Chiến tranh Ukraina : Ấn Độ ở thế khó xử vì gần gũi với Nga
RFI
Đăng ngày:
Trong bối cảnh phần lớn các quốc gia trên thế giới đã chính thức lên án Nga sau khi nước này xâm lăng Ukraina, Ấn Độ vẫn từ chối làm việc này. RFI xin giới thiệu bài phân tích về tình thế của Ấn Độ trên trang mạng France 24.
Vì muốn bảo vệ lợi ích kinh tế của mình, Ấn Độ, đồng minh lịch sử của Nga, không lên án Nga xâm lược Ukraina. Một tháng sau khi chiến tranh bắt đầu, New Delhi đang rơi vào hoàn cảnh « éo le » khi phải hứng chịu áp lực ngày càng gia tăng của phương Tây, đặc biệt là từ Hoa Kỳ, một đối tác chiến lược ở Thái Bình Dương, và nỗi lo ngại trước nguy cơ Nga tiến lại gần kẻ thù của mình là Trung Quốc và Pakistan.
Từ một tháng qua, cuộc chiến ở Ukraina là chủ đề chính của các hoạt động ngoại giao trên thế giới. Hoa Kỳ, Liên Hiệp châu Âu (EU), Nhật Bản hàng ngày ban hành các biện pháp trừng phạt mới nhắm vào Nga. Thế nhưng, Ấn Độ dường như kiên quyết không ra mặt và tìm cách tránh chủ đề này bằng mọi giá.
Ví dụ gần đây nhất : trong hội nghị thượng đỉnh song phương được tổ chức giữa Ấn Độ và Úc hôm 21/03/2022, thủ tướng Úc Scott Morrison đã mở đầu cuộc họp bằng việc đề cập đến "bối cảnh rất đáng lo ngại của chiến tranh ở châu Âu" và tố cáo "cuộc xâm lược bất hợp pháp của Nga vào Ukraina". Về phần mình, thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi chỉ bàn về những chủ đề liên quan đến thương mại, công nghệ hay thậm chí là cricket, mà không bao giờ đề cập đến hồ sơ Ukraina.
Ấn Độ cũng vắng mặt trong 5 cuộc bỏ phiếu được tổ chức tại Liên Hiệp Quốc nhằm lên án hành động của Matxcơva, nhất là trong khuôn khổ nghị quyết của Hội đồng Nhân quyền yêu cầu một cuộc điều tra độc lập về những vi phạm của Nga tại Ukraina.
Do đó, nếu cuộc chiến ở Ukraina khiến một số nước như Đức đảo lộn các chính sách ngoại giao và quốc phòng của mình, thì Ấn Độ dường như bằng mọi giá muốn tiếp tục duy trì hướng đi của mình bằng cách không gây hấn với các đối tác phương Tây cũng như đồng minh Nga. Và Ấn Độ khó có thể tiếp tục lập trường này nếu cuộc xung đột ngày càng sa lầy.
Phong trào không liên kết
Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Ấn Độ là một trong những thành viên sáng lập Phong trào Không liên kết (NAM), những quốc gia từ chối liên kết chính thức với Hoa Kỳ hoặc Liên Xô. Ngày nay, phong trào vẫn nỗ lực duy trì lập trường này. Đối với Ấn Độ, điều này có nghĩa là không quay lưng lại với bất kỳ quốc gia nào nhưng cũng không tham gia vào bất kỳ liên minh quân sự nào hoặc can thiệp vào các cuộc xung đột ở nước ngoài. Kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, New Delhi vẫn duy trì quan hệ thương mại chặt chẽ với Nga, nhưng điều đó cũng không ngăn cản nước này tiến lại gần Hoa Kỳ trong những năm gần đây.
Như vậy, trong số 35 nước không tham gia cuộc bỏ phiếu của Liên Hiệp Quốc vào ngày 03/03 kêu gọi Nga chấm dứt ngay lập tức cuộc xâm lược Ukraina, tất cả đều là thành viên NAM, ngoại trừ Trung Quốc.
"Chúng ta đang phải đối mặt với một trong những vụ xâm lược nghiêm trọng nhất của một quốc gia kể từ khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc", Michael Kugelman, chuyên gia Nam Á tại Trung tâm Wilson, Hoa Kỳ chia sẻ với France 24. "Tại sao có đến hơn ba mươi quốc gia từ chối lên án cuộc xâm lược của Nga ? Câu trả lời rất đơn giản : bởi vì họ sẽ không có lợi nếu bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết này. Suy ra cho cùng, lợi ích, chứ không phải đạo đức sẽ quyết định đường lối chính sách đối ngoại."
Dầu mỏ và vũ khí
Đứng lùi lại phía sau trong những ngày đầu tiên Nga xâm lược Ukraina, New Delhi đã khẳng định rõ hơn thái độ này của mình vào ngày 09/03. Khi các biện pháp trừng phạt kinh tế của phương Tây bắt đầu có hiệu quả ở Matxcơva, bộ trưởng Tài chính Ấn Độ Nirmala Sitharaman đã thông báo với một số phương tiện truyền thông rằng Nga đã chào bán dầu thô với giá rẻ cho Ấn Độ. Lời chào mời hấp dẫn này đã được cụ thể hóa sau mười ngày với việc Ấn Độ mua 5 triệu thùng dầu thô với giá mềm. Giao dịch được thực hiện bằng đồng rupi được chuyển đổi sang đồng rúp để tránh các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Nhưng Ấn Độ đặc biệt bị lệ thuộc vào Nga trong lĩnh vực quốc phòng. "Từ lâu, Matxcơva là nhà cung cấp vũ khí hàng đầu của New Delhi, đồng thời hai nước cũng tiến hành nhiều trao đổi công nghệ", Avinash Paliwal, giáo sư quan hệ quốc tế tại Học viện Nghiên cứu Phương Đông và Châu Phi thuộc Đại học Luân Đôn, giải thích với France 24. Ông đồng thời nhấn mạnh : "Các lực lượng vũ trang Ấn Độ chủ yếu được trang bị vũ khí của Nga."
Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (Sipri), Nga là nhà xuất khẩu vũ khí lớn nhất thế giới, chỉ sau Mỹ : chiếm gần 20% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn cầu từ năm 2017 đến năm 2021. Và riêng Ấn Độ mua tới 28% tổng số vũ khí mà Nga xuất khẩu.
Mặc dù trong vài năm qua, Ấn Độ đang cố gắng đa dạng hóa nguồn cung ứng khi chuyển hướng sang Pháp, Israel và Mỹ, nhưng nước này vẫn phụ thuộc nhiều vào Matxcơva. Tổng cộng, theo dữ liệu do tổ chức phi chính phủ Mỹ Stimson thu thập, khoảng 85% kho vũ khí hiện tại của Ấn Độ là mua của Liên Xô cũ hoặc Nga.
Ông Michael Kugelman nói : "Nga đang cung cấp vũ khí với giá hời. Ví dụ như hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 mà New Delhi coi là thiết yếu cho an ninh quốc gia của mình. Không một quốc gia nào khác sẵn sàng đưa ra một thỏa thuận lời hơn thế".
Nỗi lo sợ khi đối mặt với Pakistan và Trung Quốc
"Ấn Độ hiện đang phải đối mặt với mối đe dọa kép, đó là Trung Quốc và Pakistan", ông Kugelman nói thêm. "Vì vậy, Ấn Độ rất cần sở hữu các thiết bị quân sự để răn đe Bắc Kinh và không thể từ chối vũ khí nhập khẩu của Nga."
Đặc biệt là kể từ khi cuộc chiến ở Ukraina đang làm dấy lên một mối lo ngại mới, đó là việc Matxcơva củng cố mối quan hệ với Pakistan kể từ khi Taliban lên nắm quyền ở Afghanistan vào tháng 8 năm 2021. Vào ngày 24/02, ngày đầu tiên của cuộc xâm lược Ukraina, thủ tướng Pakistan Imran Khan đã đến thăm điện Kremlin. Và trong khi cộng đồng quốc tế đồng loạt lên án hành động xâm lược của quân đội Nga, thì ông Imran Khan lại cảm thấy "rất vui" khi có mặt ở thủ đô Nga vào thời điểm đó.
Ấn Độ cũng lo ngại rằng Nga khi bị cô lập do các lệnh trừng phạt kinh tế thì sẽ xích lại gần kẻ thù của mình là Trung Quốc. Avinash Paliwal phân tích : "Việc chứng kiến một đồng minh quan trọng như Nga bị phụ thuộc về kinh tế và ngoại giao vào một đối thủ là Trung Quốc không phải là điều có lợi đối với New Delhi". "Quan hệ Trung-Nga đã có một bước ngoặt mới do cuộc chiến tranh ở Ukraina, và điều này có lợi cho Trung Quốc."
Đánh mất đồng minh ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương
Nếu Ấn Độ phụ thuộc quân sự vào Nga trong cuộc chiến chống lại mối đe dọa từ Trung Quốc, thì chính điều này đã thúc đẩy New Delhi tiến lại gần Washington và trở thành thành viên của liên minh Quad. Nhóm này, bao gồm Úc, Nhật Bản, Ấn Độ và Mỹ tập trung vào khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương với mục đích trở thành đối trọng với Trung Quốc.
Và trong khi chiến tranh ở Ukraina có nguy cơ đẩy Matxcơva vào vòng tay của Bắc Kinh, cuộc chiến cũng có nguy cơ khiến Mỹ mất tập trung ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, ông Michael Kugelman nhận định. "Cuộc chiến này có thể khiến Washington hạ thấp cảnh giác với Trung Quốc và tập trung vào châu Âu và Ấn Độ thì không muốn điều đó".
Cho đến nay, Ấn Độ là thành viên Quad duy nhất không lên án cuộc xâm lược của Nga. Bốn nước "có quan điểm rất khác nhau về hồ sơ Nga và đây là một trong số ít những bất đồng chính trị trong nhóm", ông Kugelman khẳng định.
Bằng cách duy trì quan hệ với Nga, New Delhi có nguy cơ xúc phạm đồng minh Mỹ của mình. "Lịch sử sẽ ghi nhớ Ấn Độ đứng về phe nào trong cuộc chiến này", Jen Psaki, phát ngôn viên Nhà Trắng cảnh báo sau tuyên bố của Ấn Độ về việc mua các thùng dầu.
Đóng vai trò hòa giải ?
Đối với ông Kugelman, Ấn Độ có thể thoát ra khỏi cái bẫy ngoại giao này bằng cách đóng vai trò một nước hòa giải. « Tôi nghĩ Ấn Độ là quốc gia rất hợp lý để đảm nhận vai trò của một nước hòa giải. Trong số các nước đề nghị làm trung gian hòa giải, như Israel, Pháp hay Thổ Nhĩ Kỳ, không có nước nào có mối quan hệ sâu đậm với Nga như Ấn Độ ».
"Ấn Độ nhạy cảm với những lời chỉ trích cho rằng tiếng nói họ không có trọng lượng trên chính trường quốc tế. Nếu đồng ý đóng vai trò làm trung gian hòa giải và có thể giúp chiến tranh chấm dứt, thì Ấn Độ sẽ cho thấy khả năng làm được những điều quan trọng và có ý nghĩa trên thế giới." Thế nhưng, đảm nhận vai trò hòa giải sẽ đồng nghĩa với việc đi chệch khỏi chính sách không can thiệp vào các xung đột ở nước ngoài.
Nhận xét
Đăng nhận xét