Dân thì phạt đến nơi đến chốn, doanh nghiệp xây trái phép không ai hay!

Diễm Thi, RFA

2020-12-28

 vẫn bị cơ quan chức năng phát hiện dù quy trình từ lúc xin giấy phép cho đến khi hoàn công được cho là rất nghiêm ngặt.

Gần đây nhất là Dự án Khu dân cư Tân Thịnh do Công ty LDG làm chủ đầu tư xây 488 căn nhà tại huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai. Dù chưa có giấy phép xây dựng nhưng doanh nghiệp này đã san nền, hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật và xây dựng xong phần thô cho 198 biệt thự và 290 căn nhà liền kề. Đại diện Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh khẳng định, Sở chưa nhận được hồ sơ về đất đai của dự án 488 biệt thự, nhà liền kề này. Sở chưa cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Trả lời truyền thông trong nước, bà Vũ Thị Minh Châu - chủ tịch UBND huyện Trảng Bom khẳng định: “Chính quyền cơ sở đã báo cáo chủ đầu tư dự án khu dân cư Tân Thịnh là Công ty cổ phần đầu tư LDG vi phạm từ đầu nhưng vì sao văn bản không đến nơi, không có đề xuất xử lý cụ thể để sự việc xảy ra lớn như vậy. Đây là lý do chúng tôi đang yêu cầu rà soát toàn bộ sự việc, làm rõ trách nhiệm từng tổ chức, cá nhân”.

Là chủ một doanh nghiệp tư nhân có kinh doanh về bất động sản, ông Đức Minh cho biết việc xây dựng không thể đơn giản đến mức mấy trăm căn nhà trái phép được khởi công rầm rộ như vậy mà chính quyền địa phương không đến kiểm tra. Ông nói:

“Nói đến chuyện gần 500 căn biệt thự và nhà dân dụng ở xã Đồi xây dựng không phép bây giờ lòi ra thì rõ ràng có sự mờ ám ở đây. Chủ đầu tư sai thì rành rành rồi nhưng ai là người tiếp tay?

Chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm trước tiên. Người dân có thể khẳng định mà không cần có căn cứ rằng, mờ ám ở đây là chung chi tiền để xây, để bán. Đừng có nói là không biết, không nghe, không thấy. Đây là điệp khúc ngụy biện, điệp khúc mị dân của chính quyền địa phương trong việc quản lý xây dựng.  

Người dân thường cứ thử kéo gạch, kéo cát về để trước sân nhà là hôm sau sẽ có người xuống hỏi thăm. Trong khi mấy trăm căn nhà xây không phép mà bảo là không biết thì rõ ràng có bảo kê, chung chi.”

Người dân thường cứ thử kéo gạch, kéo cát về để trước sân nhà là hôm sau sẽ có người xuống hỏi thăm. Trong khi mấy trăm căn nhà xây không phép mà bảo là không biết thì rõ ràng có bảo kê, chung chi. - ông Đức Minh

Ngoài ông Minh Đức, nhiều người dân quan tâm cũng bày tỏ sự bất bình khi người dân chỉ xây cái chuồng heo và sửa cái nhà vệ sinh là bị làm khó. Khi dân phản đối thì bị kết tội ‘chống người thi hành công vụ’, thậm chí bị truy tố ra tòa như trường hợp ông Nguyễn Quang Khải ở Củ Chi hay  ông Nguyễn Xuân Chiến ở Bình Chánh.

Năm 2017, ông Nguyễn Quang Khải sửa cái nhà vệ sinh sau nhà. Khi tổ kiểm tra xuất hiện hạch sách lần thứ hai thì ông Khải nóng nảy xảy ra xô xát. Ông Khải bị tuyên phạt 18 tháng tù giam về tội chống người thi hành công vụ.

Năm 2015, ông Nguyễn Xuân Chiến xây cái chuồng heo có diện tích khoảng 30 mét vuông. Đang xây dựng, ông Chiến bị lực lượng chức năng xã phát hiện và lập biên bản yêu cầu ngừng thi công. Ông Chiến sau đó còn bị xử phạt vi phạm hành chính 2 triệu đồng.

thanhnien.jpg
Một góc nhà liền kề đã được hoàn thiện cơ bản ở Dự án khu dân cư Tân Thịnh. tại huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai.

Ông Minh Đức giải thích thêm rằng, trước khi xây một căn nhà thì chủ đầu tư phải xin giấy phép xây dựng rất nhiêu khê theo quy định. Khi có giấy phép xây dựng rồi thì phải trình báo với cơ quan quản lý ở địa phương là cấp phường, xã trước khi xây. Trong quá trình thi công, ít nhất ba lần cơ quan thanh tra xây dựng, cơ quan quản lý đô thị vào kiểm tra, đối chiếu thực tiễn công trình xây dựng với giấy phép xây dựng coi có đúng không. Vì thế, không thể có chuyện con voi chui tọt lỗ kim.

Thực tế thì đã có nhiều “con voi chui tọt lỗ kim” trong các công trình xây dựng khắp cả nước.

Một trong những công trình tai tiếng được truyền thông Nhà nước đưa tin là Khách sạn 5 sao Mường Thanh Phú Quốc do Tập đoàn Mường Thanh của đại gia Lê Thanh Thản làm chủ đầu tư. Theo Thanh tra Chính phủ, dự án này đã xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng nhưng vẫn chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy phép xây dựng. Hay vụ tòa nhà 8B Lê Trực, Hà Nội, xây cao vượt quá 16 mét so với giấy phép xây dựng. Diện tích sàn cũng xây vượt 6.000 m2 so với giấy phép.

Ông Đặng Hùng Võ, Nguyên thứ trưởng bộ Tài nguyên và Môi trường gọi những câu chuyện như vậy là “tham nhũng trong phát triển bất động sản”. Những dự án như vậy khá phổ biến ở Hà Nội, còn ở TP.HCM cũng có nhưng ít hơn. Ông giải thích về chuyện 488 căn nhà xây trái phép bị phát hiện ở Đồng Nai:

“Vừa rồi Thanh tra Chính phủ thanh tra toàn diện khu vực Đông Nam Bộ. Trong đó có Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu,…thì phát hiện ra rất nhiều thứ theo kiểu mới có dự án, chưa được phép mà đã xây dựng và đã bán. Tôi gọi đây là ‘bất động sản ma’. Tức là chưa có cái gì cả mà họ đã hình thành để bán. Mà chỉ bán trên giấy chứ ngoài thực tế chưa có gì.

Tôi cho rằng chính quyền các cơ sở nói không biết là hoàn toàn vô lý. Chính quyền cấp phường xã là chính quyền cơ sở. Tại mỗi khu phố của chính quyền đó còn có cảnh sát khu vực. Anh này nắm rõ từng người trong khu phố. Không có lý gì nói rằng không có dự án hoặc dự án mới ở dạng đề xuất mà đã xây đã bán, mà chính quyền cơ sở không biết.

Ở đây chắc chắn là phải có hiện tượng gọi là nhóm lợi ích giữa chính quyền một cấp nào đó với nhà đầu tư đã có hành vi gian lận. Chắc chắn có câu chuyện gì đấy như ‘bôi trơn’ hoặc có phong bì để che chắn việc vi phạm pháp luật của một dự án nào đó, của một nhà đầu tư nào đó.”

Tôi cho rằng chính quyền các cơ sở nói không biết là hoàn toàn vô lý. Ở đây chắc chắn là phải có hiện tượng gọi là nhóm lợi ích giữa chính quyền một cấp nào đó với nhà đầu tư đã có hành vi gian lận. -Ông Đặng Hùng Võ

Theo ông Đặng Hùng Võ, các hàng hóa ‘bất động sản ma’ thường xuất hiện trong hai hình thức: Bất động sản lúc mua có trên giấy nhưng không có thật để trả cho người mua; Nhà đầu tư tự đưa ra dự án không có thật để bán trong các phân khúc bất động sản đang sốt giá. 

Ngày 22 tháng 12 năm 2020, UBND tỉnh Đồng Nai ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính 540 triệu đồng đối với Công ty cổ phần đầu tư LDG về hành vi xây dựng gần 500 căn nhà trái phép tại dự án Khu dân cư Tân Thịnh. Ngoài ra, doanh nghiệp này phải thực hiện thủ tục giao đất, thuê đất theo quy định đối với trường hợp sử dụng đất khi chưa thực hiện thủ tục giao đất, cho thuê đất, đồng thời phải nộp lại số tiền thu lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm gần 5,8 tỉ đồng. Thời hạn khắc phục trong vòng 60 ngày.

Giáo sư Đặng Hùng Võ cho rằng, do khoảng trống trong pháp luật hình sự, cách xử lý hiện nay thường là phạt cho tồn tại, vì nếu đập bỏ phần vi phạm lại lo lãng phí nguồn lực xã hội, tức gián tiếp thừa nhận giá trị thu lợi bất chính rất lớn của chủ đầu tư dự án. Thêm vào đó, việc bán hàng hóa ‘bất động sản ma’ chưa được xử lý theo khung hình sự đối với hành vi lừa đảo người tiêu dùng. 

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?