Hợp tác Việt Nam - Ấn Độ: Kích hoạt hàng loạt dự án tỉ đô
01/08/2024 08:24 GMT+7
Các tập đoàn, tỉ phú của Ấn Độ khẳng định sẽ rót vốn vào hàng loạt dự án tỉ USD tại Việt Nam trên cơ sở được tạo thuận lợi đầu tư, có chính sách ưu đãi nhân chuyến thăm cấp nhà nước của Thủ tướng Phạm Minh Chính đến Ấn Độ trong hai ngày 31-7 và 1-8.
Trong ngày làm việc đầu tiên tại Ấn Độ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp hàng chục doanh nghiệp, tập đoàn lớn của Ấn Độ và tham dự diễn đàn doanh nghiệp hai nước.
Bàn thảo các dự án cụ thể
Tại tất cả các cuộc làm việc, Thủ tướng đều tập trung bàn về các lĩnh vực mà Việt Nam đang mong muốn thu hút đầu tư nước ngoài như hạ tầng, cảng biển, sân bay, dược phẩm, năng lượng, công nghiệp và dầu khí…
Trong số những lĩnh vực ấy, đã có không ít nhà đầu tư Ấn Độ đến Việt Nam khảo sát cơ hội song bày tỏ mong muốn cần tháo gỡ các vướng mắc để hiện thực hóa các dự án.
Như với tập đoàn lớn nhất của Ấn Độ chuyên đầu tư hạ tầng, năng lượng Adani, đích thân chủ tịch tập đoàn là ông Gautam Adani đã đến và chia sẻ về các kế hoạch đầu tư.
Ông cho biết muốn rót 100% vốn đầu tư vào cảng thông minh ở quận Liên Chiểu (Đà Nẵng) có quy mô hơn 2 tỉ USD, nhưng đang vướng ở quy định nhà đầu tư nước ngoài chỉ được sở hữu 49% vốn.
Adani cũng muốn đầu tư vào sân bay Chu Lai, sân bay Long Thành và nhiệt điện Vĩnh Tân 3 với quy mô vốn khoảng 3 tỉ USD và đề nghị tạo thuận lợi hơn nữa về thủ tục và môi trường đầu tư.
Nhiều hãng dược như Tập đoàn SMS Pharmaceuticals, Công ty Sri Avantika và Tập đoàn BDR bày tỏ ý định rót vốn lên tới hàng tỉ USD để xây dựng công viên sản xuất dược phẩm tại Khu kinh tế Nghi Sơn (Thanh Hóa) có quy mô cả 2 giai đoạn đầu tư khoảng 5 tỉ USD, xây dựng nhà máy sản xuất thuốc ung thư và điều trị bệnh hiểm nghèo.
Cùng với đó là hàng loạt nhà đầu tư thứ cấp, định hướng chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực và tạo môi trường khởi nghiệp cho doanh nghiệp Việt Nam trong hệ sinh thái dược phẩm.
Từ đó nâng tầm phát triển ngành công nghiệp dược của Việt Nam, chuyển giao công nghệ, thiết lập mạng lưới chuyên gia hỗ trợ điều trị bệnh nhân ung thư và giúp người dân Việt Nam, nhất là người nghèo, được trị bệnh.
Với lĩnh vực công nghiệp dầu khí, ông Arun Kumar Singh, chủ tịch Tập đoàn Dầu khí quốc gia ONGC, đã có quan hệ hợp tác 35 năm tại Việt Nam và mong muốn triển khai ngay việc khai thác mỏ dầu khí đang có ở Việt Nam.
Trong lĩnh vực công nghệ, ông Shikhar Malhotra - giám đốc HCL - cho hay đã có hợp tác với Viettel và mong muốn sẽ tập trung vào lĩnh vực bán dẫn, 5G, xây dựng cơ sở hạ tầng IT và AI…
Sự quan tâm của nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Ấn Độ càng được thể hiện rõ hơn tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Ấn Độ với sự tham dự của Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Nhiều nhà đầu tư Ấn Độ đã ở lại đến cuối để lắng nghe và ghi chép bài phát biểu của Thủ tướng cũng như chứng kiến hàng chục biên bản hợp tác.
Bộ trưởng Nhà nước Ấn Độ phụ trách thương mại và công nghiệp Jitin Prasada đánh giá Việt Nam có nền kinh tế năng động, phát triển, hội nhập sâu rộng.
Ấn Độ rất quan tâm sự thịnh vượng của Việt Nam, tin rằng Việt Nam đang hội nhập sâu hơn chuỗi giá trị toàn cầu nên kỳ vọng tiềm năng cơ hội hợp tác giữa hai bên là vô cùng lớn trong thời gian tới.
Chính sách "Hành động hướng Đông"
Tại diễn đàn doanh nghiệp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhắc lại tuyên bố của Thủ tướng Narendra Modi về chính sách "Hành động hướng Đông" của Ấn Độ đã góp phần thúc đẩy quan hệ hai nước, trọng tâm là quan hệ kinh tế, lên một tầm cao mới.
Thủ tướng đề nghị doanh nghiệp Ấn Độ tiếp tục đầu tư vào Việt Nam, hợp tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là lĩnh vực bán dẫn, đổi mới sáng tạo, dược phẩm, hydrogen, năng lượng tái tạo, chuyển đổi số…
Chính phủ Việt Nam sẽ luôn tạo điều kiện thuận lợi cũng như chuẩn bị tốt nhất các điều kiện để thu hút đầu tư như hạ tầng giao thông, đảm bảo điện, lập các tổ giải quyết vướng mắc của nhà đầu tư.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Võ Xuân Vinh, phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, cho rằng việc Ấn Độ coi Việt Nam là một trong những trụ cột của chính sách "Hành động hướng Đông" và Việt Nam nằm trong số các nước đầu tiên nâng cấp quan hệ với Ấn Độ càng khiến việc thúc đẩy hợp tác hai nước thêm nhiều ý nghĩa.
Để khai thác những lợi thế này, ông Vinh cho rằng các bộ ngành liên quan cần thông tin sâu rộng về những lĩnh vực tiềm năng tới doanh nghiệp hai bên để hiện thực hóa cam kết cụ thể.
Chính phủ Việt Nam cần hoàn thiện hệ thống pháp lý đảm bảo tính toàn diện, rõ ràng để giới đầu tư yên tâm rót vốn vào dự án lớn ở Việt Nam, nhấn mạnh việc tham gia vào các khâu trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Việt Nam và Ấn Độ cũng cần cân nhắc hướng tới hợp tác trong các lĩnh vực mũi nhọn như công nghiệp phần mềm và công nghiệp bán dẫn, năng lượng xanh và sạch, trí tuệ nhân tạo, nông nghiệp công nghệ cao thích ứng với biến đổi khí hậu (các giống cây trồng mới, đặc biệt là lúa chịu hạn mặn), công nghiệp quốc phòng, hợp tác công nghệ cao trong sản xuất thuốc và trang thiết bị y tế, khai thác dầu mỏ và khí đốt... thực chất, hiệu quả hơn.
Ông VÕ XUÂN VINH (phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Nam Á) khuyến nghị.
Nhận xét
Đăng nhận xét