Nhạc sĩ Lam Phương: tác giả của những tác phẩm lan tỏa trong lòng người Việt !
Thanh Trúc - RFA
24/12/2020
Một vài báo Nhà nước Việt Nam như VnExpress, VietNamNer, Thanh Niên, Tuổi Trẻ… trong ngày 22 tháng 12 đã dành một chỗ trang trọng với lời lẽ thân thiện về một nhạc sĩ tài danh đã không còn. Các báo dẫn phát biểu của nhiều nghệ sĩ từng tiếp xúc hay hát các bài hát của người vừa tạ thế.
Nhạc sĩ Lam Phương tên thật là Lâm Đình Phùng, sinh quán tại Rạch Giá, Kiên Giang, một người bình dị, dễ gần như nhận xét của nhạc sĩ Trần Chí Phúc:
“ Nhạc sĩ Lam Phương viết khoảng 200 ca khúc chủ đề quê hương và tình yêu, được coi là một trong vài nhạc sĩ lớn của nền tân nhạc Việt Nam. Nhắc đến nhạc sĩ Lam Phương tôi nghĩ đến “Khúc Ca Ngày Mua”, giai điệu lóng lánh nắng đẹp miền Nam màu mỡ hiền hòa”
“Không ngạc nhiên khi mấy báo lớn trong nước đăng tin Lam Phương qua đời. Rõ ràng một số năm đổ lại đây nhạc Lam Phương rất phổ biến tại Việt Nam, những ca sĩ nổi tiếng như Lệ Quyên đã làm một CD hát nhạc Lam Phương và bán rất chạy. Tên tuổi của Lam Phương, sự ái mộ của đồng bào quê nhà đối với Lam Phương giống như thời Việt Nam Cộng Hòa trước năm 1975. Tin nhạc sĩ qua đời là tin lớn nên báo chí phải đăng”.
Kèm theo tin buồn về nhạc sĩ Lam Phương, báo chí ở Việt Nam gần như cùng nhắc đến ca khúc tiêu biểu mà ông sáng tác trước năm 75, bài “Thành Phố Buồn”. Đối với ca sĩ Chế Linh, “Thành Phố Buồn đưa anh vào kỷ niệm buồn có vui có:
“ Sau 75 Chế Linh có tham gia một chương trình văn nghệ ở Thốt Nốt, Cần Thơ, trong đó có anh Thanh Việt, anh Trường Hải, chị Nhật Thiên Lan , anh Thanh Việt và nhiều ca sĩ khác. Chế Linh hát những bài họ cho phép như cái bài “Bồ Câu Trắng”, đại khái thế. Nhưng đến cuối thì khan giả mà đa số là bộ đội, yêu cầu bài Thành Phố Buồn và chỉ Thành Phố Buồn mà thôi. Chế Linh không thể từ chối được vì họ không cho kéo màn, Chế Linh đã hát bài hát này. Cuối bài thì 4 cây súng đưa Chế Linh đi vào Ủy ban Quân quản, một kỷ niệm hết sức đâu buồn”
“Năm 2011, Chế Linh chính thức được giấy phép hát tại Mỹ Đình của Hà Nội, chổ đó có sức chưa hơn 4.000 người. Coi như buổi hát nào cũng không thể thiếu Thành Phố Buồn. Cảm nghĩ của tôi dòng nhạc Lam Phương là dòng nhạc bolero sống vững lại, là giá trị tốt cho người nghe và cho cả chính quyền”.
Được ưa chuộng trong nước, được báo trong nước tiếc thương khi qua đời là kết quả từ dòng nhạc đi thẳng vào tim óc người nghe mà không cần bất cứ lý luận hay định kiến nào, là lời ca sĩ Thanh Tuyền, năm 2016 từng hát một nhạc phẩm của Lam Phương một thời bị cấm ở Việt Nam
“ Không có thể nào ngờ khi Thanh Tuyền hát nhạc phẩm Chuyện Buồn Ngày Xuân của anh Lam Phương tại thủ đô Hà Nội thì sự cảm xúc của những người yêu nhạc dâng trào. Khi đó tôi mới thấy dòng nhạc Lam Phương đi khắp mọi miền đất nước, phá tan sự cách biệt, vượt qua quan điểm và ý thức chính trị. Khi tôi về thì khan giả trong nước vẫn yêu cầu tôi hát nhạc Lam Phương. Khi anh nằm xuống mà được sự trân trọng thương yêu thì tôi thấy rằng nhạc Lam Phương sẽ sống mãi”.
Bạn chẳng thể nhân danh điều gì để dập tắt một hay nhiều tác phẩm âm nhạc, bởi dòng suối đầy sức quyến rũ đó từ những Văn Cao, Đoàn Chuẩn Từ Linh, Phạm Duy, Phạm Đình Chương, Lam Phương đã len vào huyết quản người nghe từ lúc nào. Đây là khẳng định của người tên Lộc, biệt danh Lộc Vàng, vì quá yêu và thích hát nhạc vàng mà đã lập một nhóm bạn chuyên hát nhạc vàng. Năm 1968 thì cả nhóm bị bắt:
“ Nhà Nước miền Bắc Việt Nam bảo chúng tôi là phản động, cuối cùng tôi bị Nhà Nước xử 10 năm tù cộng 4 năm mất quyền cộng dân là 14 năm. Khi ra tù, về tới ga Lào Cai thì tôi mới ngã ngửa ra, tất cả những quán nước ở ga Lào Cai mở đầy những bản nhạc ngày xưa chúng tôi hát. Cả nước hát những bản nhạc trữ tình chủ đề tình yêu tình người từ trong miền Nam tràn ra miền Bắc”
“ Đến bây giờ báo chí ca tụng nhạc sĩ Lam Phương, tôi nghĩ một khi đã không đè bẹp được làn sóng âm nhạc Lam Phương thì người ta phải chấp nhận, phải thừa nhận. Những gì hay đẹp sẽ tồn tại mãi mãi dù anh có muốn vùi dập cũng không vùi dập nỗi đâu”.
Với nhạc sĩ Tuấn Khanh, cũng là một blogger, chuyện nhạc sĩ hải ngoại Lam Phương qua đời và được báo chí trong nước ca ngợi khả năng sáng tác, nhắc nhớ một giai đoạn đen tối của văn hóa nghệ thuật dưới một chính sách trái khoáy, đi ngược thị hiếu của quảng đại quần chúng:
“Âm nhạc miền Nam Việt Nam, của hai nền Cộng Hòa, sau 1975 bị coi là tàn dư của chế độ cũ. Những tác giả như Lam Phương, Anh Bằng, Trầm Tử Thiêng vân vân bị dìm, bị sỉ nhục không thương tiếc. Nhạc của Lam Phương bị gọi là dòng nhạc ủy mị, rên rỉ, làm băng hoại tâm hồn.Nhiều nhạc sĩ còn ở lại Việt Nam ngậm ngùi chứng kiến mình bị chà đạp một cách công khai như vậy”
“ Sau gần 45 năm thì những người cầm quyền đã nhận ra một điều là g những bài hát đó vẫn nằm trong những ngôi nhà nhỏ, chỉ một người hay một nhóm bạn hát khe khẻ với nhau, bất chấp họ có thể ngồi tù giống anh Lộc Vàng ngoài Hà Nội vậy”
“ Mới đây nhạc sĩ Trần Long Ẩn còn kêu gọi hủy bỏ văn hóa văn nghệ của miền Nam. Đó là tiếng kêu tuyệt vọng. Cách đây không bao lâu Nhà Nước đưa ra quyết định không còn cấm nhạc trước năm 1975 nữa. Thực sự nhìn lại đã có bao giờ họ cấm được những thứ đó đâu, những tên tuổi như Lam Phương trong nền âm nhạc vàng son của miền Nam vẫn cứ như một làn sóng xâm thực chầm chậm, vẫn tiếp tục sáng lên trong đời thường”.
Mọi người nhắc lại bài “Thành Phố Buồn” của nhạc sĩ Lam Phương khi ông vừa nằm xuống không hẳn vì bản nhạc quá hay mà vì người ta bị tác động bởi điều gọi là tự do sáng tác.
Sáng tác tự do, blogger Tuấn Khanh nhấn mạnh, là bài học để nhà cầm quyền thấy rằng tự do trong sáng tạo dẫn đến một nền âm nhạc nhân bản nằm sẵn trong lòng một chế độ đang vô cùng căm ghét nó.
Nhạc sĩ tài danh Lam Phương, với những sáng tác bị cấm sau 30/4/1975, rồi mãnh liệt sống lại hơn một thập kỷ qua ở Việt Nam, đã vĩnh viễn ra đi lúc 6 giờ 07 phút chiều giờ địa phương ngày 22/12/2020 tại California, Hoa Kỳ.
Nhận xét
Đăng nhận xét