Âu (EU) và Trung Quốc sắp đạt thỏa thuận đầu tư kinh doanh vốn được chờ đợi từ lâu, theo các tường thuật trên truyền thông.
Hiệp định, được trông đợi là sẽ chốt trong tuần này, sẽ trao cho các hãng EU quyền tiếp cận tốt hơn vào thị trường Trung Quốc và cải thiện các điều kiện cạnh tranh.
Mỹ thúc đẩy quy định mới cho các công ty Trung Quốc
Việc thương thuyết đã bắt đầu từ năm 2014 nhưng bế tắc trong nhiều năm do một số vấn đề.
Tuy nhiên, những căng thẳng thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc có lẽ đã góp phần khiến Trung Quốc thay đổi quan điểm, các quan chức nói.
Việc đàm phán đã diễn ra rất nhanh chóng ngay sau khi Anh Quốc và EU tuyên bố hôm 24/12 về việc hai bên đạt thỏa thuận thương mại hậu Brexit.
Theo một số tường thuật, thỏa thuận sẽ mở cửa cho các công ty EU trong mảng sản xuất của Trung Quốc, cũng như trong các lĩnh vực xây dựng, quảng cáo, vận tải hàng không và viễn thông.
Một trong những điểm gây vướng mắc là đòi hỏi của Trung Quốc trong việc muốn tiếp cận thị trường năng lượng EU, do tính nhạy cảm đối trong vấn đề an ninh quốc gia.
Thỏa thuận mới được trông đợi là sẽ trao cho Bắc Kinh quyền tiếp cận tới một phần nhỏ trong lĩnh vực năng lượng tái tạo của Châu Âu trên cơ sở có đi có lại.
Thỏa thuận cũng nhằm xóa bỏ các rào cản đầu tư tại Trung Quốc, chẳng hạn như các yêu cầu phải liên doanh với công ty Trung Quốc và khống chế mức sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong một số ngành nghề nhất định.
Một khi đạt được, thỏa thuận sẽ cần được Quốc hội châu Âu phê chuẩn, một tiến trình có lẽ sẽ không được bắt đầu cho tới nửa sau của năm 2021.
Lao động cưỡng bức
Hôm thứ Hai, Ủy hội châu Âu báo cáo về tiến trình đàm phán với Bắc Kinh, trong đó có vấn đề cốt lõi về quyền của người lao động tại Trung Quốc.
Đây là chủ đề gây căng thẳng, trong bối cảnh có những tường thuật nói rằng Trung Quốc buộc người Hồi giáo Uighur, vốn bị giam giữ với số lượng lớn tại tỉnh Tân Cương, làm lao động cưỡng bức. Bắc Kinh bác bỏ cáo buộc.
Theo thỏa thuận, Trung Quốc được yêu cầu phải chấp nhận tuân thủ các quy định của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) về nạn lao động cưỡng bức.
Thỏa thuận EU-Trung Quốc có thể sẽ tạo ra những xích mích với chính quyền sắp lên của tổng thống đắc cử Hoa Kỳ Joe Biden.
Hồi đầu tháng, EU công bố một chiến lược xuyên Đại Tây Dương, theo đó thúc giục Hoa Kỳ hãy hợp tác với EU để đối phó với "thách thức chiến lược" từ phía Trung Quốc.
Giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ bùng nổ cuộc chiến thương mại kể từ 2018, và chính quyền ông Trump đã nhắm vào một số công ty công nghệ của Trung Quốc, coi đó là mối đe dọa tới an ninh quốc gia.
Bản thân mối quan hệ EU-Trung Quốc trong năm nay cũng căng thẳng, quanh việc Trung Quốc ban hành luật an ninh mới tại Hong Kong và các cáo buộc nói Trung Quốc đưa tin sai về virus corona.
Nhận xét
Đăng nhận xét