Thái độ của nhà cầm quyền CSVN trước việc Nga xâm lăng Ukraine

March 27, 2022

TS. Phan Quang Trọng: – Nếu chỉ nhìn những sự kiện lịch sử giữa Nga và Ukraine trong gần 2 thập niên qua, chúng ta dễ kiến giải theo hướng cuộc xâm lăng Ukraine của Nga trong mấy tuần qua, chỉ đơn thuần là cuộc chiến của một dân tộc quyết tâm giữ gìn quyền dân tộc tự quyết, chọn thể chế dân chủ. Thậm chí chúng ta cho rằng Ukraine đang phải đối đầu với Nga vì họ ngả sang Tây phương và tự chuốc lấy tai họa. Trên thực tế, Nga trong nhiều năm qua đã tìm đủ mọi cách phá các chính quyền Ukraine độc lập như viện trợ cho các thành phần thân Nga ly khai, ủng hộ các chính khách thân Nga và khi không tranh thủ được lòng dân và chính quyền Ukraine, Nga dùng giải pháp quân sự như tiến chiếm vùng Crimea trước đây và xâm lăng Ukraine như hiện tại.

Nga đánh Ukraine: Việt Nam có đứng lên trước 'tiền lệ nguy hiểm' về xâm phạm lãnh thổ?

Chúng ta không thể phủ nhận trong gần 20 năm qua Ukraine đã phải liên tục tranh đấu không ngừng bằng nhiều hình thức để có một chính quyền thực sự do dân bầu. Trên bình diện quốc gia Ukraine đã cố gắng mưu cầu độc lập, mưu cầu hạnh phúc cho dân tộc của họ và bi kịch của họ là phải sống gần một quốc gia lân bang mạnh bạo, tham lam, luôn tìm đủ mọi cách tước đoạt quyền tự quyết và các nguồn lợi của dân tộc họ. Việc chính quyền độc tài Putin, sẵn sàng bỏ ngoài tai phản đối của thế giới, lợi dụng các chính quyền Âu Mỹ yếu hèn hiện tại, đem đại quân xâm lăng Ukraine không chỉ vì mục tiêu chính trị mà vì kinh tế và các yếu tố thiên nhiên, địa lý của Ukraine đang đe dọa an ninh quốc phòng của Nga.

Trước hết, tuy Nga là một cường quốc quân sự có trong tay vũ khi hạt nhân, nhưng Nga do chế độ độc tài, tham nhũng, quản trị yếu kém, kinh tế Nga hiện ở vào hàng thấp nhất Âu châu. Phần lớn nhờ xuất cảng trữ lượng dầu khí thiên nhiên cung cấp cho Tây Âu. Chính phủ Nga biết hơn ai hết một nước Ukraine cũng sở hữu nguồn năng lượng thiên nhiên chưa khai thác triệt để như dầu thô từ Biển Đen, dầu đá phiến màu mỡ, và lượng khoáng sản khổng lồ, Ukraine nếu được phát triển trong hòa bình có thể một ngày không xa sẽ thay thế Nga giúp Âu châu không lệ thuộc vào nguồn khí đốt từ Tây Bá Lợi Á.

Lý do thứ hai, từ khi Liên bang Sô viết sụp đổ, quyền lực và ảnh hưởng của Nga ngày càng giảm, trong khi các nước chư hầu trước đây đang chọn thể chế dân chủ, ngả dần về Phương Tây và gia nhập khối NATO. Trong gần 20 năm qua, Ukraine đã phải tranh đấu không ngừng để được độc lập về chính trị nhưng biết không thể đơn thân độc lập từ Nga, Ukraine đã phải chọn đối tác từ phương Tây để giúp họ duy trì độc lập và quyền dân tộc tự quyết. Với quyết tâm của người dân, khả năng phát triển kinh tế, tiềm năng về tài nguyên, xu hướng ngả về Phương Tây của dân tộc Ukraine đối với Nga là mối đe dọa an ninh và kinh tế không thể chấp nhận được, nên họ sẵn sàng muối mặt dùng sức mạnh quân sự mong xây dựng một chính quyền thân Nga và tiếp tục duy trì ảnh hưởng thủ lợi từ tài nguyên và con người Ukraine. Nhìn lại quá trình tranh đấu cho một nước Ukraine độc lập, tự quyết trong 20 qua để thấy tinh thần ngoan cường của dân tộc này.

Mâu thuẫn giữa Nga và Ukraine đã bắt đầu ngay từ tháng 12/1991 khi LBSV sụp đổ và đại đa số người dân Ukraine đòi trở thành một đất nước độc lập, tự trị. Sau đó Bản Ghi Nhớ Budapest được ký kết vào 5 tháng 12, 1994, trong đó Ukraine cam kết giải giao toàn bộ vũ khí nguyên tử cho LB Nga, đổi lại các quốc gia ký kết gồm Hoa Kỳ, Nga, và Anh công nhận và hứa bảo đảm nền độc lập và chủ quyền của Ukraine.

Tháng 12/2004, một cuộc tranh chấp giữa hai ứng cử viên tổng thống thân Nga và Tây Phương, cuối cũng Yushchenko, ứng cử viên thân Tây Phương, thắng cử. Tháng 4/2008, Ukraine xin gia nhập tổ chức Liên phòng Quân sự Bắc đại tây dương – NATO, Putin phản đối kịch liệt và tuyên bố không công nhận Ukraine là quốc gia có chủ quyền. Từ tháng 11/2013 đến tháng 2/2014, người dân Ukraine biểu tình phản đối chính phủ thân Nga lúc đó, cuộc biểu tình bị đàn áp làm 130 người chết. Sau đó người lãnh đạo mới của Ukraine phải cam kết sẽ đưa quốc gia này trở thành thành viên của Liên hiệp Âu châu (EU). Cùng tháng đó, Nga đem quân chiếm bán đảo Crimea thuộc Ukraine, mặc dù EU, Liên Hiệp Quốc (LHQ), cùng người dân và chính phủ Ukraine phản đối Nga kịch liệt.

Tháng 4/2019, ông Zelenskyy thắng tổng thống thân Nga đương nhiệm và đảng của Zelenskyy chiếm đa số ghế trong quốc hội. Zelenskyy hứa quét sạch tham nhũng trong chính quyền và xây dựng một nội các thân Tây phương hơn. Tháng 12/2021, khi Zelenskyy bắt đầu thanh trừng giới tư bản thân Nga, Putin điều thêm quân lính đến biên giới Ukraine, tuyên bố Nga và Ukraine là một dân tộc, và yêu sách Hoa Kỳ và NATO không được chấp nhận Ukraine là một thành viên của NATO, TT Biden bác bỏ yêu sách của Putin.

 

Nga xâm lược Ukraine: James Landale nêu 5 kịch bản kết thúc của cuộc chiến tranh - BBC News Tiếng Việt

Ngày 24/2/22, Putin chính thức xâm lăng Ukraine… đến nay, ngày càng tàn bạo hơn hơn!

Đầu tháng 2/2022, Putin tuyên bố chấp nhận quyền tự trị của Donetsk và Luhansk là hai vùng thuộc Ukraine có phiến quân do Nga tiếp viện từ 2014 và chính thức gửi quân đội vào hai vùng này. Ngày 24 tháng 2, 2022, Putin chính thức xâm lăng Ukraine bỏ mặc việc thế giới lên án. Đây có thể nói là cuộc chiến lớn nhất tại Âu Châu sau thế chiến thứ II cũng bắt đầu từ lục địa này.

Tuy nhiên trong hơn tháng qua, chúng ta thấy thế giới tự do và các nước dân chủ không quên Ukraine. Lần đầu tiên trong 40 năm kể từ 1982,  Hội đồng bảo an LHQ đã triệu tập buổi họp khẩn cấp các thành viên của LHQ vào ngày 2 tháng 3, 2022 để lên án và yêu cầu Nga phải ngừng cuộc xâm lăng quân sự. Một hành động ngoại giao nhằm cô lập Nga. Một nghị quyết hiếm hoi được 141 trong số 193 quốc gia thành viên ủng hộ. Chỉ có 4 quốc gia trong đó có Nga và Bắc Hàn bỏ phiếu chống lại nghị quyết và 35 thành viên còn lại không thuận hay chống (hay còn gọi là bỏ phiếu trắng) trong nhóm 35 có Trung Cộng và Việt Nam.

Đại sứ Hoa kỳ tại LHQ kêu gọi các quốc gia buộc Nga phải chịu trách nhiệm vì đã vi phạm công pháp quốc tế. Bà đại sứ Thomas-Greenfield cũng đưa ra bằng chứng phim ảnh quân đội Nga đã dùng các loại bom đạn bị quốc tế lên án và cấm dùng trong chiến tranh như bom cluster (chùm), vacuum (lấy dưỡng khí), hay hypersonic (siêu âm), là các loại vũ khí tàn bạo giết người hàng loạt, hủy hoại môi trường, và nhắm vào thường dân vô tội. Chính nghị quyết này của LHQ đã thúc đẩy nhiều quốc gia đoạn giao với Nga về ngoại giao, kinh tế và dùng các biện pháp trừng phạt đích đáng với Nga.

Còn về Tòa án quốc tế, tuy không chặn đứng cuộc xâm lăng của Putin, phán quyết của họ vào ngày 16 tháng 3 vừa qua có nhiều giá trị: (1) LHQ có những bộ phận / khả năng khác can thiệp hiệu quả hơn vào (việc chặn đứng) cuộc xâm lăng của Nga và các biện pháp tạm thời từ Tòa án quốc tế (ICJ) có thể hỗ trợ những nỗ lực đó; (2) Lệnh này có thể giúp các nỗ lực trong Hội đồng Nhân quyền của LHQ, đồng thời cũng có thể hỗ trợ công tố viên của Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) về chính trị và pháp lý trong cuộc điều tra về những gì đang xảy ra ở Ukraine; (3) Gần 40 quốc gia đã lên tiếng về tội ác chiến tranh của Nga trong cuộc xâm lăng Ukraine và công tố viên của Tòa án Hình sự Quốc tế đã cho biết một cuộc điều tra về những tố cáo này đang được tiến hành; (4) Một diễn biến quan trọng vì Tòa án Hình sự Quốc tế có khả năng buộc tội Vladimir Putin về tội ác chiến tranh nếu tìm thấy đủ bằng chứng, và (5) Cuối cùng phán quyết này là lời răn đe Trung Cộng đừng bắt chước Nga mà nhòm ngó Đài Loan.

Việc Nga xâm lăng Ukraine một nước có chủ quyền, độc lập và thành viên của LHQ, đang được cả thế giới quan tâm, nhất là từ các quốc gia nhược tiểu luôn bị những nước láng giềng như Nga hiếp đáp, dọa nạt trong đó phải kể đến Đài Loan và Việt Nam. Trung Cộng không bỏ ý định xâm chiếm Đài Loan và đã từng ép VN để lấy một phần lãnh thổ phía Bắc, nhiều đảo tại hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, và phần lớn lãnh hải của VN tại Biển Đông. Tuy nhiên thái độ của hai nước gần như có cùng hoàn cảnh lại hoàn toàn khác nhau. Chính phủ Đài Loan quan tâm nghiêm trọng về cuộc chiến ở Ukraine. Họ thành lập cả một ban nghiên cứu về cuộc chiến vào đầu tháng 2 để theo dõi cuộc xung đột. Chính phủ Đài Loan cũng không ngại đưa ra những lời lên án thẳng thừng nhắm vào Nga, đồng thời kêu gọi quân đội của họ thận trọng và công chúng Đài Loan cảnh giác trước những nguồn tin sai lệch từ Trung Cộng. Đài Loan cùng với Hoa Kỳ và các nước khác tham gia áp đặt các biện pháp cấm vận đối với Nga. Việc đưa tin và thảo luận về Ukraine đã chiếm ưu thế trên truyền hình, báo chí và tin tức trực tuyến của Đài Loan, như chúng ta biết công chúng Đài Loan vốn thường không thích các vấn đề quốc tế. Điều đặc biệt ở Đài Loan là cả quân dân và chính phủ một lòng lên án cuộc chiến xâm lăng của Nga.

Trong khi đó tại Việt Nam, một hiện tượng có thể nói là hoàn toàn trái ngược. Rất đông người dân trên mạng xã hội lên tiếng ủng hộ Ukraine, trong đó có nhiều người đã từng du học và sống nhiều năm tại LBSV và Nga sau này. Cuộc chiến tại Ukraine là dịp để nhiều người từng là sinh viên du học tại đó đưa ra sự thật về một nước Nga có nền văn hóa huy hoàng, nhưng thể chế chính trị và não trạng của người lãnh đạo từ thời Sa Hoàng đến giờ gần như không thay đổi và người dân Nga là nạn nhân xem ra ngày càng tệ hại.

Ngược lại với ý kiến của người dân, giới “chuyên gia quân sự” từng làm việc tại các viện chiến lược quốc phòng lại ủng hộ quyết liệt cho cuộc chiến và cá nhân nhà lãnh đạo độc tài Putin bất chấp những vi phạm chủ quyền cũng như bạo lực nhắm vào thường dân vô tội. Còn giới ngoại giao như Ông ĐS Việt Nam tại LHQ Đặng Hoàng Giang phát biểu ở LHQ thì chung chung theo kiểu học thuyết chính trị cường quyền đã lỗi thời, ý của ông có thể xem như việc dùng bạo lực như kiểu Nga để giải quyết một việc có thể giải quyết bằng biện pháp hòa bình, tôn trọng chủ quyền là sai. Nhưng đến lúc bỏ phiếu chấp hay phủ nhận nghị quyết LHQ lên án Nga tại đại hội đồng thì Việt Nam theo Trung Cộng bỏ phiếu trắng! Nói chung tại VN, người dân thì trung thực tình cảm, còn chính quyền thì luôn nói theo kiểu nước đôi, lý thuyết, không đặt đúng trọng tâm sự việc, các phát biểu có thể đem ra diễn giải hai chiều!

Ukraine recap: Ukrainian intelligence says Russian general killed

Quân Ukraine chiếm lại thủ đô Kyiv

Trong hoàn cảnh hiện tại, các quốc gia như Ukraine không phải đơn phương chống quân xâm lăng Nga, nhưng họ được đại đa số các quốc gia yêu chuộng tự do ủng hộ, viện trợ dồi dào về nhân đạo và quân sự. Với quyết tâm, cuộc chiến vệ quốc của họ có nhiều hy vọng thành công. Quyết tâm của Đài Loan trước mối đe dọa thống nhất bằng bạo lực của Trung Cộng cũng được thế giới nể trọng và chắc chắn sẽ không quên như nghị quyết của LHQ hay phán quyết của tòa án quốc tế cho thấy họ vẫn có ý răn đe Trung cộng phải biết kềm hãm tham vọng. Tuy nhiên, thái độ của Việt Nam trước cuộc xâm lăng phi pháp của Nga vào Ukraine đã nói lên nhiều điều về quốc gia này. Một điều thực tế, Nga vẫn là đối tác quốc phòng quan trọng nhất của Việt Nam nhất là về quân sự trong lịch sử cũng như hiện tại.Vì vậy, VN không dại gì chỉ trích Nga và chính sách đối ngoại của Putin, đặc biệt là khi nó không liên quan trực tiếp đến Việt Nam.

Các bài viết của giới nghiên cứu trong các tạp chí ngoại giao, xem ra có vẻ bênh vực quyết định của Putin viện cớ Hoa Kỳ và NATO cố tình lôi kéo các nước chư hầu đồng minh của LBSV trong kế hoạch kiểm soát Âu Châu, nhưng họ quên là khối NATO không đem quân xâm lăng một nước láng giềng ngoại trừ tự vệ. Trong khi giới quân sự thì thẳng thừng bênh vực Nga, bất chấp lý lẽ. Còn đối với Ukraine, nhà cầm quyền và giới ngoại giao chỉ hô hào theo kiểu chung chung hai bên cần kềm chế, tìm giải pháp đàm phán trong hòa bình, và giảm thương vong cho thường dân, v.v…

Đến lúc bỏ phiếu về nghị quyết lên án cuộc xâm lăng của Nga, đại diện VN và Lào đã theo Trung Cộng bỏ phiếu trắng. Trong khi các nước khác trong khối Đông Nam Á kể cả Cao Miên và Miến Điện, mặc dù cũng bị Trung Cộng ảnh hưởng không kém VN, cùng với các nước trong khối ASEAN vẫn bỏ phiếu thuận cùng với 75% thành viên LHQ chống lại cuộc xâm lăng của Nga. Các nước trong khối ASEAN ngoại trừ Việt Nam và Lào chứng tỏ một bản lãnh độc lập của một quốc gia, một tinh thần tôn trọng công pháp quốc tế, có tình có lý, chứ không chỉ nghĩ đến cái lợi trước mắt. Ngược lại với cộng đồng LHQ và các thành viên trong khối ASEAN, nhà cầm quyền VN xem thường ý dân và chỉ làm gì có lợi cho đảng và nhà nước, còn những động cơ khác không quan trọng đối với họ.

TS Phan Quang Trọng

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?