20220329=vết_máu_Ukraine ! LBP Paris

 Fw: 20220329=vết_máu_Ukraine ! LBP Paris

 Và nắng, không chỉ nhuộm vàng những tà áo Nguyên Sa một thời, bên kia trái đất, mà còn làm đỏ au những đôi má nơi này. Đó là cái nắng của gần hai tuần nay . Lâu lắm rồi, có lẻ từ cuối thu, trước những hạn chế đại dịch Covid cuối năm, chưa bao giờ thấy nắng rộng lượng như lúc này, từ ngày đầu Xuân ,20/3/2022, cho đến hôm qua: 28/3. Nắng sưởi ấm không gian, sưởi cả lòng người !

Mùa xuân năm nay, ở Pháp, là mùa xuân mà hy vọng đã trở thành hiện thực. Khi cách nay 2 tuần, 14/3, masque đã được phép tháo ra,«pass vaccinal» đã được tạm vô hiệu ( trừ một vài nơi như trong các phương tiện giao thông công cộng hay các cơ quan y tế vv ). Xem TV, tôi nghe một cậu học trò 16 tuổi cười cười phát biểu : « cuối cùng mới thấy (lại) mặt thầy cô «, với một cô bé lớp nhì ( CM1) thì :« các cháu được … thở và được …nói chuyện « ( « on peut respirer et on peut parler »). « Tuổi thần tiên » ( Phạm Duy ), tuổi « thích ô mai », « tuổi choai choai « .. là như thế. Còn tuổi như … chúng ta thì lại khác. Người thích cởi (?), người không. Tôi thuộc phe thích « cởi  ». Thứ nhất là tôi không chịu nổi (sự) bịt miệng, dù bất cứ lý do nào. Thứ nhì là « nhảy đầm » mà mang masque thì vừa khó thở, vừa «quê«, lại vừa không tế nhị. Cứ như người đang « múa đôi » với mình bị ..viêm cánh ấy ! Nhưng không phải vì thế mà tôi chọc quê phe «mang» . Mà trái lại. Bởi khi vào sở, khi cần phải đến sát đồng nghiệp nói chuyện ( nhìn vào computer của họ ) thì tôi «mang». Như một « phản xạ », do cái thói quen đã có từ 2 năm nay ! Thú thật là nhờ «masque» mà trong 2 mùa xuân rồi ( 2020/2021), tôi không bị dị ứng với hương hoa, bông phấn.

Nếu tôi nhớ không lầm, trước 75, ở « miền Nam », masque chỉ được dùng trong y tế. Masque (trước 75) được dịch sang tiếng Việt là « mặt nạ « ( masque à gaz = mặt nạ phòng hơi )  vv Sau 75, từ «đổi mới» chuyển sang « kinh tế thị trường », các thành phố lớn Việt Nam, nhất là Sài Gòn, ngày càng khói xe mù mịt. Để tránh bị ô nhiễm và đỡ bị « ăn nắng » (phái nữ), người ta bắt đầu mang kính, che mũi, mang «găng» ( miệng thì đã bị Nhà Nước bịt rồi ! ). Từ đó, « khẩu trang » ra đời !

Không biết ông đại học ..giả, phó giáo sư tiến sĩ nào dịch masque= khẩu trang, một chữ rất « Hán Việt » mà giới trí thức « ưu việt « luôn tìm cách loại bỏ (phi cơ trực thăng = máy bay lên thẳng / xuất cảng = xuất khẩu vv ) ?! Lần đầu nghe «khẩu trang» tôi cứ ngỡ đó là đồ trang sức trên … miệng phụ nữ nên tự hỏi « không biết những người đàn ông mang khẩu trang có bị mất ... khẩu khí không ?! ». Tại sao lại dịch masque = khẩu trang ? «Trang» cái gì ở đây ? Trang như trang lứa, trang nghiêm, trang hoàng, trang điểm hay như trang bị, trang trọng, trang bàn thờ  vv đều không có gì liên quan đến che mũi, miệng cả. Tại sao lại dùng chữ « khẩu », nghe có vẻ cà nông, đại pháo như «khẩu đội» pháo binh trong « Lực lượng vũ trang nhân dân anh hùng «? Thế muốn che mắt, bịt tai lại để khỏi ngứa mắt trước cán ngố, khỏi điếc tai với mấy cái loa phường khóm, thì có « nhãn trang », « nhĩ trang « không ?!!  Chưa nói là « khẩu trang » còn khiến thiên hạ lầm tưởng là cái miệng của Trang .. Thanh Lan !!!

Pháp quốc đang ra khỏi đường hầm Covid_Tàu. Nói thế, không phải là số bệnh nhân đang giảm. Mà trái lại, tứ vài tuần nay, do sự lây lan khủng khiếp của biến thể phụ BA2 Omicron. Hôm 22/3, tổ chức Y Tế Thế Giới ( WHO ) đã chỉ trích nhiều nước Tây Âu nới lỏng các biện pháp ngừa Covid. Bản tin trên tờ «báo Phụ nữ« ( Le journal des femmes ) hôm qua, 28/3, cho biết : ở Pháp có 25.216.913 người (đã) nhiễm Covid, 110.174 mới nhiễm, 20.606 nhập viện và 1486 ở phòng hồi sức ( réa) hay « điều trị quan trọng »(soins critiques) . Hai con số cuối là quan trọng nhất, chúng quyết định cho sự giảm hay tăng các biện pháp ngừa Covid. Nếu tôi nhớ không lầm, 1500/2000 bệnh nhân ở « réa/soins critiques » là con số giới hạn (limite) cho quyết định này. Với thời tiết đang ấm dần, với 6100 giường « réa » ( chính quyền mới tăng thêm 1000 giường ), cái xác suất mang masque, trình « pass vaccinal « trở lại là rất thấp ở đây.

Trong cái không gian xuân hồng đó, trưa chủ nhật rồi (27/3), cùng với khoảng 400 (?) đồng hương, nhà tôi và tôi đã tham dự buổi nhạc hội (+ thức ăn ) gây quỹ cứu trợ người tị nạn Ukraine do chùa Khánh Anh ( Evry ) tổ chức ở « salle des fêtes » thành phố Villabé, với sự đóng góp thiện nguyện của nhiều ca, nhạc sĩ Việt Nam vùng Paris, vũ đoàn người Pháp gốc Tây Tạng (tị nạn Tây Tạng) và «nhà bếp« chùa Khánh Anh. Ăn đồ chùa nhưng không « ăn chùa ». Mà trái lại. Phe ta ủng hộ nhiệt tình, ăn uống nhiệt tình, và « nhót « cũng nhiệt tình. Từ bị cấm cung hai năm nay, đây không phải là lần đầu chúng tôi « quay cuồng ». Ngay hôm 20/2, 4 ngày sau khi vũ trường được mở cửa lại, bước chân "lữ thứ" đã sàn Tây, sàn Việt đề huề. Nhưng chủ nhật rồi, thì đúng là «người xưa, piste cũ», hai năm trời lận đận thì có biết bao nhiêu điều để nói với anh em, bao nhiêu .. điệu để chia cùng bằng hữu ! 

Điều đáng nói là vui thì vui nhưng trong mấy giờ cười vang đó, đã nhiều phút -giây- tôi, nước mắt chực trào ! Và tôi biết tôi không phải là trường hợp duy nhất .

Đó là lúc đứng nghiêm chỉnh nghe quốc thiều: Pháp, Việt Nam Cộng Hòa và quốc ca Ukraine ? Không chỉ có «Tiếng gọi công dân« ( theo giáo sư Nguyễn ngọc Huy) / Này công dân ơi quốc gia đến ngày giải phóng / hay « La Marseillaise / Allons enfants de la patrie . Le jour de gloire est arrivé «. Mà cả quốc ca Ukraine. Bởi, dù không hiểu gì, nhưng khi nghe quốc ca này, tôi thấy trước mắt tôi là những thành phố đổ nát, những xác người cháy đen, những ánh mắt trẻ thơ từ trong toa tàu nhìn ra, thấy những bàn tay già nua chùi lệ, thấy người lính Ukraine ghì súng, đăm đăm chờ địch. Tôi thấy lửa, thấy khói.Tôi nghe tiếng bom rơi, tiếng đạn nổ, tiếng bé khóc, tiếng người rên .. vv Rồi tôi thấy lại quê hương tôi, đã một thời như thế! Còn hơn thế !!! Làm sao không ứa lệ ? Putin là một thằng điên tàn ác. Nó xua quân Nga cướp nước Ukraine, tàn sát dân Ukraine. Nhưng nó ở Mạc tư Khoa, không ở Kiev . Nó nói tiếng Nga, không nói tiếng Ukraine. Khác với chiến tranh Việt Nam, là «đồng bào" đi giết « anh em » . Như lời một bài hát : «Giặc từ miền Bắc vô đây / Bàn tay nhuốm máu đồng bào / Giặc từ miền Bắc vô đây / Bàn tay vấy máu anh em « ( Cục Chính Huấn VNCH ).

Đó cũng là lúc nghe anh trưởng vũ đoàn Tây Tạng nói về quê hương anh, một quê hương đã bị Tàu Cộng « đô hộ « 1949, để rồi chính thức xáp nhập vào Tàu năm 1959. Từ đó là hàng trăm ngàn người Tây Tạng lưu vong. Và tôi lại nhớ đến đất nước « miền Nam » của tôi, của chúng ta : những người « miền Nam «, không phân biệt « trong, ngoài « cũng đã bị cưỡng chiếm như thế . Từ 1975 đến nay, thực quyền hoàn toàn nằm trong tay người Bắc CS ! Kết quả là bao nhiêu triệu người đã phải bỏ nước ra đi, tiếp tục ra đi, bằng cách này hay cách khác ! Làm sao không ngậm ngùi khi nhớ những người đã bỏ mình trên đường tìm Tự Do ? 

Xuân vừa về ở Châu Âu , ở khắp Châu Âu. Nhưng tôi biết, người Châu Âu chưa " xuân"  trọn vẹn, chưa vui " hết mình ". Bởi lòng Châu Âu, cũng như lòng thế giới :

vẫn còn đầy những vết máu Ukraine !

 

BP

29/03/2022

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Thời sự Trong nước - https://www.moitruongvadothi.vn