Cơ hội nào cho đàm phán Ukraina-Nga đạt được kết quả ?

RFI

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan phát biểu trước khi bắt đầu cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraina tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 29/03/2022.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan phát biểu trước khi bắt đầu cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraina tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 29/03/2022. AP

Cuộc chiến tranh xâm lược Ukraina của Nga đã nổ ra bất ngờ hôm 24/02/2022. Ngay từ những ngày đầu tiên, cộng đồng quốc tế vẫn tiếp tục các nỗ lực ngoại giao, cho rằng chỉ có đàm phán mới có thể tìm ra lối thoát cho cuộc xung đột giữa hai quốc gia. Câu hỏi luôn được đặt ra làm cách nào chấm dứt nhanh chóng cuộc chiến khốc liệt ? Hai bên tham chiến đã thực sự sẵn sàng đàm phán hay chưa ?

Trong hơn hai tháng qua, giới quan sát đã chứng kiến tổng thống Pháp Emmanuel Macron, trong vai trò chủ tịch luân phiên của Liên Hiệp Châu Âu, đã có những hoạt động ngoại giao con thoi, cố gắng tìm kiếm một giải pháp chính trị hay cơ hội đối thoại giữa Kiev và Matxcơva. Những cuộc điện đàm đầu đặn của tổng thống Pháp với đồng nhiệm Nga rồi Ukraina nhưng cũng không đi đến đâu.

Cùng lúc đó, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cũng năng nổ không kém chứng tỏ vai trò muốn làm trung gian hòa giải giữa Kiev và Matxcơva. Cho đến giờ các cuộc thương lượng dưới mọi hình thức vẫn hoàn toàn bế tắc dù hai bên vẫn khẳng định sẵn sàng đàm phán với những điều kiện của mình đưa ra.

Các cuộc thương lượng ngoại giao trực tiếp hay trực tuyến đến lúc này được giới quan sát nhận thấy chủ yếu được hai bên sử dụng để kéo dài thời gian. Nga thì cố gắng tìm kiếm một chiến thắng có ý nghĩa trên chiến trường để áp đặt trên bàn đàm phán. Ukraina thì muốn có thời gian được tăng viện vũ khí để tăng cường sức chiến đấu của quân đội.

Hôm nay, 29/03, một lần nữa vòng thương lượng giữa Kiev và Matxcơva mở ra tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ trong một bối cảnh đã có những chuyển động mới trên chiến trường Ukraina. Sau hơn một tháng phát động cuộc chiến tranh trên diện rộng vào Ukraina, các cuộc tấn công của quân Nga vẫn dậm chân tại chỗ. Kremlin có vẻ như muốn xem lại chiến lược quân sự, bỏ kế hoạch đánh chiếm các thành phố lớn của Ukraina.

Quân đội Ukraina sau thời gian kháng cự nay đã tuyên bố chuyển qua phản công tại một số điểm trọng yếu như thủ đô Kiev hay Kharkov, hay Kherson, thành phố bị quân Nga chiếm ngay từ tuần đầu của cuộc chiến, từ hai ngày qua đã bị các các lực lượng Ukraina phản công dữ dội.

Hôm 25/03, bộ Quốc Phòng Nga thông báo thay đổi « mục tiêu chính », tập trung quân vào chiến trường Donbass. Theo nhiều nhà phân tích, vòng thương lượng Istanbul lần này cũng chủ yếu nhằm tìm kiếm các điều kiện tiền đề cho đàm phán giữa hai bên về một kế hoạch hòa bình thực sự. Theo hãng tin Interfax, được Reuters dẫn lại, ngày 25/3, trưởng đoàn đàm phán của Nga Vladimir Medinsky cho biết Nga đang tìm kiếm một thỏa thuận toàn diện trong các cuộc đàm phán với Ukraine.

Ngay sau khi tổng thống Vladimir Putin phát động cuộc chiến tranh xâm lược, Kremlin đã đưa ra một loạt yêu sách mang tính chất như tối hậu thư với Ukraina để chấm dứt chiến tranh. Nhưng đến thời điểm trước cuộc thương lượng mới ở Istanbul, truyền thông phương tây, dựa trên các nguồn tin ngoại giao, đã nói đến có sự thay đổi trong lập trường đàm phán của Nga. Matxcơva có thể đã rút bớt, hoặc giảm nhẹ một số điều kiện đối với Kiev. Tuy nhiên các yêu sách phi quân sự hóa, không gia nhập NATO hay quy chế trung lập cho Ukraina vẫn là điều kiện bất di bất dịch của Nga đối với Ukraina.

Về phần mình, tổng thống Ukraina, Volodymyr Zelensky, ngay từ đầu cuộc chiến tranh luôn tỏ thiện chí sẵn sàng đàm phán với Matxcơva, cũng dần dần nói rõ hơn về các vấn đề mấu chốt đặt ra để thương lượng. Ông Zelensky, trong cuộc phỏng vấn cuối tuần qua, đã nhắc lại Ukraina sẵn sàng từ bỏ ý định gia nhập NATO và sẵn sàng « thảo luận kỹ » về quy chế trung lập cho Ukraina nhưng với điều kiện đất nước phải được « bảo đảm an ninh » lâu dài, có thể bằng một thỏa thuận quốc tế.

Cũng cần nhắc lại, năm 1994, sau khi tách ra độc lập, Kiev đã ký một thỏa thuận quốc tế bảm đảm sự toàn vẹn lãnh thổ Ukraina trước khi từ bỏ kho vũ khí hạt nhân có từ thời Liên Xô cũ. Văn kiện ký tại Budapest khi đó giờ có giá trị thế nào với Ukraina thì ai cũng đã rõ. Tổng thống Volodymyr Zelensky cũng ngỏ ý sẵn sàng « thỏa hiệp » trên vấn đề liên quan đến hai nước cộng hòa tự xưng ở vùng Donbass. Nhưng ông cũng nhấn mạnh lại hôm thứ Hai 28/3 tuần này là « vấn đề chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraina là những ưu tiên trong các cuộc đàm phán », mọi kết luận liên quan đến vấn đề này đều phải thông qua trưng cầu dân ý.

Các dấu hiệu để hai bên có thể nói chuyện được với nhau đang hiện rõ thêm. Có điều Ukraina cũng như Nga đều khẳng định kết quả đàm phán phải đáp ứng mục tiêu của phía mình. Hơn một tháng chiến tranh cường độ cao, chiến trường Ukraina đã có những thay đổi. Nhưng cả Kiev cũng như Matxcơva đều không thể khẳng định sẽ là bên chiến thắng. Các trừng phạt của phương Tây với Nga không làm thay đổi quyết tâm của Kremlin. Hy vọng vào đàm phán có kết quả giờ phụ thuộc vào việc liệu hai bên tham chiến đã thực sự sẵn sàng đàm phán chưa ?

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?