Ðiểm Báo Pháp – 29/3/22

RFI

Ðiểm Báo Pháp – 23/3/22

Bị cấm vận, hàng không Nga thụt lùi 30 năm

Một chiếc Boeing 777-300ER của hãng hàng không Aeroflot tại sân bay quốc tế Sheremetyevo, ngoại ô Matxcơva, ngày 07/07/2015.
Một chiếc Boeing 777-300ER của hãng hàng không Aeroflot tại sân bay quốc tế Sheremetyevo, ngoại ô Matxcơva, ngày 07/07/2015. REUTERS - Maxim Shemetov

Để trả đũa việc bị trừng phạt, Kremlin đoạt luôn 500 chiếc phi cơ mà các công ty hàng không Nga thuê sử dụng. Tuy nhiên việc này không giúp các công ty hàng không Nga tránh được suy sụp. Ngoài ra, không có phụ tùng thay thế do cấm vận, những chiếc Airbus và Boeing chiếm được không thể cất cánh trong một, hai năm nữa.

Ba khuôn mặt nhiều hy vọng nhất trong cuộc bầu cử tổng thống Pháp, nạn băng nhóm ma túy thanh toán nhau ở Marseille, giá xăng tăng vọt làm đảo lộn đời sống người dân. Đó là những chủ đề được các báo hôm nay chú ý, bên cạnh rất nhiều bài viết về cuộc xâm lăng Ukraina.

Nga chiếm được 500 máy bay phương Tây, nhưng hàng không sẽ thụt lùi 30 năm

Trên lãnh vực kinh tế, nhật báo Les Echos chạy tựa lớn « Matxcơva chiếm đoạt các máy bay của phương Tây ». Để trả đũa việc bị trừng phạt, Kremlin đoạt luôn 500 chiếc phi cơ mà các công ty hàng không Nga thuê sử dụng.

Chẳng những không trả lại máy bay đang thuê của các công ty Âu Mỹ, Nga còn cho thay đổi số hiệu để bay trong nước. Có 394 phi cơ trên tổng số 509 chiếc trên đang được sử dụng tại Nga, hoàn toàn vi phạm quy định hàng không quốc tế. Việc cướp đoạt này khiến các công ty bảo hiểm và tái bảo hiểm phương Tây có nguy cơ phải bồi thường đến 10 tỉ đô la cho những sở hữu chủ. Cơ quan thẩm định Fitch đánh giá thiệt hại khoảng 5 đến 6 tỉ đô la, nhưng cũng nói rằng không thấm tháp gì so với các thiên tai năm 2021 đã làm bảo hiểm thiệt đến 100 tỉ đô la.

Tuy nhiên việc cướp đoạt máy bay không giúp các công ty hàng không Nga tránh được suy sụp. Theo Eurocontrol, hãng Aeroflot từ 118 chuyến/ngày trước chiến tranh, nay chỉ còn 13, và chỉ bay quanh quẩn vài nơi như Thổ Nhĩ Kỳ, Dubai. Trừng phạt tỏ ra hiệu quả : ngay cả những quốc gia không đóng cửa không phận, vẫn cho ngưng các chuyến bay với Nga. Liên Hiệp Châu Âu đang làm việc với những nước thứ ba để tịch thu những phi cơ nào phiêu lưu ra ngoài không phận Nga.

Ngoài ra, không có phụ tùng thay thế do cấm vận, những chiếc Airbus và Boeing chiếm được không thể cất cánh trong một, hai năm nữa, trừ phi xài phụ tùng dỏm. Ngõ cụt này khiến tập đoàn hàng không nhà nước OAC đang dự định sản xuất lại Tupolev 204, loại máy bay tầm trung hai động cơ từ thời Liên Xô cũ để thay thế. Một sự thụt lùi đến ba mươi năm !

Cuộc chiến tranh hao mòn ?

Còn La Croix chạy tựa « Cuộc chiến tiêu hao ở Ukraina » : quân đội Nga không tiến được trên thực địa, nhưng Matxcơva lại không muốn từ bỏ mục tiêu. Tờ báo đặt câu hỏi : «  Liệu Nga đang sa lầy ? »

Từ nhiều tuần qua, cảng chiến lược trên biển Azov là Marioupol bị vây hãm và oanh kích. Bộ Ngoại Giao Ukraina hôm qua 28/03 tố cáo « quân Nga đang biến thành phố thành tro bụi » và cảnh báo tình hình nhân đạo  « thảm họa ». Thêm một bằng chứng cho thấy cuộc xâm lăng của Nga đang biến thành một cuộc chiến tranh hao mòn, trong khi đàm phán dường như trong ngõ cụt. Tuyên bố tập trung vào việc « giải phóng » vùng Donbass của tướng Sergueï Roudskoï, phó tổng tham mưu trưởng quân đội Nga được coi như một sự thay đổi chiến lược trước tình trạng sa lầy.

Tuy nhiên đại tá kiêm nhà sử học Pháp Michel Goya cảnh báo, trên thực tế Nga không hề từ bỏ mục đích. Dù ý đồ đánh nhanh thắng nhanh thất bại, Matxcơva vẫn muốn duy trì thế gọng kềm với quân đội Ukraina vốn đang phải đối phó với phe ly khai ở miền đông, tiến lên từ Kharkov ở miền bắc và Marioupol ở miền nam, nối liền một giải vùng duyên hải, ít nhất cho đến Crimée. Lầu Năm Góc giải thích, Nga không chỉ cố giành thế mạnh trong đàm phán tương lai, mà còn muốn cắt rời lực lượng Ukraina ra khỏi miền đông.

Ukraina cầm chân được quân Nga

Việc phản công của Ukraina rất hiệu quả nhờ cách chỉ huy phi tập trung. Áp lực được giải tỏa ở Mykolaiv, và Nga lùi bước ở Kherson, thành phố duy nhất mà họ chiếm được. Ý đồ bao vây Kiev không thành : quân Nga bị đẩy lùi 55 kilomet. Kharkov vẫn bị vây nhưng không còn những đợt tấn công lớn trong thành phố, Nga không kích bừa bãi để uy hiếp tinh thần. Từ đầu cuộc xâm lược, trên 900 hỏa tiễn đã được bắn đi từ Nga, biển Caspi và Hắc Hải.

Matxcơva đã đánh giá thấp khả năng kháng chiến của quân dân Ukraina, và tác động của raspoutitsa (mùa tuyết tan). Đặc biệt là hồ Pripiat rộng mênh mông ở phía bắc Kiev và dòng sông Dniepr, chiều rộng đôi khi đến 1.200 mét, cả hai đều khó vượt qua. Phương Tây nhận thấy quân đội Nga kém huấn luyện chứ không như các màn trình diễn trong những cuộc tập trận lớn, và thiếu phối hợp giữa các cấp, dẫn đến việc sáu hoặc bảy tướng lãnh tử trận.

Các nhà quân sự Pháp cho rằng quân Nga chuẩn bị tấn công Dnipro và cảng Odessa, thành phố lớn thứ ba của Ukraina, gây áp lực ở Hắc Hải. Khoảng 50 tàu ra vào cảng Sébastopol ở Crimée, trong đó có 11 chiếc Alligator có thể đổ bộ 3.000 quân. Nhưng Ukraina đã gài mìn ở ngõ vào cảng, đánh chìm được một tàu vận chuyển quân ở cảng Berdiansk. Như vậy hải chiến chưa thể diễn ra, và nếu không có giải pháp ngoại giao, cuộc chiến còn kéo dài nhiều tháng nữa.

Le Monde cho biết thêm tại Odessa, người dân tham gia truy lùng gián điệp Nga, mỗi ngày đều có một, hai nghi can bị bắt. Những kẻ này lén chụp ảnh các vị trí đóng quân, đánh dấu địa điểm cho máy bay Nga thả bom, cung cấp thông tin cho Nga...Tại thành phố nhiều người nói tiếng Nga, nay nói tiếng Ukraina trở thành dấu hiệu ái quốc.

Lối thoát trên bàn đàm phán ?

Đôi bên thương lượng những gì ? Le Figaro nhận thấy khi cả Matxcơva lẫn Kiev đều không thể giành được một chiến thắng quyết định, việc bàn thảo ngưng bắn và một thỏa thuận về lãnh thổ dường như là lối thoát duy nhất.

Ngay từ khi quân Nga tiến vào Ukraina, cộng đồng quốc tế đã lo tìm cách làm ngưng cuộc chiến đầu tiên giữa hai Nhà nước kể từ Đệ nhị Thế chiến, càng nhanh càng tốt. Trước hết phải kể đến nỗ lực của tổng thống Emmanuel Macron, chủ tịch luân phiên Liên Hiệp Châu Âu (EU), gọi điện cho Vladimir Putin và Volodymyr Zelensky nhiều lần trong tuần, và tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tự nguyện làm trung gian giữa Matxcơva với Kiev. Nhưng cho đến nay, đàm phán chưa tiến được một milimét nào. Một nguồn tin ngoại giao cho biết lần nào Nga cũng đòi Ukraina đầu hàng, tất nhiên Kiev không thể chấp nhận.

Vốn thực tiễn, tổng thống Zelensky nhắc lại Ukraina sẵn sàng bỏ ý định gia nhập NATO, và cuối tuần qua khi trả lời báo chí độc lập Nga, ông tỏ ý muốn « đối thoại kỹ càng » về quy chế trung lập. Đối với Matxcơva, trung lập có nghĩa là đứng về phía Kremlin, còn Zelensky tiếp tục khuynh hướng thân châu Âu của Ukraina. Ông đòi hỏi « bảo đảm an ninh » chắc chắn của những nước thứ ba và đưa ra trưng cầu dân ý, chứ không phải như bản ghi nhớ Budapest - được Nga, Mỹ, Anh ký năm 1994 nhưng đã tan thành mây khói. Zelensky cũng có thể thỏa hiệp về Donbass, nhưng tái khẳng định « chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ là ưu tiên trong đàm phán ». Ukraina luôn lo ngại Nga tìm cách cắt đôi đất nước.

Năm hình mẫu trung lập ở châu Âu

Ukraina có thể  « trung lập » như thế nào ? Les Echos đưa ra ví dụ từ năm nước châu Âu. Tại Áo, « trung lập vĩnh viễn » được ghi vào luật hiến pháp từ năm 1955, một nhượng bộ đối với Liên Xô. Áo không tham gia liên minh quân sự nào, và không cho phép nước ngoài đặt căn cứ quân sự trên lãnh thổ. Vienna vẫn tuân thủ, nhưng dần dà chuyển sang « trung lập tích cực » qua việc tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc, sửa đổi Hiến Pháp để đóng góp trong các chiến dịch nhân đạo dưới lá cờ EU.

Vương quốc Thụy Điển không hề tham chiến từ khi tuyên bố trung lập vào năm 1814, một truyền thống đúng hơn là nghĩa vụ pháp lý. Sau khi Liên Xô sụp đổ, Thụy Điển trở thành nước « phi liên kết về quân sự », và sau vụ Nga chiếm Crimée đã có một loạt thỏa thuận quốc phòng song phương. Phần Lan thì buộc lòng phải ký hiệp ước trung lập với Liên Xô sau khi thua trận, và nay trước sự kiện Ukraina bị Nga xâm lăng, đang cân nhắc việc gia nhập NATO. Thụy Sĩ, quốc gia « trung lập vĩnh viễn » từ năm 1815 vẫn đứng về phía phương Tây trong xung đột Đông-Tây. Còn Ailen, trung lập từ thập niên 30, vẫn tham gia các chương trình vũ trang phối hợp với châu Âu, và nhóm chiến thuật phương bắc gồm 7 nước EU với tổng cộng 2.500 quân nhân.

Quân đội Nga chiêu mộ lính từ tầng lớp nghèo, người thiểu số

Tìm hiểu về đội quân tham gia chiến dịch xâm lăng Ukraina, La Croix nhận thấy nhiều người lính xuất thân từ các gia đình nghèo nông thôn, những thành phố nhỏ ở Xibêri và miền nam nước Nga.

Để biết nguồn gốc xã hội, thành phần sắc tộc và địa lý, có thể tham khảo  danh sách thương binh trong bệnh viện, hay tên những quân nhân được mai táng đăng trên báo chí địa phương. Chẳng hạn nhà nghiên cứu độc lập Kamil Galeev ghi nhận tên 44 người lính được điều trị ở Rostov, gồm những Magomedov (Mohammed), Aliev…đa số là tên Hồi giáo : hơn phân nửa từ Cộng hòa Daguestan. Tại Astrakhan, tên 7 lính tử trận cho thấy họ là người Kazakhstan, ở dưới thấp bậc thang xã hội. Nhập ngũ mang lại cho họ hy vọng được vào ngành cảnh sát sau này.

Giảng viên đại học Anna Colin nhận định, quân đội Nga chủ yếu gồm con em những gia đình nghèo, không dám phản kháng khi bị tử trận. Mỗi năm 250.000 thanh niên Nga từ 18 đến 27 tuổi phải đi quân dịch thời hạn một năm nhưng trên thực tế, các gia đình có tiền luôn chạy chọt để tránh né : mua các loại giấy chứng nhận y tế, học hành, cho con ra nước ngoài...

Nướng hàng loạt quân, Putin vẫn khó thể bị lật đổ

Trả lời phỏng vấn Le Figaro, tỉ phú đối lập Mikhaïl Khodorkovski khẳng định Vladimir Putin từ lâu đã lao vào cuộc chiến chống lại NATO. Theo nhà tỉ phú từng thân thiết với tổng thống Nga, Putin không hề bị điên khi tiến hành cuộc chiến phi nghĩa này, cũng chẳng hề muốn tự sát. Cũng như mọi nhà độc tài, ông ta dần dần tách rời thực tế, xung quanh là những người thân cận sợ sệt chỉ dám « ăn theo nói leo ». Theo Khodorkovski, Putin thực sự kinh ngạc về tinh thần chiến đấu của Ukraina.

Nhà tỉ phú cho rằng Vladimir Putin là một găng-tơ đứng đầu băng đảng, có tư tưởng kỳ lạ là tái lập đế quốc. Ý nghĩ này đã có từ lâu : đàn áp thành công Tchetchenya năm 1999, tấn công Gruzia năm 2008, sáp nhập Donbass năm 2014, và năm 2022, khi đại dịch đang làm rung chuyển đất nước, Putin cần làm một cú lớn trước cuộc bầu cử 2024.

Các nhà lãnh đạo phương Tây không ý thức rằng Putin có cái nhìn khác hẳn. Đối với Vladimir Putin, Ukraina không phải là một nước dân chủ mà là con rối của Hoa Kỳ. Khi Emmanuel Macron muốn giúp tìm kiếm một lối thoát, Putin coi đó là biểu lộ của sự yếu kém. Liệu uy tín Putin có giảm sút khi những quan tài lính trở về từ Ukraina ? Nhà đối lập một lần nữa lưu ý, Nga không phải là một nước dân chủ, đường phố khó thể đe dọa được Putin. Còn những người thân tín ? Vấn đề này phức tạp vì có những nhóm khác nhau, có người thông minh lẫn kẻ lưu manh, hay kẻ bất tài cun cút theo đuôi ; giới tài phiệt thì không có ảnh hưởng.

Nguy cơ có thể đến từ quân đội hay tình báo. Nếu thất bại ở Ukraina, Vladimir Putin có thể ngã ngựa trong hai năm tới. Còn nếu chiến thắng, hồi kết của ông ta có thể được quyết định trong cuộc chiến sau đó liên quan đến một nước thành viên NATO, như oanh kích Ba Lan hay đưa quân vào một nước Baltic. Cũng theo Khodorkovski, bộ phận tuyên truyền Nga đã chuẩn bị dư luận cho việc này.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Thời sự Trong nước - https://www.moitruongvadothi.vn