Thể chế hóa hợp tác an ninh ba bên: Bước ngoặt mới trong quan hệ Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản

 Thế giới 30/07/2024 11:27

(Tổ Quốc) - Theo trang SCMP, các nhà phân tích cho rằng khuôn khổ hợp tác an ninh ba bên giữa Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản có thể phải đối mặt với những thách thức mới do sự khác biệt về ưu tiên giữa ba quốc gia liên quan.

Ngày 28/7, các bộ trưởng quốc phòng của Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc đã ký Bản ghi nhớ về hợp tác an ninh ba bên nhằm ứng phó với những thách thức an ninh khu vực.

Thể chế hóa hợp tác an ninh ba bên: Bước ngoặt mới trong quan hệ Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản  - Ảnh 1.

(Từ trái sang) Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Shin Won-sik, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Minoru Kihara và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin bắt tay nhau sau cuộc họp ba bên của các bộ trưởng quốc phòng tại Tokyo vào Chủ Nhật (28/7). Ảnh: AP

Lễ ký kết diễn ra tại cuộc họp giữa Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Minoru Kihara và Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Shin Won-sik ở Tokyo. Đây là cuộc họp ba bên lần thứ hai trong chưa đầy hai tháng qua. Cuộc họp lần trước diễn ra tại Singapore vào đầu tháng 6/2024.

Bản ghi nhớ bao gồm các thỏa thuận nhằm tăng cường hợp tác quốc phòng giữa 3 quốc gia, thông qua việc luân phiên tổ chức các cuộc họp cấp bộ trưởng hàng năm và chia sẻ chặt chẽ thông tin về tình hình trên Bán đảo Triều Tiên.

Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Shin Won-sik đã nhấn mạnh tầm quan trọng của Khung hợp tác an ninh ba bên (TSCF), mô tả đây là "văn bản đầu tiên trong lịch sử" đóng vai trò là thỏa thuận nền tảng để "thể chế hóa" hợp tác an ninh ba bên.

"Việc tăng tốc hợp tác an ninh được thúc đẩy bởi diễn biến tình hình an ninh hiện tại", ông Shin nói với báo chí vào ngày 28/7.

Ông Shin cũng chỉ ra các mối đe dọa hạt nhân và tên lửa ngày càng tăng từ Triều Tiên, chương trình hợp tác quân sự ngày càng tăng của nước này với Nga và khả năng xảy ra hành động quân sự là những yếu tố chính đòi hỏi phải có khuôn khổ hợp tác an ninh tăng cường giữa ba nước Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản.

"Thỏa thuận này thể chế hóa hợp tác an ninh ba bên giữa các cơ quan quốc phòng, bao gồm tham vấn chính sách cấp cao, chia sẻ thông tin, tập trận ba bên và hợp tác trao đổi quốc phòng, nhằm đóng góp vào hòa bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và xa hơn nữa", Bộ Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho biết trong một tuyên bố.

Ba nhà lãnh đạo quốc phòng cũng dành lời khen ngợi việc thực hiện thành công cuộc tập trận ba bên "Freedom Edge" vào tháng 6/2024.

"Thông qua cuộc tập trận, ba nước đã bày tỏ quyết tâm chung trong việc thúc đẩy khả năng tương tác ba bên để bảo vệ tự do, đảm bảo hòa bình và ổn định ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, bao gồm cả bán đảo Triều Tiên", tuyên bố cho biết thêm.

Trước tình hình hiện tại, dù được xem là thỏa thuận mang tính bước ngoặt để chính thức thể chế hóa hợp tác an ninh ba bên nhưng các nhà phân tích cho rằng khuôn khổ hợp tác an ninh ba bên vẫn có thể phải đối mặt với những thách thức trong thời gian tới do sự khác biệt về ưu tiên giữa ba quốc gia, đặc biệt là những tồn tại trong căng thẳng chính trị và lịch sử giữa Seoul và Tokyo có thể làm suy yếu thỏa thuận này.

Bước ngoặt mới trong quan hệ Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản

Trước đó, Bộ trưởng quốc phòng Hàn Quốc Shin Won Sik đã có chuyến thăm hai ngày, từ ngày 27-28/7, đến Tokyo. Đây là chuyến thăm đầu tiên của một bộ trưởng quốc phòng Hàn Quốc đến Nhật Bản sau 15 năm.

Ông Shin Won-sik đã có cuộc hội đàm song phương với Nhật Bản, bày tỏ hy vọng rằng hợp tác quốc phòng của nước này với Nhật Bản sẽ tiếp tục tiến triển.

"Do những lý do chính trị trong nước ở cả hai nước, hợp tác quốc phòng và an ninh giữa Hàn Quốc và Nhật Bản đôi khi đã tụt hậu hoặc trì trệ cho dù điều đó là cần thiết cho lợi ích quốc gia của cả hai nước. Hiện tại, quan hệ hai nước đã được nối lại nghiêm túc và tôi hy vọng rằng quan hệ hai bên sẽ không thoái lui hoặc đình trệ nữa", ông Shin nhấn mạnh.

Kim Jung-sup, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Sejong nhấn mạnh khuôn khổ hợp tác ba bên này có thể phải đối mặt với những thách thức do sự khác biệt về ưu tiên giữa ba quốc gia liên quan. Với những khoảng cách này, việc tăng cường hợp tác quốc phòng ba bên vượt quá mức cần thiết để ứng phó các mối đe dọa của Triều Tiên, có thể gây tổn hại đến lợi ích quốc gia của Hàn Quốc.

Ngoài ra, Jeh Sung-hoon, Giáo sư chuyên ngành Nghiên cứu Nga tại Đại học Ngoại ngữ Hankuk nhận định hợp tác an ninh ba bên được tăng cường có thể làm sâu sắc thêm "thế tiến thoái lưỡng nan về an ninh" mà Hàn Quốc đang phải đối mặt.

"Nếu ba nước tăng cường hợp tác an ninh, Nga và Triều Tiên cũng có thể sẽ tăng cường hơn nữa hợp tác quân sự để ứng phó. Vòng luẩn quẩn leo thang căng thẳng này sẽ tiếp tục nếu không có ngoại giao cho đến khi một bên không thể chịu đựng được áp lực nữa và bắt đầu có hành động quân sự", ông Jeh Sung-hoon nói.

Tuy nhiên, ông Moon Seong-mook tại Viện Nghiên cứu An ninh Quốc gia Hàn Quốc lập luận rằng TSCF sẽ giúp thúc đẩy hợp tác an ninh giữa ba bên dù là tình hình trong nước và quốc tế có thể có thay đổi./.

Hồng Nhung

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?