Châu Âu tìm được nguồn năng lượng mới hứa hẹn thay thế cho Nga? - Soha
Minh Khôi |
Đối mặt với một cuộc khủng hoảng năng lượng, châu Âu đã mất nhiều tháng để tìm kiếm nguồn năng lượng ở một châu lục khác.
Nguồn năng lượng mới hứa hẹn
Đối mặt với một cuộc khủng hoảng năng lượng và thách thức trong việc tìm nguồn năng lượng thay thế cho khí đốt của Nga, các nhà lãnh đạo châu Âu đã mất nhiều tháng để cân nhắc các dự án năng lượng tại châu Phi, bước đi đang được các đối tác tại châu lục này đón nhận.
Senegal và Mauritania đang lên kế hoạch sẽ cung cấp khí tự nhiên hoá lỏng cho Đức. Chính phủ Senegal kì vọng sẽ cung ứng cho nền kinh tế lớn nhất châu Âu khoảng 2,5 triệu tấn khí đốt từ 2023 và tăng lên 10 triệu tấn vào 2030. Liên minh châu Âu (EU) cũng đang thúc đẩy các dự án cơ sở hạ tầng về năng lượng, bao gồm khí hoá thạch.
Một số quốc gia như Nam Phi và Tanzania đang sở hữu những mỏ khí lớn có thể mang lại lợi nhuận hàng tỉ đô la.
“Đây là thời khắc tuyệt vời cho châu Phi”, Giám đốc điều hành Liên đoàn châu Phi Rashid Ali Abdallah nói với DW. “Không chỉ châu Âu, đây là cuộc khủng hoảng toàn cầu và châu Phi có thể giúp đáp ứng nhu cầu trên thế giới”.
Từ Nigeria đến Ai Cập, Algeria hay Mozambique, các nước châu Phi đang thúc đẩy việc sản xuất nguồn khí đốt để sử dụng trong nước và xuất khẩu sang châu Âu.
“Châu Phi đã tỉnh giấc và chúng tôi đang tận dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên để phát triển”, Bộ trưởng Năng lượng Uganda Ruth Nankabirwa Ssentamu nói ở thời điểm trước khi diễn ra Hội nghị COP27 tại Ai Cập.
Hiện hoạt động xuất khẩu dầu và khí đốt đang là nguồn thu chính đối với nhiều nước châu Phi, chiếm tới 50-80% tổng lợi nhuận của một số nước. Hầu hết lượng khí đốt được sản xuất là dành cho xuất khẩu
Châu Âu đang biến châu Phi thành "trạm xăng" của mình?
Tuy nhiên, các nhà hoạt động môi trường toàn cầu đã khuyến cáo các nước giàu có dừng các cuộc đàm phán về cung ứng khí đốt với đối tác châu Phi trong hội nghị COP27.
Mohamed Adow, giám đốc Power Shift Africa, nói với giới truyền thông rằng châu Âu đang cố gắng biến châu Phi thành “trạm xăng” của họ trong khi không cung cấp đủ tài chính để thúc đẩy các nỗ lực chuyển đổi xanh.
“Chúng ta không thể để châu Phi, vốn đã lỡ mất cơ hội công nghiệp hoá từ giai đoạn bùng nổ của năng lượng hoá thạch, giờ trở thành nạn nhân của những tầm nhìn ngắn hạn và ích kỉ", ông nhấn mạnh.
Trong nỗ lực nhằm xanh hoá nền kinh tế, nhu cầu về khí đốt của châu Âu đối với châu Phi sẽ giảm dần, Kofi Mbuk, chuyên gia về công nghệ sạch tại Carbon Tracker nói.
Theo đó, các khoản đầu tư hàng tỷ đô la vào các tuyến đường ống dẫn khí đốt của châu Phi đang đứng trước nguy cơ sẽ mất đi giá trị trong vài năm tới.
Các dự án khí hoá lỏng đang xây dựng hay được lên kế hoạch trên toàn thế giới, nếu được triển khai, sẽ làm tăng lượng khí phát thải thêm 10% trên toàn cầu, theo báo cáo của Climate Action Tracker cho biết. Vào năm 2030, ước tính nguồn cung khí hoá lỏng sẽ cao gấp 5 lần lượng khí đốt châu Âu nhập của Nga trong 2021.
“Cuộc khủng hoảng năng lượng đang thay thế cuộc khủng hoảng khí hậu”, Bill Hare, CEO của Climate Analytics cho biết. “Các phân tích của chúng tôi chỉ ra rằng các dự án khí hoá lỏng đang được xây dựng hay sẽ triển khai sẽ khiến nguồn cung dư thừa lớn hơn nhiều số khí đốt cần thay thế nguồn cung từ Nga”.
Nhận xét
Đăng nhận xét