Singapore và chính sách đối ngoại mới với Nga và Ukraine
- Michael Nguyễn
- Gửi cho BBC từ Singapore
Những tuyên bố dứt khoát của chính quyền Singapore lên án cuộc xâm lược "không hề bị khiêu khích, không thể biện minh được" của Nga đối với Ukraine, và tiếp sau đó là hành động cũng cương quyết không kém: Cấm vận hàng hóa phục vụ chiến tranh, phong tỏa tài sản của bốn ngân hàng Nga, đã gây sự chú ý khá nhiều của cộng đồng quốc tế.
Singapore, một thành viên của phong trào không liên kết (non-aligned movement), vốn được coi là một đất nước trung lập, lần này dường như đã vượt qua vị thế trung lập của mình. Trong khi phần lớn các quốc gia thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) bỏ phiếu tại Đại hội đồng Liên hợp quốc lên án cuộc xâm lược của Nga, song chỉ dừng lại ở mức độ lên án, hành động mạnh mẽ của Singapore xuất phát từ lý do nào, và có mục tiêu gì?
Thứ nhất, tôi tin rằng hành động của Singapore xuất phát từ chính lợi ích cốt lõi của Singapore: Bất cứ một nước nào dù nhỏ hay lớn (Singapore có diện tích lãnh thổ xấp xỉ 700km vuông) đều có quyền độc lập, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, quyền tự quyết và được cộng đồng quốc tế tôn trọng các quyền đó. Bảo vệ mạnh mẽ chủ quyền của Ukraina, là một nước nhỏ so với Nga là nước lớn chính là bảo vệ nguyên tắc này, đồng thời cảnh báo và phòng ngừa những nguy cơ thôn tính, xâm lược các nước nhỏ như chính Singapore. Tuy rằng, từ góc độ cá nhân tôi cho rằng các nguy cơ xâm lược bên ngoài đối với Singapore là khá nhỏ. Singapore có Hiệp ước phòng thủ chung với Malaysia, New Zealand, Úc, Liên hiệp Anh đã hơn 50 năm. Thêm vào đó, tôi cho rằng Hoa Kỳ sẽ không ngần ngại can thiệp bảo vệ Singapore, nơi họ đặt một "căn cứ quân sự hải quân" phi chính thức.
Thứ hai, tôi tin rằng Singapore ủng hộ nguyên tắc trật tự thế giới phải tuân theo luật pháp quốc tế, chứ không phải tuân theo cường quyền nước lớn - might makes right. Mặc dù Singapore là nước có dân số và lãnh thổ nhỏ, tôi cho rằng có đủ công nghệ và khả năng răn đe quốc phòng để, như lời cố thủ tướng Lý Quang Diệu, biến mình thành một con tôm độc trong trật tự thế giới cá lớn nuốt cá bé, cá bé nuốt con tôm nhỏ nhưng sẽ dè chừng trước con tôm độc khó xơi là Singapore.
Tuy nhiên một trật tự thế giới ổn định, hành xử theo luật pháp quốc tế rõ ràng có lợi cho khu vực, đảm bảo tiếp nối sự thinh vượng của Singapore với vai trò là cầu nối, là điểm trung chuyển của cả thế giới.
Thứ ba, Singapore là một quốc gia non trẻ mới hình thành sau thế chiến 3, sau một quá trình tương đối phức tạp: Độc lập khỏi Anh (1963); gia nhập liên bang Malaysia (1963) rồi lại tách ra tuyên bố độc lập (1965) khỏi Liên bang Malaysia sau những xung đột chính trị giữa đảng cầm quyền Singapore với chính quyền Liên bang. Chính vì từ những luận điệu tuyên truyền chiến tranh của Putin đối với Ukraine, Singapore nhận thấy có sự đồng cảm với Ukraine. Thủ tướng Lý Hiển Long, trong cuộc họp báo cùng với Tổng thống Hoa Kỳ Biden hôm vừa qua, đã tuyên bố: "Chúng tôi không thể chấp nhận bất cứ quốc gia nào đưa lý lẽ rằng nền độc lập của một quốc gia khác là do những sai lầm của lịch sử và những quyết định điên rồ".
Do vậy, tôi cho rằng chính sách đối ngoại của Singapore trong cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine là nhất quán, xuyên suốt có tính nguyên tắc, chứ không phải do bị "xúi bẩy" hoặc ai đó gây sức ép.
Chuyến thăm của Thủ tướng Lý Hiển Long tới Hoa Kỳ
Chuyến thăm làm việc này của Thủ tướng Lý là nguyên thủ đầu tiên trong ASEAN tới Hoa Kỳ trong nhiệm kỳ tổng thống Biden, trong thời điểm Hoa Kỳ và NATO đang bận rộn với cuộc chiến giữa Nga và Ukraine.
Trong tuyên bố chung tại cuộc họp báo giữa Thủ tướng Lý và Tổng thống Biden, tôi nhận thấy những điểm mạnh mẽ nhất, ngoài lên án cuộc xâm lược của Putin, là nhắc lại nguyên tắc các nước dù lớn dù nhỏ, phải được tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và quyền tự quyết, và Hoa Kỳ cùng Singapore sẽ tiếp tục đẩy mạnh thương mại tự do, cùng an ninh khu vực.
Tôi cho rằng chuyến thăm này cho thấy Singapore, như trước kia, cố gắng nỗ lực trở thành một bên hữu quan - relevant, tích cực trong việc thúc đẩy tự do thương mại trong châu Á - Thái Bình Dương, duy trì mối quan tâm của Hoa Kỳ tại khu vực này để đảm bảo sự ổn định về an ninh.
Người Singapore được cho là khá thực dụng và khôn ngoan, họ xây dựng Singapore có mối liên kết chặt chẽ với các siêu cường trên thế giới và biết cách cân bằng giữa các siêu cường. Đối với Hoa Kỳ, ngoài lĩnh vực thương mại, kinh tế như Singapore là quốc gia châu Á có đầu tư nước ngoài lớn thứ hai vào Hoa Kỳ, và Hoa Kỳ là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Singapore, thì về quốc phòng, Singapore là quốc gia duy nhất trên thế giới được Hoa Kỳ coi là Đối tác hợp tác an ninh lớn (Major Security Cooperation Partner). Hoa Kỳ duy trì một căn cứ hải quân một cách không chính thức tại Singapore, đổi lại Singapore cũng có sự hiện diện quân sự lớn thứ hai tại Hoa Kỳ, với hơn một ngàn quân nhân và nhân viên quân sự.
Là công dân Singapore, tôi thấy khá đồng tình với các hành động tích cực của Thủ tướng Lý. Các bạn biết đấy, trong thế giới phức tạp và thay đổi không ngừng hiện nay, những sự kiện xảy ra trong ngày đầu tiên, ngày thứ hai sẽ được gọi là "tin tức". Đến ngày thứ ba, những sự kiện đó trở thành "chuyện thường ngày ở huyện" và người ta sẽ quên dần nó đi, không ai để ý đến nữa. Chiến tranh ở Ukraine cũng vậy, có thể nhiều người sẽ quen dần với cảnh chiến sự, nhà cháy, thường dân thiệt mạng v.v, họ sẽ bỏ qua để quan tâm tới những vấn đề khác. Và vì thế cuộc xâm lược phi nghĩa này sẽ không kết thúc.
Nhưng nếu người lãnh đạo cao nhất của chính quyền tiếp tục cam kết, tiếp tục có hành động mạnh mẽ, cụ thể, mà mục đích cuối cùng không phải cái gì khác ngoài lợi ích của chính quốc gia, của Singapore, thì tác động của nó sẽ rất khác, và nhận thức của người dân cũng sẽ khác nhiều.
Đây chính là một phần trong chính sách Phòng thủ toàn diện (Total Defence) của Singapore dựa trên sáu nguyên tắc phòng vệ : về quân sự, kinh tế, xã hội, tâm lý, dân sự và an ninh mạng (digital). Phòng vệ về tâm lý là duy trì bản sắc và quyết tâm của người Singapore trong những cuộc khủng hoảng bất ngờ trong và ngoài nước.
Cũng xin chia sẻ thêm là chính sách Phòng thủ toàn diện đang được áp dụng ở ba nước: Singapore, Thụy Điển và Thụy Sỹ.
Trung tâm tài chính trung lập Singapore có trung lập?
Một số ý kiến cho rằng Singapore, một trung tâm tài chính quốc tế, đã quyết định, tiếp theo là Thụy Sỹ, từ bỏ chính sách trung lập của mình để theo Phương Tây, trừng phạt Nga.
Tôi cho rằng cả Thụy Sỹ và Singapore không bỏ, không thay đổi chính sách trung lập, mà như tổng thống Thụy Sỹ Cassis nêu rõ: "Chúng tôi không thay đổi nguyên tắc trung lập, song trung lập không có nghĩa là làm ngơ".
Thương mại hai chiều giữa Singapore với Nga, hay với Ukraine đều rất nhỏ (xuất khẩu sang Nga chủ yếu là linh kiện điện tử dùng cho công nghiệp vũ khí, chiếm chưa tới 0.1% tổng kim ngạch, trong khi đó nhập khẩu chiếm 0.8%, theo nguồn của Bộ Công thương Singapore). Tính về ảnh hưởng trực tiếp do Singapore áp đặt lệnh trừng phạt thì không đáng kể, tuy nhiên nó chặn đường né cấm vận từ Phương Tây của Nga, và ngăn Nga phát triển vũ khí.
Và đối với Singapore, việc áp đặt trừng phạt ở vị thế Trung tâm tài chính cho thấy Singapore sẵn sàng hy sinh một phần lợi ích kinh tế để bảo vệ lợi ích và các nguyên tắc cốt lõi của quốc gia, sẵn sàng tham gia cộng đồng quốc tế bảo vệ các chuẩn mực, quyền lợi các nước nhỏ.
Và hành động này cho thấy Singapore, một nước nhỏ cả về dân số và lãnh thổ, có uy tín và tầm nhìn không hề nhỏ. "Singapore, các vị đã thượng đài cùng các đại kiện tướng - Singapore, you punch over your weight" , tổng thống Biden đã nói như vậy với thủ tướng Lý.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.
Nhận xét
Đăng nhận xét