[TRỰC TIẾP] Cập nhật tình hình Nga-Ukraine

Dưới đây là bản tin cập nhật trực tiếp diễn biến của cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine từ ngày 29/03/2022, với tin mới nhất ở phần trên cùng.

Mời quý vị theo dõi toàn bộ các bản tin cập nhật trực tiếp về tình hình cuộc chiến tại đây.


Các quan chức UkraineNga ném bom các khu vực mà họ cam kết thu hẹp quy mô hoạt động 

Quân đội Nga đã bắn phá các khu vực xung quanh Kyiv và một thành phố khác chỉ vài giờ sau khi cam kết thu hẹp quy mô hoạt động ở những khu vực đó để thúc đẩy lòng tin giữa hai bên, các nhà chức trách Ukraine cho biết hôm thứ Tư (30/03).

Các cuộc pháo kích — các cuộc tấn công cường độ cao hơn của Nga vào các khu vực khác của đất nước — làm giảm sự lạc quan về bất kỳ tiến triển nào trong các cuộc đàm phán nhằm kết thúc cuộc chiến trừng phạt này.

Hôm thứ Ba (29/03), quân đội Nga thông báo rằng họ sẽ giảm leo thang gần thủ đô và thành phố Chernihiv ở phía bắc để “tăng cường sự tin tưởng lẫn nhau và tạo điều kiện cần thiết cho các cuộc đàm phán tiếp theo.” Nhưng thông báo này đã vấp phải sự nghi ngờ sâu sắc từ Tổng thống Zelensky và phương Tây.

Ngay sau đó, các quan chức Ukraine báo cáo rằng các cuộc pháo kích của Nga đã đánh trúng các ngôi nhà, cửa hàng, thư viện, và các địa điểm dân sự khác trong và xung quanh Chernihiv và các vùng ngoại ô của Kyiv. Quân đội Nga cũng tăng cường các cuộc tấn công vào khu vực Donbas ở phía đông và xung quanh thành phố Izyum, nằm trên tuyến đường quan trọng dẫn tới Donbas, sau khi tái điều động các đơn vị từ các khu vực khác, phía Ukraine cho biết.

Ông Olexander Lomako, thư ký của hội đồng thành phố Chernihiv, cho biết thông báo của Nga hóa ra “hoàn toàn là một lời nói dối.”

Ông Lomako nói: “Vào ban đêm, họ không hề giảm mà ngược lại còn tăng cường độ hoạt động quân sự.”


Đức tuyên bố vẫn thanh toán khí đốt cho Nga bằng euro hoặc dollar sau cuộc gọi giữa hai nhà lãnh đạo

thanh toán khí đốt Nga
Thủ tướng Đức Olaf Scholz trình bày trong Hội nghị thượng đỉnh về các Giải pháp Toàn cầu 2022 tại Berlin, hôm 28/03/2022. (Ảnh: Annegret Hilse/Reuters)

Một phát ngôn viên của chính phủ Đức cho biết, quốc gia này vẫn sẽ tiếp tục thanh toán khí đốt cho Nga bằng đồng euro hoặc đồng dollar, đồng thời nói thêm rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nói với Thủ tướng Đức rằng sẽ không có gì thay đổi đối với các đối tác Âu Châu mặc dù ông có kế hoạch thanh toán bằng đồng rúp.

Nga đã nói rằng do các lệnh trừng phạt tài chính của phương Tây về vấn đề Ukraine, nên nước này có kế hoạch sẽ yêu cầu thanh toán cho các mặt hàng xuất cảng năng lượng của họ — đặc biệt là khí đốt mà Đức phụ thuộc vào — bằng đồng rúp thay vì đồng euro hoặc đồng dollar như thường lệ.

Trong một cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo, ông Putin đã nói với Thủ tướng Đức Olaf Scholz rằng sẽ không có gì thay đổi đối với các đối tác Âu Châu và các khoản thanh toán sẽ được thực hiện bằng đồng euro và được chuyển đến ngân hàng Gazprom, nơi sẽ chuyển tiền đó thành đồng rúp, phát ngôn viên của Đức cho biết.

“Trong cuộc trò chuyện, ông Scholz đã không đồng ý với thủ tục này, nhưng yêu cầu cung cấp thông tin bằng văn bản để hiểu rõ hơn về thủ tục này,” người phát ngôn viên này cho biết.

Ông nói thêm rằng một thỏa thuận của nhóm G7, trong đó nêu rõ rằng các nguồn cung cấp năng lượng từ Nga sẽ chỉ được thanh toán bằng đồng euro hoặc đồng USD, vẫn sẽ được giữ nguyên.

Đức đã khởi động một kế hoạch khẩn cấp để quản lý nguồn cung cấp khí đốt có thể chứng kiến nền kinh tế lớn nhất Âu Châu suy yếu nếu sự bế tắc về yêu cầu của Nga trong việc thanh toán nhiên liệu bằng đồng rúp làm gián đoạn nguồn cung.

Mời quý vị xem toàn bộ bài viết tại đây


Tổng thống Zelensky: Người Ukraine không ‘ngây thơ’, bác bỏ thông tin quân đội Nga rút quân

Hôm thứ Tư (30/03), Ukraine và các đồng minh phương Tây đã cho rằng việc quân đội Nga rút quân gần Kyiv là một âm mưu nhằm trang bị lại cho quân đội sau những tổn thất nặng nề, ngay cả khi các lực lượng Nga bắn phá các thành phố ở nơi khác và gây tiếp tục cố gắng phá hủy hoàn toàn thành phố Mariupol đang bị bao vây.

Hôm thứ Ba (29/03), Nga cho biết họ sẽ cắt giảm các hoạt động gần Kyiv và thành phố phía bắc Chernihiv để “tăng cường sự tin tưởng lẫn nhau” cho các cuộc đàm phán hòa bình.

Nhưng trong một bài diễn văn vào đêm muộn, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói rằng “người Ukraine không phải là những kẻ ngây thơ.”

Ông nói: “Người Ukraine đã học được trong 34 ngày của cuộc xâm lược này và hơn tám năm qua của cuộc chiến ở Donbas, rằng điều duy nhất họ có thể tin tưởng là một kết quả cụ thể.”

Cố vấn tổng thống Ukraine Oleksiy Arestovych cho biết Moscow đang chuyển một số lực lượng từ miền bắc Ukraine sang miền đông, nơi họ đang cố gắng bao vây lực lượng chủ lực của Ukraine ở đó. Một số người Nga sẽ ở lại gần Kyiv để kiềm chế quân đội Ukraine, ông nói.

Tuần qua (21-27/03), quân đội Ukraine đã đạt được nhiều thành công, giành lại các thị trấn và làng mạc ở ngoại ô Kyiv, phá vỡ vòng vây ở thành phố phía đông Sumy và đẩy lùi các lực lượng Nga ở phía tây nam.

Ngũ Giác Đài cho biết Nga đã bắt đầu di chuyển một số lượng rất nhỏ quân khỏi các vị trí xung quanh Kyiv, mô tả hành động này giống như một cuộc tái bố trí lực lượng hơn là một cuộc rút lui.

Phát ngôn viên John Kirby trình bày trong một cuộc họp báo: “Tất cả chúng ta nên chuẩn bị tinh thần để đề phòng một cuộc tấn công lớn nhằm vào các khu vực khác của Ukraine. Việc này không có nghĩa là mối đe dọa đối với Kyiv đã kết thúc.”


Ngũ Giác Đài: Nga bắt đầu tái bố trí dưới 20% lực lượng xung quanh Kyiv

Ngũ Giác Đài cho biết Nga đã bắt đầu bố trí lại dưới 20% lực lượng xung quanh thủ đô Kyiv của Ukraine, nhưng cảnh báo Nga dự kiến ​​sẽ trang bị lại và tiếp tế quân đội để tái khai triển các hoạt động, chứ không rút quân về nước.

Phát ngôn viên Ngũ Giác Đài John Kirby cho biết một số lực lượng Nga có thể đã chuyển đến Belarus, thay vì quay về các đơn vị đồn trú tại quê nhà của họ.

Ông Kirby cũng cho biết trong một cuộc họp báo rằng nhà thầu Nga Wagner Group đã khai triển khoảng 1,000 lính đánh thuê vào khu vực Donbas của Ukraine, mà Moscow đã tuyên bố là một ưu tiên.


Tòa Bạch Ốc thêm 500 triệu USD viện trợ cho Ukraine

Tòa Bạch Ốc đã cam kết viện trợ trực tiếp thêm 500 triệu USD cho Ukraine khi cuộc xâm lược của Nga tiếp tục kéo dài.

Theo Tòa Bạch Ốc, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden nói với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trong một cuộc điện đàm dài 55 phút hôm thứ Tư (30/03) rằng khoản viện trợ bổ sung nói trên đang được thực hiện. Các nhà lãnh đạo cũng đánh giá các khoản viện trợ an ninh đã được chuyển cho Ukraine và tác động của những vũ khí đó đối với cuộc chiến này.

Ông Zelensky đã thúc giục chính phủ Tổng thống Biden và các đồng minh phương Tây khác cung cấp phản lực cơ quân sự cho Ukraine. Cho đến nay, Hoa Kỳ và các nước NATO khác không sẵn lòng đáp ứng yêu cầu đó vì lo ngại rằng điều này có thể dẫn đến việc Nga mở rộng chiến tranh ra ngoài biên giới Ukraine.

Trước khi tuyên bố viện trợ 500 triệu USD hôm thứ Tư, chính phủ Tổng thống Biden đã gửi cho Ukraine khoảng 2 tỷ USD viện trợ nhân đạo và hỗ trợ an ninh kể từ khi bắt đầu chiến tranh vào tháng trước.

Tất cả các khoản đó đều nằm trong gói 13.6 tỷ USD mà Quốc hội đã thông qua hồi đầu tháng cho Ukraine trong khuôn khổ của một dự luật chi tiêu rộng lớn hơn.


Bộ Quốc phòng Nga bình luận về các hoạt động gần thủ đô của Ukraine

Bộ Quốc phòng Nga thông báo hôm thứ Tư (30/03) rằng quân đội Nga gần các thành phố Kyiv và Chernihiv của Ukraine đang tập hợp lại khi mục tiêu trong giai đoạn đầu của chiến dịch quân sự của họ đã hoàn thành. Trong một cuộc họp báo thường kỳ, phát ngôn viên của bộ, Thiếu tướng Igor Konashenkov cho biết, “việc tập hợp lại quân theo kế hoạch đang diễn ra ở các hướng Kyiv và Chernigov” (trong tiếng Nga, Chernihiv là Chernigov).


Quân đội Ukraine: Quân đội Nga tăng cường hoạt động ở miền đông

Quân đội Ukraine nói rằng quân đội Nga đã tăng cường các hoạt động của họ ở phía đông của nước này.

Hôm thứ Tư (30/03), Bộ Tổng tham mưu Ukraine cho biết phía Nga đã mở rộng các hoạt động của họ xung quanh Izyum, phía nam Kharkiv, sau khi bố trí lại một số đơn vị từ các khu vực khác. Họ cũng nói rằng quân đội Nga đã tăng cường pháo kích và tấn công ở khu vực phía đông Donetsk, tập trung vào việc cố gắng giành quyền kiểm soát Mariupol, Popasna, và Rubizhne.

Quân đội Nga cho biết họ đã chuyển trọng tâm sang trung tâm công nghiệp phía đông của Ukraine, Donbas, nơi quân ly khai được Moscow hậu thuẫn đã chiến đấu với quân đội Ukraine kể từ năm 2014.


Ukraine cho biết quân đội Nga tấn công trên nhiều mặt trận

Các quan chức Ukraine tuyên bố Nga đang pháo kích xung quanh thủ đô Kyiv và khu vực phía bắc Chernihiv hôm thứ Tư (30/03).

Thống đốc khu vực này tuyên bố, quân đội Nga cũng đã pháo kích vào gần như tất cả các thành phố dọc theo chiến tuyến ngăn cách lãnh thổ do chính phủ Ukraine kiểm soát với các khu vực do quân ly khai được Nga hậu thuẫn kiểm soát ở miền đông Donetsk, và giao tranh khốc liệt đã được báo cáo tại thành phố cảng Mariupol, miền nam nước này.

Ông Oleksiy Arestovych, một cố vấn của Tổng thống Volodymyr Zelensky, cho biết Nga đang điều chuyển lực lượng từ miền bắc Ukraine đến các khu vực miền đông để cố gắng bao vây quân đội Ukraine tại đó.

Ông tuyên bố Nga sẽ giữ một số binh sĩ gần Kyiv để cố gắng ngăn chặn các lực lượng Ukraine chi viện cho mặt trận phía đông.

“Mặc dù phía Nga đang rút một phần binh lực khỏi (khu vực xung quanh) Kyiv, họ vẫn sẽ để lại một lượng binh sĩ nhất định ở đây (gần Kyiv) để giữ chân quân đội của chúng ta ở đây,” ông Arestovych nói trong các bình luận trên truyền hình.

Phó thị trưởng Kyiv, ông Mykola Povoroznyk, nói với đài truyền hình quốc gia rằng riêng thủ đô đã không bị bắn phá trong đêm.

“Đêm trôi qua tương đối yên ả, chỉ có những âm thanh của còi báo động và tiếng súng từ các trận chiến xung quanh thành phố, nhưng không có cuộc pháo kích nào trong thành phố,” ông cho hay.


Quân đội Nga thông báo sẽ tổ chức một loạt các cuộc tấn công mới vào các kho chứa, kho nhiên liệu của Ukraine

Quân đội Nga đã thông báo về một loạt các cuộc tấn công mới vào các kho vũ khí và kho nhiên liệu của Ukraine.

Hôm thứ Tư (30/03), phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga, Thiếu tướng Igor Konashenkov cho biết, quân đội đã sử dụng hỏa tiễn hành trình tầm xa được phóng từ trên không nhằm vào các kho nhiên liệu ở Starokostiantyniv và Khmelnytskyi ở miền trung Ukraine.

Ông Konashenkov khẳng định trong một tuyên bố rằng quân đội Nga cũng đã đánh vào trụ sở của lực lượng đặc nhiệm Ukraine ở Bereznehuvate thuộc khu vực phía nam Mykolaiv.

Ông Konashenkov cũng cho biết, quân đội Nga đã sử dụng bệ phóng hỏa tiễn di động trên bộ Iskander bắn trúng hai kho đạn ở khu vực phía đông Donetsk. Quân đội Nga cho biết họ đã chuyển trọng tâm sang trung tâm công nghiệp phía đông của Ukraine là Donbas, nơi các phiến quân do Moscow hậu thuẫn đã chiến đấu với quân đội Ukraine kể từ năm 2014.


Moscow cáo buộc phương Tây đang cố biến Ukraine thành ‘Afghanistan thứ hai’

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã cáo buộc phương Tây đang cố gắng biến Ukraine thành “một Afghanistan thứ hai” trong bối cảnh Moscow đang tiến hành một cuộc tấn công quân sự tại nước này.

Tại cuộc gặp với người đồng cấp Pakistan Makhdoom Shah Mahmood Qureshi ở Trung Quốc hôm thứ Tư, ông Lavrov tuyên bố “những người từng cố gắng biến Afghanistan thành trung tâm chính trị thế giới hiện đang cố gắng thay thế Afghanistan bằng Ukraine.”


Ukraine tuyên bố cuộc bỏ phiếu cho thỏa thuận hòa bình đòi hỏi Nga phải rút quân

Một cố vấn của Tổng thống Ukraine nói rằng một cuộc bỏ phiếu đánh dấu một thỏa thuận tương lai với Nga chỉ có thể được tổ chức sau khi quân đội Nga rút lui.

Hôm thứ Tư (30/03), ông Mykhailo Podolyak cho biết quân đội Nga phải rút về vị trí của họ trước cuộc xâm lược ngày 24/02 để mở đường cho bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào được đưa ra trưng cầu dân ý trên toàn quốc.

Trong một cuộc họp trực tuyến, ông bày tỏ hy vọng về một cuộc gặp sớm giữa Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Tổng thống Nga Vladimir Putin nhưng không nói chính xác khi nào cuộc gặp đó có thể diễn ra.

Ông Podolyak đã tham gia vòng đàm phán hôm thứ Ba với các nhà đàm phán Nga tại Istanbul. Ông cho biết một thỏa thuận về các bảo đảm an ninh đa phương cho Ukraine sẽ là một phần quan trọng của gói được thảo luận.


Nga: Kyiv đã sẵn sàng đáp ứng nhu cầu chính của Moscow

Trong vòng đàm phán với Ukraine trong tuần này (28/03-03/04), trưởng phái đoàn của Nga nói rằng việc Kyiv sẵn sàng xem xét trạng thái trung lập sẽ đáp ứng một nhu cầu chính của Nga.

Ông Vladimir Medinsky cho biết, trong cuộc đàm phán hôm thứ Ba (29/03) tại Istanbul, Ukraine đã thảo ra một loạt đề nghị bao gồm cả việc sẵn sàng áp dụng quy chế phi khối, phi hạt nhân, và từ bỏ nỗ lực gia nhập NATO.

Ông cho biết Ukraine cũng thể hiện rằng họ sẵn sàng không cho phép đặt các căn cứ quân sự ngoại quốc bên trong nước mình và chỉ tổ chức các cuộc tập trận chung với quân đội ngoại quốc với sự tham vấn của các nước đóng vai trò là nước bảo đảm cho một thỏa thuận hòa bình, trong đó có Nga.

Ông Medinsky cho biết trong các bình luận trên truyền hình rằng các đề nghị này báo hiệu sự sẵn sàng của Ukraine để đạt được một thỏa thuận “lần đầu tiên trong nhiều năm”, nói thêm rằng “nếu nước này hoàn thành các nghĩa vụ, mối đe dọa tạo ra một căn cứ của NATO trên lãnh thổ Ukraine sẽ được loại bỏ.”


Điện Kremlin: Không có đột phá trong đàm phán với Ukraine

Điện Kremlin nói rằng không có đột phá nào trong vòng đàm phán mới nhất với Ukraine.

Hôm thứ Tư (30/03), phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết việc Ukraine thảo ra các đề nghị bằng văn bản là một “yếu tố tích cực”, nhưng nói thêm rằng “chúng tôi không thể nói có điều gì đó hứa hẹn hay bất kỳ bước đột phá nào.”

Ông nhấn mạnh trong một cuộc gọi với các phóng viên rằng vẫn còn rất nhiều việc phía trước sau cuộc đàm phán hôm thứ Ba tại Istanbul.

Hôm thứ Ba (29/03), Ukraine đã đưa ra một khuôn khổ chi tiết cho một hiệp định hòa bình, theo đó nước này sẽ giữ trạng thái trung lập nhưng an ninh của nước này sẽ được bảo đảm bởi một nhóm các nước thứ ba, bao gồm Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc, và Ba Lan.

Ông Peskov cho biết trưởng đại diện của Nga trong các cuộc đàm phán, ông Vladimir Medinsky, đã báo cáo kết quả của họ với Tổng thống Vladimir Putin.


Tổng thống Zelensky trình bày trước Nghị viện Na Uy

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã nói với Nghị viện Na Uy rằng Nga muốn “phá hủy nền móng của Âu Châu.”

Nói chuyện qua một thông dịch viên trong một lần xuất hiện trên video trực tiếp trước Nghị viện Na Uy (Stortinget) gồm 169 thành viên hôm thứ Tư (30/03), ông Zelensky tuyên bố rằng “đây là lúc mà tương lai của Âu Châu đang được quyết định.”

Trình bày tổng quan về các hoạt động quân sự của Nga ở Ukraine, ông Zelensky nói rằng “đối với người Nga, không có mục tiêu nào là bị cấm.”

Bài diễn văn của ông Zelensky là bài diễn văn mới nhất trong chuỗi các bài diễn văn trước các nhà lập pháp ở một số quốc gia, bao gồm Hoa Kỳ, Anh, Thụy Điển, Đức, Canada, Israel, Nhật Bản, và Liên minh Âu Châu.


Hungary cáo buộc Ukraine can thiệp bầu cử

Ngoại trưởng Hungary đã cáo buộc lãnh đạo Ukraine cố gắng can thiệp vào cuộc bầu cử sắp tới ở Hungary. Người đồng cấp Ukraine của ông đã phủ nhận cáo buộc trong một sự kiện gây căng thẳng hơn nữa cho mối bang giao giữa hai quốc gia.

Trong một video trên mạng xã hội, Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto đã tuyên bố rằng có “sự phối hợp đang diễn ra giữa cánh tả Hungary và các đại diện của chính phủ Ukraine” và Ukraine đang cố gắng tác động đến cuộc bầu cử ngày 03/04 của Hungary để ủng hộ liên minh các đảng đối lập.

Ông Szijjarto đã không cung cấp bất kỳ bằng chứng nào chứng minh cho tuyên bố đó.

Tuyên bố đã được đưa ra sau khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đưa ra một số bình luận gần đây, chỉ trích gay gắt cách tiếp cận của chính phủ Hungary đối với cuộc chiến tại Ukraine.

Hôm thứ Tư (30/03), ông Szijjarto tuyên bố rằng ngoại trưởng Ukraine, ông Dmytro Kuleba, đã liên lạc với đại sứ Ukraine tại Budapest để thảo luận về cách Ukraine có thể tác động đến cuộc bầu cử của Hungary, trong đó Thủ tướng Viktor Orban đang tìm kiếm nhiệm kỳ thứ tư liên tiếp.

Ông Kuleba nói với tờ báo Ukraine Evropeiska Pravda rằng “chúng tôi chưa bao giờ can thiệp vào công việc nội bộ của Hungary và đặc biệt là càng không trước một cuộc bầu cử.”


Điện Kremlin: Sẽ mất một thời gian để chuyển thanh toán khí đốt sang đồng rúp

Điện Kremlin nói rằng sẽ mất một thời gian để chuyển thanh toán khí đốt của Nga sang đồng rúp.

Hôm thứ Sáu (25/03), Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ra lệnh cho chính phủ thực hiện các thỏa thuận cần thiết để bảo đảm rằng các khách hàng Âu Châu thanh toán khí đốt của Nga bằng đồng rúp thay vì tiền tệ phương Tây. Phương Tây đã từ chối yêu cầu này.

Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết hôm thứ Tư (30/03) rằng việc chuyển đổi sẽ là một “quá trình kéo dài”. Ông không đưa ra khung thời gian cụ thể.

Ông Peskov lưu ý rằng luôn có khoảng cách giữa nguồn cung cấp và thanh toán trong thương mại khí đốt. Ông cho biết chính phủ sẽ sớm công bố các chi tiết của kế hoạch thanh toán mới được đề xướng.


Na Uy tặng 2,000 vũ khí chống tăng cho Ukraine

Na Uy cho biết họ đã viện trợ thêm 2,000 vũ khí chống tăng cho Ukraine để giúp nước này tự vệ trước cuộc xâm lược của Nga, bổ sung vào các thiết bị bảo vệ và khoảng 2,000 vũ khí chống tăng đã được gửi trước đó.

Bộ trưởng Quốc phòng Na Uy Odd Roger Enoksen nói rằng nếu Ukraine thành công trong việc đẩy lùi cuộc tấn công của Nga, “họ sẽ vừa bảo đảm chủ quyền của Ukraine, vừa giúp duy trì quy tắc giải quyết xung đột hòa bình và tôn trọng biên giới ở Âu Châu.”


Tổng giám đốc IAEA thăm nhà máy điện hạt nhân ở miền nam Ukraine

Người đứng đầu Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) đang đến thăm một nhà máy điện hạt nhân ở miền nam Ukraine trong một chuyến đi nhằm giúp tăng cường an ninh cho các cơ sở hạt nhân của nước này.

Ông Rafael Mariano Grossi đã đến Ukraine vào thứ Ba. Hôm thứ Tư (30/03), ông cho biết trên Twitter rằng ông đã có mặt tại nhà máy điện ở miền nam Ukraine để gặp các quan chức và nhân viên chính phủ Ukraine, đồng thời bắt đầu việc hỗ trợ kỹ thuật của IAEA.

Ukraine có 15 lò phản ứng hạt nhân tại bốn nhà máy — một trong số đó, ở Zaporizhzhia, nằm dưới sự kiểm soát của quân đội Nga. Đây cũng là nơi có nhà máy Chernobyl đã ngừng hoạt động, địa điểm xảy ra thảm họa nóng chảy hạt nhân năm 1986. Chernobyl đã bị quân đội Nga chiếm giữ ngay từ đầu cuộc chiến.

Tính đến hôm thứ Ba (29/03), có tám lò phản ứng đang hoạt động, trong đó có hai lò ở miền nam Ukraine, trong khi những lò còn lại đã ngừng hoạt động để bảo trì định kỳ.


Thổ Nhĩ Kỳ cho biết các phái đoàn Nga-Ukraine quyết định trở về nước để tham vấn

Thổ Nhĩ Kỳ cho biết các phái đoàn Ukraine và Nga đã quyết định trở về nước để tham vấn sau khi đạt được tiến triển trong các cuộc đàm phán.

Các cuộc hội đàm hôm thứ Ba (29/03) do Thổ Nhĩ Kỳ chủ trì đã phác họa những gì có thể trở thành một khuôn khổ để kết thúc chiến tranh. Các cuộc đàm phán này dự kiến ​​sẽ tiếp tục vào thứ Tư (30/03), nhưng Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cho biết hai bên đang đưa ra các đề nghị trở về thủ đô của họ.

Tại hội nghị ở Istanbul, phái đoàn của Ukraine đã đề ra một khuôn khổ mà theo đó nước này sẽ tuyên bố mình trung lập và an ninh của họ sẽ được bảo đảm bởi một loạt các quốc gia khác.

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Alexander Fomin cho biết, trong thời gian này, Moscow sẽ cắt giảm các hoạt động quân sự theo hướng vào Kyiv và Chernihiv để “tăng cường sự tin tưởng lẫn nhau và tạo điều kiện cần thiết cho các cuộc đàm phán tiếp theo.”

Trưởng phái đoàn Nga Vladimir Medinsky cho biết các nhà đàm phán sẽ đưa các đề nghị của Ukraine lên Tổng thống Nga Vladimir Putin và sau đó Moscow sẽ đưa ra phản hồi, nhưng ông không cho biết khi nào.

Ông Cavusoglu cho biết ông mong đợi có một cuộc gặp giữa các ngoại trưởng Nga và Ukraine tại một thời điểm hiện chưa rõ. Ông cho biết một cuộc gặp khác giữa các tổng thống hai nước cũng nằm trong nghị trình.

Hãng thông tấn nhà nước Nga TASS đưa tin rằng các đại biểu của Moscow đã trở lại Nga vào cuối ngày thứ Ba.


Moscow: Trạng thái của Crimea không được thảo luận tại cuộc đàm phán với Ukraine

Bức ảnh chụp gần Kyiv hôm 30/03/2022 này cho thấy một ngôi nhà bị phá hủy ở làng Lukianivka. (Ảnh: Ronaldo Schemidt/AFP qua Getty Images)

Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với các ký giả hôm thứ Tư (30/03) rằng đối với Nga thì tình trạng của Crimea đã được dàn xếp ổn thỏa, vì vậy Moscow sẽ không thảo luận vấn đề này với Kyiv hay bất kỳ bên nào khác.

Đề xướng của Ukraine về một hiệp ước hòa bình với Nga bao gồm cam kết giải quyết tranh chấp lãnh thổ đối với Crimea trong vòng 15 năm mà không sử dụng vũ lực.


Phó Thủ tướng: Anh có quan điểm hoài nghi về các cam kết của Nga

Anh có quan điểm rất hoài nghi đối với Nga và cam kết giảm quy mô các hoạt động quân sự xung quanh Kyiv, với việc Phó Thủ tướng Dominic Raab nói rằng London sẽ đánh giá Moscow dựa trên hành động của họ chứ không phải lời nói.

Trong các cuộc đàm phán, Nga đã hứa giảm quy mô một số hoạt động quân sự để “tăng cường sự tin cậy lẫn nhau”, nhưng các quốc gia phương Tây cho rằng điều đó sẽ dẫn đến việc tăng cường tấn công ở các khu vực khác của nước này.

Cũng như Ukraine, Anh đã phản ứng với thái độ hoài nghi.

“Cuối cùng, họ cần phải được đánh giá bằng các hành động của mình và họ cần phải rút khỏi Ukraine, chứ không chỉ là tái bố trí lực lượng,” ông Raab nói với Times Radio.


Đức công bố ‘cảnh báo sớm’ về khả năng xảy ra cuộc khủng hoảng nguồn cung khí đốt từ Nga 

Một nhân viên đạp xe đến nhà máy lọc dầu BP Ruhr Oil ở Gelsenkirchen, Đức, hôm 28/03/2022. (Ảnh: Martin Meissner/AP Photo)

Hôm thứ Tư (30/03), Đức đã khởi động một kế hoạch khẩn cấp nhằm quản lý các nguồn cung cấp khí đốt ở nền kinh tế lớn nhất Âu Châu này, một hành động chưa từng có tiền lệ có thể chứng kiến chính phủ thực thi ​​quyền hạn chia định mức nếu có sự gián đoạn hoặc ngừng cung cấp khí đốt từ Nga.

Thông báo này là dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy Liên minh Âu Châu đang chuẩn bị cho việc Moscow cắt giảm nguồn cung cấp cho khu vực này sau khi Tổng thống Vladimir Putin yêu cầu Âu Châu và Hoa Kỳ trả tiền xuất cảng khí đốt bằng đồng rúp. Hành động này là để trả đũa việc phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt gây hậu quả nặng nề đối với Nga vì cuộc xâm lược của họ vào Ukraine.

Yêu cầu đó đã bị các nước G7 từ chối. 

Moscow chưa cho biết khi nào việc thay đổi đồng tiền thanh toán sẽ có hiệu lực nhưng họ dự kiến ​​sẽ công bố kế hoạch thanh toán bằng đồng rúp vào thứ Năm (31/03). Hôm thứ Tư, chủ tịch Hạ viện Nga đã cảnh báo rằng dầu, ngũ cốc, kim loại, phân bón, than, và gỗ xuất cảng cũng có thể sớm được định giá theo cách tương tự.

Với một cuộc khủng hoảng tiềm tàng đang cận kề, Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck đã kích hoạt ‘giai đoạn cảnh báo sớm’ về một kế hoạch khẩn cấp đối với khí đốt hiện hữu, nghĩa là một nhóm xử lý khủng hoảng từ bộ kinh tế, cơ quan quản lý, và khu vực tư nhân sẽ giám sát hoạt động nhập cảng và lưu trữ.


Chủ tịch Hạ viện Nga: ‘Tìm đồng rúp’ nếu quý vị muốn dầu, ngũ cốc, hoặc kim loại Nga

Hôm thứ Tư (30/03), chủ tịch Hạ viện Nga đã cảnh báo Liên minh Âu Châu rằng nếu muốn có khí đốt tự nhiên của Nga thì họ sẽ phải trả bằng đồng rúp và cảnh báo rằng dầu, ngũ cốc, kim loại, phân bón, than đá, và gỗ xuất cảng cũng có thể sớm được định giá theo cách tương tự.

Sau khi phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt gây hậu quả nặng nề đối với Nga để đáp trả cuộc xâm lược Ukraine, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã yêu cầu khí đốt tự nhiên xuất cảng sang Âu Châu hoặc Hoa Kỳ phải được thanh toán bằng đồng tiền của đất nước ông.

Âu Châu, khối nhập cảng khoảng 40% khí đốt từ Nga và thanh toán chủ yếu bằng đồng euro, cho biết tập đoàn khí đốt Gazprom do nhà nước quản lý của Nga không có quyền viết lại các hợp đồng. Trong tuần này, nhóm các quốc gia G7 đã từ chối yêu cầu của Moscow.

“Các chính trị gia Âu Châu cần ngừng việc nói suông, ngừng cố gắng tìm kiếm lý do biện minh nào đó về việc tại sao họ không thể trả bằng đồng rúp,” Chủ tịch Hạ viện Vyacheslav Volodin cho biết trong một bài đăng trên Telegram. “Nếu các vị muốn có khí đốt, hãy tìm đồng rúp.”

“Hơn nữa, sẽ là đúng đắn — nếu có lợi cho đất nước chúng tôi — mở rộng danh sách các sản phẩm xuất cảng được định giá bằng đồng rúp để bao gồm: phân bón, ngũ cốc, dầu thực phẩm, dầu mỏ, than đá, kim loại, gỗ, v.v.”

Hôm thứ Tư (30/03), Đức đã công bố một “cảnh báo sớm” rằng nước này có thể đang tiến tới tình trạng khẩn cấp về nguồn cung cấp khí đốt và cho biết biện pháp này được thiết kế để chuẩn bị cho tình trạng gián đoạn hoặc ngừng cung cấp tiềm năng đối với các dòng khí đốt tự nhiên từ Nga.

Các quan chức Nga đã nhiều lần nói rằng nỗ lực của phương Tây nhằm cô lập một trong những nước sản xuất tài nguyên thiên nhiên lớn nhất thế giới là một hành động tự hại bản thân một cách phi lý, dẫn đến giá cả tăng vọt cho người tiêu dùng và đẩy các nền kinh tế của Âu Châu và Hoa Kỳ vào suy thoái.

Nga cho rằng các lệnh trừng phạt của phương Tây — và đặc biệt là việc đóng băng khoảng 300 tỷ USD dự trữ của ngân hàng trung ương Nga — tương đương với một tuyên bố chiến tranh kinh tế.

Ông Putin nói rằng việc đóng băng dự trữ của ngân hàng trung ương là một sự mặc định đối với các nghĩa vụ của phương Tây đối với Nga, điều này sẽ làm giảm niềm tin vào đồng dollar Mỹ và đồng euro.


Ý sẵn sàng trở thành một trong những nước bảo đảm an ninh cho Ukraine

Ý đang nhắc lại lời đề nghị trở thành một nước bảo đảm nếu Nga và Ukraine đạt được bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào liên quan đến một điều khoản trung lập.

Hôm thứ Tư (30/03), Ngoại trưởng Luigi Di Maio cho biết Ý “sẽ tận dụng hết phương thức, năng lực và kinh nghiệm của chúng tôi” để có thể thực hiện một “đóng góp trọng yếu” cho một thỏa thuận.

Ông nói với các phóng viên ở Berlin, nơi ông đang tham dự một cuộc họp về năng lượng, rằng Ý sẵn sàng là nước bảo đảm cho bất kỳ cơ chế trung lập nào có khả năng là một phần của một sách lược nhằm chấm dứt chiến tranh.


Quan chức Điện Elysee: Tổng thống Macron nói với Tổng thống Putin rằng không thể thanh toán hóa đơn khí đốt bằng đồng rúp  

Hôm thứ Ba (29/03), Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói với người đồng cấp Nga Vladimir Putin rằng, các khách hàng khí đốt phương Tây không thể thanh toán hóa đơn của họ bằng đồng rúp, một quan chức Tổng thống Pháp nói với các ký giả vào cùng ngày.

“Pháp phản đối việc thanh toán bằng đồng rúp,” quan chức này nói.

Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Putin, Tổng thống Macron cũng nhắc lại rằng ông đã chuẩn bị sẵn sàng để thực hiện một sứ mệnh cứu hộ nhân đạo ở thành phố Mariupol của Ukraine, quan chức này cho biết, nhưng nói thêm rằng các điều kiện cho một bước đi như vậy vẫn chưa được đặt ra.

Hôm thứ Ba, Nga cũng hứa sẽ giảm quy mô các hoạt động quân sự xung quanh Kyiv và miền bắc Ukraine như một bước xây dựng lòng tin, trong một dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy tiến triển đang hướng đến việc đàm phán chấm dứt chiến tranh.


Liên Hiệp Quốc: Số người tị nạn chạy khỏi Ukraine vượt mốc 4 triệu 

Hôm thứ Tư (30/03), cơ quan tị nạn của Liên Hiệp Quốc cho biết kể từ khi Nga tiến hành cuộc chiến tranh, hơn 4 triệu người tị nạn đã rời khỏi Ukraine trong cuộc khủng hoảng tị nạn lớn nhất ở Âu Châu kể từ Đệ nhị Thế chiến.

Con số mới đã được đăng trên một trang web của UNHCR. Hơn 2.3 triệu người đã đến Ba Lan, nhưng nhiều người đã đi tiếp sang các nước khác hoặc quay trở lại Ukraine.

Các nhân viên cứu trợ cho biết những con số này đã giảm bớt trong những ngày gần đây do nhiều người đang chờ đợi diễn biến của cuộc chiến. Ước tính khoảng 6.5 triệu người cũng đã phải di dời khỏi nơi ở của họ trong cả nước.

Hơn 608,000 người đã tới Romania, hơn 387,000 người đã đến Moldova, và khoảng 364,000 người đã vào Hungary kể từ khi cuộc chiến bắt đầu vào ngày 24/02, dựa trên số liệu do các chính phủ cung cấp.

“Người tị nạn từ Ukraine hiện là 4 triệu người, năm tuần sau khi bắt đầu cuộc tấn công của Nga,” Cao ủy Liên Hiệp Quốc về Người tị nạn Filippo Grandi cho biết trên Twitter khi ông vượt biên sang Ukraine.

Ông Grandi cho biết ông sẽ ở thành phố phía tây Lviv và thảo luận các cách để tăng cường hỗ trợ “cho những người bị ảnh hưởng và phải rời bỏ nhà cửa vì cuộc chiến vô nghĩa này.”


Chính phủ Đức: Tổng thống Scholz, Tổng thống Biden, và các đồng minh đồng ý tiếp tục thúc đẩy Nga ngừng bắn

Một phát ngôn viên của chính phủ Đức cho biết các nhà lãnh đạo Đức, Mỹ, Pháp, Anh, và Ý đã đồng ý trong một cuộc điện đàm vào chiều hôm thứ Ba (29/03) để tiếp tục thúc đẩy Nga ngừng bắn và rút quân khỏi Ukraine.

Phát ngôn viên Steffen Hebestreit cho biết trong một tuyên bố: Thủ tướng Đức Olaf Scholz, Tổng thống Mỹ Joe Biden, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Anh Boris Johnson, và Thủ tướng Ý Mario Draghi cũng đồng ý tiếp tục duy trì áp lực trừng phạt cao đối với Nga.

Và họ thúc giục Tổng thống Nga Vladimir Putin “cuối cùng cho phép cung cấp viện trợ nhân đạo rất cần thiết cho người dân Ukraine và xây dựng các hành lang nhân đạo hiệu quả… đặc biệt là ở thành phố Mariupol,” ông Hebestreit nói thêm.

Sau cùng, các nhà lãnh đạo đã thảo luận về các biện pháp bảo đảm an ninh năng lượng và khắc phục giá năng lượng cao.


Thống đốc địa phương tuyên bố quân đội Nga pháo kích vào hầu hết tất cả các thành phố tiền tuyến trong khu vực Donetsk của Ukraine

Quân đội Nga đang pháo kích vào gần như tất cả các thành phố dọc theo chiến tuyến ngăn cách lãnh thổ do chính phủ Ukraine kiểm soát với các khu vực do lực lượng ly khai do Nga hậu thuẫn nắm giữ ở Donetsk thuộc miền đông, thống đốc khu vực Donetsk tuyên bố hôm thứ Tư (30/03).

Ông Pavlo Kyrylenko cho biết trên truyền hình quốc gia, tình hình có thể trở nên tồi tệ hơn khi quân đội Nga tập trung nỗ lực tấn công khu vực Donetsk.


Ngũ Giác Đài: Quân đội Hoa Kỳ liên lạc với quân đội Ukraine ở Ba Lan

Hôm thứ Ba (29/03), Ngũ Giác Đài đã làm rõ rằng quân đội Hoa Kỳ ở Ba Lan đang “liên lạc” với quân đội Ukraine khi họ giao vũ khí cho họ, nhưng không huấn luyện “theo nghĩa truyền thống” sau nhận xét của Tổng thống Joe Biden về vấn đề này.

Hôm thứ Hai, Tổng thống Biden nói với các phóng viên rằng khi ở Ba Lan vào tuần trước, ông đã nói chuyện với quân đội Hoa Kỳ đang giúp “huấn luyện” các lực lượng Ukraine ở Ba Lan.

Phát ngôn viên Ngũ Giác Đài John Kirby nói với các phóng viên rằng quân đội Hoa Kỳ ở Ba Lan đang “liên lạc” với các lực lượng Ukraine khi vũ khí được giao cho các lực lượng này để chống lại sự xâm lược của Nga.

“Đó không phải là việc huấn luyện theo nghĩa truyền thống mà nhiều người nghĩ về huấn luyện. Tôi chỉ muốn nói rằng đó là liên lạc,” ông Kirby nói.

Ông không cung cấp chi tiết chính xác về những gì các tương tác này liên quan đến hoặc những cuộc liên lạc này thường kéo dài bao lâu. Hiện vẫn chưa rõ liệu sự khác biệt giữa liên lạc và huấn luyện có ý nghĩa lớn hơn hay không, vì Hoa Kỳ cố gắng hạn chế bất kỳ sự tham gia quân sự trực tiếp nào vào cuộc chiến.


Giám đốc chương trình lương thực của Liên Hiệp Quốc cảnh báo về sự ‘tàn phá’ khi nông dân Ukraine ở tiền tuyến

Nông dân người Đức Tim Nandelstädt (ở giữa) và Torben Reelfs (bên phải) xem nông trại của họ ở Derzhiv, Stryi Raion, tỉnh Lviv, miền tây Ukraine hôm 23/03/2022. (Ảnh: Tim Nandelstaedt/AFP qua Getty Images)

Hôm thứ Ba (29/03), người đứng đầu tổ chức lương thực của Liên Hiệp Quốc cảnh báo rằng cuộc chiến ở Ukraine đang đe dọa tàn phá các nỗ lực của Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) nhằm cung cấp thức ăn cho khoảng 125 triệu người trên toàn cầu vì Ukraine đã “đi từ vựa ngũ cốc của thế giới thành nơi chờ cứu tế.”

Giám đốc điều hành WFP David Beasley nói với Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc gồm 15 thành viên: “Cuộc chiến này không chỉ làm suy yếu Ukraine và khu vực một cách nhanh chóng mà còn có tác động đến bối cảnh toàn cầu vượt ra ngoài bất cứ điều gì chúng ta đã chứng kiến kể từ Đệ Nhị Thế Chiến.”

Ông Beasley cho biết 50% lượng ngũ cốc mà WFP, nhánh hỗ trợ lương thực của Liên Hiệp Quốc, mua có nguồn gốc từ Ukraine, “vì vậy quý vị chỉ có thể giả định sự tàn phá mà cuộc chiến này sẽ ảnh hưởng đối với chỉ riêng các hoạt động của chúng tôi.”

Ông nói: “Những người nông dân đang ở tiền tuyến.”

Ông Beasley nói thêm rằng cuộc khủng hoảng còn do thiếu các sản phẩm phân bón đến từ Belarus và Nga.

“Nếu quý vị không bón phân cho cây trồng, năng suất của quý vị sẽ giảm ít nhất 50%. Vì vậy, chúng ta đang chứng kiến những gì có thể là một thảm họa trên cả một thảm họa trong những tháng tới đây,” ông nói với hội đồng.


Tổng thống Zelensky cho biết các cuộc đàm phán với Nga có thể được gọi là tích cực, nhưng sẽ không nới lỏng nỗ lực phòng thủ

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tham dự một cuộc phỏng vấn với một số phương tiện truyền thông Nga thông qua liên kết video, khi cuộc tấn công của Nga vào Ukraine tiếp tục, tại Kyiv, Ukraine, hôm 27/03/2022. (Ảnh: Cơ quan Báo chí của Tổng thống Ukraine/Tài liệu phát qua Reuters)

Hôm thứ Ba (29/03), Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết các tín hiệu từ các cuộc đàm phán hòa bình với Nga có thể được gọi là tích cực, nhưng nói thêm rằng những tiến triển này không át được tiếng nổ từ đạn pháo của Nga.

Trong một bài diễn văn vào đêm muộn, ông Zelensky cũng bày tỏ sự thận trọng về lời hứa của Nga là sẽ cắt giảm mạnh hoạt động quân sự ở một số khu vực, và cho biết Ukraine sẽ không nới lỏng các nỗ lực phòng thủ của mình.

“Chúng tôi có thể nói rằng những tín hiệu mà chúng tôi nhận được từ các cuộc đàm phán là tích cực nhưng điều đó không át được tiếng nổ của đạn pháo Nga,” ông nói và cho biết thêm rằng Ukraine chỉ có thể tin tưởng vào một kết quả cụ thể từ các cuộc đàm phán.

Trước đó trong ngày, Nga đã hứa sẽ giảm quy mô các hoạt động quân sự xung quanh thủ đô và ở miền bắc của Ukraine.

Ông Zelensky nói rằng bất chấp lời hứa này, “tình hình vẫn chưa trở nên dễ dàng hơn… quân đội Nga vẫn rất có thể sẽ tiếp tục các cuộc tấn công nhằm vào đất nước của chúng ta.” Ông nói thêm, “Vì vậy, chúng ta sẽ không nới lỏng nỗ lực phòng thủ của mình.”

Ông Zelensky nhắc lại rằng để bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào có hiệu lực, quân đội Nga sẽ phải rời đi và không thể có sự thỏa hiệp về chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine.


Ngũ Giác Đài phát hiện ‘lượng nhỏ’ quân Nga đang di chuyển khỏi Kyiv

Ngũ Giác Đài cho biết họ đã phát hiện một “lượng nhỏ” lục quân Nga đang di chuyển khỏi khu vực Kyiv.

Hôm thứ Ba (29/03), phát ngôn viên John Kirby cho biết hoạt động chuyển quân này dường như là một sự tái bố trí lực lượng, chứ “không phải là một cuộc rút quân thực thụ.” Ông cho biết vẫn còn quá sớm để nhận định các đợt chuyển quân của Nga có thể rộng đến mức nào hoặc nơi những binh lính này sẽ được bố trí lại.

“Điều đó không có nghĩa là mối đe dọa đối với Kyiv đã kết thúc,” ông cho hay. “Họ vẫn có thể gây ra những hành động tàn bạo trên diện rộng đối với đất nước này, bao gồm cả thủ đô Kyiv.”

Ông cho biết các cuộc không kích của Nga nhằm vào Kyiv vẫn đang tiếp tục.

Khi được hỏi liệu Ngũ Giác Đài có đánh giá rằng chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine đã thất bại hay không, ông Kirby cho biết các lực lượng Nga đã thất bại trong mục tiêu ban đầu là chinh phục Kyiv, nhưng vẫn là một mối đe dọa đối với đất nước này, bao gồm cả khu vực phía đông Donbas nơi các lực lượng Nga hiện đang tập trung toàn diện hơn.


Tổng thống Biden cho biết ‘chúng tôi sẽ xem’ liệu Nga có giảm leo thang ở Ukraine

Hôm thứ Ba (29/03), Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden cho biết vẫn còn phải xem liệu Nga có tuân theo bất kỳ hành động nào nhằm giảm quy mô hoạt động quân sự của mình ở Ukraine hay không, đồng thời cho biết Hoa Thịnh Đốn và các đồng minh sẽ tiếp tục các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ và viện trợ cho Ukraine.

Ông nói với các phóng viên tại Tòa Bạch Ốc sau cuộc gặp với Thủ tướng Lý Hiển Long của Singapore, “Chúng tôi sẽ xem liệu họ có tuân theo những gì họ đang đề nghị hay không,” trong bối cảnh các cuộc đàm phán giữa Moscow và Kyiv được nối lại. “Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi sát sao những gì đang diễn ra.”


Ukraine yêu cầu các bảo đảm an ninh tương tự như Điều 5 của NATO

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan nói chuyện trước các nhà đàm phán Nga và Ukraine trước cuộc đàm phán trực tiếp tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, hôm 29/03/2022. (Ảnh: Murat Cetinmuhurdar/Văn phòng Báo chí Tổng thống/Tài liệu phát qua Reuters)

Hôm thứ Ba (29/03), các nhà đàm phán Ukraine đã đề nghị một cơ chế tương tự như Điều 5 năm 1949 của Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương, văn kiện thành lập của NATO, để bảo đảm an ninh cho Ukraine.

Đề nghị này sẽ yêu cầu các bên bảo lãnh tổ chức các cuộc tham vấn trong vòng ba ngày kể từ khi bắt đầu bất kỳ cuộc chiến tranh, xâm lược, chiến dịch quân sự nào, và bất kỳ cuộc chiến tranh hỗn hợp, trá hình nào nhằm vào Ukraine.

Chính phủ Ukraine cho biết trong một tuyên bố: “Sau các cuộc tham vấn đó, [các bên bảo lãnh] sẽ có nghĩa vụ pháp lý để cung cấp hỗ trợ quân sự cho đất nước chúng tôi, đặc biệt là dưới hình thức vũ khí và đóng cửa các không phận.”

Trong số các bên bảo lãnh được đề nghị có các thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc: Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Trung Quốc, và Liên bang Nga.

Ukraine cũng muốn Thổ Nhĩ Kỳ, Đức, Canada, Ý, Ba Lan, và Israel được đưa vào danh sách các bên bảo lãnh.

Tuy nhiên, một số lãnh thổ đang bị tranh chấp sẽ không có được sự bảo đảm an ninh này.

Tuyên bố nêu rõ: “Đối với các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng tạm thời của các khu vực Donetsk và Luhansk cũng như Cộng hòa Tự trị Crimea, do tình trạng của họ không được quy định, nên tạm thời các bảo đảm an ninh quốc tế sẽ không áp dụng cho các vùng lãnh thổ này.”

Mời quý vị xem toàn bộ bài viết tại đây.


Tòa Bạch Ốc điều tra cáo buộc ông Abramovich bị đầu độc

Hôm thứ Ba (29/03), phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Kate Bedingfield cho biết chính phủ Tổng thống Biden đang điều tra các cáo buộc rằng tỷ phú Nga Roman Abramovich bị đầu độc hồi đầu tháng này trong các cuộc đàm phán hòa bình nhằm chấm dứt cuộc xung đột Ukraine.

Một quan chức Hoa Kỳ cho biết hôm thứ Hai rằng thông tin tình báo cho thấy việc ông Abramovich và các nhà đàm phán hòa bình Ukraine bị ốm là do một yếu tố môi trường, chứ không phải vì bị đầu độc.


Liên minh Âu Châu từ chối thanh toán khí đốt của Moscow bằng đồng rúp 

Hôm thứ Ba (29/03), Ủy ban Âu Châu cho biết, các nước thành viên EU sẽ không thanh toán cho khí đốt của Nga bằng đồng rúp, bác bỏ thời hạn chuyển đổi cơ chế thanh toán vào ngày 31/03 của Moscow. Thông báo này được đưa ra một ngày sau phản ứng tương tự từ các quốc gia G-7.


Tướng Mỹ cho biết có thể cần thêm lực lượng

Hoa Kỳ có thể sẽ cần bổ sung thêm các lực lượng thường trực hoặc luân phiên ở Âu Châu sau cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine, lãnh đạo Bộ Tư lệnh Âu Châu (EUCOM) của Hoa Kỳ nói với Quốc hội hôm thứ Ba (29/03), mà không nêu chi tiết về thời gian hoặc số lượng.

Tướng Tod Wolters, người cũng là chỉ huy đồng minh tối cao của NATO, cho biết các quyết định sẽ dựa trên những gì các quốc gia Âu Châu làm, đặc biệt là để đáp ứng nhu cầu xây dựng thêm bốn nhóm chiến đấu NATO, đang được thành lập ở Hungary, Slovakia, Romania, và Bulgaria. Các nhóm này là một nỗ lực để bảo vệ và trấn an các quốc gia ở sườn phía đông của Âu Châu.

Ông Wolters nói với Ủy ban Quân vụ Thượng viện: “Tôi e rằng chúng ta sẽ còn cần nhiều hơn nữa.”


Điện Kremlin bác bỏ mối đe dọa sử dụng lực lượng hạt nhân trong chiến tranh Ukraine

Hôm thứ Hai (28/03), phát ngôn viên trưởng của Tổng thống Nga Vladimir Putin Dmitry Peskov cho biết “không ai nghĩ đến việc sử dụng — kể cả ý tưởng về việc sử dụng vũ khí hạt nhân.”

Tuy nhiên, ông nói thêm, “Chúng tôi có một khái niệm an ninh rất rõ ràng rằng chỉ khi có mối đe dọa đối với sự tồn tại của nhà nước ở đất nước chúng tôi, chúng tôi có thể sử dụng và chúng tôi sẽ thực sự sử dụng vũ khí hạt nhân để loại bỏ mối đe dọa đó.”


Đại biểu Nga cho biết đạt được tiến triển trong các cuộc đàm phán

Người đứng đầu phái đoàn đàm phán với Ukraine của Nga nói rằng Moscow coi cuộc gặp mới nhất là một bước tiến hướng tới thỏa hiệp.

Ông Vladimir Medinsky cho biết trên kênh truyền hình RT của Nga rằng Nga coi các đề nghị của Ukraine được đưa ra hôm thứ Ba (29/03) trong cuộc đàm phán ở Istanbul là “một bước để đạt được thỏa hiệp với chúng tôi, một thực tế tích cực rõ ràng.”

Ông nói thêm rằng hai bên còn một chặng đường dài để đạt được một thỏa thuận.

Ông Medinsky nói rằng Nga đã thực hiện “hai bước lớn hướng tới hòa bình” trong các cuộc đàm phán, đầu tiên bằng cách đồng ý giảm các hoạt động quân sự xung quanh thủ đô Kyiv của Ukraine và thành phố Chernihiv ở phía bắc Ukraine. Ông cho biết Nga đã đồng ý tổ chức một cuộc gặp trong tương lai giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky sau khi một hiệp ước hòa bình tiềm năng sẵn sàng được ký kết.

Trước đó trong ngày, phái đoàn Ukraine cho biết họ đã đề ra một khuôn khổ khả thi cho một thỏa thuận hòa bình tương lai dựa trên các bảo đảm an ninh có ràng buộc về mặt pháp lý, vốn sẽ cho phép các nước khác can thiệp nếu Ukraine bị tấn công.


Thổ Nhĩ Kỳ nhận thấy ‘tiến triển có ý nghĩa nhất’ trong các cuộc đàm phán

Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ cho biết các nhà đàm phán Nga và Ukraine đã đạt được “sự đồng thuận và nhận thức chung” về một số vấn đề.

Ông Mevlut Cavusoglu cho biết hai bên đã đạt được “tiến triển có ý nghĩa nhất” kể từ khi bắt đầu đàm phán tại một cuộc gặp ở Istanbul hôm thứ Ba (29/03). Ông cho biết cuộc gặp sẽ được tiếp nối bằng một cuộc gặp giữa các ngoại trưởng Nga và Ukraine.

Ông Cavusoglu cho biết một cuộc gặp giữa các nhà lãnh đạo Nga và Ukraine cũng nằm trong “nghị trình này”. Nhưng ông không đưa ra khung thời gian cụ thể.

Ông nói rằng các vấn đề khó khăn “sẽ được giải quyết ở một cấp cao hơn.”

Ông Cavusoglu nói thêm rằng Thổ Nhĩ Kỳ khuyến khích hai bên “đạt được một lệnh ngừng bắn” và một thỏa thuận về vấn đề mở các hành lang nhân đạo.


Lãnh đạo Chechnya kêu gọi tấn công thủ đô Ukraine

Lãnh đạo được Điện Kremlin hậu thuẫn của tỉnh Chechnya thuộc Nga đã kêu gọi tấn công thủ đô Ukraine.

Tuyên bố của ông Ramzan Kadyrov được đưa ra hôm thứ Ba (29/03) khi quân đội Nga thông báo sau một vòng đàm phán với các nhà đàm phán Ukraine ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ rằng họ sẽ thu hẹp quy mô các hoạt động chiến đấu gần thủ đô Kyiv của Ukraine và thành phố Chernihiv ở phía bắc Ukraine.

Trình bày trước khoảng 10,000 quân tại thủ phủ Grozny của Chechnya, ông Kadyrov nói: “Chúng ta cần hoàn thành những gì chúng ta đã bắt đầu và không nên dừng lại.” Ông nói nếu Moscow cho phép các chiến đấu cơ của ông tấn công, “Tôi sẽ tự tin hơn rằng chúng ta sẽ tiến vào Kyiv và thiết lập trật tự ở đó.”

Ông Kadyrov đã đăng nhiều video trên một ứng dụng nhắn tin được cho là quay cảnh ông và các chiến binh Chechnya ở ngoại ô Kyiv và ở cảng Mariupol bị bao vây trên Biển Azov. Những video đó không thể được xác minh một cách độc lập.


Bỉ trục xuất 21 nhà ngoại giao Nga 

Bỉ đã quyết định trục xuất 21 nhà ngoại giao Nga vì các hoạt động liên quan đến gián điệp hoặc lợi dụng chức vụ gây ảnh hưởng trái pháp luật.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Bỉ Elke Pattyn nói với The Associated Press hôm thứ Ba (29/03) rằng các nhà ngoại giao có hai tuần để rời khỏi nước này.


Thị trưởng thành phố: Mariupol của Ukraine đang ‘nằm trong tay’ quân đội Nga

Các quân nhân của quân đội thân Nga lái một bệ phóng đa hỏa tiễn với các ký hiệu “Z” được sơn trên các mặt bên của phương tiện trong cuộc xung đột Ukraine-Nga tại thành phố cảng phía nam bị bao vây Mariupol, Ukraine, hôm 24/03/2022. (Ảnh: Alexander Ermochenko /File Photo/Reuters)

Các quan chức Ukraine cho biết quân đội Nga đang kiểm soát các khu vực rộng lớn của thành phố Mariupol bị bao vây ở Biển Đen.

“Không phải mọi thứ đều nằm trong khả năng của chúng ta,” Thị trưởng Mariupol Vadym Boichenko nói với CNN hôm thứ Hai. “Thật không may, hôm nay chúng ta đang nằm trong tay của những kẻ chiếm đóng.” Ông cũng cho biết khoảng dưới một nửa số cư dân của thành phố vẫn còn ở lại.

“Theo ước tính của chúng tôi, có khoảng 160,000 người đang ở trong thành phố Mariupol bị bao vây hôm nay, nơi không thể sống được vì không có nước, điện, nhiệt, không có kết nối,” ông tiếp tục. “Và điều đó thực sự đáng sợ.”

Sau khoảng một tháng bị pháo kích nặng nề cũng như nhiều ngày chiến đấu trên đường phố, thành phố này đã rơi vào tay quân Nga. Mariupol có thể được coi là một thành phố chiến lược đối với Nga vì chiếm được nó sẽ cho phép Moscow kết nối lực lượng của họ ở Bán đảo Crimea với khu vực ly khai Donbas.

Hôm thứ Ba (29/03), Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết trong một bài diễn văn trước Nghị viện Đan Mạch rằng cuộc bao vây Mariupol là một “tội ác phản nhân loại”. Theo ông, quân đội Nga đang phá hủy các hầm trú ẩn có dân thường bên trong.


Hà Lan trục xuất 17 nhà ngoại giao Nga 

Ngoại trưởng Wopke Hoekstra nói chuyện với giới báo chí ở La Haye, Hà Lan, sau quyết định trục xuất 17 nhà ngoại giao Nga hôm 29/03/2022. (Ảnh: Bart Maat/ANP/AFP qua Getty Images)

Chính phủ Hà Lan cho biết họ đang trục xuất 17 sĩ quan tình báo Nga, gọi sự hiện diện của họ là một “mối đe dọa đối với an ninh quốc gia”.

Bộ Ngoại giao Hà Lan cho biết bộ đã triệu tập Đại sứ Nga hôm thứ Ba (29/03) và thông báo với các sĩ quan này, những người vốn được công nhận là nhà ngoại giao, rằng họ sẽ bị trục xuất khỏi nước này.

Bộ cho biết họ đã ra quyết định trên vì lý do an ninh quốc gia.

Chính phủ Hà Lan cho biết họ đã ra quyết định với sự tham vấn của “một số quốc gia cùng chung chí hướng,” viện dẫn các lệnh trục xuất tương tự từ Hoa Kỳ, Ba Lan, Bulgaria, Slovakia, Estonia, Latvia, Lithuania, và Montenegro.


CEO Google gặp Thủ tướng Ba Lan để cung cấp hỗ trợ cho người Ukraine

Giám đốc điều hành của Alphabet và Google Sundar Pichai đã gặp Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki để đề nghị hỗ trợ và viện trợ nhân đạo cho người dân Ukraine.

Ông Pichai và ông Morawiecki cũng đã tổ chức một cuộc họp từ xa với Thủ tướng Slovenia Janez Jansa và đại diện của Thủ tướng Séc Petr Fiala.

Ngoài ra, ông Pichai cũng gặp gỡ các tổ chức nhân đạo của Ba Lan và các công ty khởi nghiệp của Ukraine. Ba Lan là điểm đến lớn nhất cho những người tị nạn chạy khỏi Ukraine.


Tổng thống Zelensky: 7 người thiệt mạng trong cuộc không kích thành phố miền nam Ukraine

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết 7 người đã thiệt mạng trong một cuộc tấn công bằng hỏa tiễn vào trụ sở chính quyền khu vực ở thành phố Mykolaiv, thuộc miền nam nước này.

Ông Zelensky, người đã nói chuyện với Nghị viện Đan Mạch qua một phiên dịch viên, tuyên bố cuộc không kích hôm thứ Ba (29/03) cũng khiến 22 người bị thương. Kênh Telegram của thống đốc khu vực Vitaliy Kim cho thấy một lỗ hổng lớn ở trung tâm của tòa nhà chín tầng này.

Ông Zelensky đã trình bày trực tuyến trước các nhà lập pháp ở một số quốc gia, bao gồm các nhà lập pháp ở Hoa Kỳ, Anh, Thụy Điển, Đức, Canada, Israel, Nhật Bản, và Liên minh Âu Châu.

Ông sẽ trình bày trước Nghị viện Na Uy vào thứ Tư (30/03).


Nga trục xuất 10 nhà ngoại giao đến từ ba quốc gia Baltic

Nga đã trục xuất tổng cộng 10 nhà ngoại giao từ ba quốc gia Baltic là Estonia, Latvia, và Lithuania để trả đũa việc các nước này trục xuất các nhà ngoại giao Nga hồi đầu tháng này.

Bộ Ngoại giao Nga cho biết họ đang hủy bỏ việc công nhận bốn nhà ngoại giao của Lithuania, ba nhà ngoại giao của Latvia và ba nhà ngoại giao của Estonia và họ sẽ được yêu cầu rời khỏi nước này. Số người bị yêu cầu rời đi tương ứng với số nhà ngoại giao Nga mà mỗi nước đã trục xuất trước đó.

Hôm 18/03, ba quốc gia Baltic này đã ra lệnh trục xuất 10 nhân viên đại sứ quán Nga trong một hành động phối hợp được thực hiện để thể hiện tình đoàn kết với Ukraine.

Hôm thứ Ba (29/03), Nga cho biết hành động này “mang tính khiêu khích và hoàn toàn vô căn cứ” và họ đã triệu tập các đại sứ Estonia, Latvia, và Lithuania tại Moscow để chính thức phản đối.


Nga sẽ ‘giảm mạnh’ hoạt động quân sự gần Kyiv để các cuộc đàm phán được thành công

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan tiếp đón các nhà đàm phán Nga và Ukraine trước cuộc hội đàm trực tiếp của họ tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, hôm 29/03/2022. (Ảnh: Murat Cetinmuhurdar/Văn phòng Báo chí Tổng thống/Tài liệu phát qua Reuters)

Hôm thứ Ba (29/03), Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Alexander Fomin thông báo Nga đã “giảm mạnh” hoạt động quân sự của mình gần Kyiv và Chernihiv (tiếng Nga gọi là Chernigov) khi các cuộc đàm phán với Ukraine bước vào giai đoạn “thực tế”.

Nói chuyện với giới báo chí sau các cuộc hội đàm với phái đoàn Ukraine, ông Fomin cho biết, “Nhằm mục đích tăng cường sự tin tưởng lẫn nhau và tạo điều kiện cần thiết cho các cuộc đàm phán tiếp theo, đồng thời đạt được mục tiêu cuối cùng là đồng ý và ký kết hiệp định nói trên, Bộ Quốc phòng Liên bang Nga đã ra một quyết định để giảm mạnh hoạt động quân sự trên các hướng tiếp cận Kyiv và Chernigov theo nhiều đợt.”

Chernihiv, ở miền bắc Ukraine, cách Kyiv khoảng 150 km (93 dặm).

Các quan chức Nga sẽ cung cấp thêm thông tin chi tiết về việc cắt giảm đó sau khi phái đoàn trở lại Moscow, ông Fomin cho biết.

Mời quý vị xem toàn bộ bài viết tại đây.


Vòng đàm phán Nga-Ukraine bắt đầu tại Thổ Nhĩ Kỳ, có sự tham dự của ông Abramovich

Hôm thứ Ba (29/03), Nga và Ukraine đã bắt đầu cuộc đàm phán hòa bình trực tiếp đầu tiên trong hơn hai tuần tại Istanbul, với sự tham dự bất ngờ của tỷ phú người Nga Roman Abramovich, người bị phương Tây trừng phạt vì cuộc xâm lược của Moscow vào Ukraine.

Video feed của tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy hai bên ngồi đối diện nhau tại một chiếc bàn dài trong văn phòng tổng thống, với nhà tài phiệt Nga ngồi ở hàng ghế đầu dành cho người xem, mặc bộ đồ màu xanh lam.

Trong một bài diễn văn về eo biển Bosphorus diễn ra trước cuộc hội đàm, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan nói với các phái đoàn rằng đã đến lúc cần có kết quả cụ thể và tiến trình đó sẽ mở đường cho một cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo của hai quốc gia.

Ông nói: “Việc ngăn chặn thảm kịch này tùy thuộc vào các bên. Vì lợi ích của tất cả mọi người, cần đạt được một lệnh ngừng bắn và hòa bình càng sớm càng tốt. Chúng tôi nghĩ rằng hiện chúng ta đã bước vào một giai đoạn mà cần có những kết quả cụ thể từ các cuộc đàm phán.”

“Quá trình đàm phán mà các vị đang thực hiện theo lệnh của lãnh đạo của các vị đã làm dấy lên hy vọng về hòa bình.”

Truyền hình Ukraine cho biết cuộc họp bắt đầu với một “sự đón tiếp lạnh lùng” và không có cái bắt tay nào giữa các phái đoàn.

Hôm thứ Hai (28/03), Ukraine cho biết mục tiêu tham vọng nhất của họ tại cuộc gặp này là đạt được thỏa thuận về một lệnh ngừng bắn.


Điện Kremlin bác bỏ tin đồn ông Abramovich bị đầu độc, khẳng định vai trò của ông trong các cuộc đàm phán

Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov đã bác bỏ các bản tin cho rằng tỷ phú người Nga Roman Abramovich có thể đã bị đầu độc như một phần của một “cuộc chiến thông tin”.

Hôm thứ Hai (28/03), hãng thông tấn điều tra Bellingcat tuyên bố rằng ông Abramovich và hai đại biểu Ukraine có các triệu chứng bị đầu độc sau khi tham dự các cuộc hội đàm giữa Nga và Ukraine hôm 03/03.

Ông Peskov cho biết hôm thứ Ba (29/03) rằng ông Abramovich đã “bảo đảm một số mối liên hệ nhất định giữa hai bên Nga và Ukraine” nhưng không phải là một thành viên chính thức của phái đoàn Nga. Ông nói rằng vai trò của ông Abramovich đã được cả hai bên chấp thuận.

Về các bản tin nói rằng ông Abramovich có thể đã bị đầu độc, ông nói: “Đó là một phần của cuộc chiến thông tin. Những bản tin này rõ ràng là không đúng với thực tế.”


Bộ trưởng Quốc phòng Nga nhấn mạnh sự tập trung vào Donbas

Bộ trưởng Quốc phòng Nga nói rằng “giải phóng” vùng Donbas ở miền đông Ukraine là mục tiêu chính trong chiến dịch quân sự của Moscow.

Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu, người mà vì ít xuất hiện trước công chúng trong tháng này khiến người ta đặt nghi vấn về tình trạng sức khỏe và nơi ở của ông, đã tổ chức một cuộc họp với các quan chức quân sự hàng đầu hôm thứ Ba (29/03), và nói rằng “nhìn chung, các nhiệm vụ chính của giai đoạn đầu tiên của chiến dịch này đã hoàn tất.”

Ông nói rằng “tiềm lực chiến đấu của các lực lượng vũ trang Ukraine đã giảm đáng kể, điều này cho phép chúng ta tập trung sự chú ý chính và những nỗ lực chính vào việc đạt được mục tiêu chính — giải phóng Donbass.”

Bộ trưởng nhấn mạnh rằng quân đội Nga sẽ tiếp tục chiến dịch này cho đến khi “đạt được các mục tiêu đã đề ra.”

Ông Shoigu cũng đưa ra lời bảo đảm rằng Nga sẽ không gửi lính nghĩa vụ được tuyển dụng trong đợt trưng binh tháng Tư sắp tới đến Ukraine. Đầu tháng này (03/2022), quân đội Nga thừa nhận rằng một số lính nghĩa vụ đã đến Ukraine và thậm chí bị bắt ở đó.


Ukraine: Các cuộc đàm phán tập trung vào các bảo đảm an ninh

Một cố vấn của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết các cuộc đàm phán với Nga tại Istanbul đang tập trung vào các bảo đảm an ninh cho Ukraine và hy vọng về một lệnh ngừng bắn.

Ông Mykhailo Podolyak nói với giới truyền thông Ukraine hôm thứ Ba (29/03) rằng có “các cuộc tham vấn chuyên sâu đang diễn ra về một số vấn đề quan trọng, vấn đề mấu chốt trong số đó là một thỏa thuận quốc tế về các bảo đảm an ninh cho Ukraine.” Ông nói rằng “chỉ với thỏa thuận này, chúng ta mới có thể kết thúc chiến tranh theo cách mà Ukraine cần.”

Ông cho biết thêm rằng “khối vấn đề thứ hai là ngừng bắn để chúng ta có thể giải quyết tất cả các vấn đề nhân đạo đang chồng chất và đòi hỏi các giải pháp khẩn cấp.”

Ông Podolyak nói thêm rằng hai bên cũng đang thảo luận về các hành vi vi phạm quy tắc chiến tranh.


Bộ Ngoại giao Nga: Hoa Kỳ và các đồng minh tấn công dữ liệu và cơ sở hạ tầng của Nga

Bộ Ngoại giao Nga cho biết Hoa Kỳ và các đồng minh có liên quan đến việc tấn công dữ liệu và cơ sở hạ tầng của Nga.

Bộ Ngoại giao nước này cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Ba (29/03) rằng “Hoa Kỳ và các nước chư hầu của họ đang thực hiện một chiến dịch mạng lớn chống lại đất nước chúng ta.” Bộ này cũng cho biết Hoa Kỳ và các thành viên NATO khác đã đào tạo các tin tặc Ukraine và đổ lỗi cho những gì họ nói là nỗ lực của Ukraine để chiêu mộ các tin tặc quốc tế.

Bộ này nói rằng các cuộc tấn công đó bao gồm đánh cắp dữ liệu cá nhân của người Nga, gây áp lực lên nền kinh tế, và phát tán “thông tin giả” về quân đội Nga.

Nga cho biết họ đang tăng cường an ninh mạng của riêng mình và sẽ tìm cách đưa các tin tặc ra công lý.


IMF cho biết ‘không có vấn đề gì’ với Moscow, không có kế hoạch loại bỏ Nga khỏi quỹ

Giám đốc Điều hành IMF Kristalina Georgieva trình bày trong cuộc thảo luận của ban hội thảo tại hội nghị thượng đỉnh ở Glasgow, Scotland, hôm 03/11/2021. (Ảnh: Daniel Leal/AFP qua Getty Images)

Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết tổ chức cho vay toàn cầu này “không có vấn đề gì với Nga” và hội đồng quản trị của họ chỉ có thể đình chỉ quốc gia này nếu các thành viên của quỹ nói rằng họ không còn công nhận chính phủ Nga.

“Đó là một việc rất khó khăn,” Giám đốc Điều hành IMF Kristalina Georgieva cho biết hôm thứ Ba (29/03) trước câu hỏi về những hậu quả đối với Nga vì cuộc chiến ở Ukraine.

Bà cho biết thêm rằng “tất cả chúng ta đều biết để cuộc chiến này kết thúc thì cần phải có đối thoại.” Bà Georgieva đã nói như vậy tại Hội nghị thượng đỉnh Chính phủ Thế giới ở Dubai.

IMF đã thông qua khoản tài trợ khẩn cấp 1.4 tỷ USD cho Ukraine hôm 10/03. Khoản tiền này bổ sung thêm vào khoản giải ngân 700 triệu USD dành cho quốc gia này trước cuộc chiến, do Nga phát động vào ngày 24/02.

IMF cho biết họ dự kiến ​​“một đợt suy thoái tồi tệ ở Nga” và tác động lan tỏa sang các nước láng giềng. IMF cho biết văn phòng Moscow của họ đang không hoạt động tích cực.


Lithuania có thể sẽ cấm sử dụng ký hiệu ‘Z’ của quân đội Nga

Các nhà lập pháp ở Lithuania đang tranh luận về một lệnh cấm sử dụng ký hiệu ‘Z’ để thể hiện sự ủng hộ đối với cuộc tấn công của Nga vào Ukraine.

Quân đội Nga tại Ukraine đã sơn chữ Z lên sườn các phương tiện quân sự và nó đã được một số người ở Nga sử dụng như một biểu tượng ủng hộ những gì Điện Kremlin mô tả là “chiến dịch quân sự đặc biệt”.

Lithuania, quốc gia đã cấm các biểu tượng của Liên Xô và Đức Quốc Xã, cũng muốn cấm thêm dải ruy băng màu đen và cam vốn là một giải thưởng quân sự nay được sử dụng để tưởng nhớ chiến thắng của Liên Xô trước Đức Quốc Xã.

Nghị viện Lithuania dự kiến ​​sẽ bỏ phiếu trong tuần này. Nếu lệnh cấm được thông qua, những người vi phạm có thể sẽ phải đối mặt với khoản tiền phạt lên đến 500 euro (550 USD).


Phần Lan tuyên bố Nga có khả năng thực hiện tấn công mạng nhắm vào nước này

Cơ quan tình báo chính của Phần Lan tuyên bố rằng Nga có khả năng thực hiện các chiến dịch thông tin và mạng chống lại quốc gia Bắc u này trong những tháng tới khi chính phủ và các nhà lập pháp tranh luận về khả năng trở thành thành viên NATO.

Cơ quan Tình báo và An ninh Phần Lan cho biết trong báo cáo thường niên được công bố hôm thứ Ba (29/03) rằng họ coi “các hoạt động tình báo bất hợp pháp của Nga” là một trong những mối đe dọa chính đối với an ninh quốc gia của Phần Lan hiện nay.

Giám đốc Antti Pelttari nói rằng “toàn thể xã hội Phần Lan cần được chuẩn bị các biện pháp khác nhau cho việc Nga tìm cách tác động đến việc hoạch định chính sách ở Phần Lan về vấn đề NATO.”


Thổ Nhĩ Kỳ ‘trong tình trạng báo động’ đối với mìn hải quân trôi nổi trên Biển Đen

Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ cho biết nước này đang “trong tình trạng báo động” đối với mìn hải quân sau khi các nhà chức trách phát hiện và vô hiệu hóa hai thiết bị nổ trôi nổi trên Biển Đen.

Ông Hulusi Akar nói với các ký giả vào cuối ngày thứ Hai (29/03) rằng các nhà chức trách vẫn đang cố gắng xác định xem liệu các quả mìn có trôi khỏi vùng biển Ukraine hay không. Ông không có thông tin về số lượng thiết bị chống hạm có thể trôi nổi trên biển.

Ông Akar cho biết trong các bình luận do bộ của ông công bố hôm thứ Ba (29/03): “Liệu các quả mìn được đặt ở Ukraine đã trôi dạt đến chưa, hay liệu các quả khác đã được kích hoạt hay chưa — sẽ là không đúng để nói bất cứ điều gì khi không chắc chắn về điều đó.”

“Các tàu quét mìn và phi cơ tuần tra hàng hải của chúng tôi đang trong tình trạng báo động,” ông nói. “Các quả mìn được phát hiện sẽ lập tức bị phá hủy một cách an toàn.”

Ông Akar nói thêm rằng Thổ Nhĩ Kỳ đang hợp tác với Romania và Bulgaria để dò mìn.

Các nhóm quân sự Thổ Nhĩ Kỳ đã vô hiệu hóa hai quả mìn hải quân trong bốn ngày qua, trong đó có một quả đã khiến eo biển Bosporus bị đóng cửa tạm thời hôm thứ Bảy (26/03). Việc phát hiện mìn diễn ra sau những cảnh báo nói rằng các quả mìn đặt tại lối vào các cảng của Ukraine có thể bị trôi dạt trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt và đi vào Biển Đen.


Tổng giám đốc IAEA đến Ukraine để thảo luận về hỗ trợ an toàn

Cơ quan giám sát hạt nhân của Liên Hiệp Quốc cho biết tổng giám đốc của họ đã đến Ukraine để thảo luận với các quan chức chính phủ cao cấp về việc cung cấp “hỗ trợ kỹ thuật khẩn cấp” nhằm bảo đảm an toàn cho các cơ sở hạt nhân của nước này.

Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) cho biết hôm thứ Ba (29/03) rằng mục đích của ông Rafael Mariano Grossi là “khởi động việc hỗ trợ an ninh và an toàn nhanh chóng” cho các cơ sở hạt nhân của Ukraine. Mục đích đó sẽ bao gồm việc cử các chuyên gia của IAEA đến “các cơ sở được ưu tiên” và gửi “các vật tư thiết yếu về an toàn và an ninh” bao gồm thiết bị giám sát và thiết bị khẩn cấp.

Ông Grossi được cho là sẽ đến một trong những nhà máy điện hạt nhân của Ukraine trong tuần này (28/03-03/04), nhưng không cho biết cụ thể nhà máy nào. Ukraine có 15 lò phản ứng hạt nhân tại bốn nhà máy điện đang hoạt động, và cũng là quê hương của nhà máy Chernobyl đã ngừng hoạt động, nơi xảy ra thảm họa hạt nhân năm 1986. Quân đội Nga đã giành quyền kiểm soát Chernobyl và nhà máy điện lớn nhất đang hoạt động tại Zaporizhzhia.

Ông Grossi cho biết trong một tuyên bố rằng “cuộc xung đột quân sự đang đặt các nhà máy điện hạt nhân của Ukraine và các cơ sở khác có chất phóng xạ vào tình trạng nguy hiểm chưa từng có.”

Ông nói thêm rằng “đã có một số tình huống suýt chút nữa thì nguy hiểm. Chúng ta không thể để mất thêm thời gian nữa.”


Ukraine: Các quốc gia nên cấm sử dụng ký hiệu ‘Z’ của quân đội Nga

Ngoại trưởng Ukraine kêu gọi các quốc gia cấm sử dụng ký tự “Z” làm một biểu tượng cho cuộc chiến của Nga ở Ukraine.

Quân đội Nga tại Ukraine đã sơn chữ Z lên sườn các phương tiện quân sự và ký tự này đã được một số người ở Nga sử dụng như một biểu tượng ủng hộ những gì Điện Kremlin mô tả là “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở quốc gia láng giềng của họ.


Đức làm việc hướng tới một lệnh cấm vận dầu mỏ từ Nga

Ngoại trưởng Đức cho biết đất nước của bà đang nỗ lực hướng tới lệnh cấm vận ‘trên thực tế’ đối với dầu mỏ của Nga vì cuộc chiến ở Ukraine.

Đức từ lâu đã phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch từ Nga và Thủ tướng Olaf Scholz đã cảnh báo rằng việc đột ngột ngừng nhập cảng có thể gây ra những hậu quả kinh tế nghiêm trọng cho đất nước ông.

Tuy nhiên, Ngoại trưởng Annalena Baerbock cho biết hôm thứ Ba (29/03) rằng Đức vẫn đang hướng tới một “lối thoát hoàn toàn cho quốc gia khỏi sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch của Nga.”

Bà trích dẫn những nỗ lực gần đây nhằm đa dạng hóa nhập cảng của Đức để chấm dứt việc sử dụng dầu và than của Nga trong năm nay, và khí đốt tự nhiên của Nga vào giữa năm 2024.

“Quý vị có thể (…) gọi đó là một lệnh cấm vận quốc gia, từng bước từng bước một, trên thực tế, đặc biệt là đối với dầu,” bà Baerbock nói tại hội nghị Đối thoại Chuyển đổi Năng lượng Berlin.


Ukraine cho biết họ đang vận hành ba tuyến đường di tản

Chính phủ Ukraine cho biết họ đang vận hành ba hành lang nhân đạo hôm thứ Ba (29/03) để di chuyển thường dân ra khỏi cảng Mariupol bị bao vây và hai thành phố do Nga chiếm đóng ở phía nam.

Phó Thủ tướng Iryna Vereshchuk nói rằng ngoài Mariupol, các cuộc di tản sẽ tiến hành từ Enerhodar và Melitopol.

Các tuyến đường đều tập trung tại thành phố Zaporizhzhia ở miền nam do Ukraine kiểm soát.


Quan chức Ukraine: Vụ nổ tấn công tòa nhà hành chính ở thành phố cảng Mykolaiv

Một quan chức Ukraine cho biết một vụ nổ đã tấn công tòa nhà hành chính cao chín tầng ở thành phố cảng chiến lược Mykolaiv vào sáng thứ Ba (29/03) khi cuộc đàm phán giữa các phái đoàn Ukraine và Nga tại Istanbul bắt đầu.

Kênh Telegram của thống đốc khu vực Vitaliy Kim cho thấy một lỗ hổng lớn ở trung tâm tòa nhà này. Ông Kim cho biết hầu hết mọi người đã thoát khỏi tòa nhà và lực lượng cứu hộ đang tìm kiếm một số người mất tích.


Bloomberg News cho biết đã đình chỉ hoạt động tại Nga và Belarus

Bloomberg News cho biết họ đã đình chỉ hoạt động tại Nga và Belarus, vì sự lên án của quốc tế và các lệnh trừng phạt đối với Nga do nước này xâm lược Ukraine.

Hãng tin tài chính này cho biết các khách hàng ở cả Nga và Belarus sẽ không thể truy cập bất kỳ sản phẩm tài chính nào của Bloomberg bao gồm thiết bị đầu cuối, giấy phép dữ liệu, nguồn cấp dữ liệu, và các nền tảng giao dịch điện tử.

Hãng cho biết các chức năng giao dịch đối với chứng khoán của Nga đã bị vô hiệu hóa do các lệnh trừng phạt quốc tế.

Trước đó, Bloomberg đã đình chỉ công việc của các ký giả tại Nga và loại bỏ chứng khoán Nga khỏi chỉ số chứng khoán toàn cầu của mình. Công ty cho biết trong một tuyên bố rằng trái phiếu Nga sẽ bị loại bỏ khi tái cơ cấu danh mục đầu tư vào cuối tháng.

Họ cho biết quỹ từ thiện Bloomberg Philanthropies đã cam kết đóng góp 40 triệu USD cho Ủy ban Cứu hộ Quốc tế (IRC) và Bếp ăn Trung tâm Thế giới (WCK) để giúp đỡ những người Ukraine và người tị nạn trong khu vực và ở những nơi khác.


Tình báo Anh cho biết Tập đoàn Wagner của Nga đã khai triển tới miền đông Ukraine

Tình báo quân sự Anh cho biết hôm thứ Hai (29/03) rằng công ty quân sự tư nhân của Nga, Tập đoàn Wagner, đã được khai triển tới miền đông Ukraine.

“Họ dự kiến ​​sẽ khai triển hơn 1,000 lính đánh thuê, bao gồm các lãnh đạo cao cấp của tổ chức này, để thực hiện các hoạt động chiến đấu,” Bộ Quốc phòng Anh cho biết.


Nga sẽ xem xét video về cáo buộc ngược đãi tù nhân, Kyiv chất vấn tính xác thực

Hôm thứ Hai (29/03), Điện Kremlin cho biết các nhà điều tra Nga sẽ xem xét một đoạn video được đăng tải trên mạng xã hội dường như cho thấy quân đội Ukraine đang ngược đãi những người lính Nga bị bắt.

Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết đoạn video chứa “những hình ảnh khủng khiếp” và cần được đánh giá về mặt pháp lý, đồng thời những kẻ tham gia vào hành động mà ông mô tả là tra tấn cần phải chịu trách nhiệm.

Reuters đã không thể kiểm chứng tính xác thực của đoạn video mà Điện Kremlin trích dẫn.

Được hỏi về đoạn video trong một cuộc phỏng vấn trên kênh Sky News, Tổng công tố Ukraine Iryna Venediktova cho biết không thể tin những gì thể hiện trên bề mặt của đoạn video này.

“Chúng ta cần bằng chứng,” bà nói hôm thứ Hai (28/03). “Nếu quân đội từ phía Ukraine có tội, chúng tôi sẽ điều tra và đưa họ ra tòa.”

Trước đó, các quan chức cao cấp của Ukraine đã tuyên bố rằng đoạn video này là giả.

“Hiện tại, không ai có thể xác nhận hay phủ nhận tính xác thực của đoạn video này. Không ai biết đoạn video này diễn ra ở đâu, hoặc những ai đã có mặt trong đó,” phát ngôn viên quân đội Oleksander Motuzyanyk nói.

Ông đã chỉ cho Reuters tham khảo những nhận xét của ông Valery Zaluzhny, tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Ukraine, trước khi ông Peskov công bố cuộc điều tra của Nga về đoạn video.

Ông Zaluzhny đã nói: “Kẻ địch sản xuất và chia sẻ các video, với cách đối xử vô nhân đạo đối với ‘tù nhân Nga’ được cho là thực hiện bởi ‘binh lính Ukraine’ nhằm làm mất uy tín của Lực lượng Phòng vệ Ukraine.”

Ông Zaluzhny cho biết các lực lượng vũ trang của Ukraine tôn trọng các quy tắc quốc tế, đồng thời cáo buộc Nga sản xuất các video như vậy để làm mất uy tín của quân đội Ukraine. Ông không cung cấp bất kỳ bằng chứng nào để hỗ trợ cho cáo buộc của mình.

Ông Sergii Nykyforov, Tham vụ Báo chí của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy, cho biết đoạn video phải được đánh giá “trong bối cảnh cả chiến tranh thông tin và chiến tranh ngoài đời thực.” Ông không giải thích thêm.


Vòng đàm phán mới nhằm chấm dứt chiến tranh ở Ukraine

Một vòng đàm phán khác nhằm chấm dứt chiến tranh ở Ukraine dự kiến sẽ diễn ra vào thứ Ba (29/08) khi tình trạng giao tranh dường như ngày càng lâm vào bế tắc, với việc hai bên đổi quyền kiểm soát một thị trấn ở phía đông và một vùng ngoại ô của thủ đô.

Tổng thống Volodymyr Zelensky cho biết các lực lượng Ukraine đã chiếm lại Irpin, phía tây bắc Kyiv, từ quân đội Nga, lực lượng vốn đang tái tập hợp để chiếm lại khu vực này, Tổng thống Volodymyr Zelensky cho biết vào cuối ngày thứ Hai (28/03) khi ông tìm cách kêu gọi đất nước.

“Chúng ta vẫn phải chiến đấu, chúng ta phải chịu đựng,” ông Zelensky nói trong bài diễn văn hàng đêm trước quốc dân. “Chúng ta không thể diễn tả cảm xúc của mình lúc này. Chúng ta không thể nâng cao kỳ vọng, chỉ đơn giản là để chúng ta không bị kiệt sức.”

Trước cuộc hội đàm sẽ được tổ chức tại Istanbul, Tổng thống Ukraine cho biết đất nước ông đã sẵn sàng tuyên bố trung lập như Moscow yêu cầu và sẵn sàng thỏa hiệp về số phận của Donbas, khu vực đang tranh chấp ở phía đông của đất nước.


Tổng thống Zelensky: Quân đội Nga vẫn tấn công Kyiv

Một bức ảnh được chụp hôm 21/03/2022, cho thấy toàn cảnh thiệt hại tại trung tâm mua sắm Retroville, một ngày sau khi bị quân Nga nã pháo trúng, tại một khu dân cư ở phía tây bắc thủ đô Kyiv của Ukraine. (Ảnh: Fadel Senna/AFP qua Getty Images)

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết vào cuối ngày thứ Hai (28/03) rằng các lực lượng Nga vẫn đang tấn công Kyiv, mặc dù đã bị đánh đuổi khỏi Irpin, một vùng ngoại ô phía tây bắc thủ đô đã chứng kiến ​​giao tranh ác liệt.

Ông cho biết người Nga vẫn nắm quyền kiểm soát các vùng ngoại ô phía bắc và đang cố gắng tập hợp lại sau khi mất Irpin hôm thứ Hai (28/03). Ông kêu gọi người dân Ukraine không từ bỏ cuộc chiến.

Ông cho biết tình hình vẫn căng thẳng ở phía đông bắc, xung quanh Chernihiv, Sumy, Kharkhiv, và cả khu vực phía đông Donbas và ở phía nam xung quanh Mariupol, nơi vẫn bị quân đội Nga phong tỏa.

Tổng thống cho biết không có hành lang nhân đạo nào có thể được mở hôm thứ Hai (28/03) để rời khỏi thành phố bị bao vây này.

Hôm thứ Hai (28/03), ông Zelensky cho biết ông đã nói chuyện với các nhà lãnh đạo của Azerbaijan, Anh, Canada và Đức, kêu gọi họ tăng cường các biện pháp trừng phạt chống lại Nga.


Quan chức Ukraine: Hỏa tiễn bắn trúng kho dầu ở miền tây Ukraine 

Một quân nhân của lực lượng vũ trang Ukraine tham gia các cuộc diễn tập quân sự chiến thuật tại một bãi tập ở vùng Rivne, Ukraine, hôm 16/02/2022. (Ảnh: Cơ quan Báo chí của Tổng thống Ukraine/Phát qua Reuters)

Thống đốc khu vực Rivne cho biết, một cuộc tấn công bằng hỏa tiễn đã nhắm trúng một kho dầu ở miền tây Ukraine vào cuối hôm thứ Hai (28/03), đánh dấu cuộc tấn công thứ hai nhằm vào các cơ sở dầu trong khu vực này và là vụ mới nhất trong một loạt các cuộc tấn công như vậy trong những ngày gần đây.

Miền tây Ukraine chưa chứng kiến ​​các cuộc giao tranh trên bộ, nhưng hỏa tiễn đã tấn công các kho dầu và một nhà máy quân sự ở Lviv, một thành phố lớn gần Ba Lan, nơi hàng trăm ngàn người Ukraine đã chạy khỏi các cuộc giao tranh ở những nơi khác.

Trong một cuộc phỏng vấn với các ký giả Nga được công bố hôm Chủ Nhật, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã gợi ý rằng các cuộc tấn công vào các kho dầu là nhằm mục đích làm gián đoạn mùa gieo trồng ở Ukraine, một quốc gia sản xuất ngũ cốc lớn.


Tổng thống Biden cho biết ‘sẽ không rút lại’ bình luận về ông Putin

Tổng thống Joe Biden trình bày cùng Giám đốc Văn phòng Quản lý và Ngân sách (OMB) Shalanda Young khi ông giới thiệu yêu cầu ngân sách của mình cho năm tài chính 2023 tại Phòng Yến tiệc Quốc gia của Tòa Bạch Ốc hôm 28/03/2022. (Ảnh: Anna Moneymaker/Getty Images)

Hôm 28/03, Tổng thống Joe Biden nói với các phóng viên rằng ông “sẽ không rút lại” các bình luận hôm 26/03 của mình khi ông nói rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin “không nên tiếp tục nắm quyền.”

Tổng thống Biden đã đưa ra nhận xét ban đầu về nhà lãnh đạo Nga khi kết thúc bài diễn văn ở Warsaw, Ba Lan, khi ông nói: “Chúa ơi, người đàn ông này không thể tiếp tục nắm quyền.” Trước đó cùng ngày, ông Biden đã gọi ông Putin là “đồ tể”.

Trong khi trả lời các câu hỏi từ các phóng viên hôm 28/03, Tổng thống Biden nói rằng ông “sẽ không rút lại bất cứ điều gì”, nói thêm rằng ông đang nói về sự phẫn nộ của mình trước các hành động của ông Putin ở Ukraine chứ không nói về một sự thay đổi trong chính sách của Hoa Kỳ.

Tổng thống Biden nói, “Điều cuối cùng tôi muốn làm là tham gia vào một cuộc chiến tranh trên bộ hoặc chiến tranh hạt nhân với Nga. Đó không phải là một phần của bình luận đó. Tôi đang bày tỏ sự phẫn nộ của mình về hành vi của người đàn ông này.”

“Thật là thái quá. Điều đó thật là thái quá, và bình luận đó, đó là một mong ước hơn là bất cứ điều gì khác rằng ông ấy không nên nắm quyền. Ý tôi là không, những người như thế này không nên thống trị quốc gia, nhưng họ đang làm vậy. Thực tế là họ đang thống trị, nhưng không có nghĩa là tôi không thể bày tỏ sự phẫn nộ của mình về điều đó.”

Sau đó, khi được hỏi liệu ông có lo ngại những bình luận của mình sẽ làm leo thang căng thẳng với Nga hay không, Tổng thống Biden nói rằng Tổng thống Putin “sẽ làm những gì ông ấy sẽ làm thôi.”

Mời quý vị xem toàn bộ bài viết tại đây.


Nga gán nhãn đài truyền hình quốc gia Đức là ‘đại diện ngoại quốc’

Đài truyền hình do chính phủ tài trợ của Đức Deutsche Welle (DW) hiện được coi là “đại diện ngoại quốc” theo luật của Nga sau khi Bộ Tư pháp nước này ở Moscow đưa họ vào danh sách đăng ký vào hôm thứ Hai (28/03).

Việc gán nhãn cho Deutsche Welle như một đại diện ngoại quốc sẽ buộc hãng thông tấn Đức này phải đưa ra tuyên bố từ chối trách nhiệm tương ứng đối với tất cả các nội dung của họ. Quyết định này cũng yêu cầu đài truyền hình công bố đầy đủ thông tin liên quan đến nguồn tài trợ của mình — và các nhà chức trách Nga hiện sẽ giám sát chặt chẽ các hoạt động của DW tại quốc gia này.


EU xác nhận ngày độc lập năng lượng khỏi Nga

Hôm thứ Hai (28/03), hãng thông tấn TASS đưa tin rằng Ủy ban Âu Châu đã xác nhận họ dự đoán EU sẽ tiếp tục phụ thuộc vào năng lượng nhập cảng từ Nga trong ít nhất năm năm nữa.

Phát ngôn viên của Ủy ban Âu Châu về Hành động Khí hậu và Năng lượng Tim McPhie cho biết khối sẽ “phụ thuộc vào nhiên liệu carbon từ Nga cho đến năm 2027.” Ông McPhie cho biết EU đã ước tính có thể giảm ⅔ sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga trong năm nay và kế hoạch chi tiết về cách thức đạt được điều này sẽ được trình bày vào cuối tháng Năm.


Moscow chuẩn bị áp đặt các hạn chế thị thực đối với hầu hết các quốc gia ‘không thân thiện’

Hôm thứ Hai (28/03), Ngoại trưởng Sergey Lavrov cho biết các biện pháp thị thực trả đũa đang được tiến hành ở Nga khi một quan chức hàng đầu khác của Điện Kremlin cho biết những bình luận gần đây của Tổng thống Joe Biden là một “tác nhân gây lo ngại.”

Trong các bình luận công khai, Ngoại trưởng Lavrov nói rằng các biện pháp thị thực mới sẽ hạn chế việc nhập cảnh đối với công dân từ các quốc gia “không thân thiện”. Ông không cung cấp thông tin chi tiết về các quốc gia sẽ bị nhắm đến, nhưng ông đã nêu ra Hoa Kỳ và các đồng minh của nước này.

“Ngoài ra, một dự thảo sắc lệnh của tổng thống hiện đang được soạn ra về các biện pháp thị thực trả đũa liên quan đến các hành động không thân thiện của một số quốc gia ngoại quốc,” ông nói trong một cuộc họp ở Moscow, theo truyền thông nhà nước. “Đạo luật này sẽ đưa ra một số hạn chế đối với việc nhập cảnh vào lãnh thổ Nga.”


Thủ tướng Đức Olaf Scholz: Nga sẽ gánh chịu những hậu quả nặng nề nhất vì tấn công vào Ukraine 

Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết Moscow đã phá vỡ mọi quy tắc trật tự quốc tế bằng cách sử dụng vũ lực để thay đổi biên giới và vì thế Nga sẽ là nước phải gánh chịu những hậu quả nặng nề nhất.

Ông Scholz nói trong một cuộc họp báo sau cuộc gặp với Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson rằng sự cần thiết phải bảo đảm an ninh ở Âu Châu là một trong những nhận thức cốt lõi về thời kỳ hậu chiến mà tất cả các nước kể cả Nga đều đồng ý sau năm 1990.

“Chỉ có thể có một câu trả lời cho điều đó. Đầu tiên, chúng tôi kêu gọi Nga chấm dứt chiến tranh. Thứ hai, chúng tôi tự khiến mình trở nên mạnh mẽ đến mức không thể xảy ra một cuộc tấn công vào các quốc gia EU hoặc NATO, bởi vì chúng tôi đủ mạnh để đáp trả điều đó,” ông Scholz nói.


G-7 từ chối thanh toán cho năng lượng cho Nga bằng đồng rúp

Bộ trưởng Kinh tế và Khí hậu Đức Robert Habeck trình bày trong một phiên họp bất thường, sau khi Nga phát động một chiến dịch quân sự lớn chống lại Ukraine, tại Hạ viện của Bundestag ở Berlin, Đức, hôm 27/02/2022. (Ảnh: Michele Tantussi/Reuters)

Bộ trưởng Kinh tế và Khí hậu Đức cho biết Nhóm Bảy (G-7) nền kinh tế lớn đã đồng thuận từ chối yêu cầu của Nga về việc thanh toán cho năng lượng nhập cảng từ Nga bằng đồng rúp.

Ông Robert Habeck nói với các phóng viên hôm thứ Hai (28/03) rằng “tất cả các bộ trưởng G-7 hoàn toàn đồng ý rằng đây [sẽ là] sự vi phạm rõ ràng và đơn phương đối với các hợp đồng hiện hữu.”

Ông Habeck cho biết sau một cuộc họp trực tuyến với các bộ trưởng năng lượng G-7 rằng “thanh toán bằng đồng rúp là không thể chấp nhận được và chúng tôi sẽ thúc giục các công ty bị ảnh hưởng không tuân theo yêu cầu của [Tổng thống Nga Vladimir] Putin.”

Khi được các phóng viên hỏi hôm thứ Hai rằng liệu Nga có thể cắt nguồn cung cấp khí đốt cho các khách hàng Âu Châu nếu họ từ chối yêu cầu thanh toán khí đốt của Nga bằng đồng rúp hay không, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói rằng “rõ ràng là chúng tôi sẽ không cung cấp khí đốt miễn phí.”


Gần 4 triệu người chạy khỏi Ukraine, nhưng tốc độ đang chậm lại

Số người tị nạn tràn ra khỏi Ukraine đã gần đạt mốc 4 triệu người, nhưng dữ liệu cho thấy có ít người vượt biên hơn trong những ngày gần đây.

Lực lượng biên phòng, các cơ quan cứu trợ và những người tị nạn cho biết cuộc chiến không thể đoán trước của Nga vào Ukraine đưa ra rất ít dấu hiệu cho thấy liệu đây chỉ là sự tạm dừng hay giảm vĩnh viễn.

Trong hai tuần đầu sau cuộc xâm lược của Nga hôm 24/02, khoảng 2.5 triệu người trong dân số 44 triệu người của Ukraine (dân số trước chiến tranh) đã rời khỏi đất nước. Trong hai tuần tiếp theo, số người tị nạn đã gần bằng một nửa con số đó.

Tính đến Chủ Nhật, tổng số người di cư hiện là 3.87 triệu người, theo kết quả kiểm đếm mới nhất được công bố hôm thứ Hai (28/03) từ UNHCR, cơ quan tị nạn của Liên Hiệp Quốc. Trong 24 giờ trước, chỉ có 45,000 người vượt qua biên giới Ukraine để tìm kiếm sự an toàn, con số ít nhất trong vòng một ngày.

Bà Anna Michalska, phát ngôn viên của lực lượng biên phòng Ba Lan cho biết: “Những người quyết định rời đi khi chiến tranh nổ ra đã chạy nạn trong những ngày đầu của cuộc chiến.”


Thụy Điển sẽ tiếp nhận ít người Ukraine hơn so với số lượng trong năm 2015

Thủ tướng Thụy Điển cho biết đất nước của bà sẽ giúp đỡ những người tị nạn chạy khỏi cuộc chiến ở Ukraine nhưng sẽ không nhận nhiều như họ đã làm trong năm 2015.

Bà Magdalena Andersson nói với các phóng viên ở Berlin hôm thứ Hai (28/03) rằng “chúng tôi sẽ làm phần việc của mình trong việc giúp đỡ những người tị nạn Ukraine, nhưng chúng tôi không thể quay lại tình trạng như năm 2015 khi Thụy Điển nhận một phần không cân xứng những người xin tị nạn.”

Bà Andersson, một thành viên của Đảng Dân Chủ Xã Hội, cho biết Thụy Điển đã tiếp nhận khoảng 12% tổng số người tị nạn đến Liên minh Âu Châu trong năm 2015, mặc dù dân số nước này chỉ chiếm 2% dân số của khối.

“Chúng tôi không thể quay lại với loại giải pháp đó, nhưng tất nhiên chúng tôi sẽ làm phần việc của mình và tất nhiên, ngay bây giờ chúng tôi cũng chào đón những người Ukraine sẽ đến Thụy Điển hôm nay, hôm qua và trong những tuần cuối cùng,” bà nói sau một cuộc họp ​​với Thủ tướng Đức Olaf Scholz.


Tội phạm thù hận người Nga ở Đức tăng mạnh

Những người nói tiếng Nga ở Đức đang bị tấn công hàng ngày vì tội phạm liên quan đến sự thù hận đối với người gốc Nga và gốc Ukraine đã tăng mạnh ở nước này, lên tới con số đáng kinh ngạc là 200 vụ mỗi tuần, theo người đứng đầu cảnh sát Đức.


Tổng thống Zelensky đề ra cầu chính cho cuộc gặp mặt trực tiếp với Tổng thống Putin

(Bên trái) Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm 20/03/2022. (Ảnh: Văn phòng báo chí của Tổng thống Ukraine/AP). (Bên phải) Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 18/02/2022. (Ảnh: Sergei Guneyev/Sputnik/AF/Getty Images)

Hôm thứ Hai (28/03), Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết Tổng thống Nga Vladimir Putin cần gặp mặt trực tiếp với ông để đạt được thỏa thuận chấm dứt chiến tranh.

Trong các phát ngôn được các hãng thông tấn Nga đăng tải, ông Zelensky dường như gợi ý rằng ông Putin cần đến gặp ông ở một địa điểm bên ngoài nước Nga.

“Chúng tôi phải đạt được một thỏa thuận với tổng thống Liên bang Nga, và để đạt được một thỏa thuận, ông ấy cần phải ra khỏi nơi đó bằng chính đôi chân của mình … và đến gặp tôi,” ông nói, theo một bản dịch của The Associated Press về những bình luận của ông.

Mặc dù các nhà đàm phán Ukraine và Nga đã tổ chức nhiều vòng đàm phán, nhưng thu được rất ít kết quả.

Mời quý vị xem toàn bộ bài viết tại đây.


Thị trưởng tuyên bố: Quân đội Ukraine đã giành lại quyền kiểm soát thị trấn then chốt bên ngoài Kyiv

Quân đội Ukraine đã giành lại một thị trấn ở ngoại ô thủ đô Ukraine, thị trưởng thành phố cho biết. 

“Hôm nay chúng tôi có tin tốt — Irpin đã được giải phóng” thị trưởng Irpin Oleksandr Markushyn cho biết trong một bài đăng video trên Telegram. “Chúng tôi hiểu rằng sẽ có nhiều cuộc tấn công hơn vào thị trấn của chúng tôi và chúng tôi sẽ dũng mãnh bảo vệ nó.”

Irpin là một thị trấn dành cho người đi làm xa gần Kyiv nằm trên Sông Irpin ở tỉnh Kyiv, ngay bên cạnh thủ đô của đất nước.

The Epoch Times không thể xác minh tính chính xác của tuyên bố trên.

Quân đội Nga đã cố gắng chiếm Kyiv trong gần một tháng. Nhưng các vấn đề về hậu cần và duy trì cũng như sự kháng cự từ các lực lượng Ukraine đã làm chậm quá trình này, và các binh sĩ Nga đã không thể chiếm được Kyiv khi cuộc chiến bước sang ngày thứ 35.

Irpin đã trở thành một chiến trường quan trọng trong cuộc chiến giành Kyiv.


Điện Kremlin: Tuyên bố của Tổng thống Biden ‘chắc chắn đáng báo động’

Điện Kremlin đã bày tỏ lo ngại về bình luận của Tổng thống Joe Biden về Tổng thống Nga Vladimir Putin và cho biết sẽ thận trọng theo dõi ngôn từ của ông.

Kết thúc chuyến đi bốn ngày tới Âu Châu hôm thứ Bảy (26/03), Tổng thống Biden đã nói về ông Putin như sau, “Chúa ơi, người đàn ông này không thể tiếp tục nắm quyền,” những lời mà Tòa Bạch Ốc ngay lập tức tìm cách nói giảm.

Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với các phóng viên hôm thứ Hai (28/03) rằng tuyên bố của ông Biden “chắc chắn đáng báo động.” Ông nói thêm rằng Điện Kremlin sẽ thận trọng theo dõi các tuyên bố của Tổng thống Hoa Kỳ.

Trước đây, ông Peskov đã nói rằng “việc quyết định ai sẽ tiếp tục nắm quyền ở Nga không phụ thuộc vào tổng thống Mỹ và không phụ thuộc vào người Mỹ.”


Bộ Quốc phòng: Ukraine không thấy dấu hiệu nào cho thấy quân đội Nga rút khỏi Kyiv 

Hôm thứ Hai (28/03), phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Ukraine Oleksander Motuzyanyk cho biết Ukraine không thấy dấu hiệu nào cho thấy Nga từ bỏ kế hoạch bao vây thủ đô Kyiv của Ukraine.

“Theo thông tin của chúng tôi, Liên bang Nga đã không từ bỏ các nỗ lực của mình, nếu không phải là đánh chiếm, thì cũng là bao vây Kyiv. Hiện tại, chúng tôi không thấy sự di chuyển của các lực lượng của đối phương ra khỏi Kyiv,” ông nói trong một cuộc họp báo trên truyền hình.


Đức có thể khởi tố việc sử dụng ký hiệu ‘Z’ ủng hộ Nga

Các nhà chức trách Đức đang xem xét việc truy tố những người sử dụng ký hiệu “Z” để thể hiện sự ủng hộ đối với cuộc tấn công của Nga vào Ukraine.

Quân đội Nga tại Ukraine đã sơn chữ Z trên sườn các phương tiện quân sự và ký tự này đã được một số người ở Nga sử dụng như một biểu tượng ủng hộ những gì Điện Kremlin mô tả là một “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở quốc gia láng giềng.

Một phát ngôn viên của Bộ Nội vụ Đức cho biết hôm thứ Hai (28/03) rằng các cơ quan an ninh biết rằng biểu tượng này cũng đang được sử dụng tại các cuộc biểu tình ở Đức.

Phát ngôn viên Marek Wede nói với các phóng viên ở Berlin rằng trong một số trường hợp nhất định, chữ cái này có thể được coi là một dấu hiệu ủng hộ việc Nga xâm lược Ukraine.

Ông Wede nói: “Cuộc tấn công của Nga vào Ukraine là một tội ác và bất cứ ai công khai ủng hộ cuộc chiến này đều có thể phải chịu trách nhiệm hình sự.”

Ông nói thêm rằng các nhà chức trách liên bang hoan nghênh các thông báo của một số tiểu bang của Đức để điều tra xem các trường hợp riêng lẻ của chữ “Z” có cấu thành hành vi phạm tội hay không.


Ukraine điều tra video cho thấy binh lính tra tấn lính Nga

Hôm Chủ Nhật (27/03), một quan chức Ukraine đã hứa sẽ tiến hành “điều tra ngay lập tức” sau khi các video đăng trên mạng xã hội được cho là cho thấy quân đội Ukraine bắn vào chân và đầu gối của các binh sĩ Nga bị bắt giữ, làm dấy lên cáo buộc rằng tội ác chiến tranh đang được thực hiện.

“Chính phủ đang rất coi trọng việc này và sẽ có một cuộc điều tra ngay lập tức,” cố vấn cao cấp của Tổng thống Ukraine Oleksiy Arestovych cho biết. “Chúng tôi là một đội quân Âu Châu, và chúng tôi không chế nhạo các tù nhân của mình. Nếu điều này hóa ra là thật thì đây là hành vi tuyệt đối không thể chấp nhận được.”

Trong một bài diễn văn trên truyền hình, ông Arestovych cũng nói rằng “tra tấn một người bị giam cầm là một tội ác chiến tranh,” đề cập đến đoạn video nói trên. “Tôi muốn nhắc nhở tất cả các lực lượng quân sự, dân sự, và quốc phòng của chúng ta một lần nữa rằng lạm dụng tù nhân là một tội ác chiến tranh không được ân xá theo luật quân sự và không có pháp quy về thời hạn truy tố,” ông nói thêm trong một tuyên bố trên Telegram.

Ủy ban điều tra của Nga cho biết thông qua các phương tiện truyền thông nhà nước rằng Moscow đã mở một cuộc điều tra về vấn đề này.


Đức: Người tị nạn Ukraine nên được phân bổ trên khắp EU 

Hôm thứ Hai (28/03), Đức kêu gọi phân bổ đều hơn những người tị nạn Ukraine trong Liên minh Âu Châu sau khi hàng triệu người chạy sang khối 27 quốc gia này kể từ khi Nga tiến hành cuộc xâm lược Ukraine hôm 24/02.

Bộ trưởng Nội vụ Đức Nancy Faeser nói với các phóng viên: “Chúng ta cần tích cực phân bổ người tị nạn trong EU hơn nữa và thể hiện tình đoàn kết bằng cách tiếp nhận người tị nạn.”

Bà Faeser nói thêm Berlin không có mục tiêu đề ra hạn ngạch cố định mà là một chỉ số liên quan đến số lượng người tị nạn đã được tiếp nhận so với quy mô dân số của mỗi quốc gia.


Nga ca ngợi Serbia vì từ chối trừng phạt

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã ca ngợi Serbia vì từ chối áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Moscow vì hành động xâm lược của họ ở Ukraine, nói rằng đồng minh Balkan này đã đưa ra “một lựa chọn sáng suốt”.

“Chúng tôi vô cùng tôn trọng người dân Serbia, văn hóa Serbia, lịch sử và sự cam kết của Serbia đối với những người bạn truyền thống,” ông Lavrov nói với một nhóm ký giả Serbia trong một cuộc họp qua video. “Chúng tôi chắc chắn rằng họ sẽ tiếp tục đưa ra những lựa chọn sáng suốt trong tình hình này.”

Mặc dù Serbia đã bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết của Liên Hiệp Quốc lên án cuộc xâm lược của Nga, nhưng Belgrade đã từ chối tham gia cùng Hoa Kỳ và Liên minh Âu Châu trong việc áp đặt các biện pháp trừng phạt trên diện rộng đối với Moscow.

Ngoại trưởng Lavrov nói rằng các biện pháp trừng phạt là “một nỗ lực của Hoa Kỳ nhằm áp đặt quyền bá chủ của mình” ở vùng Balkan và nói thêm rằng phương Tây “đang cố gắng cô lập Nga” trong khu vực từng xảy ra một cuộc chiến tàn khốc vào những năm 1990 này.

Mặc dù chính thức tìm kiếm tư cách thành viên EU, nhưng Serbia vẫn đang thiết lập các liên hệ chính trị, kinh tế và quân sự chặt chẽ với Nga.


Tờ báo độc lập Novaya Gazeta của Nga đình chỉ hoạt động

Tờ báo độc lập hàng đầu của Nga Novaya Gazeta, được biên tập bởi người đạt giải Nobel Hòa bình Dmitry Muratov, cho biết họ đang tạm ngừng hoạt động sau khi nhận được cảnh báo từ chính quyền Nga.

Tờ báo cho biết đã được cảnh báo bởi Roskomnadzor, cơ quan quản lý truyền thông của nhà nước Nga.

“Sau sự việc này chúng tôi sẽ ngừng phát hành tờ báo trên trang web, trên mạng (xã hội) và trên báo giấy — cho đến khi kết thúc ‘chiến dịch đặc biệt trên lãnh thổ Ukraine,’” tờ báo cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Hai (28/03).


Slovenia mở lại đại sứ quán tại Ukraine

Slovenia cho biết họ đã khôi phục một đại diện ngoại giao ở Kyiv và mở lại đại sứ quán của nước này ở Ukraine.

Bộ cho biết đại sứ quán của Slovenia tại Kyiv đã mở cửa trở lại vào thứ Hai (28/03) sau khi đại biện lâm thời Bostjan Lesjak đến thành phố này. Đại sứ của Slovenia tại Ukraine vẫn ở Rzeszow, một thị trấn ở biên giới Ba Lan-Ukraine.

Hành động của Slovenia diễn ra sau khi Thủ tướng Janez Jansa hối thúc các nước Liên minh Âu Châu khôi phục sự hiện diện của họ ở Kyiv để ủng hộ Ukraine. Ông Jansa đã đến thăm Kyiv trong tháng này cùng với các thủ tướng của Ba Lan và Cộng hòa Séc.

Ông nói trên Twitter hôm thứ Hai (28/03) rằng “chúng tôi đã trở lại.” Ông Jansa cho biết thêm rằng “cờ của Slovenia và Âu Châu lại tung bay trước Đại sứ quán Slovenia ở Kyiv.”


Nga muốn thỏa thuận được làm rõ trước khi bắt đầu đàm phán

Ngoại trưởng Nga cho biết các tổng thống Nga và Ukraine chỉ có thể gặp nhau để đàm phán sau khi các yếu tố chủ chốt của một thỏa thuận tiềm năng được đàm phán.

Ông Sergey Lavrov cho biết hôm thứ Hai (28/03) rằng “cuộc gặp này là cần thiết khi chúng ta đã có sự rõ ràng về các giải pháp cho tất cả các vấn đề chính.”

Bình luận của Ngoại trưởng Lavrov diễn ra sau tuyên bố của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky rằng ông sẵn sàng thảo luận về tính trung lập và các bảo đảm an ninh của Ukraine với Tổng thống Nga Vladimir Putin để đạt được hòa bình “không chậm trễ”. Ông Zelensky nói thêm rằng chỉ có một cuộc gặp trực tiếp với nhà lãnh đạo của Nga mới có thể kết thúc chiến tranh.

Các nhà đàm phán Nga và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tổ chức một vòng đàm phán khác tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ vào thứ Ba (29/03) để cố gắng soạn thảo một thỏa thuận.

Trong một cuộc phỏng vấn trực tuyến với truyền thông Serbia, Ngoại trưởng Lavrov cáo buộc rằng Ukraine chỉ muốn “giả tạo đàm phán” trong khi Nga cần các kết quả cụ thể sẽ được các nhà lãnh đạo của các nước đồng thuận.


Địa điểm được chọn cho vòng đàm phán hòa bình Moscow-Kyiv mới

Thổ Nhĩ Kỳ sẽ là chủ nhà của vòng đàm phán hòa bình tiếp theo giữa các nhà đàm phán Nga và Ukraine, ông David Arakhamia, lãnh đạo phe đa số của Nghị viện Ukraine và trưởng phái đoàn đàm phán của Kyiv, đã thông báo hôm Chủ Nhật (27/03).

Các cuộc đàm phán hòa bình sẽ bắt đầu vào thứ Hai (28/03) và dự kiến ​​sẽ diễn ra cho đến thứ Tư (30/03).


Quan chức Ukraine nói rằng ông không kỳ vọng sẽ có đột phá lớn tại các cuộc đàm phán hòa bình

Một quan chức cao cấp của Ukraine cho biết trước cuộc hội đàm giữa các đại diện Ukraine và Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ rằng ông không kỳ vọng bất kỳ đột phá lớn nào.

Cố vấn Bộ Nội vụ Vadym Denysenko cho biết: “Tôi không nghĩ sẽ có bất kỳ đột phá nào trong các vấn đề chính.”


Nga đặt thời hạn thanh toán khí đốt bằng đồng Rúp

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ủy quyền cho chính phủ, ngân hàng trung ương, và ngân hàng Gazprombank thực hiện các bước cần thiết để chuyển đổi tất cả các khoản thanh toán cho khí đốt tự nhiên của Nga từ “các quốc gia không thân thiện” sang đồng rúp bắt đầu từ ngày 31/03.


Ukraine tuyên bố quân đội Nga đang tập hợp lại nhưng không thể tiến lên

Hôm thứ Hai (28/03), Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Ukraine Hanna Malyar tuyên bố rằng quân đội Nga đang tập hợp lại nhưng không thể tiến đến bất cứ đâu ở Ukraine.

Bà tuyên bố các lực lượng Nga đang cố gắng củng cố các vị trí mà họ đã nắm giữ và đang cố gắng phá vỡ tuyến phòng thủ của Kyiv nhưng không có hy vọng chiếm được thủ đô.

“Cho đến hôm nay, địch quân đang tập hợp lại lực lượng, nhưng họ không thể tiến tới bất cứ đâu ở Ukraine,” bà nói trong một cuộc họp báo mà không cung cấp bằng chứng về các đợt hành quân của Nga.


Ukraine tuyên bố không có hành lang nhân đạo mới, e sợ về hành động ‘khiêu khích’ của Nga

Hôm thứ Hai (28/03), Phó Thủ tướng Iryna Vereshchuk cho biết Ukraine không có kế hoạch mở bất kỳ hành lang nhân đạo nào để di tản dân thường khỏi các thành phố bị bao vây vì các báo cáo tình báo cảnh báo về những “hành động khiêu khích” của Nga có thể xảy ra dọc theo các tuyến đường này.


Thổ Nhĩ Kỳ phát hiện quả mìn hải quân thứ hai ở Biển Đen

Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ cho biết các nhóm quân sự đang làm việc để vô hiệu hóa quả mìn hải quân thứ hai được phát hiện trôi dạt ngoài khơi bờ Biển Đen của Thổ Nhĩ Kỳ.

Hôm thứ Hai (28/03), bộ này cho biết các Đội Phòng thủ Dưới nước được điều động đến địa điểm ngoài khơi bờ biển Igneada, gần biên giới với Bulgaria, đã cố gắng vớt được quả mìn và hiện đang làm việc để “vô hiệu hóa” nó.

Hôm thứ Bảy (26/03), các nhà chức trách đã đóng cửa Bosporus — tuyến đường thủy đánh dấu ranh giới giữa Biển Đen và Biển Marmara — để đề phòng, trong lúc lực lượng tuần duyên bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ ứng phó với các báo cáo về một vật thể giống mìn trôi dạt mà sau đó đã được “vô hiệu hóa”.

Việc phát hiện các thiết bị nổ xảy ra sau cảnh báo rằng các quả mìn đặt tại các lối vào các cảng của Ukraine có thể bị trôi dạt trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt và đi vào Biển Đen.

Hôm 18/03, Thổ Nhĩ Kỳ đã ban hành một cảnh báo hàng hải quốc tế Navtex để khuyến cáo các tàu “quan sát kỹ lưỡng” và trình báo về bất kỳ quả mìn nào có thể đã trôi dạt từ các cảng như Odesa.


Tình báo quân sự Anh cho biết Nga duy trì phong tỏa từ xa đối với bờ Biển Đen của Ukraine

Hôm Chủ Nhật (27/03), tình báo quân sự Anh cho biết, Nga đang duy trì phong tỏa từ xa đối với bờ Biển Đen của Ukraine, khiến Ukraine bị cô lập khỏi thương mại hàng hải quốc tế.

Bộ Quốc phòng Nga cho biết thêm rằng hải quân Nga cũng đang tiếp tục tiến hành các cuộc tấn công hỏa tiễn lẻ tẻ nhắm vào các mục tiêu trên khắp Ukraine.


Kyiv: Thổ Nhĩ Kỳ có thể là một trong số các quốc gia cung cấp bảo đảm an ninh cho Ukraine

Một quan chức cao cấp của Ukraine cho biết Thổ Nhĩ Kỳ có thể là một trong số các quốc gia đưa ra các bảo đảm an ninh cho Kyiv như một phần của bất kỳ thỏa thuận nào với Nga nhằm chấm dứt chiến tranh ở Ukraine.

Ông Ihor Zhovkva, phó văn phòng Tổng thống Volodymyr Zelenskyy, cho biết: “Thổ Nhĩ Kỳ nằm trong số những quốc gia có thể trở thành nước bảo đảm an ninh cho chúng tôi trong tương lai.”

Kyiv cho biết họ muốn có những bảo đảm an ninh có tính ràng buộc về mặt pháp lý nhằm bảo vệ Ukraine khỏi một nhóm đồng minh trong trường hợp xảy ra một cuộc tấn công trong tương lai.


Heineken dự kiến phải chịu tổn thất 400 triệu euro khi rút khỏi Nga

Đại tập đoàn sản xuất bia Heineken của Hà Lan cho biết họ đang rút khỏi Nga trong bối cảnh cuộc chiến của Moscow nhằm vào Ukraine đang diễn ra.

Hôm thứ Hai (28/03), công ty cho biết hoạt động kinh doanh của họ ở Nga “không còn bền vững cũng như khả thi trong môi trường hiện tại. Kết quả là chúng tôi đã quyết định rời Nga.”

Họ cho biết họ đang tìm cách “chuyển giao có trật tự công việc kinh doanh của chúng tôi cho một chủ sở hữu mới, tuân thủ đầy đủ luật pháp quốc tế và địa phương.”

Heineken sẽ tiếp tục trả lương cho 1,800 nhân viên của mình tại Nga cho đến cuối năm nay. Công ty cho biết họ sẽ không thu được lợi nhuận từ việc bán các hoạt động của mình ở Nga và do đó dự kiến ​​sẽ phải chịu tổn thất 400 triệu euro (438 triệu USD).

Giữa sự phẫn nộ của quốc tế và các lệnh trừng phạt sau khi Moscow xâm lược Ukraine, nhà sản xuất bia có trụ sở tại Hà Lan này đã tạm dừng các khoản đầu tư và bán hàng mới cho Nga, đồng thời chấm dứt hoạt động sản xuất, kinh doanh, và quảng cáo bia thương hiệu Heineken của mình tại đó.

Công ty cho biết hôm thứ Hai rằng họ tiếp tục “hy vọng rằng một con đường dẫn đến một kết quả hòa bình sẽ xuất hiện trong tương lai gần.”


Thổ Nhĩ Kỳ nói thế giới không thể ‘cắt đứt quan hệ’ với Moscow

Thổ Nhĩ Kỳ và các quốc gia khác vẫn phải nói chuyện với Nga để giúp chấm dứt chiến tranh ở Ukraine, phát ngôn viên của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cho biết vào Chủ Nhật (27/03), nói thêm rằng Kyiv cần thêm hỗ trợ để tự vệ.

Thành viên NATO Thổ Nhĩ Kỳ có quan hệ tốt với cả Nga lẫn Ukraine và đã đang tìm cách hòa giải cuộc xung đột kéo dài một tháng này.

Ông Ibrahim Kalin nói tại diễn đàn quốc tế Doha: “Nếu tất cả mọi người đều cắt đứt quan hệ với Nga thì cuối cùng ai là người sẽ nói chuyện với họ.”

“Người Ukraine cần được hỗ trợ bằng mọi cách có thể để họ có thể tự vệ… nhưng hoàn cảnh của Nga cần phải được lắng nghe, bằng cách này hay cách khác,” để những bất bình của họ có thể được thông cảm hoặc thậm chí là thấu hiểu, ông Kalin nói thêm.

Ankara nói rằng hành động xâm lược của Nga là không thể chấp nhận được nhưng trên nguyên tắc phản đối các biện pháp trừng phạt của phương Tây và đã không tham gia.

Nền kinh tế của Thổ Nhĩ Kỳ, vốn đã căng thẳng bởi cuộc khủng hoảng tiền tệ tháng 12/2021, chủ yếu dựa vào năng lượng, thương mại, và du lịch của Nga.

Trong một diễn biến khác, ông Ahmet Burak Daglioglu, người đứng đầu văn phòng đầu tư của Thổ Nhĩ Kỳ, nói với diễn đàn này rằng một số công ty Nga đang chuyển hoạt động sang Thổ Nhĩ Kỳ.

Khi được hỏi trong một hội thảo về việc Thổ Nhĩ Kỳ có kinh doanh với bất kỳ người nào có thể mang lại lợi ích cho Tổng thống Vladimir Putin, ông nói: “Chúng tôi không nhắm đến, chúng tôi không chạy theo, chúng tôi không theo đuổi bất kỳ khoản đầu tư hoặc nguồn vốn nào có sự nghi vấn.”


Thị trưởng thị trấn nơi nhân viên nhà máy Chernobyl sinh sống cho biết quân đội Nga đã rời đi

Thị trưởng cho biết vào đầu ngày thứ Hai (28/03) rằng quân đội Nga đã rời thị trấn Slavutych của Ukraine, nơi sinh sống của các nhân viên tại nhà máy hạt nhân đã không còn hoạt động Chernobyl, sau khi hoàn thành nhiệm vụ khảo sát nhà máy này.

Hôm thứ Bảy (26/03), thống đốc khu vực Kyiv cho biết quân đội Nga đã giành quyền kiểm soát thị trấn ngay bên ngoài khu vực cấm vì lý do an toàn xung quanh Chernobyl, địa điểm xảy ra thảm họa hạt nhân tồi tệ nhất thế giới năm 1986, nơi các nhân viên Ukraine vẫn quản lý nhà máy.

“Họ đã hoàn thành công việc mà họ đã đề ra,” ông Yuri Fomichev, thị trưởng của thị trấn phía bắc, cho biết trong một bài đăng video trực tuyến. “Họ đã khảo sát thị trấn, hôm nay họ làm xong công việc đó liền rời khỏi thị trấn. Hiện tại không có bất kỳ người nào trong thị trấn.”

The Epoch Times không thể xác minh ngay thông tin này.


Tình hình đang tiến triển, vui lòng truy cập lại bản tin thường xuyên để cập nhật các diễn biến mới nhất.

Bản tin có sự đóng góp của Jack Phillips, Allen Zhong, The Associated Press, và Reuters.

Nhóm phụ trách Anh ngữ Epoch Times Tiếng Việt biên dịch

Xem thêm:

 

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?