Cực hữu và Tân phát xít Nga: Putin xử lý 'thù trong giặc ngoài' ra sao?
Nguyễn Phương Mai
Theo BBC
Lực lượng quân đội Ukraine trên chiến tuyến chống lại lực lượng ly khai do Nga hậu thuẫn gần khu vực Donetsk - Getty |
Trong cuộc chiến Nga-Ukraine, một trong những từ khóa được nhắc tới nhiều nhất là "fascism" - chủ nghĩa phát xít. Đây là lý do chủ đạo lý giải tại sao Nga tấn công Ukraine.
Theo ông Putin, người gốc Nga ở phía Đông Ukraine đang bị "diệt chủng" bởi một "chính quyền theo chủ nghĩa tân phát xít". Bản thân người Ukraine cũng bị giữ làm con tin bởi một chính quyền họ "căm ghét". Quân đội Nga có nhiệm vụ "giải phóng" Ukraine, "bảo vệ" người dân khỏi bàn tay diệt chủng". Những người lính Nga sẽ được người Ukraine mang cờ hoa ra chào đón.
Phát xít là gì?
Trong một bài giảng về văn hóa Á Đông, tôi có kể câu chuyện bó đũa: một chiếc thì dễ gãy, nhưng ai có thể bẻ được cả bó đũa? Một sinh viên người Ý nhận xét: "Nếu ta lắp thêm vào bó đũa ấy một lưỡi dao, ta sẽ có chủ nghĩa phát xít".
Quả vậy, cái gốc của từ "phát xít" bắt nguồn từ fasces, gồm một bó que buộc chặt với một lưỡi rìu. Biểu tượng này được gắn trên vũ khí của các vệ sĩ thời La Mã, thể hiện sức mạnh của đế chế và quyền năng trừng phạt những kẻ không chịu phục tùng. Thêm một con đại bàng quắp lấy bó que, thế là ta có biểu tượng của phát xít Ý.
Tuy nhiên, phát xít là một thuật ngữ khó nhằn. Thậm chí định nghĩa của chính từ điển Oxford cũng không được hoàn toàn đồng thuận. Nó gắn chủ nghĩa phát xít với độc tài, chủ nghĩa dân tộc và cực hữu. Nhưng những yếu tố này chỉ là hệ quả chứ không nhất thiết là tiêu chí để xác định ai là phát xít. Ví dụ, thời kỳ đầu của phát xít Ý không phải "thiên hữu" như trong định nghĩa của Oxford mà lại là "thiên tả". Phát xít Ý thời đó đấu tranh cho giới hạn chỉ còn 8 giờ làm việc, nâng mức lương tối thiểu cho công nhân và đánh thuế nặng những kẻ giàu có.
Chính vì vậy, để hiểu phát xít một cách đúng nhất, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng ta phải bám chắc vào gốc cơ bản của nó. Đó là trên danh nghĩa lợi ích cộng đồng, mỗi cá nhân phải triệt để tuân lệnh, nếu không sẽ bị trừng phạt. Nói cách khác, tư tưởng phát xít xuất hiện khi quyền lợi của nhà nước được đặt lên trên tất cả, kể cả khi quyền tự do cá nhân bị chà đạp. Ví dụ, nhà người dân nằm trên khu đất chính quyền muốn giải tỏa, nhưng họ không được thuyết phục để rời đi mà bị cưỡng ép phải rời đi. Hoặc tiếng nói phê phán chính quyền sẽ bị coi là "bôi nhọ" chính quyền, và người tố cáo bị bỏ tù.
Từ cái cốt cơ bản đó, một xã hội bị quản thúc bởi tư tưởng phát xít khá giống một bầy cừu, con nào cũng giống con nào, đi theo cùng một hướng, nghĩ theo cùng một kiểu, tin vào cùng một hệ giá trị, trung thành với một kẻ chăn dắt duy nhất. Sự đồng nhất ấy được tôn vinh dưới các mỹ từ "tổ quốc là trên hết", "đoàn kết", "sức mạnh", "trong sạch" và "thuần nhất". Nó được củng cố bằng sự trừng phạt nếu con cừu nào dám đi lệch khỏi hàng, ngăn chặn tiếng nói đa phương trong hệ thống chính trị và kiềm tỏa ý kiến đa chiều của báo chí.
Tư tưởng phát xít tạo ra các nhà lãnh đạo chuyên chế
Hệ quả thứ nhất của tư tưởng phát xít có thể là những nhà chuyên chế. Họ giành quyền lực bằng bầu cử dân chủ, nhưng sau đó sẽ tạo ra một kẻ thù hoặc một cuộc khủng hoảng nguy hiểm để có cớ đưa đất nước vào tình trạng khẩn cấp, nhằm thâu tóm quyền lực trong tay. Đó chính là cách Hitler và nhiều nhà độc tài khác biến mình thành anh hùng cứu thế, đứng trên luật pháp, chỉnh sửa cả hiến pháp để tiếp tục tại vị và vượt quyền.
Có một điều khá thú vị là trong khi Putin tố cáo Ukraine là một chính quyền tân phát xít thì chính Nga đã luôn là một câu hỏi mở với nhiều nhà nghiên cứu chính trị: "Liệu Putin có đang lãnh đạo đất nước với tư tưởng phát xít?", "Liệu Putin có phải là một nhà độc tài?". Những người ủng hộ quan điểm này gồm cả các nhà chính trị và sử học phương Tây (Boris Johnson, Timothy Snyder) cũng như người Nga (Garry Kasparov, Vladislav Inozemtsev, Mikhail Iampolski).
Các tiền đề dẫn đến cách hiểu này bao gồm việc Putin đã nắm quyền hơn 20 năm qua với bàn tay sắt, sáp nhập Crimea từ Ukraine, dập tắt nhiều cuộc biểu tình và tiếng nói bất đồng chính kiến. Hàng chục cá nhân nổi tiếng phản đối Putin đã chết một cách bất ngờ và bí ẩn, trong đó chấn động nhất là một cựu tình báo Nga bị đầu độc trên đất Anh và một phóng viên bị bắn chết khi cô đang trong thang máy. Từ khi cuộc chiến với Ukraine bắt đầu, Whatsapp, Instagram, Twitter, Google News và nhiều kênh thông tin của Nga đã bị cấm. Luật mới ra có hiệu lực bỏ tù những người nêu quan điểm khác với chính quyền về cuộc chiến ở Ukraine.
Tư tưởng phát xít tạo ra chủ nghĩa dân tộc
Chủ nghĩa dân tộc trỗi dậy khi quốc gia lâm nguy. Nó bắt nguồn từ niềm tin mãnh liệt rằng, con người chỉ có thể phát triển phồn vinh nếu xã hội được xây dựng dựa trên các thiết chế cộng đồng đã có lịch sử từ hàng ngàn năm nay. Đó là "gia đình", "bộ lạc" và "quốc gia". Tất cả những gì rộng hơn biên giới một "quốc gia" đều có tiềm năng hủy diệt danh tính và giá trị một dân tộc. Một quốc gia hùng mạnh là một quốc gia không phụ thuộc, thậm chí đóng cửa vẫn có thể tồn tại.
Động lực của chủ nghĩa dân tộc là một món cocktail của niềm tự hào và nỗi sợ hãi. Họ đề cao dòng máu, màu da, văn hóa, tôn giáo bản địa. Nhưng họ cũng co cụm, coi mình là nạn nhân của hiểm họa văn hóa bản địa bị mai một, danh tính quốc gia bị lu mờ, chính quyền quốc gia bị mất quyền tự quyết, và sự trong sạch thuần khiết của dòng máu dân tộc bị phá hủy.
Trong nhiều trường hợp, giới lãnh đạo sẽ nhấn mạnh vào các mối đe dọa nhằm thu phục nhân tâm và biện minh cho sự trừng phạt các tiếng nói phản kháng. Họ biến các mối đe dọa đó thành hình hài cụ thể như người Do Thái, người nhập cư, người da đen, người ngoại đạo; các thiết chế vốn đã hay bị nghi ngờ bởi tư tưởng bá quyền như Mỹ, NATO, EU, Phương Tây, Liên Xô, Nga, Nhật, Trung Quốc…Cuối cùng, những chính sách xuyên biên giới như nhập cư, giao thương quốc tế và toàn cầu hóa cũng là những mối đe dọa cho chủ nghĩa dân tộc.
Với Putin, ông tố cáo Ukraine là một chính quyền tân phát xít có tội ác diệt chủng. Việc nhắc đến các từ "phát xít" và "diệt chủng" ngay lập tức gợi lại niềm tự hào đã làm nên danh tính của Liên Xô với tư cách là người chiến thắng Đức Quốc Xã. Theo nhà sử học Shane O'Rourke, Putin đã đánh thức quá khứ chiến tranh, biến nó thành chất keo đoàn kết. Mối đe dọa của Nga có hình hài cụ thể là một chính quyền Ukraine "phát xít". Ukraine trở thành kẻ thù không cần nhiều thuyết phục, bởi danh tính của người Liên Xô và Nga được xây dựng bằng những viên gạch vinh quang trên nấm mồ của phát xít.
Vây Putin đã đánh thức chủ nghĩa dân tộc (nationalism) hay chủ nghĩa yêu nước (patriotism)?
Yêu nước tự hào về tổ quốc mình. Chủ nghĩa dân tộc là tự cao về tổ quốc mình, hạ thấp giá trị của dân tộc khác (ngu thế thì mất nước là đáng).
Yêu nước cho phép ta nhìn ra lỗi lầm của chính phủ. Chủ nghĩa dân tộc cho rằng lãnh đạo nước mình lúc nào cũng có lý (fake news, tất cả đều nằm trong kế hoạch của chính phủ rồi).
Yêu nước cho phép ta dùng một hệ giá trị đúng sai để phản đối những chính sách phi nghĩa. Chủ nghĩa dân tộc đòi ta dùng một hệ nghĩa vụ và danh tính để trung thành vô điều kiện (đã là người ABC thì phải XYZ).
Yêu nước là tôn trọng chủ quyền nước khác và luật pháp quốc tế. Chủ nghĩa dân tộc miệng thì nói vậy nhưng tìm lách luật hoặc trắng trợn vi phạm nếu điều đó có lợi cho mình (không đánh phủ đầu trước thì họ sẽ đánh mình).
Nói cách khác, "chủ nghĩa dân tộc là sự phản bội của chủ nghĩa yêu nước" (Emmanuel Macron). Đây là lý do ông Trump bị phê phán khi tuyên bố mình là người theo chủ nghĩa dân tộc. Đây cũng chính là lý do Đảng Cộng Sản Việt Nam luôn khẳng định Hồ Chí Minh là người yêu nước, bất kỳ diễn ngôn nào cho rằng ông theo chủ nghĩa dân tộc là "âm mưu thủ đoạn của kẻ thù nhằm xuyên tạc tư tưởng của Người".
Tư tưởng phát xít tạo ra các nhóm cực hữu
Chủ nghĩa dân tộc thường thể hiện ra ngoài bằng các tổ chức như "cánh hữu thay thế" (alt-right), "cực hữu" (far-right/ extreme right), "da trắng thượng đẳng" (white supremacist), hay "chủ nghĩa dân tộc cực đoan" (extreme/ ultra-nationalist). Từ "tân phát xít" (neo-Nazi/ neo-fascist) cũng được dùng thường xuyên nhưng không được sự đồng thuận lớn từ các nhà khoa học. Quyền tự do chính trị có thể khiến các nhóm này tồn tại, nhưng họ luôn bị coi là các mối lo ngại, cần để mắt, kìm hãm, hoặc phải loại bỏ.
Vấn đề thứ nhất khiến Putin bị chỉ trích là lời tố cáo của ông không dừng lại ở các "nhóm" cực hữu có yếu tố tân phát xít như "tiểu đoàn" dân binh Azov. Ông đã tố cáo toàn bộ chính quyền Ukraine theo chủ nghĩa tân phát xít, được lãnh đạo bởi một tổng thống tân phát xít.
Điều này khiến nhiều người khó hiểu vì tổng thống Ukraine là người Do Thái, nạn nhân của phát xít. Bên cạnh đó, yếu tố tân phát xít trong tổ chức cực hữu Azov chỉ là thiểu số, chiếm 10-20% trong số khoảng 1000 thành viên. Tức là tân phát xít chiếm 0.4% lực lượng vệ binh quốc gia (50.000 người) và 0.1% lực lượng quân đội (hơn 200.000 người).
Trên mặt trận chính trị, các nhóm cực hữu thậm chí còn không lấy được ghế nào trong quốc hội. Chỉ giành được 2% số phiếu năm 2019, cực hữu Ukraine thực chất là nỗi "xấu hổ" cho cực hữu châu Âu vì đây là một tỷ lệ được bầu thấp thảm hại.
Để so sánh, các đảng cực hữu có mặt trong nhiều chính phủ châu Âu. Đảng Front National của Pháp từng chiếm 25% phiếu, Đảng Danish People's ở Đan Mạch chiếm 21% phiếu. Một số đảng cực hữu thậm chí thắng cử và điều hành chính phủ. Nếu có một chính phủ cầm quyền cực hữu, thì đó phải là Áo hoặc Hungary hay chứ không phải là Ukraine.
Vấn đề thứ hai khiến Putin bị chỉ trích là lời ông tố cáo chính quyền Ukraine "diệt chủng" người gốc Nga. Tuy nhiên, theo thống kê của tổ chức Human Right, đây là các hệ quả của xung đột, bạo lực và tội ác chiến tranh gây ra bởi cả hai bên chứ không phải diệt chủng.
Định nghĩa diệt chủng là hành động xóa sổ một dân tộc, bao gồm mạng sống, lối sống, tách rời trẻ em khỏi gia đình, cắt rời kết nối văn hóa, và triệt sản để không còn thành viên mới được phép sinh sôi. Dựa vào định nghĩa này, việc Putin gọi những gì diễn ra ở vùng Đông Ukraine là diệt chủng khiến 150 nhà sử học chuyên nghiên cứu về Thế Chiến 2 phải ký một bản tuyên bố rằng lời tố cáo của ông Putin là một "sự xúc phạm" đến hàng triệu nạn nhân Đức Quốc Xã.
Như vậy, các nhóm cực hữu là hiểm họa không thể chối cãi của Ukraine cũng như nhiều quốc gia châu Âu. Tuy nhiên, đảng cực hữu của Ukraine không dành được tiếng nói trong chính trường, yếu tố tân phát xít trong các nhóm cực hữu không phải chủ đạo, và tội ác diệt chủng là điều vẫn chưa được chứng minh.
Putin với cực hữu và tân phát xít Nga
Chủ nghĩa dân tộc và cực hữu có xu hướng phủ nhận quyền sống của các sắc dân nhập cư không "thuần chủng". Người Việt cũng như nhiều sắc dân khác đã luôn là nạn nhân, con dê tế thần, kẻ ăn cắp việc làm, mối nguy hiểm cho dòng máu thuần khiết, và gần đây nhất là nguyên nhân của đại dịch. Điều này xảy ra ở nhiều quốc gia khác nhau, và Nga không phải là ngoại lệ.
Vào năm 2004, Việt Nam chấn động bởi một vụ án thương tâm xảy ra ngay giữa đường phố St. Petersburg. Vũ Anh Tuấn, một sinh viên 20 tuổi trên đường về ký túc xá đã bị gần hai chục tên đầu trọc dùng dao đâm nhiều nhát cho đến chết. Hai năm sau, hơn 1kg thuốc nổ phá nát một phần chợ Vòm Moscow, giết 10 người, trong có 1 người Việt Nam. Những khu chợ nhiều người nhập cư đã luôn là mục tiêu tấn công của tân phát xít Nga.
Nạn đầu trọc Nga bắt nguồn từ sự lo lắng sợ hãi khi phải chứng kiến danh tính một dân tộc nhanh chóng bị xóa sổ khi Liên Xô sụp đổ, bị phai nhạt bởi làn sóng người nhập cư vào Nga từ các nước cộng hòa thành viên cũ của Liên Xô. Các nhóm cực hữu thay cảnh sát lùng sục đập phá nhà dân, nơi chúng nghi có người nhập cư ở quá hạn. Vào thời kỳ đỉnh điểm năm 2007, Nga có hơn 100.000 thành viên đầu trọc.
Tuy nhiên, nạn đầu trọc Nga đã giảm mạnh dưới bàn tay sắt của chính quyền. Năm 2021, tổng số nạn nhân chỉ còn lại 3 người chết và 59 người bị thương. Các nhà phân tích cho rằng Putin đã sử dụng hai biện pháp song song, dùng cả cây roi và củ cà rốt để điều khiển và thâu tóm các nhóm cực hữu ở Nga một cách chiến lược.
Ví dụ, Nga chia các tổ chức cực hữu, tân phát xít và chủ nghĩa dân tộc thành 3 nhóm. Nhóm thứ nhất có xu hướng chống lại Putin nên cần nhổ tận gốc, tiêu biểu là Đảng National Bolsheviks. Nhóm thứ hai có thể khai thác làm vũ khí để dập tắt các phong trào biểu tình đòi tự do dân chủ, nhưng cũng có thể bị trấn áp khi không còn tác dụng. Nhóm thứ ba đồng nhất hơn với tư tưởng của chính quyền, tiêu biểu là tổ chức Eurasian Youth Union của Alexander Dugin - một chính trị gia cực hữu thân cận với Putin. Thành viên của nhóm thứ ba có đặc thù chung là giới trẻ thần tượng Putin, tôn thờ các giá trị cổ truyền, sùng đạo Chính Thống Nga, và trung thành vô điều kiện với tổ quốc.
Như vậy, bức tranh cực hữu, tân phát xít và chủ nghĩa dân tộc của Nga khá đa dạng và phức tạp. Đáng chú ý là họ ở cả hai bên chiến tuyến, là kẻ thù của nhau trong cuộc chiến Nga-Ukraine. Trên chiến trường, một phe ủng hộ Putin và quyết tử để vùng Đông Ukraine độc lập dưới sự bảo trợ của Nga. Một phe ủng hộ Ukraine, gia nhập tổ chức Azov, quyết tử với chính đồng bào mình để Ukraine toàn vẹn lãnh thổ.
Putin và các nhóm cực hữu ngoài biên giới Nga
Theo các nhà phân tích, sau khi sáp nhập một phần đất của Ukraine và Georgia vào Nga bằng các cuộc bỏ phiếu bị cho là thiếu minh bạch, Putin hiểu rằng nước Nga đang bị cô lập trên mặt trận thông tin. Tiếng nói duy nhất ủng hộ Putin đến từ các đảng nhóm cực hữu của Mỹ và châu Âu. Họ cho rằng Putin có nhiều điểm tương đồng: ủng hộ chủ nghĩa dân tộc, chống lại các liên minh toàn cầu và đa văn hóa, đề cao giá trị truyền thống và tôn giáo, kỳ thị người Do Thái, người da màu, người nhập cư và người đồng tính.
Không bỏ lỡ cơ hội, Putin đã xây dựng mối quan hệ với cực hữu phương Tây một cách chiến lược. Chính quyền Nga đã tổ chức hội thảo, ủng hộ dự án, ký hiệp định hợp tác với các đảng cực hữu của Ý, Áo, Đức, Bulgaria, thậm chí cho đảng National Front (Pháp) vay 13 triệu đôla. Khoản vay được ký kết vào thời điểm bà Le Pen có khả năng thắng cử, trở thành một tổng thống có tư tưởng giống Putin: phản đối EU và NATO.
Những lãnh đạo cực hữu và tân phát xít nổi tiếng đã công khai ca tụng Putin gồm có Matthew Heimbach - người đứng đầu một tổ chức da trắng thượng đẳng tại Mỹ. Ông từng nói "Hitler là một người tốt", "Dân Do Thái không thể thế chỗ chúng ta". Ông thậm chí chuyển đạo sang Chính Thống giáo của Nga và tuyên bố: "Putin là nhà lãnh đạo của thế giới tự do".
Một nhân vật khác là David Duke - cựu thành viên nhóm phân biệt chủng tộc Ku Klux Klan tại Mỹ - đã được phép quảng cáo và bán cuốn sách mang tư tưởng tân phát xít giải trừ người Do Thái của mình tại sảnh quốc hội Nga. Ông tuyên bố "Moscow là chìa khóa đối với sự sinh tồn của người da trắng". Tương tự, một tác giả sách khác cho rằng trong 2 thập kỷ nữa, Nga sẽ là quốc gia duy nhất còn giữ được hình hài của một dân tộc châu Âu.
Chủ nghĩa dân tộc là con dao hai lưỡi
Như vậy, chiến lược của Putin với các nhóm cực hữu trong và ngoài biên giới thể hiện sự tính toán khôn ngoan. Ông coi cực hữu ở phương Tây là đồng minh để cùng phản đối Mỹ, NATO, EU và các thiết chế toàn cầu. Ông coi cực hữu ở Ukraine là kẻ thù để khởi động chiến tranh. Ông coi cực hữu trong nước là những kẻ vừa là thù vừa là bạn mà ông có thể dùng quyền lực của một nhà lãnh đạo chuyên chế để thao túng và thâu tóm.
Tuy nhiên, những chiến lược đó cũng có nhiều thách thức. Chủ nghĩa dân tộc có sức mạnh kinh hoàng không kém gì chủ nghĩa thánh chiến (jihadism). Khi Liên Xô đổ quân vào Afghanistan để hỗ trợ chính quyền thân cộng sản, Mỹ đã hậu thuẫn các chiến binh thánh chiến. Mỹ coi họ là những kẻ cực đoan nhưng vẫn "ít độc hại hơn" kẻ thù Liên Xô. Nhiều năm sau, những kẻ "ít độc hại hơn" ấy quay lại tấn công chính bàn tay đã viện trợ họ, dẫn đến sự kiện Tháp Đôi thảm khốc - bài học đắt giá mà Mỹ phải trả cho việc chơi dao không lường trước sẽ có ngày đứt tay.
Hiểu được mối quan hệ nhân quả giữa tư tưởng phát xít, chủ nghĩa dân tộc, độc tài chuyên chế và cực hữu giúp ta nhìn những xúc cảm chiến tranh một cách cẩn trọng hơn. Ví dụ, kể cả khi ta ủng hộ Ukraine, thì việc tung hô những phần tử cực đoan thuộc nhóm Azov là "anh hùng" chưa chắc đã là điều nên làm. Bây giờ, họ là những kẻ "ít độc hại hơn". Nhưng khi chiến tranh kết thúc, chủ nghĩa dân tộc có thể khiến kẻ thù của họ chuyển từ Nga sang chính những sắc dân nhập cư có "dòng máu lai tạp", bao gồm cả người Việt ở Ukraine.
Câu nói của triết gia Nga Ivan Ilyin chưa bao giờ mất giá trị: "Chủ nghĩa phát xít là sự thừa thãi của lòng yêu nước một cách tùy tiện". Nó khiến mỗi cá nhân chúng ta phải tự hỏi, làm thế nào để tình yêu thiêng liêng ấy không bị thao túng, tẩy não hoặc ép buộc ta trở thành một con cừu phải đi đúng hàng dưới sức mạnh thôi miên của một "bó đũa có gắn lưỡi dao"?
PGS.TS Nguyễn Phương Mai làm việc tại ĐH Khoa học Ứng dụng Amsterdam, Hà Lan, với chuyên môn quản trị đa văn hoá
Nhận xét
Đăng nhận xét