Bài học từ xung đột Nga-Ukraine là Trung Quốc nên mở cửa hơn


Trịnh Vĩnh Niên

Lời giới thiệu : Dưới đây là bài phỏng vấn ông Trịnh Vĩnh Niên (Zheng Yongnian), nhà nghiên cứu chính trị quốc tế nổi tiếng, do Thời báo Hoàn Cầu (Global Times) thực hiện, đăng trên trang mạng Huanqiu.com ngày 18/3/2022.

image.png
Ông Trịnh Vĩnh Niên (Zheng Yongnian), nhà nghiên cứu chính trị quốc tế nổi tiếng

Xung đột Nga-Ukraine có ảnh hưởng gì tới Châu Âu và thế giới ?

Hỏi : Ông cho rằng cuộc xung đột Nga-Ukraine sẽ có thể chấm dứt với hình thức nào ? Là hai bên thoả hiệp hay là có thể mở cái "Hộp Pandora" dẫn đến một cuộc chiến tranh quy mô lớn hơn, liên quan tới nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ ?

Đáp : Mặc dầu cho tới nay NATO luôn không muốn trực tiếp đối mặt với quân đội Nga nhưng chúng ta vẫn rất khó nói cuộc xung đột này chỉ là sự đọ sức giữa hai bên Nga và Ukraine. Cũng chính vì các nhân tố phức tạp phía sau ấy mà cho dù các bên đều kêu gọi ngừng bắn nhưng Nga, Ukraine đều chưa có dấu hiệu ngừng chiến.

Nhưng xét trên hiện thực, mục tiêu của Nga không phải là lấy cả Ukraine, lấy một quốc gia có diện tích lãnh thổ còn lớn hơn cả nước Đức đâu có dễ thế. Ukraine cũng hiểu rằng không có sự trực tiếp can dự của NATO thì Ukraine không thể giành thắng lợi. Nói về Châu Âu, dù họ đứng cùng Mỹ tiến hành trừng phạt kinh tế Nga, nhưng kiểu trừng phạt ấy đối với các nước như Đức, Pháp là kiểu "Diệt địch một nghìn, tự mình thiệt tám trăm".

Những điểm kể trên có thể trở thành động lực tiềm tại để các bên đạt được thoả hiệp, vấn đề là làm thế nào để phát huy được động lực tiềm tại đó. Nên biết rằng nếu một cuộc chiến tranh kiểu thông thường bị mất kiểm soát thì việc sử dụng vũ khí hạt nhân loại nhỏ không phải là hoàn toàn không thể xảy ra. Một khi xuất hiện tình hình ấy, ngọn lửa chiến tranh sẽ lan ra khắp Châu Âu.

Hỏi : Sau khi nổ ra xung đột Nga-Ukraine, Đức tăng ngân sách quốc phòng, Phần Lan xuất hiện chuyển biến khá lớn trong trưng cầu dân ý về vấn đề có nên gia nhập NATO hay không… Ông cho rằng cuộc xung đột này sẽ thay đổi bản đồ địa chính trị Châu Âu như thế nào ? Điều đó sẽ ảnh hưởng ra sao đối với thế giới ?

Đáp : Dù rằng Châu Âu hiện nay đứng cùng Mỹ nhưng kiểu "đoàn kết" này rất yếu ớt. Nhìn từ góc độ lâu dài và lịch sử, tôi cho rằng Châu Âu đang ở vào tình trạng nguy hiểm, EU càng ở vào thời điểm rất mong manh.

Trước hết, nhiều nước đã bày tỏ ý muốn gia nhập NATO, Đức càng dự kiến tăng chi phí quân sự lên đến 2% GDP, điều đó có lẽ có nghĩa là một cuộc cạnh tranh quân sự sẽ tái diễn tại Châu Âu. Xét về ngắn hạn, do Nga – Ukraine xung đột mà các nước Châu Âu đều không có ý kiến phản đối [Đức làm] điều đó. Nhưng nhìn về lâu dài, một nước Đức tái quân sự hoá quyết không phải là điều mà nước Pháp vui lòng nhìn thấy. Địa chính trị nội bộ Châu Âu có thể đứng trước biến động lớn hơn.

Thứ hai, Châu Âu còn có thể đứng trước rủi ro phổ biến [vũ khí] hạt nhân. Việc Belarus sửa Hiến pháp, bãi bỏ địa vị quốc gia "không hạt nhân", liệu có thể phát sinh hiệu ứng Domino hay không ? Nếu như thật sự xảy ra tình hình cực đoan gọi là "sự tan rã của nước Nga", xuất hiện sự phổ biến vũ khí hạt nhân, thế thì Châu Âu sẽ đứng trước mối đe dọa hạt nhân vô cùng lớn. Sau Chiến tranh Lạnh, các học giả Mỹ như Huntington cho rằng Châu Âu và Mỹ dường như đã thành một khối, xung đột chỉ có thể xảy ra giữa các nền văn minh, nhưng tôi cho rằng quan điểm đó là sai lầm. Nhìn vào lịch sử, dù là Thế chiến I hoặc Thế chiến II đều xảy ra bên trong cùng một nền văn minh Châu Âu. Chưa chắc cuộc xung đột kịch liệt nội bộ nền văn minh Châu Âu sẽ lại không tái diễn.

Thứ nữa, việc tái quân sự hoá nước Đức có thể sẽ khích lệ Nhật một lần nữa xúc tiến sửa hiến pháp, tìm kiếm sự tái quân sự hoá. Nhiều khoá Chính phủ Nhật đã nêu ra kiến nghị tương tự, điều đó sẽ làm thay đổi bản đồ địa chính trị Châu Á. Tân Tổng thống Hàn Quốc cũng đề xuất vấn đề "Cùng hưởng hạt nhân" với Mỹ.

Có thể nói, nhìn từ góc độ địa chính trị và kinh tế lâu dài, cuộc xung đột Nga-Ukraine không có kẻ thắng, trừ nước Mỹ — một Châu Âu quá đoàn kết sẽ không cần nước Mỹ nữa, chính vì nội bộ Châu Âu có bất đổng nên địa vị lãnh đạo của Mỹ trong NATO mới có thể vững chắc hơn.

Quan điểm của tôi là, cho dù lần xung đột Nga-Ukraine này kết thúc với hình thức nào thì Châu Âu đều cần phải tiến hành một đợt tái suy nghĩ lớn về địa chính trị : Rốt cuộc công việc của Châu Âu sau đây nên để nước Mỹ chủ đạo hay để Châu Âu chủ đạo ? Rốt cuộc Châu Âu có năng lực độc lập xử lý những công việc có liên quan tới Nga hay không ? Chúng ta và bản thân Châu Âu đều không được coi nhẹ năng lượng của Châu Âu.

Còn có thể dùng logic tam giác lớn Trung Quốc – Mỹ – Nga để xem xét thế giới được không ?

Hỏi : Trong một bài báo đăng cách đây không lâu, ông viết cuộc xung đột Nga-Ukraine có thể ảnh hưởng tận gốc tới trật tự quốc tế của chúng ta. Hiện nay rất nhiều người quen dùng logic "tam giác lớn" Trung Quốc – Mỹ – Nga để xem xét trật tự quốc tế. Sau cuộc xung đột Nga -Ukraine, chúng ta có thể còn tiếp tục cách làm như vậy chăng ?

Đáp : Sau khi chiến tranh lạnh chấm dứt, Mỹ ngày càng coi nhẹ Nga, cho rằng Nga là một "kẻ gây rắc rối", mà Trung Quốc mới là kẻ cạnh tranh chủ yếu, thậm chí là kẻ địch. Bởi thế trong những năm qua Mỹ luôn lo xây dựng một "Tiểu NATO Châu Á" nhằm vào Trung Quốc, trọng điểm chiến lược của Mỹ ngày càng từ Châu Âu, Trung Đông dịch chuyển sang vùng Châu Á-Thái Bình dương. Tôi cho rằng xung đột Nga-Ukraine nổ ra sẽ không làm thay đổi phương hướng chiến lược tổng thể của Mỹ, nhưng nó làm cho tầng lớp tinh hoa Mỹ nhận thức được một hiện thực : trong những năm qua, Mỹ đã đánh giá thấp Nga.

Nhìn chung, trật tự quốc tế sau Thế chiến II đang ở trong quá trình nhanh chóng tan rã, rất nhiều nước đang tìm kiếm phạm vi thế lực địa chính trị của mình và mong muốn xây dựng một trật tự quốc tế có lợi cho mình, Nga chỉ là một trong số đó. Vì thế nếu lại dùng góc nhìn tam giác lớn Trung Quốc – Mỹ – Nga để xem xét thế giới ngày nay thì không đủ.

NATO chống lại "Tiểu Liên Xô" ?

Hỏi : Nhìn từ nguyên nhân nổ ra cuộc xung đột Nga-Ukraine, phải chăng sự mở rộng NATO đã đến giới hạn ?

Đáp : Sự mở rộng NATO sẽ không dừng lại. Khối quân sự khác khối kinh tế, đặc trưng của nó là có "Tính mở rộng vô hạn". Chúng ta có thể coi NATO là một đế quốc quân sự do Mỹ chủ đạo. Nếu ta dùng lý luận "Quyền lực tuyệt đối dẫn đến sự suy đồi tuyệt đối" của phương Tây để xem xét NATO thì thực ra NATO đã là ví dụ điển hình nhất của việc "Quyền lực tuyệt đối, suy đồi tuyệt đối" trong chính trị quốc tế. Sự mở rộng NATO tại Châu Âu bao giờ mới có thể dừng lại ? Hiện nay thì tuyệt đối sẽ chưa dừng, hoặc cho tới khi xuất hiện một khối quân sự khác có thể ngang ngửa với nó, hình thành một kiểu cân bằng, thì nó mới dừng lại.

Có một xu thế đáng cảnh tỉnh là NATO với tính chất một khối quân sự, chẳng những sẽ không dừng bước chân mở rộng nó tại Châu Âu mà có thể còn mở rộng tới Châu Á. Nói chính xác, mọi chuyện hiện nay Mỹ làm ở Châu Á đã chẳng khác gì chuyện năm xưa Mỹ tạo dựng NATO. Thực ra hình hài của "NATO phiên bản Châu Á" đã tồn tại. An ninh của Châu Á rất mong manh. Sở dĩ mâu thuẫn giữa Trung Quốc với "NATO phiên bản Châu Á" mà Mỹ mưu toan xây dựng còn chưa gấp rút nâng cấp, điều đó hoàn toàn là do Trung Quốc không muốn bắt chước Liên Xô trước đây đi xây dựng đoàn thể của mình. Sau cuộc xung đột Nga-Ukraine, xu thế Châu Á trở thành trung tâm kinh tế thế giới sẽ ngày càng rõ rệt, sự can dự của Mỹ vào Châu Á cũng sẽ mở rộng hơn. Trung Quốc và các quốc gia Châu Á khác nên tổng kết và nghiêm chính đối phó –– cho dù Châu Á không có Ukraine, nhưng nhiều nước và lãnh thổ Châu Á đều có thể xuất hiện tình hình tương tự cuộc khủng hoảng Ukraine hiện nay.

Hỏi : Có quan điểm cho rằng ý đồ của Nga là muốn xây dựng một "Liên Xô Nhỏ" với trung tâm là ba nước "Nga – Belarus – Ukraine", với các nước Trung Á làm vùng đệm. Ông bình luận thế nào về quan điểm đó ? Ý đồ chiến lược của Nga có thể thực hiện được hay không ? Phải chăng ý đồ ấy sẽ làm cho quốc lực Nga bị tổn hao quá sức ? Điều đó có ảnh hưởng gì tới Trung Quốc và thế giới ?

Đáp : Trong cuộc đối kháng với phương Tây, Nga rất khó bị hoàn toàn đánh bại. Là một nước lớn, cho dù thất bại thì thường là tạm thời. Chỉ cần Nga cảm thấy an ninh quốc gia bị đe doạ, chỉ cần còn tồn tại NATO thì Nga sẽ có ý đồ tái xây dựng một "Liên Xô Nhỏ" hoặc cơ chế an ninh tương tự. Dù chúng ta không muốn nhìn thấy màn kịch ấy xảy ra, nhưng nguyên nhân phía sau hành động ấy của Nga là hiện thực.

Logic chính trị quốc tế của phương Tây là thế này. Bắt đầu từ cổ Hy Lạp đã tồn tại sự đối kháng giữa hai khối [nguyên văn : tập đoàn]. Nga cũng là một phần của văn minh phương Tây. Trừ phi lần này Nga bị hoàn toàn đánh bại, nếu không Châu Âu thậm chí thế giới sẽ không thể tránh khỏi tình trạng lưỡng cực hoá. Một khi Nga-Mỹ lại hình thành tình thế tương tự Chiến tranh Lạnh, Trung Quốc sẽ rất khó chọn đứng về bên nào, các nước như Ấn Độ cũng vậy. Điều đó sẽ là một tai nạn đối với toàn thế giới.

Gợi ý quan trọng đối với Trung Quốc từ cuộc xung đột Nga-Ukraine : Trung Quốc nên mở cửa hơn nữa !

Hỏi : Ông cho rằng cuộc xung đột Nga-Ukraine lần này có những gợi ý nào đối với Trung Quốc ? Trở thành kẻ dàn xếp [nguyên văn : hiệp điều] trong cuộc xung đột Nga-Ukraine đối với Trung Quốc mà nói rốt cuộc là rủi ro lớn hơn hay cơ hội lớn hơn ?

Đáp : Cuộc xung đột này đem lại gợi ý lớn đối với Trung Quốc. Sự khác nhau lớn nhất giữa Trung Quốc với Nga là Nga chỉ là một cường quốc quân sự, không có thực lực kinh tế lớn mạnh, còn Trung Quốc vừa có thực lực quân sự đủ để tự bảo vệ mình lại có thực lực kinh tế lớn mạnh và mối liên hệ kinh tế khăng khít với phương Tây. Đây cũng là lý do vì sao trong con mắt giới tinh hoa Mỹ, sự thách thức mà Trung Quốc tạo ra đối với Mỹ lớn hơn nhiều so với sự thách thức mà Nga tạo ra đối với Mỹ.

Thứ nhất, sự tồn tại dựa vào nhau về kinh tế không thể tuyệt đối tránh được nổ ra chiến tranh, nhưng có thể làm giảm mức độ ác liệt của chiến tranh. Nếu sự trừng phạt kinh tế mà Mỹ Âu tiến hành với Nga là "Giết địch một nghìn, mình mất năm trăm", thì việc trừng phạt Trung Quốc có nền kinh tế mở và lớn mạnh sẽ là "Giết địch một nghìn, mình mất một nghìn". Như vậy sự trừng phạt ấy sẽ rất khó bền vững. Đến lúc đó Trung Quốc cũng chẳng cần như Nga dùng đe dọa bằng vũ khí hạt nhân để bảo vệ lợi ích tự thân, nền kinh tế ràng buộc lẫn nhau đã làm cho phương Tây cảm thấy đau một cách thiết thực. Cho nên gợi ý thứ nhất của cuộc xung đột Nga-Ukraine đối với Trung Quốc là Trung Quốc nên mở cửa hơn nữa, các doanh nghiệp Trung Quốc phải khắc phục muôn vàn khó khăn, tiếp tục nỗ lực đi ra thế giới.

Thứ hai, Trung Quốc đã là một nước lớn trên thế giới, đối mặt với cuộc xung đột này là một phần trách nhiệm quốc tế nước lớn mà Trung Quốc thực thi. Chúng ta vừa không thể để cho phương Tây hoàn toàn trói Trung Quốc và Nga vào với nhau, lại cũng không thể để Mỹ "bắt cóc" Châu Âu —Trung Quốc và Châu Âu có lợi ích chung to lớn mà không có tranh chấp địa chính trị, sự bất đồng về ý thức hệ [nguyên văn : ý thức hình thái] giữa hai bên hoàn toàn có thể hàn gắn được. Cho dù sau cuộc xung đột Nga-Ukraine, sự lo nghĩ về an ninh của Châu Âu trên mức độ nhất định sẽ áp đảo mối lo về kinh tế, nhưng Châu Âu vẫn như cũ, là đối tượng mà Trung Quốc có thể tranh thủ.

Thứ ba, cuộc xung đột này đòi hỏi chúng ta suy ngẫm xem Trung Quốc nên xử lý ra sao mối quan hệ giữa "mở cửa" với "an ninh" ? Tôi cho rằng an ninh mãi mãi là một khái niệm tương đối, không mở cửa mới là không an ninh nhất. Điều chúng ta nên làm là dưới trạng thái mở cửa, thăm dò tìm kiếm cơ chế an ninh của mình, chứ không phải vì cái gọi là an ninh tuyệt đối mà ngừng mở cửa với bên ngoài. Điều đó giống như trong thời kỳ bắt đầu mở cửa từng nói : Mở cửa thì tự nhiên sẽ có ruồi muỗi bay vào, nhưng chỉ cần bản thân ta thực hiện được sự lớn mạnh thì để cho muỗi cắn vài nốt cũng chẳng giết nổi người nào sất.

Trịnh Vĩnh Niên

Nguyên tác tiếng Hoa : 环球时报专访知名国际政治学者郑永年: 乌冲突对中国的启示——应更加开放, Thời báo Hoàn Cầu, 18/03/2022

Nguyễn Hải Hoành biên dịch

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?