Trên và đằng sau sân khấu Nga-Trung
- Thục Quyên
- Gửi tới BBC từ Munich, Đức
Trên sân khấu
Sau khi tuyên bố Trung Quốc sẽ đưa ra một kế hoạch Hoà bình tại Hội nghị An ninh Munich, ông Vương Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa XX, hiện là Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Ngoại sự Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã rời Munich đi Moscow.
Đón tiếp Vương Nghị, Tổng thống Nga Vladimir Putin nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ chặt chẽ giữa hai nước và hai nước đang theo đuổi các mục tiêu chiến lược chung trên trường thế giới. "Sự hợp tác trên trường quốc tế giữa Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và Liên bang Nga, có tầm quan trọng rất lớn đối với việc ổn định tình hình quốc tế.
Về phía Trung Quốc, Vương Nghị tuyên bố ''Mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Trung Quốc và Nga không bao giờ nhằm chống lại bên thứ ba, và tất nhiên nó sẽ không bị tổn hại bởi sự can thiệp và khiêu khích của bên thứ ba. Chúng tôi sẽ không phục tùng sự ép buộc và áp lực của một bên thứ ba."
Thật ra, cho tới nay, Trung Quốc không lên án cuộc chiến tranh xâm lược của Nga tại Ukraine, nhưng cũng không công khai phản đối các biện pháp trừng phạt của phương Tây, và rất thận trọng không phóng đại căng thẳng đang gia tăng giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ.
Và đằng sau sân khấu
Các biện pháp trừng phạt Nga đã được gia tăng kể từ khi Putin phát động cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine. Tuy nhiên, cho đến nay, Nga đã có thể dựa vào quan hệ đối tác với các quốc gia như Trung Quốc hoặc Ấn Độ để bù đắp phần lớn hoạt động kinh doanh với phương Tây đã bị mất.
Nhưng chậm mà chắc, sợi dây siết Putin và phe phái của ông đang đến hồi gay cấn: năm 2022, ngành ngân hàng Nga chỉ tránh được một năm thua lỗ trong gang tấc vì dưới áp lực gây ra bởi các biện pháp trừng phạt của phương Tây, lợi nhuận của các ngân hàng Nga đã giảm hơn 90%..
Nhìn chung, lĩnh vực ngân hàng đã kiếm được 203 tỷ rúp (2,8 tỷ USD) lợi nhuận - khoảng 1/12 so với mức kỷ lục 2,4 nghìn tỷ rúp được công bố vào năm 2021, theo một báo cáo của ngân hàng trung ương Nga . Đây là mức lợi nhuận thấp nhất của các ngân hàng Nga kể từ năm 2015.
Triển vọng cho năm 2023 thậm chí còn ảm đạm hơn: Các tổ chức tài chính từ các quốc gia như Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) và từ các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ ở Trung Á như Kazakhstan và Turkmenistan hiện cũng đang rút khỏi Nga, theo báo cáo của tờ Handelsblatt.
Cho đến nay, những nước trên vẫn tiếp tục kinh doanh với Nga, bất chấp lệnh trừng phạt của phương Tây. Nhưng tình trạng này đã chấm dứt.
Hệ thống tài chính Nga không còn nhiều cách xoay xở. Các biện pháp trừng phạt nghiêm ngặt hiện đã được áp dụng đối với phần lớn các tổ chức tài chính quan trọng nhất của Nga.
Một số, bao gồm các ngân hàng Sberbank, VTB và VEB, đã bị loại khỏi hệ thống quốc tế Swift. Cho đến cuối năm 2022, Gazprombank vẫn có thể thực hiện chuyển khoản bằng đô la Mỹ hoặc Euro, nhưng điều đó đã dừng lại kể từ tháng Giêng 2023.
Tại một hội nghị kinh tế ở Moscow, Alexander Rachmanin, phó giám đốc ngân hàng Nga Rosbank, báo cáo rằng các tổ chức tài chính như Ngân hàng Trung Quốc, Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC), Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc và một số ngân hàng khác của Trung Quốc sẽ cắt đứt quan hệ với các ngân hàng Nga đang nằm trên danh sách bị phương Tây trừng phạt, vì lo sợ chính mình bị trừng phạt.
Cho thấy lời tuyên bố của Vương Nghị trên sân khấu chính trị "Chúng tôi sẽ không phục tùng sự ép buộc và áp lực của một bên thứ ba" không hẳn thực sự như vậy.
Sự khéo léo của Mỹ và Âu châu để vừa cứng rắn ủng hộ Ukraine vừa không làm Trung Quốc và Nga mất mặt là cách duy nhất để tạo được con đường đưa tới chấm dứt chiến tranh.
Bài thể hiện quan điểm riêng của tác giả từ Munich, Đức.
Nhận xét
Đăng nhận xét