Tin Tổng hợp – 30/12/2020.
* Việt Nam trở thành nước xuất khẩu lớn thứ 2 vào Mỹ sau Trung Quốc.
* 2020 : Làn sóng bài Trung Quốc dâng cao cùng Covid-19.
* Cựu đại sứ LHQ Nikki Haley: 2020 là ‘năm mà Chủ nghĩa xã hội trở thành xu hướng chủ đạo’.
* “Hoàng Hà trong xanh” báo hiệu Thánh nhân đang ở thế gian, sắp có biến lớn?
* Donald Trump, người bắn phát súng ân huệ cho Hoa Vi ?
* TNS McConnell trì hoãn bỏ phiếu nâng mức hỗ trợ dân Mỹ lên 2.000 USD
* Cuộc chấn chỉnh của Ant Group là dấu hiệu báo trước điều gì?
* Cựu cố vấn được ân xá “bày cách” giúp ông Trump tiếp tục làm tổng thống
* Tập Cận Bình phải phẫu thuật não do chứng phình động mạch nội sọ ngày càng nặng.
Việt Nam trở thành nước xuất khẩu lớn thứ 2 vào Mỹ sau Trung Quốc.
29/12/2020
Việt Nam đã thăng hạng trong danh sách quốc gia xuất khẩu lớn nhất sang thị trường Hoa Kỳ trong năm 2020 trong lúc thặng dư thương mại của Việt Nam vào Mỹ cũng đạt con số kỷ lục đồng thời hàng hoá Việt Nam đứng trước nguy cơ bị chính quyền Trump đánh thuế.
Báo cáo Nhập khẩu Toàn cầu 2020 của Mỹ cho thấy Việt Nam đã tăng thêm 4 bậc, từ vị trí thứ 6 năm 2015 lên vị trí thứ 2 năm nay để trở thành quốc gia xuất khẩu lớn thứ nhì vào thị trường Mỹ.
Trung Quốc tiếp tục là nước xuất khẩu hàng đầu vào thị trường Mỹ khi chiếm 41% tổng trị giá nhập khẩu hàng hoá của Mỹ từ tất cả các quốc gia và vùng lãnh thổ. Việt Nam đứng ngay sau với 5,5% thị phần và trên Đức, ở vị trí thứ 3 với 4% thị phần.
Báo cáo do Jungle Scout – công cụ bổ trợ bán hàng hàng đầu trên Amazon – công bố phân tích dữ liệu nhập khẩu bằng đường biển của Mỹ giai đoạn 2015-2020 từ tất cả các quốc gia và trên tất cả các lĩnh vực.
Tính từ năm 2015 đến nay, tổng xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ tăng 72% và tăng 65% trong tỷ trọng nhập khẩu của Mỹ. Trong cùng thời gian này, gần như tất cả 10 ‘nhà cung cấp’ hàng đầu khác của Mỹ đều giảm lượng hàng xuất sang thị trường này, ngoại trừ mức tăng nhỏ của Trung Quốc, Bỉ và Thái Lan.
Trong khi đó Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Trong bối cảnh nền kinh tế bị ảnh hưởng vì đại dịch virus corona trong năm nay, Mỹ đã vượt qua Trung Quốc để trở lại vị trí số 1 về thị trường xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam.
Tuy nhiên thặng dư thương mại của Việt Nam đối với Mỹ cũng tăng cao kỷ lục và Tổng thống Donald Trump đã nêu quan ngại này với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong một cuộc điện đàm hôm 22/12. Dữ liệu của Cục Thống kê Dân số Hoa Kỳ cho thấy thâm hụt thương mại của Mỹ với Việt Nam đạt hơn 56,6 tỷ USD trong 10 tháng đầu năm nay, cao hơn mức tổng thâm hụt 55,7 tỷ USD của cả năm 2019, cũng là mức cao nhất trong lịch sử thương mại hàng hoá giữa hai nước kể từ năm 1992.
Trước đó vào ngày 16/12, Bộ Tài chính Mỹ chỉ định Việt Nam là nước thao túng tiền tệ, một động thái mà các chuyên gia thương mại cho rằng có thể mở đường cho việc Tổng thống Trump đánh thuế lên hàng nhập khẩu từ Việt Nam vào Mỹ trước khi ông rời nhiệm sở.
VOA
2020 : Làn sóng bài Trung Quốc dâng cao cùng Covid-19.
29/12/2020
Thanh Hà20 phút
Trong suốt 12 tháng, virus corona được nhắc đến hàng ngày trong mỗi bản tin thời sự và hầu như tất cả các tạp chí của RFI. 2020 là năm đại dịch Covid-19 xuất phát từ Vũ Hán làm chi phối toàn thế giới và làm hủy hoại hình ảnh của Trung Quốc trong mắt cộng đồng quốc tế.
Hai nghiên cứu liên tiếp, của viện Pew Researche Center tại Washington và của Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp- IFRI tại Paris, cùng đưa ra một nhận định : tinh thần bài Trung Quốc gia tăng tại các nước Tây phương. Nguyên nhân chính là dịch Covid-19 đã cướp đi sinh mạng của hơn 1,7 triệu người trên toàn cầu, hơn 78 triệu người trên hành tinh bị lây nhiễm. Kèm theo đó là hàng trăm triệu người mất việc làm, một số không nhỏ rơi vào cảnh bần cùng. Ngoại trừ Trung Quốc và một số rất ít các quốc gia, trong đó có Việt Nam, kinh tế điêu đứng ở những nơi khác từ ở Nga đến Nhật Bản, từ của Brazil đến Canada hay từ Ấn Độ đến Liên Hiệp Châu Âu và cả Hoa Kỳ.
Mỹ, Nhật đã bơm hàng ngàn tỷ đô la để khắc phục hậu quả tai hại Covid-19 gây nên. Anh Quốc đối mặt với tình trạng kinh tế tệ hại nhất kể từ sau Thế Chiến 2. Pháp đã hai lần áp dụng các biện pháp phong tỏa trong tổng cộng 14 tuần lễ, toàn bộ các hàng quán phải đóng cửa.
Tại Hoa Kỳ Covid-19 thổi bay các thành tích kinh tế trong bốn năm nhiệm kỳ tổng thống Trump. Lãnh đạo Nhà Trắng tới nay vẫn gọi virus corona là siêu vi Trung Quốc.
Theo thăm dò của viện nghiên cứu Mỹ Pew Research Center thực hiện trong giai đoạn từ tháng 6 đến tháng 8 năm nay, 86 % người Nhật được hỏi tỏ rõ thái độ bài Trung Quốc. Tỷ lệ này tại Úc là 81 % ; Ở Anh là 74 % và tại Canada là 73 %.
Tại Thụy Điển nơi mà từ 10 năm qua, dân chúng đã có cái nhìn « tiêu cực » về ông khổng lồ châu Á này, thì tỷ lệ bài Trung Quốc lên tới 85 %. Pháp và Đức là 70 %. Với công luận Mỹ, 73 % xem Trung Quốc là một mối đe dọa. Đáng chú ý hơn nữa là 2018 chỉ có 43 % những người được hỏi có cái nhìn không hay về Bắc Kinh mà thôi.
Về lý do khiến tinh thần bài Trung Quốc tăng lên nhanh trong vài tháng vừa qua, trung tâm nghiên cứu Mỹ cho biết 14 nước trong các quốc gia được hỏi đưa ra yếu tố « Bắc Kinh xử lý không đích đáng dịch Covid-19 » để thế giới vạ lây.
Ác cảm với Trung Quốc : Bắc Kinh đứng thứ nhì trong mắt dân Pháp
Nghiên cứu thứ nhì cũng về hình ảnh tồi tệ của Trung Quốc vừa được Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp IFRI công bố vào cuối tháng 11/2020 (French public opinion on China in the age of COVID-19 Political distrust trumps economic opportunities). Nghiên cứu này được thực hiện tại 13 quốc gia châu Âu trong hai tháng 9 và 10/2020. Theo các đồng tác giả, 62 % những người Pháp được hỏi có cái nhìn « xấu » về Trung Quốc và hơn một nửa trong số này cho rằng « quan điểm của họ về Trung Quốc đang càng lúc càng xấu đi trong những năm gần đây ».
Trả lời đài RFI tiếng Việt, Marc Julienne, đặc trách về Trung Quốc tại Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp và là một trong những đồng tác giả báo cáo nói trên nêu bật những lý do vì sao Trung Quốc đang mất điểm :
Marc Julienne : « Có ba yếu tố chính giải thích cho thái đội dè chừng đó.Trước hết là áp lực của Trung Quốc nhắm vào Tổ Chức Y Tế Thế Giới về những thông tin liên quan tới đại dịch Covid-19. Đây là dấu hiệu đầu tiên khiến công luận Pháp nói riêng, châu Âu nói chung, nghi ngờ về đối tác Trung Quốc. Kế tới là luật an ninh quốc gia nhắm vào Hồng Kông do Bắc Kinh ban hành để bóp nghẹt các quyền tự do tại đặc khu hành chính này. Đây cũng là dấu chấm hết cho mô hình Một quốc gia hai chế độ ở Hồng Kông. Quyết định này đi ngược lại với các giá trị về nhân quyền, về các quyền tự do cơ bản của châu Âu. Sau cùng từ tháng 3/2020 đến giờ, liên tục có những tiết lộ về chính sách của Trung Quốc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, các vụ cưỡng bức lao động. Rồi đến tháng 6/2020 đã xuất hiện nhiều báo cáo về các chương trình triệt sản phụ nữ Hồi Giáo ở Tân Cương … Như vậy là trong vòng sáu tháng, hình ảnh của Trung Quốc đã xấu đi đáng kể trong mắt công luận Pháp và mọi người có cảm tưởng là tình hình càng lúc càng tồi tệ hơn ».
Khoảng 70 % những người được hỏi không tin tưởng vào ông Tập Cận Bình vậy không lẽ, vế kinh tế không quan trọng bằng những chuyển biến về chính trị tại Hồng Kông hay các biện pháp Bắc Kinh đàn áp người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương ?
Marc Julienne : « Yếu tố kinh tế rất quan trọng. Tuy nhiên tôi đã không nêu lên do báo cáo mới của chúng tôi được thực hiện trên cơ sở một cuộc thăm dò dư luận. Kết quả các đợt thăm dò liên tiếp cho thấy đối với người dân bình thường, vế chính trị quan trọng hơn. Kinh tế không phải là một ưu tiên. Ngược lại trong số các nhà lãnh đạo châu Âu thì hồ sơ kinh tế, thương mại chiếm vị trí hàng đầu và nhất là đối với các định chế của châu Âu tại Bruxelles. Thực ra, quan hệ giữa Liên Hiệp Châu Âu và Trung Quốc đã xấu đi từ 2019. Tháng 3 năm 2019, báo cáo của Ủy Ban Châu Âu nêu đích danh Bắc Kinh là « đối thủ mang tính hệ thống ». Chưa khi nào châu Âu nặng lời với Trung Quốc như vậy và như đã biết, xung khắc kinh tế là một vấn đề lớn. Càng lúc hồ sơ này càng chiếm một vị trí quan trọng trong mắt của cả Bắc Kinh lẫn Bruxelles. Đôi bên cùng hướng tới mục tiêu hoàn tất thỏa thuận bảo hộ đầu tư trước cuối năm nay nhưng tôi không tin các bên sẽ đạt được mục tiêu đó – hay ít ra tôi hy vọng là như vậy ! »
Thế còn về phía các lãnh đạo châu Âu nói chung, của Pháp nói riêng, thì họ có quan điểm thế nào về Bắc Kinh và làm sao giải thích được lập trường đó ?
Marc Julienne : « Trên hồ sơ kinh tế, tôi nghĩ rằng châu Âu đã mệt mỏi với thái độ câu giờ của Trung Quốc. Sự thật cho thấy là ngay cả với hiệp định đầu tư song phương, đôi bên đã bắt đầu đàm phán từ bảy, tám năm qua, Bắc Kinh cũng không nhượng bộ gì nhiều. Các nhà đàm phán cho rằng Trung Quốc cứ tiến một bước rồi lại lùi hai bước. Trong khi đó về thực chất đây là một thỏa thuận rất quan trọng vì văn bản này sẽ cho phép phần nào cân bằng lại quan hệ và các luồng trao đổi giữa Bắc Kinh – Bruxelles. Chúng ta thấy rõ là trong ván bài này, Trung Quốc chiếm thế thượng phong : châu Âu mở cửa cho các doanh nghiệp Trung Quốc vào tung hoành. Ở chiều ngược lại các điều lệ của Trung Quốc lại rất khắt khe. Tuy nhiên ở cấp lãnh đạo, ngoài vế kinh tế, hồ sơ chính trị càng lúc càng trở thành cái gai trong đối thoại song phương. Hồng Kông và Tân Cương là hai chủ đề mà Liên Hiệp Châu Âu không thể tiếp tục nhắm mắt làm ngơ. Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula Von Der Leyen đã có những lời lẽ rất cứng rắn về điểm này và thậm chí còn nêu lên khả năng trừng phạt Bắc Kinh vi phạm nhân quyền ».
Từ 2019 Liên Âu đã hô hào « không còn ngây thờ với Trung Quốc » nhưng có thực sự là châu Âu cảnh giác trước những cái bẫy của Bắc Kinh hay không và liệu rằng trong chiến lược đối ngoại với Trung Quốc có yếu tố Mỹ hay không ?
Marc Julienne : « Hoàn toàn đúng như vậy. Lãnh đạo ngành ngoại giao Liên Âu Joseph Borell thường xuyên tuyên bố châu Âu không còn « ngây thơ » với bạn hàng Trung Quốc. Tuy nhiên tôi cho rằng ở đây yếu tố Mỹ không quan trọng lắm trong giai đoạn bốn năm sắp tới. Đúng là dưới chính quyền Trump, Bắc Kinh đã tìm cách lôi kéo châu Âu về phía mình và khai thác lá bài America First của Donald Trump để thuyết phục Liên Hiệp Châu Âu rằng « các bạn thấy đó đồng minh thân thiết nhất đang bỏ rơi các bạn » từ hồ sơ chống biến đổi khí hậu đến hiệp định hạt nhân Iran …
Trung Quốc đồng thời xoáy vào những lợi ích chung giữa châu Âu và nước khổng lồ châu Á này nhằm ly gián thêm nữa hai khối Âu-Mỹ. Cần nói thêm là Bắc Kinh dùng thỏa thuận bảo hộ đầu tư Châu Âu –Trung Quốc là miếng mồi để chiêu dụ Bruxelles. Ngoài ra, với đại dịch lần này, trong năm nay Trung Quốc còn khai thác lá bài ngoại giao y tế để mua chuộc cảm tình của châu Âu, thế nhưng, đồng thời, chính sách ngoại giao « sói lang », Trung Quốc hung hăng không chỉ với châu Âu mà còn đe dọa từ Canada đến Úc .. đã làm hủy hoại những nỗ lực của Bắc Kinh muốn tô điểm hình ảnh thân thiện của Trung Quốc. Sắp tới đây, với Joe biden ở Nhà Trắng và ông này chủ trương thắt chặt trở lại quan hệ cốt lõi với các quốc gia ở bên này Đại Tây Dương, Trung Quốc sẽ phải xét lại chiến lược ngoại giao…
Khó đoán trước được, nhưng Trung Quốc không thể tiếp tục cho châu Âu uống nước đường như họ vẫn làm từ trước tới nay và có khả năng là những nước cờ của Bắc Kinh với châu Âu còn tùy thuộc vào chính sách đối ngoại của chính quyền Biden với các đối tác tại Lục ĐỊa Già. Đừng quên rằng dù Trung Quốc có đem lá bài kinh tế ra nhử châu Âu, nhưng trao đổi mậu dịch giữa Mỹ và Liên Au vẫn còn rất quan trọng ».
Marc Julienne, thuộc Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp, IFRI và nhiều tác giả thuộc trường đại học Séc Palacky University Olomouc, tiếc rằng vào lúc phương Tây thấy rõ bộ mặt thật của Trung Quốc, ác cảm với ông Tập Cận Bình thì ở Washignton chính quyền Trump đã không nắm bắt được cơ hội để giành lại thế « leadership » trong thế giới tự do.
Thuần túy về y tế và kinh tế thì các con số chính thức của Bắc Kinh cũng như thống kê quốc tế đều cho thấy 2020 đã mở ra trong những « điều kiện tệ hại hơn bao giờ hết cho Trung Quốc » nhưng đang khép lại với những tỷ lệ tăng trưởng khá vững vàng, với hình ảnh lá cờ Trung Quốc được cắm trên cung Trăng !
Cựu đại sứ LHQ Nikki Haley: 2020 là ‘năm mà Chủ nghĩa xã hội trở thành xu hướng chủ đạo’.
- 30/12/2020
Hôm thứ Hai (28/12), cựu Đại sứ Liên hợp quốc Nikki Haley cảnh báo rằng chủ nghĩa xã hội, bất chấp lịch sử thất bại của nó, đã trở thành xu hướng chủ đạo trong năm nay và đang được các chính trị gia Đảng Dân Chủ áp dụng làm chính sách kinh tế hướng tới của họ.
“Năm 2020 là năm chủ nghĩa xã hội trở thành xu hướng chủ đạo,” bà Haley viết trên Twitter. “Hệ tư tưởng nguy hiểm này, vốn đã thất bại ở mọi nơi mà nó đã được thử nghiệm và hủy hoại vô số sinh mạng, hiện đang trên đường trở thành chính sách kinh tế mặc định của Đảng Dân Chủ.”
“Xu hướng đáng sợ này đe dọa tương lai của mọi người dân Hoa Kỳ,” bà nói thêm.
Bà Haley đã đưa ra những nhận xét tương tự về chủ nghĩa xã hội hồi tuần trước trong khi bày tỏ sự ủng hộ Thượng nghị sĩ Đảng Cộng Hòa Kelly Loeffler, người sẽ đối đầu với đối thủ Đảng Dân Chủ Raphael Warnock trong các cuộc bầu cử bổ sung ở Georgia.
“Đây là Đảng Dân Chủ, đảng tin rằng quý vị phải loại bỏ bất kỳ ai không đồng ý với quý vị,” bà nói. “Họ tin rằng quý vị cần giảm ngân sách cho cảnh sát và ngừng chăm sóc những người phục vụ chúng ta. Họ tin rằng chủ nghĩa xã hội là cách sống mới. Và họ nghĩ rằng quý vị nên đặt cuộc sống của mình và việc chăm sóc sức khỏe của mình vào tay chính quyền.”
Là thống đốc hai nhiệm kỳ của South Carolina và là người ủng hộ thẳng thắn cách tiếp cận của Tổng thống Donald Trump về nền kinh tế và chính sách đối ngoại, bài phát biểu của bà Haley đã trở thành tâm điểm trong đêm khai mạc Hội nghị Quốc gia Đảng Cộng hòa năm 2020, tại đó bà chỉ trích cựu Phó Tổng thống Joe Biden là người mang ơn phe cấp tiến và chương trình nghị sự xã hội chủ nghĩa của họ.
“Tầm nhìn của họ cho Hoa Kỳ là chủ nghĩa xã hội. Và chúng ta biết rằng chủ nghĩa xã hội đã thất bại ở khắp mọi nơi,” bà Haley nói vào thời điểm đó. “Họ muốn bảo cho người dân Hoa Kỳ biết cách làm sao để sống, và suy nghĩ như thế nào. Họ muốn một chính phủ tiếp quản lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Họ muốn cấm công nghệ khai thác dầu bằng thủy lực cắt phá và loại bỏ hàng triệu việc làm. Họ muốn những đợt tăng thuế lớn đối với các gia đình lao động.”
Nhận xét của bà Haley được đưa ra trong bối cảnh một phe cấp tiến táo bạo tiếp tục nghiêng Đảng Dân Chủ nhiều hơn về phía cánh tả. Ứng cử viên tổng thống của Đảng Dân Chủ Joe Biden, mặc dù vận động tranh cử với tư cách là một người ôn hòa, cuối cùng đã thông qua một chính sách kinh tế với các danh mục được đề xuất từ các Thượng nghị sĩ cấp tiến như Bernie Sanders (Độc Lập-Vermont) và Elizabeth Warren (Dân Chủ-Massachusetts), hứa hẹn một mức lương tối thiểu liên bang 15 USD cho mỗi giờ, cũng như khoản đầu tư liên bang 4 nghìn tỷ USD cho chăm sóc sức khỏe, giáo dục, cơ sở hạ tầng, và năng lượng sạch.
Đầu tháng này, Dân biểu Alexandria Ocasio-Cortez (Dân Chủ-New York), một nghị sĩ trẻ cấp tiến, nói trong một cuộc phỏng vấn với The Intercept rằng đã đến lúc Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi (Dân Chủ-California) và Lãnh tụ Thiểu số Thượng viện Chuck Schumer (Dân Chủ-New York) thôi giữ chức vụ lãnh đạo để nhường chỗ cho một ban lãnh đạo mới. Cô cũng nói về việc thay thế Dân biểu ôn hòa Richie Neal (Dân Chủ-Massachusetts) làm người đứng đầu Ủy ban Tài chính và Thuế vụ.
“Chúng tôi hiện đang đàm phán để đạt được và hướng tới những nhượng bộ quan trọng thực sự cho cánh tả mà có thể đưa mọi thứ vào đúng vị trí, để giúp xây dựng quyền lực trong hai năm tới,” nữ Dân biểu nói.
GQ Pan – Cẩm An biên dịch
“Hoàng Hà trong xanh” báo hiệu Thánh nhân đang ở thế gian, sắp có biến lớn?
DKN 15 giờ trước
Tượng 54 trong ‘Thôi bối đồ’ có viết: “Không phân trâu chuột hay trâu dương, Bỏ lông giữ da hãy xưng cường, Trong cõi tự có Chân Long xuất, Chín khúc Hoàng Hà nước không vàng”. Ý nói là, khi Thánh nhân xuất thế, sông núi khắp nơi đều báo điềm linh dị, những thứ cặn bã sẽ bị loại bỏ, nước sông Hoàng Hà vạn dặm biến thành trong xanh chính là dấu hiệu báo trước…
Người Trung Quốc xưa có truyền lại một câu khải thị rằng: “Nước sông Hoàng Hà trong xanh báo hiệu Thánh nhân đến”. Cũng có người nói rằng cứ khoảng 500 năm, nước sông Hoàng Hà lại biến thành trong xanh một lần, tương truyền “nước sông Hoàng Hà trong xanh là sự kiện trăm năm khó gặp”.
Dị tượng “Hoàng Hà trong xanh” tiên báo điều gì?
La Quán Trung triều đại nhà Minh đã viết trong chương 8 của bộ tiểu thuyết ‘Bình sơn lãnh yến’ như sau: “Khắp trời có Thánh nhân sinh, khắp đất sông núi hết sức linh ứng theo. Khi bụi bẩn được đào thải hết, nước sông Hoàng Hà chảy vạn dặm nhất thời trong xanh”. Tượng 54 trong ‘Thôi bối đồ’ có viết: “Không phân trâu chuột hay trâu dương, Bỏ lông giữ da hãy xưng cường, Trong cõi tự có Chân Long xuất, Chín khúc Hoàng Hà nước không vàng”. Ý nói là, khi Thánh nhân xuất thế, sông núi khắp nơi đều báo điềm linh dị, những thứ cặn bã sẽ bị loại bỏ, nước sông Hoàng Hà vạn dặm biến thành trong xanh chính là dấu hiệu báo trước.
Theo nghiên cứu của các chuyên gia, trong lịch sử Trung Quốc có ghi lại 43 lần nước sông Hoàng Hà biến thành trong xanh. Lần đầu tiên được nhìn thấy là vào năm Diên Hi thứ 8 (năm 165), thời Hán Hoàn đế trị vì mảnh đất Trung Hoa. Thời gian xuất hiện có lúc dài cũng có lúc ngắn, mấy lần xuất hiện cách nhau không quá 500 năm. Thời gian xuất hiện dài nhất là vào năm 1727, nước sông Hoàng Hà biến thành trong xanh kéo dài hơn 20 ngày. Thời điểm hiện tại, “Hoàng Hà trong xanh” xuất hiện trên một lưu vực sông rộng lớn và trong thời gian dài. Đây là hiện tượng hiếm thấy trong lịch sử.
“Hoàng Hà trong xanh” báo trước thời điểm biến đổi lớn của thế cục đã đến
Ngoài câu nói “Thánh nhân đến, sông Hoàng Hà trong xanh” còn có một thuyết pháp khác cho rằng: hiện tượng này báo hiệu thời điểm biến hóa lớn của thế cục đã đến.
Lưu Bảo Kiệt người Đài Loan đã nói trong chương trình ‘Thời khắc quan trọng’ rằng, quan sát từ lịch sử có thể thấy, mỗi khi nước sông Hoàng Hà trở nên trong xanh thường có những thay đổi lớn về thế cục hoặc thảm họa xảy ra, khi ấy mọi người đều chờ mong Thánh nhân đến.
Chẳng hạn như: Năm 1127 xảy ra thảm họa Tĩnh Khang của Tống Huy Tông. Năm 1403 Minh Thành Tổ dẹp yên bờ cõi. Năm 1727 Ung Chính thực hiện cuộc thảm sát trong 4 năm. Trong những năm này, phần lớn nước sông Hoàng Hà đều biến thành trong xanh, nhưng con người không thấy được Thánh nhân đến, ngược lại họ liên tục gặp tai họa.
Cũng có câu: “Nước sông đang đục mà chuyển thành trong xanh, âm đang mong muốn biến thành dương”. Rõ ràng Hoàng Hà trong xanh là điềm báo phản nghịch.
Theo sách ‘Hậu hán thư – Tương giai truyện’ viết thì, vào năm Diên Hi thứ 8 (năm 165), thời Hán Hoàn đế trị vì vùng đất Trung Hoa, nước sông Hoàng Hà liên tục biến đổi sang trong xanh, lúc đó quan lại trong triều đều cho rằng đây là dấu hiệu báo điềm lành. Tuy nhiên, một danh sĩ thời Đông Hán lại tin rằng: “Hoàng Hà, chư hầu lập vị thế. Thanh là thuần dương, đục là thuần âm, nước sông đang đục bỗng đổi màu trong xanh là âm muốn biến thành dương, chư hầu muốn xưng đế”.
Theo ‘Thủy Kinh Chú’ cuốn 5 ‘Tục Hán Thư’ ghi lại: “Lúc đó Tương Giai trình lên tấu thư nói: “Sách ‘Xuân Thu‘ cùng các ghi chép của người xưa để lại, không thấy điểm nào nói về việc nước sông Hoàng Hà biến thành trong xanh, nhưng hôm nay lại xảy ra chuyện này”. Trong ‘Dịch kiền tạc độ’ có viết: “Thượng Thiên mang điềm lành tới thế gian, trước đó nước sông Hoàng Hà biến thành trong xanh”. Trong ‘Kinh phòng dịch truyện’ viết: “Nước Hoàng Hà trong xanh, thiên hạ sắp thái bình”.
Chữ “Lân” trong kinh “Xuân Thu” lẽ ra không nên xuất hiện nhưng lại xuất hiện rồi, Khổng Tử đã coi hiện tượng này như thiên tai mà ghi lại. Sông là tượng trưng cho chư hầu, thanh là chứng cứ báo trước sự chiếu rọi, nước sông Hoàng Hà biến thành trong xanh chẳng lẽ báo hiệu chư hầu muốn đánh đến kinh thành? Năm sau, Hán Hoàn đế băng hà, Giải Độc Đình Hầu – Lưu Hoành được chọn làm người kế vị nhà Hán và lấy tên là Hán Linh Đế. Vào tháng 2 năm Kiến Ninh thứ 4 (năm 171 sau Công Nguyên), nước sông Hoàng Hà lại biến thành trong xanh.
Cố Viêm Vũ, một học giả thời nhà Minh có tổng hợp và ghi chú lại như sau: “Hán Hoàn đế năm thứ 9, nước Hoàng Hà biến thành trong xanh, năm sau Hoán đế qua đời, Linh đế – Giải Độc Đình Hầu lên kế thừa ngôi vị”. Vào thời Võ Thành đế nhà Bắc Tề, nước sông Hoàng Hà cũng chuyển sang trong xanh, 10 năm sau nhà Tùy đoạt thiên hạ”.
Lúc nước sông biến thành trong xanh, Vệ Thiệu vương nhà Kim được lập vương bởi Kim Tuyên Tông vào năm Trinh Hữu thứ 4 (1216). Hơn 500 năm sau, vào thời Thuận đế, triều đại nhà Nguyên nắm quyền được 21 năm thì đoạn sông Hoàng Hà chảy qua Bình Lục nước biến sang trong xanh, ngay sau đó triều đại nhà Minh đoạt thiên hạ, điều này càng cho thấy điềm báo “Hoàng Hà trong xanh” vô cùng linh nghiệm. Thời Chính Đức đế cai trị nhà Minh, nước sông Hoàng Hà cũng đổi màu trong xanh, sau đó em họ là Chu Thế Tông lên kế vị ngai vàng. Thời Thái Xương đế cũng xuất hiện “Hoàng Hà trong xanh”, sau đó em họ Chu Do Kiểm lên nối ngôi lấy hiệu là Sùng Trinh.
Tượng 54 trong cuốn sách tiên tri nổi tiếng thời nhà Đường ‘Thôi Bối đồ’ có viết như sau.
Sấm viết:
Lỗi lỗi lạc lạc
Tàn kỳ nhất cục
Trác tức cầu an
Tuy tiếu diệc khốc.
Tụng viết:
Bất phân ngưu thử dữ ngưu dương
Khứ Mao tồn khoát thượng xưng cường
Hoàn trung tự hữu Chân Long xuất
Cửu khúc Hoàng Hà thủy bất hoàng
Donald Trump, người bắn phát súng ân huệ cho Hoa Vi ?
29/12/2020
Thụy My
Le Monde nói về « 2020, năm mà Hoa Vi phải quỳ gối ». Lịch sử sẽ ghi nhận Donald Trump như là người đã bắn phát súng ân huệ cho Hoa Vi chăng ? Vào lúc ông Trump sắp rời Nhà Trắng, phải công nhận rằng vị tổng thống khác người này đã thành công trong việc làm tập đoàn viễn thông khổng lồ của Trung Quốc phải chao đảo chưa từng thấy.
Nỗi lo xảy ra một đợt dịch thứ ba, kinh tế sau Brexit, Trung Quốc một năm sau khi Bắc Kinh chính thức thông báo về một loại virus corona chủng mới là các đề tài chính của báo chí Pháp hôm nay 29/12/2020.
Trung Quốc độc tài không phải là hình mẫu chống Covid
Trong bài xã luận « Covid-19 : Trung Quốc, một hình mẫu sai lạc », Le Figaro nhắc lại ngày 31/12/2019 – mới một năm mà như là đã xa xưa lắm – Trung Quốc báo với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã có xuất hiện một « bệnh viêm phổi lạ » tại Vũ Hán. Tuy nhiên Bắc Kinh nói không có bằng chứng nào về lây nhiễm từ người sang người, và bịt miệng tất cả những tiếng nói công dân.
Một năm sau, bị ảnh hưởng thấp hơn 800 lần tính theo dân số so với Hoa Kỳ (và 500 lần so với Pháp), Trung Quốc đắc chí tự ca ngợi đã chiến thắng dịch bệnh. Cho dù số liệu chính thức không đáng tin cậy, nhưng rõ ràng là các bệnh viện nay không còn bị căng thẳng, cuộc sống ở Trung Quốc trở lại bình thường và kinh tế lại bắt đầu phát triển. Trong khi đó phương Tây vẫn bị trói tay bởi phong tỏa, giới nghiêm, đối mặt với suy thoái, nợ nần và thất nghiệp.
Chuyện gì đã diễn ra ? Nhà độc tài đỏ Tập Cận Bình cho rằng đã chứng tỏ tính ưu việt của « mô hình xã hội chủ nghĩa theo kiểu Trung Hoa » so với các nền dân chủ « lộn xộn và ngỗ nghịch ». Thông qua việc cô lập hàng mấy chục triệu người, dùng biện pháp kiểu quân sự, đóng cửa biên giới và theo dõi toàn bộ người dân, buộc người dân phải tuân lệnh và giữ im lặng, chế độ cộng sản Bắc Kinh đã vô hiệu hóa được con virus, tránh được đợt dịch thứ hai trong khi phương Tây đang lo về một đợt dịch thứ ba.
Theo Le Figaro, chiến thắng này ẩn chứa một mối nguy mới. Quá tự tin, các nhà lãnh đạo Trung Quốc trở nên hung hăng gấp bội đối với Hồng Kông và Đài Loan, trên đỉnh Hy Mã Lạp Sơn (Himalaya) cũng như tại Biển Đông. Sau ngoại giao khẩu trang, đến lượt ngoại giao vac-xin mở đường cho đầu tư chiến lược, nhằm chiếm lĩnh thị phần và chia rẽ châu Âu. Tại Hoa lục, đàn áp gia tăng với các nhóm thiểu số cũng như những người cảnh báo. Sự nguy hiểm không nằm ở chỗ cái gọi là « mẫu mực » của mô hình Trung Quốc, mà là sự thay đổi về địa chính trị do con virus, dẫn đến sự thua sút của các nền dân chủ phương Tây so với « phản mô hình » này.
Khi con virus còn được gọi đúng tên là « virus Vũ Hán »
Tờ báo lược thuật việc « Bắc Kinh đã dập tắt những tiếng nói cảnh báo như thế nào ». Những người đầu tiên lên tiếng phản đối các tuyên bố chính thức là ngòi nổ cho một phong trào rộng lớn trong xã hội dân sự.
Trong thời kỳ đại dịch và khi Vũ Hán bị phong tỏa suốt hai tháng rưỡi, hàng ngàn người dân bắt đầu kể lại, ghi hình lại những gì họ nghe thấy. Một số là nhà báo được tòa soạn gởi đi, số khác là bác sĩ, y tá trực tiếp lâm trận, và nhiều người là những cư dân bình thường muốn là chứng nhân một sự kiện lịch sử – những « nhà báo công dân ». Các câu chuyện và video của họ được tự do phổ biến cho đến đầu tháng Hai vì chính quyền trung ương còn quá lúng túng trước đại dịch.
Bà Tào Nhã Học (Yaxue Cao), người sáng lập Chinachange.org, một tổ chức phi chính phủ tại Hoa Kỳ đã lưu lại được một số lời chứng, cho biết những câu chuyện này có trên WeChat, Weibo, Twitter và cả trên báo chí nhà nước.
Nhưng sau đó Bắc Kinh đã dùng bàn tay sắt áp đặt phiên bản chính thức. Những tài liệu do tin tặc gởi đến, được New York Times và Propublica phân tích cho thấy từ ngày 02/02, tất cả các ban biên tập đều được lệnh không viết bất cứ điều gì tiêu cực về con virus, lúc đó còn được gọi đúng tên là « virus Vũ Hán ».
Bắc Kinh thẳng tay dập tắt tiếng nói của các nhà báo công dân
Hàng ngàn nhóm WeChat trao đổi về Vũ Hán bị dẹp, trên 3.200 chỉ thị nội bộ đã được công bố với mục đích kiểm soát dư luận. Lịch sử từ nay chỉ được lưu lại phiên bản chính thức của Nhà nước.Hàng ngàn vụ bắt bớ diễn ra trên toàn quốc, nhân viên y tế bị cấm trả lời báo chí, những người dân thường bị theo dõi trên đường phố chỉ vì đăng hình những xác chết được chất đống bên ngoài bệnh viện.
Thế giới đều đã biết trường hợp bác sĩ Lý Văn Lượng (Li Wenliang) bị câu lưu, đe dọa và rốt cuộc đã qua đời vì con virus ở Vũ Hán. Còn bác sĩ Ngải Phân (Ai Fen) trưởng khoa cấp cứu bệnh viện sau khi trả lời tạp chí Nhân Vật (Renwu) đã mất tích trong hai tuần lễ, rồi sau đó không còn lên tiếng nữa. Luật sư Trần Thu Thực (Chen Qiushi), nhà báo Lý Trạch Hoa (Li Zehua) cũng bị mất tích rồi tái xuất hiện tương tự, riêng doanh nhân Phương Bân (Fang Bin) cho đến nay vẫn biệt tăm
Nữ luật sư Trương Triển (Zhang Zhan), 37 tuổi đã chiếu trực tiếp những gì trông thấy tại Vũ Hán : một thành phố hoang mạc, rào chắn khắp nơi, các lò thiêu xác hoạt động hết công suất, một người già ngã chết trên đường phố mà không ai đoái hoài…tổng cộng 122 video. Bà bị bắt vào tháng Năm tại Vũ Hán vì tội « gây rối ». Tháng Sáu, bà tuyệt thực trong tù nhưng bị cưỡng bức đưa chất dinh dưỡng vào cơ thể bằng ống thông dạ dày ; các luật sư bị ép bỏ rơi bà. Ra tòa hôm qua bằng xe lăn, nhà báo công dân này bị kết án 4 năm tù.
Donald Trump buộc Hoa Vi phải quỳ gối
Trên lãnh vực kinh tế, Le Monde nói về « 2020, năm mà Hoa Vi phải quỳ gối ». Lịch sử sẽ ghi nhận Donald Trump như là người đã bắn phát súng ân huệ cho Hoa Vi chăng ? Vào lúc ông Trump sắp rời Nhà Trắng, phải công nhận rằng vị tổng thống khác người này đã thành công trong việc làm tập đoàn viễn thông khổng lồ của Trung Quốc phải chao đảo chưa từng thấy.
Chỉ trong vòng 30 năm, Hoa Vi (Huawei) đã trở thành tập đoàn đứng đầu thế giới về viễn thông, vượt qua Nokia và Ericsson của châu Âu về mạng lưới rồi đứng chung với Apple và Samsung về sản xuất điện thoại di động. Tập đoàn của Nhậm Chính Phi (Ren Zhengfei) còn mở rộng hoạt động sang điện toán đám mây (cloud), thành phố thông minh, trí tuệ nhân tạo…
Năm 2019, tổng thống Donald Trump đã cho Hoa Vi vào danh sách đen, khiến nhiều công ty không còn buôn bán được với tập đoàn này. Google cũng buộc phải ngừng cung cấp kho ứng dụng như Gmail, Maps…cho các điện thoại mới của Hoa Vi. Trước đó vào cuối 2018, bà Mạnh Vãn Châu, con gái của Nhậm Chính Phi bị bắt ở Canada và hiện vẫn bị quản thúc vì Mỹ cáo buộc làm ăn với Iran. Dù vậy khi đến Diễn đàn Davos vào đầu tháng Giêng 2020, ông Nhậm vẫn tỏ ra thách thức vì Hoa Vi đang đứng thứ nhì thế giới về lượng smartphone bán ra.
5G, chip bán dẫn : Những cú đòn có thể hạ gục Hoa Vi
Ngoại giao Mỹ gây áp lực lớn về mạng 5G, khiến Anh và Úc từ chối Hoa Vi, còn châu Âu từ tháng Giêng đã yêu cầu các nước thành viên loại ra những thiết bị « có nguy cơ cao ». Đến tháng Năm, Hoa Kỳ cấm bán cho Hoa Vi những vi mạch bán dẫn sử dụng công nghệ Mỹ, nên hãng TSMC của Đài Loan, nhà cung cấp chip Kirin cho Hoa Vi phải từ chối làm việc với đối tác Trung Quốc.
Một cú đòn đau cho lãnh vực smartphone vốn là nguồn thu nhập hàng đầu của Hoa Vi (54,4% năm 2019), tụt xuống hàng thứ ba thế giới, chỉ còn chiếm 15% thị phần. Tháng 11, Hoa Vi phải bán lại dòng sản phẩm giá rẻ Honor, thị phần lại rớt xuống còn 4%. Tất nhiên là Hoa Vi vẫn chưa chịu đầu hàng, với nguồn tiền vẫn còn dồi dào và đang cố gắng tập trung cho nghiên cứu.
Viên đạn cuối cùng đến từ cầu thủ trẻ của Pháp Antoine Griezmann : anh từ bỏ lập tức hợp đồng quảng cáo cho Hoa Vi sau khi có những tin tức về việc Bắc Kinh đàn áp người Duy Ngô Nhĩ. Thật ê chề cho hình ảnh công nghệ Trung Quốc.
Bị Washington cô lập, Bắc Kinh phải nhượng bộ châu Âu
Cũng về kinh tế, Les Echos và Le Figaro đều nhận định « Châu Âu và Trung Quốc tiến gần đến việc ký kết hiệp ước đầu tư », sau bảy năm đàm phán. Bị Washington cô lập, Bắc Kinh đành phải có những nhượng bộ thực sự đối với các doanh nghiệp châu Âu.
Trong cuộc họp hôm qua tại Bruxelles, không có nước thành viên nào phản đối văn bản liên quan đến thâm nhập thị trường, sở hữu trí tuệ hay phát triển bền vững. Ngược với trước đó chỉ vài ngày, khi nhiều nước trong đó có Pháp, Hà Lan, Đan Mạch, Ba Lan tỏ ra do dự. Đó là do Trung Quốc đã nhượng bộ, nhất là về tiêu chuẩn xã hội.
Tận dụng bối cảnh quan hệ Mỹ-Trung hết sức căng thẳng, Bruxelles đã gây áp lực với Bắc Kinh hiện đang cần một thỏa thuận hơn bao giờ hết. Trung Quốc muốn chứng tỏ với Mỹ là có thể ra khỏi cô lập qua việc hợp tác với một nhân tố lớn của phương Tây.
Khía cạnh chính trị nhạy cảm trong thời kỳ Trung Quốc cứng rắn hơn với Hồng Kông, Tân Cương khiến châu Âu phải tỏ ra kiên quyết về các vấn đề xã hội, lao động cưỡng bức, và cuối cùng Bắc Kinh phải cam kết sẽ phê chuẩn một số công ước của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO). Chỉ còn vấn đề bảo hộ đầu tư vẫn chưa tìm được đồng thuận. Trong lúc Nhà Trắng sắp đổi chủ, Bắc Kinh cũng như 27 nước châu Âu hiểu rằng đang đứng trước khung cửa hẹp, vì Washington sẽ nhanh chóng chỉ trích một thỏa hiệp ít phù hợp với việc tăng cường quan hệ giữa hai bên bờ Đại Tây Dương.
Người Duy Ngô Nhĩ, nạn nhân của thỏa thuận dẫn độ Thổ Nhĩ Kỳ -Trung Quốc
Liên quan đến lãnh vực nhân quyền, bài xã luận của La Croix nói về « Erdogan trước vấn đề người Duy Ngô Nhĩ », khi Thổ Nhĩ Kỳ sắp thông qua một thỏa thuận dẫn độ với Trung Quốc.
Vì sao tại phương Tây, tình cảnh của người Duy Ngô Nhĩ lâu nay ít gây tiếng vang như đối với Tây Tạng ? Một số người khẳng định đó là vì người Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi, ít được cảm tình như Phật tử Tây Tạng.
Cứ ngỡ rằng người Duy Ngô Nhĩ sẽ được thế giới Hồi giáo bênh vực, nhưng nhiều nước Hồi giáo lại về hùa với Bắc Kinh khi Trung Quốc bị tố cáo trước Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc hồi tháng Bảy.
Về phần tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, hồi năm 2009 – lúc đó còn là thủ tướng – ông đã lên án vụ đàn áp Tân Cương là « một kiểu diệt chủng ». Do mối liên hệ về ngôn ngữ, văn hóa và tôn giáo, Thổ Nhĩ Kỳ từ lâu vẫn bênh vực người Duy Ngô Nhĩ, và đã đón tiếp 50.000 người thuộc sắc tộc này đến tị nạn, trở thành cộng đồng lớn nhất ngoài Trung Á.
Nhưng nay ông Erdogan lại đổi thái độ, nói rằng người Duy Ngô Nhĩ « hạnh phúc » ở Tân Cương. Đang gặp khó khăn kinh tế, Erdogan không thể làm phật lòng Trung Quốc, và người Duy Ngô Nhĩ tị nạn tại Thổ Nhĩ Kỳ có thể trở thành nạn nhân ; trong lúc phương Tây bắt đầu tố cáo tình hình tại Tân Cương.
TNS McConnell trì hoãn bỏ phiếu nâng mức hỗ trợ dân Mỹ lên 2.000 USD
Như Ngọc•Thứ Tư, 30/12/2020 • 1.7k Lượt Xem
Lãnh đạo Đa số Thượng viện Mitch McConnell (bang Kentucky) hôm thứ Ba (29/12, giờ Mỹ) đã ngăn chặn thông qua nhanh biện pháp nâng mức hỗ trợ dân Mỹ từ 600 USD lên 2.000 USD. Ông McConnell cho biết sẽ đưa vấn đề này ra bỏ phiếu tại Thượng viện vào cuối tuần này.
“Tuần này, Thượng viện sẽ bắt đầu một tiến trình để tập trung vào ba ưu tiên”, ông McConnell nói tại Thượng viện trong phiên họp hôm 29/12.
Lãnh đạo phe Đa số Thượng viện lưu ý rằng Tổng thống Donald Trump “đã nhấn mạnh đến ba vấn đề mang ý nghĩa quốc gia cần bổ sung mà ông mong muốn thấy Quốc hội giải quyết đồng thời”, trong đó bao gồm “khoản hỗ trợ tài chính trực tiếp tăng thêm cho các hộ gia đình Mỹ”. Ông Trump tuần trước nói rằng ông muốn người Mỹ nhận được 2.000 USD, chứ không chỉ có 6.00 USD tiền hỗ trợ trực tiếp liên quan đến đại dịch virus Vũ Hán.
Hai vấn đề khác mà ông McConnell nói Quốc hội cần giải quyết đồng thời cùng với khoản tăng tiền trợ cấp là rà soát lại Điều 230 của Đạo luật Chuẩn mực Truyền thông và xử lý vấn đề minh bạch bầu cử.
Theo OANN, ông McConnell đã giới thiệu một dự luật riêng khác hôm 29/12 để cung cấp ngân phiếu trị giá 2.000 USD hỗ trợ COVID-19. Tuy nhiên, không giống như dự luật được Đảng Dân chủ phê duyệt, phiên bản của ông McConnell còn gồm việc bãi bỏ Điều 230 trong Đạo luật Chuẩn mực Truyền thông. Ngoài ra, nó sẽ thành lập một ủy ban để nghiên cứu hành vi gian lận cử tri.
Động thái này xảy ra sau khi TNS Bernie Sanders tuyên bố sẽ trì hoãn việc bỏ phiếu để phủ quyết Đạo luật Chi tiêu Quốc phòng (NDAA) cho đến khi Thượng viện bỏ phiếu để nâng gói cứu trợ COVID.
Biện pháp hỗ trợ trực tiếp người dân Mỹ 2.000 USD đã được Hạ viện bỏ phiếu thông qua hôm thứ Hai (28/12) với 275 phiếu tán thành, 134 phiếu phản đối và Đảng Dân chủ tại Thượng viện cũng nhất trí hoàn toàn với biện pháp này.
Lãnh đạo phe Thiểu số Thượng viện Chuck Schumer (bang New York), trong buổi họp Thượng viện hôm 29/12 đã kêu gọi các nghị sĩ Đảng Cộng hòa phê duyệt biện pháp hỗ trợ này – có tên gọi chính thức là Đạo luật CASH – trước cuộc bầu cử nước rút 2 ghế thượng viện tại bang Georgia vào ngày 5/1.
“Cách nhanh nhất để đưa tiền vào túi người dân Mỹ là hãy gửi một số khoản tiền thuế quay lại ngay nơi chúng đến”, ông Schumer nói. Thượng nghị sĩ bang New York cho biết “những chi phiếu hỗ trợ 2.000 USD có thể có ý nghĩa khác biệt giữa việc các gia đình Mỹ có nhu yếu phẩm thêm một vài tuần hoặc họ sẽ bị đói”.
Ông Schumer đề nghị Thượng viện sử dụng thủ tục “nhất trí hoàn toàn” để thông qua nhanh Đạo luật CASH, nhưng Lãnh đạo Đa số McConnell đã ngăn chặn cách làm này.
“Tôi phản đối”, ông McConnell nói tại phiên họp toàn thể Thượng viện hôm 29/12. Là lãnh đạo phe Đa số, ông McConnell có toàn quyền đề xuất đưa vấn đề gì, đạo luật nào ra bỏ phiếu tại Thượng viện. Ông McConnell đang muốn ưu tiên bỏ phiếu bác bỏ phủ quyết của Tổng thống Trump đối với Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng 2021 (NDAA 2021).
Với việc không thể thông qua nhanh, Đạo luật CASH sẽ cần phải có 60 phiếu tán thành mới được thông qua.
Ông Schumer nói rằng tất cả 48 Thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ ủng hộ dự luật CASH, tăng tiền hỗ trợ trực tiếp cho người dân Mỹ lên 2.000 USD. Như vậy, cần phải có thêm sự ủng hộ của 12 Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa, thì dự luật này mới được thông qua.
Theo The Epoch Times, có ít nhất 5 Thượng nghị sĩ Cộng hòa đã lên tiếng ủng hộ dự luật, gồm: Marco Rubio (bang Florida), David Perdue (bang Georgia), Kelly Loeffler (bang Georgia), Lindsey Graham (bang Nam Carolina) và Josh Hawley (bang Missouri).
Tổng thống Trump vào chiều thứ Ba (29/12, giờ Mỹ) cũng đã đăng tweet kêu gọi các Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa phê duyệt khoản tiền hỗ trợ bổ sung cho người dân.
Unless Republicans have a death wish, and it is also the right thing to do, they must approve the $2000 payments ASAP. $600 IS NOT ENOUGH! Also, get rid of Section 230 – Don’t let Big Tech steal our Country, and don’t let the Democrats steal the Presidential Election. Get tough! https://t.co/GMotstu7OI
— Donald J. Trump (@realDonaldTrump) December 29, 2020
“Họ phải phê duyệt khoản thanh toán 2.000 USD sớm nhất có thể. 600 USD LÀ KHÔNG ĐỦ! Cũng vậy, phải loại bỏ Điều 230 – Đừng để Big Tech đánh cắp Đất nước ta, và đừng để Đảng Dân chủ đánh cắp cuộc Bầu cử Tổng thống. Hãy cứng rắn!” ông Trump viết.
Như Ngọc – https://trithucvn.org/the-gioi/tns-mcconnell-tri-hoan-bo-phieu-nang-muc-ho-tro-dan-my-len-2-000-usd.html
Cuộc chấn chỉnh của Ant Group là dấu hiệu báo trước điều gì?
- Tim McDonald
- Phóng viên kinh doanh, BBC News
một giờ trước
Ngân hàng trung ương Trung Quốc đã triệu tập các giám đốc điều hành của Ant Group vào cuối tuần và yêu cầu chấn chỉnh hoạt động của công ty.
Động thái này diễn ra khoảng một tháng sau khi các cơ quan quản lý đột ngột ngưng việc niêm yết của công ty trên các sàn giao dịch Hong Kong và Thượng Hải.
Một số người xem động thái này giống như một đảng cộng sản trả thù trút giận lên người sáng lập bộc trực Jack Ma của công ty.
Nhưng các nhà phân tích chỉ ra rằng cải cách lĩnh vực tài chính là một mục tiêu chính sách đã có từ lâu và các công ty khác cũng có thể rơi vào tầm ngắm của các nhà quản lý.
Michael Norris, trưởng nhóm nghiên cứu và chiến lược tại AgencyChina nói: “Ant Financial là kẻ đầu tiên khi những yêu cầu mới này được đề ra và mức độ giám sát ngày càng cao.
“Trong khi cuộc thảo luận về màn cung đấu giữa Jack Ma và nhiều kẻ nói xấu ông vẫn còn gây xôn xao, thì nó lơ đi thực tế rằng môi trường chính sách vốn đã làm chậm đi quá trình gia tăng nguy cơ là rõ ràng là một ưu tiên.”
Ant Group là nhà cung cấp dịch vụ thanh toán lớn nhất của Trung Quốc, với hơn 730 triệu người dùng hàng tháng trên dịch vụ thanh toán kỹ thuật số Alipay. Nhưng chính các hoạt động cho vay của công ty dường như đã khiến các nhà quản lý quan ngại hơn.
Ant hoạt động như một sàn giao dịch cho các khoản vay. Phải mất một khoản phí để kết nối người vay với ngân hàng, bên vay sau đó là nnguowif sẽ chịu rủi ro.
Chuyện gì xảy ra với Ant?
Cuối tuần qua, các quan chức ngân hàng trung ương đã có cuộc gặp với các giám đốc điều hành của Ant Group và lệnh cho công ty “chấn chỉnh” các dịch vụ cho vay, bảo hiểm và quản lý tài sản.
Theo Phó thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) Pan Gongsheng, các cơ quan quản lý đã để mắt đến cách quản trị công ty kém của Ant, coi thường các yêu cầu quy định và việc công ty sử dụng quy mô thị trường của Ant để chèn ép các đối thủ cạnh tranh.
Ant được khuyến khích quay trở lại hình thức là một doanh nghiệp thanh toán như ban đầu để tăng cường tính minh bạch trong giao dịch và tránh cạnh tranh không công bằng.
Ông Pan cũng nói rằng Ant nên được cấp phép hợp lệ để hoạt động kinh doanh tín dụng, nên thành lập công ty nắm giữ (công ty làm chủ cổ phần hoặc phần vốn góp tại các công ty khác) và phải đảm bảo đủ vốn.
Theo các dự thảo quy tắc do Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc công bố hồi tháng 11, những người cho vay trực tuyến phải cung cấp ít nhất 30% bất kỳ khoản vay nào mà họ tài trợ kết hợp với các ngân hàng.
Alibaba bị điều tra về chiến thuật độc quyền
Sợ Trump, Alibaba nói họ luôn ủng hộ ‘thương hiệu và các nhà bán lẻ Mỹ’
Nói cách khác, theo các quy định mới Ant Group sẽ hoạt động giống một người cho vay truyền thống hơn một chút.
Ant Group có trụ sở tại Hàng Châu nói trong một tuyên bố sẽ thành lập một nhóm làm việc “cải biến” và thực hiện đầy đủ các yêu cầu quy định.
Ngành kinh doanh rủi ro
Ông Norris nói rằng có vẻ các nhà quản lý lo ngại tín dụng dễ dàng có thể có nghĩa là các nhà đầu tư sẽ vay ký quỹ để thực hiện các khoản đầu tư rủi ro vào cổ phiếu.
Đây không phải là mối quan ngại mới tại Trung Quốc. Tiếp cận tín dụng dễ dàng đã cung cấp nhiên liệu cho sự hỗn loạn của thị trường cổ phiếu trong năm 2015, khi một số nhà đầu tư không thể trả các khoản vay ký quỹ của họ sau khi thị trường cổ phiếu sụp đổ.
Thêm nữa, nếu Ant Group không chịu rủi ro nào, thì động cơ chính của nó là tiến hành được càng nhiều khoản vay càng tốt, với sự để tâm ít ỏi đến tầm ảnh hưởng của họ đối với các tổ chức cho vay thực sự bảo hiểm cho các khoản vay này.
Ông Norris nói: “Các cơ quan quản lý muốn rủi ro được chia sẻ giữa nền tảng và tổ chức tài chính, và tổ chức tài chính có quyền giám sát chặt chẽ hơn đối với các hoạt động cho vay và các tiêu chí kết nối đang được áp dụng,” ông Norris nói.
“Tiệm cầm đồ”
Các cơ quan quản lý Trung Quốc tiến hành kiềm hãm Ant Group đầu tiên khi ngăn IPO (tức lần bán cổ phiếu ra công chúng đầu tiên) của công ty ngay trước ngày ra mắt hồi đầu tháng 11.
Động thái này được tiến hành sau khi người sáng lập và cổ đông kiểm soát của Ant Group là tỷ phú Jack Ma đã chỉ trích lĩnh vực ngân hàng do nhà nước thống trị của Trung Quốc tại một hội nghị tài chính công nghệ ở Thượng Hải.
Ông Ma đã ví các ngân hàng của Trung Quốc như “tiệm cầm đồ” và than thở về sự thiếu cải cách của họ.
Ant Group của Jack Ma tạm ngưng kế hoạch bán cổ phiếu
Ant Group của tỷ phú Jack Ma lên sàn chứng khoán TQ
Thời điểm diễn ra cuộc truy quét làm dấy lên suy đoán rằng bài phát biểu của ông đã xúc phạm các cấp lãnh đạo cao nhất của đảng cộng sản, những người đã đáp trả lại bằng cách đàn áp Ant Group.
Gần hai tháng sau, các cơ quan quản lý vẫn tỏ ra để mắt đến ông Ma. Ngoài các động thái chống lại Ant Financial, tuần trước, các nhà chức trách chống độc quyền của Trung Quốc nói họ đã tiến hành một cuộc điều tra nền tảng thương mại điện tử Alibaba của ông Ma.
Bloomberg đưa tin, ông đã được chính phủ Trung Quốc khuyên nên ở lại trong nước.
Không ai được miễn nhiễm
Nhưng ngay cả khi các quan chức cấp cao của đảng có mối ác cảm với ông Ma (điều mà có vẻ như họ sẽ không xác nhận công khai), điều đó không đồng nghĩa là các nhà chức trách quan ngại không chính đáng về lĩnh vực công nghệ tài chính mới nổi này.
Ant có thể là công ty fintech đầu tiên bị cơ quan quản lý triệu tập, nhưng không chắc là công ty cuối cùng. Nhiều công ty lớn khác đã ‘lội’ vào ngành này, bao gồm Tencent và đối thủ cạnh tranh thương mại điện tử của Alibaba, JD.com.
Hiện tại, một số đối thủ cạnh tranh của Ant Group đang thay đổi cách thức hoạt động của họ trước những thay đổi chính trong các quy tắc. Ví dụ, các nhà cung cấp trực tuyến JD Digits, Tencent, Baidu và Lufax đều đã ngừng kinh doanh tiền gửi có lãi suất trên nền tảng của họ sau khi Ant bị các cơ quan quản lý buộc phải làm như vậy.
Ông Norris nói rằng: “Tôi không nghĩ rằng bất kỳ ai có thể miễn nhiễm ở giai đoạn này và chắc chắn các nguyên tắc nền tảng mà Ant Group kết nối người tiêu dùng và các sản phẩm tài chính phù hợp gần giống với cách Tencent làm.”
Cựu cố vấn được ân xá “bày cách” giúp ông Trump tiếp tục làm tổng thống
29/12/2020
Chưa đầy một tuần sau khi được ân xá, cựu cố vấn của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đưa ra những cố vấn pháp lý nhằm giúp ông theo đuổi cuộc chiến lật ngược kết quả bầu cử.
“Tôi đã nói chuyện với Tổng thống (Donald Trump) chính xác là cố vấn làm thế nào để ông ấy có thể bổ nhiệm một công tố viên đặc biệt có đầy đủ thẩm quyền để đảm bảo những kẻ đánh cắp cuộc bầu cử 2020 này thông qua gian lận phiếu bầu sẽ bị truy tố và để đảm bảo ông Donald Trump tiếp tục là tổng thống của chúng ta”, ông Roger Stone viết trên tài khoản mạng xã hội ngày 28/12 khi nói về cuộc gặp gỡ với chủ nhân Nhà Trắng cuối tuần qua.
Ông Stone, 68 tuổi, cựu cố vấn của ông Trump, là một trong 26 đồng minh được Tổng thống Trump ân xá hôm 23/12. Ông từng bị kết án 40 tháng tù với 7 tội danh, trong đó có cản trở cuộc điều tra của Hạ viện về nghi vấn chiến dịch của ông Trump cấu kết với Nga. Trước khi được ân xá, ông Stone được Tổng thống giảm án hồi tháng 7.
Trả lời phỏng vấn Fox News sau khi được ân xá, ông Stone ca ngợi ông Trump là “tổng thống vĩ đại nhất kể từ thời Abraham Lincoln”. Kể từ đó, ông cũng dọa sẽ kiện Bộ Tư pháp, kiện công tố viên đặc biệt Robert Mueller và nhiều quan chức khác.
Tổng thống Trump đến nay vẫn chưa công nhận kết quả bầu cử. Ông tuyên bố sẽ theo đuổi đến cùng cuộc chiến pháp lý liên quan đến bầu cử. Truyền thông Mỹ tuần trước dẫn nguồn thạo tin cho biết, ông Trump đang cân nhắc bổ nhiệm nữ luật sư Sidney Powell làm công tố viên đặc biệt điều tra các cáo buộc gian lận bầu cử. Bổ nhiệm công tố viên đặc biệt vốn thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng Tư pháp, tuy nhiên, người đứng đầu Bộ Tư pháp Mỹ William Barr tuần trước cho biết ông không có ý định làm điều đó.
Minh Phương – Theo Newsweek
Tập Cận Bình phải phẫu thuật não do chứng phình động mạch nội sọ ngày càng nặng
https://www.youtube.com/watch?v=GkKtumvS_CQ&feature=emb_logo
Nhận xét
Đăng nhận xét