Tại sao Poutine xâm chiếm Ukraine ?


Nguyễn thị Cỏ May

 

image.png

Từ hai mươi năm nay, Poutine ôm ấp giấc mộng làm một người « vĩ đại » . Giữa ý thức hệ và sự « cuồng vinh » (say mê điên cuồng danh vọng, quyền lực, kiêu ngạo thai quá, …). Mãi tới nay, người ta mới thấy rõ Poutine đang trên đà thực hiện giấc mộng của ông ta.

Chiếm được Crimée năm 2014, trước nhơn dân nga, Poutine rất được ngưỡng mộ là người hùng. Và từ đó, Poutine trở thành ngày càng độc đoán hơn.

Nhớ lại lúc mới lên nắm quyền lực năm 2001, trước Quốc Hội Đức, Poutine tuyên bố «Chiến tranh lạnh đã kết thúc. Nga là một nước bạn của Âu châu» liền được cả Quốc Hội hoan nghinh nhiệt tình. Ông lại phát biểu bằng tiến đức khá trôi chảy nhờ được học để làm tình báo tại thành phố Drede của Đông Đức.

Khi NY bị Oussama Ben Laden cho lịnh đánh sập hai tòa cao ốc Wold Trade Center, chính Poutine là người đầu tiên điện thoại chia sẻ đau buồn với George Bush. Người ta lúc bấy giờ nghĩ rằng giữa Nga và Huê kỳ có sự xích lại gần lịch sử. Nhưng thực tế khác đi. Chỉ ít lâu sau đó, Poutine được rỉ tai bằng những lời dối trá rằng quyền can thiệp chỉ là một khái niệm có thể thay đổi tùy hoàn cảnh. Chỉ có luật của kẻ mạnh mới có giá trị bền vững.

Năm sau, điều này được chứng minh khi Otan (NATO) kết nạp các nước thuộc Liên-xô cũ và cả những nước thuộc Đông Âu. Poutine liền cảm thấy mình bị bao vây và bị hăm dọa . Giấc mộng làm người vĩ đại khôi phục sự vĩ đại của nước Nga thời Nga Hoàng, từ Oural qua tới Odessa, sẽ không bao giờ thực hiện được chăng?

Poutine không muốn làm sống lại Liên-xô vì trong bài diễn văn đọc trước quốc dân Nga, trên TV, trước khi xua quân đánh chiếm Ukraine, ông đã phê phán Lê-nin và Xít-ta-lin đã lập đế chế Liên-xô mà đánh mất lảnh thổ của Nga Hoàng.

Cho tới trước khi Poutine tấn công Ukraine ngày 24/02/22, giới chức Tây phương vẫn chưa tin việc này có thể xảy ra. Tuy nhiên Poutine từ nhiều năm nay không hề ngừng suy nghĩ việc dùng sức mạnh quân sự khi cần. Chính ông Maurice Gourdault-Montagne, cựu Tổng thư ký Bộ Ngoại giao Pháp, còn ngạc nhiên đã thốt lên khi Ukraine bị tấn công « Chúng ta không hiểu Poutine muốn gì và chúng ta đã bị bất ngờ về Nga » .

Sau ba tuần dồn hết nổ lực đánh mạnh, đánh nhanh để chiếm lấy Ukraine hoặc chia cắt Ukraine nhưng tới nay mục tiêu tối hậu đó ngày càng xa vời. Như vậy giai đoạn I của cuộc chiến kể như bị thất bại. Và cuộc chiến sẽ kéo dài. Liệu Poutine chịu nổi không khi phần lớn lính có khả năng chiến đấu bị tổn thất, cả phi cơ, xe tăng, đạn dược ? Poutine ra lịnh đôn quân và kêu gọi Bắc kinh viện trợ lương thực và võ khí!

Giấc mơ phục hồi nước Nga vĩ đại chắc còn xa thì làm người vĩ đại còn khá mơ hồ! 

Mà Poutine thât tình có khả năng làm người vĩ đại không?

Theo nhiều nhà tâm lý và phân tâm học thì Poutine là con người vô cùng bất thường, có tánh kiêu ngạo, điên cuồng quyền lực và danh vọng. Nhưng theo ông Wole Soyinka, nhà văn nigérien (xứ Nigérie), giải thưởng Nobel văn chương năm 1986, nhận xét về Poutine nhơn vụ xăm lăng Ukraine, thì Poutine là một người nhỏ bé xíu, rất giới hạn về hiểu biết . Nhỏ về tinh thần, một người nhỏ bé bịnh hoạn. Yêu ớt ngay từ lúc mới sanh » .

Ông nói rõ thêm. Vì nhỏ bé về mọi mặt nên Poutine phải vận vào người bộ y phục lớn hơn ông ta. Poutine đã phải tìm hằng chục cách khác nhau để cho vừa với bộ y phục. Cách mà Poutine chọn lại rất đơn giản, đó là bạo lực. Và sau cùng chắc chắn ông ta e khó tránh sẽ bị đưa ra Tòa án xét sử về tội ác chiến tranh .Ngày tàn của Poutìne sẽ do nhơn dân Nga quyết định. Ngày đó sẽ tới thôi . 

Kẻ thù thật sự của Poutine

image.png

Những biện pháp kinh tế tài cánh do Phương tây và Huê kỳ áp dụng đối với Poutine đã làm cho vật giá ở Nga gia tăng phi mã sẽ trở thành sức mạnh thúc đẩy nhơn dân Nga đứng lên chống đối Poutine. Giá thực phẩm ở Nga như bấp cải tăng lên 30%, khoai tây tăng 40%, dầu ăn tăng 70% trong lúc đồng roube lại mất giá mạnh (Theo tin AFP) .

Lịch sử pháp cho thấy từ thế kỷ XVIII hễ cứ lạm phát là làm bùng nổ cách mạng hay nhơn dân bạo loạn. Lạm phát luôn luôn là yếu tố đầu tiên làm cho dân chúng xuống đường. Nó có một sức mạnh phi thường biến sự thiếu thốn của cá nhơn trở thành nghèo đói của toàn dân và trở thành kẻ thù số một của những nhà độc tài.

Hồi cuối năm rồi, trong bài diễn văn thường lệ, Poutine tỏ ra hân hoan vì cho rằng mức lạm phát của Nga vẫn thấp hơn ở nhiều nước khác. Như vậy trong toan tính, ông thấy an lòng khi xua quân đánh  Ukraine vì Nga sẽ không bị lạm phát.

Nay vật giá ở Nga đã gia tăng mau và mạnh mà nạn khan hiếm thực phẩm và nhu yếu phẩm đang hăm dọa đời sống nhơn dân. Tình trạng này ảnh hưởng thẳng vào dân chúng, biến dân chúng thành sức mạnh chống  Poutine, chế độ có sụp đổ cũng từ đây. Nó hiệu quả cao hơn biện pháp phong tỏa tài sản của những nhà giàu và cả của  Poutine.

Thật vậy vì dân chúng hãy còn bị ám ảnh tình trạng xứ Nga hồi năm 1993, sau khi Liên-xô sụp đổ, vật giá đã tăng tới 1000% .

Khi đó thì mật vụ, công an, dư luận viên, tụi đầu gấu cực kỳ ác ôn,…đều không thể ngăn chặn sức lạm phát và sự tức giận của dân chúng do vật giá gây ra .

Đã biết sẽ có sự nguy hiểm cho chế độ khi xua quân đánh chiếm Ukraine mà tại sao Poutine vẫn tiến hành?

Chủ thuyết Âu-á * (Eurasisme)

image.png

Trước đà ảnh hưởng văn minh Tây phương và Huê kỳ, hơn bao giờ hết, Nga muốn mau mau cắt đứt liên hệ và mau mau trở về với cội nguồn của mình. Người đưa ra ý kiến  Nga cần phải cắt đứt vĩnh viễn với Tây phương là ông Alexandre Douguine, một triết gia người Nga, còn được gọi là nhà tiên tri. Từ ba thập niên qua, ông ảnh hưởng mạnh giới chức lãnh đạo ở Điện Cẩm-linh thân cận sát cánh với Poutine.

Lánh xa Tây phương và Huê kỳ vì ông chủ trương chống lại tư tưởng tự do, chống Tây phương, chống chủ trương hiện đại. Tư tuởng của Douguine phần lớn ảnh hưởng và là động cơ suy nghĩ của giới quân nhơn nga cấp chỉ huy, giới chánh trị và từ đó ảnh hưởng Poutine. 

Từ lâu nay, họ cho rằng phải chống Tây phương vì Tây phương chỉ là một thứ nghĩa địa chất độc, của tập quán suy đồi, tiêu biểu bỡi phong trào LGBTQ.  Tây phương ngày nay nơi thành công của Rothschild, Soros, Bill Gates và Zuckerberg không gì khác hơn là thứ hiện tượng ghê tởm nhứt lịch sử. Nên sau khi Liên-xô sụp đổ năm 1991, người Nga bèn đi tìm một động cơ suy nghĩ mới, lập nên một  ý hệ thay thế chủ nghĩa cộng sản vừa cáo chung . Dưới thời Boris Eltsine, một « ủy ban suy nghĩ » được thành lập để muu tìm một hệ tư tưởng mới nhưng rồi không đi tới đâu .

Khi cộng sản tự nó tiêu tan vì chính nó không có khả năng mở ra tương lại, chỉ quanh quẩn trong những hoạt động tuyên truyền nhồi sọ, khủng bố, cướp giựt tài sản cuả nhơn dân, cấu kết bè đảng tham nhũng của công, thì cậu thanh niên Alexandre Douguine không đón nhận «Lịch sử chấm dứt » (La fin de l’histoire) của  Francis Fukuyama để nhìn nhận thế giới thật sự hết cộng sản mà giờ đây chỉ có thế giới dân chủ tự do . Trái lại, ông đón nhận tư tưởng « Xung đột giữa các nền văn minh » (Le choc des civilisations) của Samuel Huntington.

Nhưng phải định nghĩa văn minh Nga là gì? Thế rồi, nhờ gãi tai, xoa trán,  Alexandre Douguine bỗng bắt được « thuyết âu-á » (L’eurasisme), một luồn tư tưởng không mấy ai quan tâm tới, lưu hành trong cộng đồng người Nga di dân hồi thập niên 1920 theo đó, Nga là một nước lớn rộng mênh mông, là một đế quốc vĩ đại, dân Nga không chấp nhận bị giới hạn trong biên cương lãnh thổ . 

Và người nga cũng chống lại người tây phương. Pierre le Grand bị lên án là tên phản quốc vì đã âu hóa nước Nga khi thành lập Pétersbourg . Trong suy nghĩ của những người theo tư tưởng âu-á (Eurasistes) thì họ phải là hậu duệ của Thành-cát Tư-hãn, những người xây dựng một Nhà nước trung tâm mạnh, tập trung quyền lực . Và theo những người này thì Trung cổ có nhiều quí tộc hơn thời Phục hưng. Trung cổ mới thật sự là thời đại vinh quang!

Trong những năm 90, Alexandre Douguine lập ra một trường phái địa-chánh (école géopolitique) và ông nổi tiếng với tác phẩm « Những nền tảng địa chánh » (Fondementaux géopolitiques, 1977) .

Ở Mạc-tư-khoa, Alexandre Douguine ảnh hưởng mạnh giới « những người mạnh », những người chỉ huy quân đội, tình báo, công an.

Năm 1999, khi Poutine lên cầm quyền, chủ thuyết Douguine rất được phổ biến rộng rãi. Tới năm 2014, sau khi Poutine chiếm Crimée, ông bị thất sủng vì đã không tiên liệu được sự chống đối quyết liệt của Ukraine. Tuy nhiên tư tưởng Douguine vẫn lan rộng tới Nam Mỹ và Pháp . Riêng ở Pháp, nhóm cực hữu, cả Eric Zemmour, ứng cử Tổng thống bị ảnh hưởng nặng tư tưởng Douguine. Zemmour tuyên bố về Ukraine « Nếu Ukraine không chống Nga tại sao muốn mình là một Quôc gia Độc lập » . 

Khi Poutine tiến đánh vào  Ukraine, thì Aleandre Douguine và  Poutine đều cho rằng dân nga là sắc dân vượt trội hơn dân Ukraine.

Nhưng Quốc Hội huê kỳ vừa biểu quyết nhìn nhận có tội ác chiến tranh ở Ukraine . Ông Tổng thống Biden lên tiếng tố cáo  Poutine vi phạm tội ác chiến tranh ở Ukraine. Và Tòa án Hình sự Quốc tế cho mở cuộc điều tra tội ác chiến tranh ở Ukraine.

Trước tình thế sa lầy hiện nay, với nhiều tổn thất ở  Ukraine, liệu Poutine sẽ nhượng bộ hay vì tánh tự kiêu ngông cuồng mà sấn tới, cả với bom nguyên tử?

Thế giới xưa nay đã nhiều lần thoát khỏi thảm họa nguyên tử chỉ trong đường tơ kẻ tóc . Và lần này cũng sẽ tai qua nạn khỏi nữa?

Có dịp sẽ trở lại thuyết này .

 Nguyễn thị Cỏ May

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?