Mừng Giáng sinh từ một người ngoài đạo
Mùa Giáng Sinh năm đại dịch thứ nhất, thật thú vị khi được nghe một tu sĩ Phật giáo kể chuyện ngày chúa sinh ra. Trong ngôi chùa nhỏ của hòa thượng Thích Thiện Minh, bữa cơm ngày cuối năm, ông kể lại nhiều kỷ niệm thời ngồi tù chung với các linh mục, các tu sĩ của Hòa Hảo, Cao Đài… và cả các sĩ quan của chế độ VNCH tại Xuân Lộc, Đồng Nai.
Hình ảnh cả ngàn người tù chia nhau một không gian chật chội, nhưng đầy yêu thương, như hiện ra trước mắt. Hai nhân vật của tôn giáo lớn là linh mục Trần Đình Thủ (1906-2007) và hòa thượng Thích Đức Nhuận (1924-2002) được mô tả là những thủ lãnh tinh thần của tất cả mọi người, cố gắng xây dựng một nơi hà khắc thành những nơi chia sẻ, an ủi lẫn nhau.
Ngài Thích Thiện Minh kể rằng Giáng sinh hàng năm nơi trại tù ấy, ngài linh mục Trần Đình Thủ luôn tính đủ số các tù nhân trong trại, và thuyết phục cán bộ để cho mọi người được nhận những phần quà và tiền lưu ký (tiền gửi vào trại, để tù nhân có thể mua hàng, thức ăn trong trại) lớn hơn ngày thường, cùng mừng một ngày lễ Giáng Sinh. Đức hy sinh và uy tín của linh mục hàng năm vẫn làm được điều đó, thậm chí khiến các các cán bộ cũng đồng ý làm việc nhiều hơn để đạt được yêu cầu của ngài. Theo lời kể, lúc đó mỗi người tù chỉ nhận được 20.000 đồng tiền lưu ký, với chữ ký chấp nhận của cán bộ trại. Mùa Giáng Sinh, linh mục Trần Đình Thủ nhắn ra ngoài vận động, không để sót một ai trong số cả ngàn người tù, nên có đủ phiếu hợp lệ nhận tiền của từng người, các cán bộ trại phải chia nhau ký, mất đến mấy ngày mới đủ số phiếu theo yêu cầu của ngài.
Một miếng bánh, một điếu thuốc… là những món quà quý trong những ngày như vậy. Mỗi tù nhân không phân biệt là ai, đều được nhận cùng với lời chúc hy vọng cho bản thân mình và cho mọi người. Chúa thật sự đã ở cùng anh chị em trong những giờ phút đó. Dĩ nhiên, lễ tôn giáo thì không được nhìn nhận trong trại giam nên khi chúc nhau, mọi người đều nói nhỏ với nhau, mừng Giáng sinh an lành.
Thậm chí có một mùa Giáng Sinh, thấy mọi người đi phải đi lao động cực nhọc quá, linh mục Trần Đình Thủ từng trực tiếp gặp cán bộ trại, xin rằng nếu phần lao động đó được quy bằng tiền, ông muốn được đại diện cho tất cả tù nhân, tạo quy chế mới để ngày chỉ đi lao động 4 tiếng thôi, còn bao nhiêu thành tiền, mỗi tháng ông sẽ nhờ người đến trại để nộp vào. Dĩ nhiên, điều đó không được ban quản lý trại giam chấp nhận, nhưng lại là một kỷ niệm không thể nào quên đối với những ai đã từng có thời gian ngồi tù với ngài.
Phía Phật giáo cũng vậy, hòa thượng Thích Đức Nhuận cũng cố vận động, chia sẻ cho mọi người vào ngày Phật Đản. Cũng tương tự như cách làm phía Công giáo, ngày lễ này cũng là một ngày mà mọi người cùng được chút khác biệt. Hai vị linh mục và hòa thượng này ở trong tù, với nhau như bạn thân, luôn chia sẻ cách làm và giúp đoàn kết các người tù với nhau. Quà Phật Đản cũng đặt ở trên đầu chỗ ngủ mọi tù nhân, không phân biệt là ai. Có năm, quà chia chậm, thấy mình chưa có, linh mục Trần Đình Thủ đi qua phía trại giam của hòa thượng Thích Đức Nhuận, cười hỏi “Sao Phật Đản mà tôi chưa được quà?”. Lập tức hòa thượng Thích Đức Nhuận chắp tay xin lỗi – thật sự - nói sơ xuất chậm trễ, rồi tự tay trao quà cho ngài.
Chuyện kể, chỉ để thấy rằng tôn giáo không có biên giới. Nếu sống với kim chỉ nam và tình thương và lòng từ bi, mọi sự khác biệt đề là thứ tầm thường nhất. Sự thân thiết và chia sẻ của hai vị lãnh đạo tôn giáo tại trại giam vô thần, luôn là bài học lớn cho đời sau.
Câu chuyện Giáng sinh của những năm rất xa được kể lại, cho thấy yêu thương và hòa đồng là điều đã luôn có, nhưng luôn mất đi hay bị thao túng vì chính trị. Trong cuốn Lasting Happiness in a Changing World do nhà báo Douglas Abrams ghi lại cuộc trò chuyện phi thường của hai người bạn thân là Đức Đạt Lai Lạt Ma 14 và Tổng Giám Mục Nam Phi Desmond Tutu, cũng cho thấy, khoảng cách và sự chia rẽ do con người tạo ra chỉ có thể cùng những âm mưu và thấp hèn. Cùng một động tác khi cả hai con người vĩ đại này bày tỏ với nhau – đặt tay lên tim – Đức Tổng Giám Mục nói đó là chân thành và yêu thương, còn Đức Đạt Lai Lạt Ma thì nói đó là từ bi, quảng đại. Rõ là chẳng khác biệt gì, khi mọi người đến với nhau bằng những điều tốt đẹp nhất và tự giải thích nó bằng suy nghĩ tử tế nhất.
Mùa Giáng Sinh năm nay. Không thấy nhiều các thầy tu lừng danh lẫn vô danh bên Phật giáo quốc doanh lên tiếng chống đối lễ mừng Chúa sinh ra của người công giáo. Đúng không thấy các công văn chỉ đạo từ ai đó đòi dẹp bỏ những hình ảnh Công giáo trong các trường học trẻ em. Từng năm như vậy trước đây, các ngôn luận đó luôn là loại gai độc làm nhói đau trái tim của tất cả những người tử tế, yêu tự do tôn giáo trên đất nước này. Chưa hẳn Giáng Sinh năm nay là một giáng sinh thật sự an lành tại Việt Nam, khi vắng bớt những điều như vậy. Vì trước đại hội Đảng, mọi thứ ổn định xã hội là điều tối cần thiết, hơn là thực hiện nhiệm vụ thường ngày của các loại thầy tu, quen hành động báo công như vậy.
Cuộc sống vẫn mở ra với hướng đi tự nhiên, chọn lựa thanh bình cho mình và cho người. Tất cả từ sâu thẳm trái tim của mình. Thật đáng xấu hổ, nếu như cuộc sống ngoài đời lại thiếu tình thương và sự hòa đồng tôn giáo, thua cả những Giáng sinh khốn khó trong các nhà tù.
------
- Linh mục Trần Đình Thủ (1906-2007) là người sáng lập ra Dòng Đồng Công tại Việt Nam từ năm 1953. Trong một thời hai thập niên 60 và 70, sự phát triển mạnh mẽ của dòng tu này khiến những người chứng kiến phải khâm phục. Hoạt động của Dòng Đồng Công Là tập trung vào việc phát triển giới trẻ và mở rộng tất cả những hoạt động hỗ trợ cho giáo dục cho thanh thiếu niên nghèo. Tháng 6/1976, linh mục Đa Minh Maria Trần Đình Thủ bị chính quyền mới bắt giam lần đầu cùng với 52 người của nhà Dòng tại Di Linh, mà lý do cho đến hôm nay vẫn mù mờ. Theo nhiều người kể lại, phía công an bắt giam nói khám phá tài liệu dạy giáo lý cho tín hữu của Dòng Đồng công do Linh mục Đa Minh Maria Trần đình Thủ soạn thảo, mang tính chất tuyên truyền phản động chống Đảng và nhà nước XHCNVN. Thật khó giải thích, vì các tài liệu giáo lý này dạy rằng phải vâng lời và tín thác cho Chúa chứ không vì điều gì khác. Án tù của linh mục Trần Đình Thủ là 20 năm, nhưng ngài chỉ ở có 6 năm thì được trả tự do, do sự vận động của nhiều nơi.
- Hòa thượng Thích Đức Nhuận (1924-2002) là một bậc trí giả, ngài vừa là giáo sư triết học Phương Đông của đại học Vạn Hạnh, vừa là chủ bút của của nguyệt san Vạn Hạnh và Hóa Đạo, cũng là chánh thư ký viện Tăng Thống Phật giáo Việt Nam Thống Nhất (từ 1967 đến 1973). Năm 1985, ngài bị chính quyền mới kết án âm mưu, tổ chức chống cách mạng, dó đó có cùng thời gian được gặp gỡ và làm bạn với linh mục Trần Đình Thủ. Ngài ngồi tù 9 năm, và về chùa Giác Minh tĩnh tu vào năm 1993. Từ năm 1977, hòa thượng Thích Đức Nhuận đã bày tỏ chính kiến và sự khác biệt với chính quyền mới. Nhiều bài phân tích và tuyên bố của ngài đã gây xôn xao trong lòng người miền Nam lúc đó. Bản cáo trạng phát đi năm 1977 của ngài là một ví dụ. Trong đó, ngài viết “Nạn nước không từ ngoài tới, mà bi thảm thay, lại do chính con người Việt Nam, mất linh hồn, chối bỏ dân tộc, từ chối giá trị làm người, cam tâm làm tôi tớ cho ngoại bang... xô đẩy đồng bào đất nước ta vào cuộc chiến tranh lửa đạn, một cuộc chiến tranh tàn bạo, nhơ bẩn, phi lý, chỉ nhằm phục vụ ý thức hệ và quyền lợi của khối Quốc tế Vô Sản… Hiện đồng bào mọi giới đang phải nép mình sống cuộc đời tù ngục, mất hết tự do kể cả thứ tự do tối thiểu cần có dành cho con người là quyền cư trú, đi lại, làm ăn sinh sống cũng đã bị nhà nước ngụy quyền cộng sản hạn chế, ngăn cấm.” (trích)
Nhận xét
Đăng nhận xét